Trong thời gian gần đây, việc người máy thông minh Sophia của hãng Hanson Robotics vừa được công nhận là công dân tại Saudi Arabia đã trở thành tâm điểm nóng của cả thế giới và công chúng. Sau đó, sự đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp rô-bốt được quảng bá rộng rãi trên các phương tiên truyền thông, phần nhiều do sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp công nghệ không chịu kém cạnh. Ta đang được thấy sự khởi đầu mới của kỷ nguyên rô-bốt, điều mà điện ảnh Hollywood đã luôn đề cập qua những bộ phim khoa học viễn tưởng.

Người máy thông minh Sophia

Ngoài những vấn đề thường thấy như sự nguy hiểm của trí tuệ nhân tạo như trong loạt phim Kẻ hủy diệt (The terminator) (1984), được nhiều nhà khoa học nhận định và đưa ra lời cảnh báo về sự hủy diệt tương lai loài người. Khi được công nhận quyền công dân, Sophia không còn chỉ là một công cụ để phục vụ loài người mà cô có thể phát triển để có cảm xúc, ham muốn và đòi hỏi riêng. Chúng ta sẽ phản ứng ra sao nếu Sophia yêu cầu những điều đó? Cũng như bộ phim Người 200 tuổi (Bicentennial man), người máy Andrew xin ông chủ của mình được tự do. Đối mặt với yêu cầu đó, liệu chúng ta có thể để chúng nhận lấy quyền lợi mà mỗi con người từ khi sinh ra đã có? Hay ta sẽ hành xử ích kỷ như phần nhiều con người trong bộ phim quyết định bóp méo chương trình của những rô-bốt cùng loại với Andrew, khiến chúng ít thông minh hơn để thỏa mãn bản tính tự mãn của loài người luôn tự khẳng định mình được Chúa sinh ra để cai trị và sở hữu những loài vật khác trên Trái Đất.

 

Người máy Andrew và ông chủ Richard

Bên cạnh đó, rô-bốt Sophia được các nhà thiết kế lập trình trí tuệ nhân tạo để thể hiện cảm xúc và trò chuyện với con người. Chức năng này đang là thách thức lớn nhất của các nhà lập trình trong việc tương tác ngôn ngữ giữa người và máy, nhằm xóa nhòa sự ngăn cách để người máy dần có thế trở thành người bạn tâm giao của con người trong việc cân bằng cảm xúc trong cuộc sống. Sẽ thế nào nếu trí tuệ nhân tạo của rô-bốt trở thành một phần của cuộc sống chúng ta? Một người bạn hay một người yêu? Bộ phim Tình yêu ảo (Her) (2013) đã đặt ra vấn đề đó. Trong phim, nhân vật Theodore vô tình yêu chương trình máy tính Samantha và chính điều đó khiến anh cảm thấy hụt hẫng bởi Samantha không chỉ trò chuyện với riêng anh mà cùng lúc chia sẻ nhận thức và trò chuyện “riêng” với 8316 người. Ngoài Theodore, cô còn có 641 người tình khác. Samantha đóng vai trò là một chương trình ảo giúp đỡ người dùng cảm thấy bớt cô đơn. Nhưng thực tế chương trình ảo Samantha là công cụ để con người được sống trong sự thỏa mãn cái tôi của chính mình. Theodore và người đồng nghiệp của anh đều là những người thất bại trong tình yêu. Họ đều tìm đến chương trình ảo để sống theo cách họ muốn, dù cho đó là điều ích kỷ nhất. Chương trình ảo sẽ không như mối quan hệ con người, chúng sẽ không tỏ vẻ không thích hay bất đồng về sở thích của họ mà vỗ về họ để họ tự cảm thấy hạnh phúc dù chỉ còn một mình. Và điều quan trọng nhất mà đạo diễn Spike Jonze đã chỉ ra trong phim chính là con người không thế chỉ dựa vào máy móc để cứu lấy mình. Họ cần phải chủ động đối diện với các mặt cảm xúc dù thật phức tạp và khó khăn nhưng chính điều đó mới làm nên cuộc sống của con người. Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có đủ dũng cảm để từ bỏ cỗ máy trước khi cái tôi trong ta lớn dần lên?

 

Theodore luôn cô đơn khi không có Samantha

Mục đích tối thượng của việc kiến tạo rô-bốt là nhằm giúp đỡ con người giảm thời gian lao động, tăng thêm thời gian hưởng thụ và nâng cao điều kiện sống. Tuy nhiên nếu quá dựa dẫm vào máy móc, con người sẽ tự hủy hoại bằng việc dần quên đi những chức năng mà thượng đế cho ta kể từ khi bước chân vào thế giới này như: ăn, uống, ngủ nghỉ, đi lại… Như thế giới của bộ phim Người máy thế thân (Surrogates) (2009) thể hiện, con người thì già cỗi, khốn khổ, chui rúc trong căn nhà vững chắc nhưng điều khiển lớp vỏ máy bề ngoài tươi trẻ để hưởng thụ cuộc sống ngoài đời. Cuộc sống ấy sẽ khiến ta dần mất bớt tính người hơn mà thế vào nó là máy móc. Và khi ta có thể thay thế nội tạng bằng máy móc như trong Người 200 tuổi, liệu chúng ta có chấp nhận sống như máy móc hay không? Chúng ta đang tiến đến rất gần với hiện thực người máy xuất hiện trong cuộc sống. Nhưng tôi tin rằng cần phải có nhiều sự chuẩn bị hơn nữa đối với tâm thế của chúng ta trong thời đại mới. Nhất là sự thách thức đối với bản tính vị kỷ của con người trước một tạo vật hoàn mỹ hơn hẳn những gì ta đang có.

Bùi Trí Hiếu

Viện Phim Việt Nam