Bộ phim Ký sinh trùng (Parasite) kể về gia đình họ Kim, gồm Kim Ki-taek – một lái xe thất nghiệp, người vợ Chung-sook, con trai Ki-woo thi đại học 4 lần không đỗ, con gái Ki-jeong phải dừng chuyện học hành vì không có tiền. Cả gia đình sống tạm bợ trong ngôi nhà bán hầm nghèo nàn. Ki-woo được bạn giới thiệu làm gia sư cho con gái chủ tịch Park là sự kiện mở đầu kế hoạch lừa đảo để lần lượt từng người trong gia đình họ Kim đến làm việc cho nhà Park. Truyện phim với nhiều tình tiết hài hước lẫn thương đau khiến những nhà nghiên cứu đánh giá đây là “một bộ phim điện ảnh hài kịch đen” xuất sắc – đạt giải Cành cọ vàng trong Liên hoan phim Cannes, được trao 4 giải trong Lễ trao giải Oscar lần thứ 92: Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Phim quốc tế xuất sắc nhất, Kịch bản gốc xuất sắc nhất.… Qua tấn bi kịch ấy, vấn đề thân phận con người được thể hiện chân thực và đầy ám ảnh.

1. Cuộc chiến sinh tồn & đặc tính ký sinh trùng của con người

1.1. Cuộc chiến của sự sinh tồn

Sinh tồn là vấn đề chung của loài người cũng như mọi giống loài trên trái đất. Cuộc chiến sinh tồn của con người trong Ký sinh trùng diễn ra theo đúng quy luật “cá lớn nuốt cá bé” và khi có mâu thuẫn về quyền lợi. Tiêu biểu là cuộc chiến giữa gia đình họ Kim và vợ chồng bà quản gia Moon-gwang.

 

Gia đình họ Kim nghèo khổ nhưng giàu toan tính

 

Trước hết, gia đình họ Kim thôn tính vị trí những người làm trong nhà chủ tịch Park bằng mọi âm mưu để thế chỗ vào. Tính bầy đàn, tập thể, phối hợp nhịp nhàng được thể hiện rất rõ trong gia đình nhà ông Kim. Giữa phim, cuộc chiến sinh tồn thực sự diễn ra trực diện giữa hai gia đình mâu thuẫn quyền lợi: gia đình nhà ông Kim và hai vợ chồng quản gia cũ Moon-gwang. Trong không gian cuộc chiến là căn hầm thiếu sáng, họ tìm cách tiêu diệt nhau triệt để.

Đặc biệt, “cá lớn nuốt cá bé” còn xảy ra cả giữa gia đình nhà họ Kim và gia đình Park. Tuy chủ tịch Park là người thành đạt nhưng lại thua trò lừa gạt, thói lưu manh của gia đình họ Kim. Phu nhân Park là Yeon-kyo chẳng khác một con cừu non để gia đình nhà họ Kim dắt mũi. Giả dối đã là một đặc tính của xã hội hiện đại. Ki-woo sau khi có được tình cảm của con gái ông Park đã tính đến việc sẽ thuê ai đó đóng giả bố mẹ mình trong đám cưới sau này với cô bé. Em gái Ki-woo cũng từng được thuê đóng giả người nhà trong rất nhiều đám cưới. Thoại là yếu tố thể hiện trực tiếp vấn đề này.

Tất cả cuộc chiến sinh tồn trong Ký sinh trùng được thể hiện hợp lý và thành công bằng kết cấu ba hồi vừa cổ điển vừa hiện đại. Hồi đầu tiên giới thiệu về cuộc sống nghèo nàn của gia đình Kim Ki-taekBạn thân của Ki-woo đến tặng hòn đá với ý nghĩa phong thủy về sự thịnh vượng và giới thiệu Ki-woo đi dạy tiếng Anh. Ki-woo được nhận làm gia sư trong nhà họ Park, cậu ta chợt nảy ra sáng kiến giới thiệu em gái mình làm gia sư dạy vẽ cho con trai út họ Park.  

Ở hồi thứ hai, bà quản gia và lái xe riêng của gia đình Park bị nhà họ Kim bày mưu đẩy đi để lần lượt thế chỗ vào: Ông Kim làm lái xe, bà Chung-sook làm quản gia, con trai làm gia sư tiếng Anh và con gái làm giáo viên dạy vẽ cho con chủ tịch Park. Bất ngờ, bà quản gia cũ Moon-gwang trở về, lúc gia đình Park đi vắng. Hóa ra căn nhà của ông Park có tầng hầm bí mật, nơi người chồng của bà Moon-gwang đang sống chui lủi (để trốn nợ) suýt chết đói. Vô tình biết được sự bày trò của gia đình ông Kim, bà Moon-gwang tìm cách phanh phui, dẫn đến cuộc ẩu đả giữa hai bên. Rút cuộc, Moon-gwang bị chấn thương não, chồng bà bị trói chặt dưới hầm… Hồi thứ hai của phim kết thúc bằng việc chồng bà quả gia Moon-gwang thoát khỏi căn hầm, cầm dao truy sát những người nhà họ Kim.

Sang hồi thứ ba, chồng bà Moon-gwang đâm chết con gái của ông Kim, con trai ông Kim cũng nằm trong vũng máu. Cao trào lớn nhất của Ký sinh trùng rất đặc biệt, góp phần làm nên cái mà người ta gọi là “Ký sinh trùng đã phá vỡ sự nhàm chán của giải Oscar” – đó là hành động lái xe Kim cầm dao đâm chết ông chủ (ngài Park). Về bề nổi, chủ tịch Park không phải là kẻ thù của gia đình Kim, tuy nhiên chủ tịch Park cùng với sự phân biệt về mùi (biểu hiện của phân biệt đẳng cấp) của ông ta đã làm sự thâm thù hiện diện vô thức nhưng mạnh mẽ mà chính người mang mối thù đó cũng không hề biết nó tồn tại. Ở đỉnh cao về nhân tính, loài người không chỉ khổ về sự thiếu thốn vật chất mà còn dằn vặt trong tâm hồn, biết xấu hổ và mặc cảm. Kết phim, cả ba gia đình đều tan nát. Nỗi đau về vật chất lẫn tinh thần hiển hiện.

 

Poster phim Ký sinh trùng với các nhân vật bị che mặt

để thể hiện tính điển hình cho con người thời hiện đại

 

1.2. Đặc tính ký sinh trùng của loài người như một lựa chọn yếu hèn về lối sống

Trong sinh tồn, ngoài “cá lớn nuốt cá bé”, tiêu diệt nhau để giành con mồi, hình thức tồn tại của các sinh vật vô cùng đa dạng, có thể là cộng sinh (cộng tác cùng có lợi) cũng có thể là ký sinh (một đối tượng sống phụ thuộc hoàn toàn vào đối tượng khác) (1)… Đúng như tên phim, đặc tính ký sinh được thể hiện rất rõ trong Ký sinh trùng.

Không giống với với các động - thực vật, mọi con người đều có đặc tính “ký sinh trùng” – tức là sống dựa vào người khác khi có thể. Ví dụ, những thanh niên trưởng thành không lao động mà sống “ký sinh” vào tiền bạc của bố mẹ đã trở thành một hiện tượng nổi cộm ở xã hội Nhật Bản đương thời (2)… Mối quan hệ con người phức tạp bao nhiêu thì các cách con người ký sinh, dựa vào người khác phức tạp bấy nhiêu… Tiêu biểu “ký sinh trùng” của bộ phim này là hai người đàn ông: Oh Geun-sae và Kim Ki-taek.

Oh Geun-sae là chồng của quản gia Moon-gwang, từng làm chủ tiệm bánh Đài Loan nhưng buôn bán thua lỗ, để lại một món nợ và luôn bị truy đuổi. Để trốn chạy, ông ta sống lén lút trong căn hầm bí mật của gia đình họ Park, hàng ngày được vợ tiếp tế đồ ăn, thức uống và rất thoải mái với cuộc sống đó.

Người thứ hai là Kim Ki-taek - người đàn ông trụ cột trong gia đình họ Kim, sau khi giết người (chủ tịch Park) đã chọn phương án là trú ẩn trong căn phòng bí mật, sống khổ sở, cầm cự cho qua ngày để trốn tránh sự truy lùng của cảnh sát. 

Điều đáng lưu ý ở cuộc sống ký sinh này là tuy thái độ tiếp nhận của hai người đàn ông hoàn toàn khác nhau (người hài lòng, người chán nản) nhưng chính họ chủ động lựa chọn. Cả hai đã trốn chạy lỗi lầm, thất bại của mình để sống chui lủi trong nhà người khác như một ký sinh trùng trên vật chủ mà vật chủ (những vị chủ nhà) không hề hay biết. Nếu trong giới động - thực vật, sống ký sinh là cách tồn tại mà Thượng Đế phú cho loài sinh vật đó (ví dụ: loài cây tầm gửi)… thì con người, đó là sự chủ động lựa chọn cách sống. Chính điều ấy làm nên bi kịch của bộ phim.  

2. Biểu tượng cầu thang và mùi hương gắn với mặc cảm về sự phân cấp xã hội

So với các loại sinh vật khác, con người có tổ chức xã hội cực kì phức tạp. Tuy không ngừng nói về tính bình đẳng, nhưng do bản chất luôn muốn khẳng định sự tồn tại và thể hiện sự khác biệt của mình… nên từ trong tâm tư sâu thẳm con người đã có tính phân biệt “tôi” khác “bạn”, “chúng ta” khác “họ”… Sự phân cấp xã hội có nhiều tiêu chí, dựa vào “uy tín (địa vị)”, “quyền lực (đảng phái)”, và cơ bản còn dựa vào “của cải” (3).  

Trong Ký sinh trùng, phân biệt rõ nét giữa người giàu và người nghèo. Tiền bạc không chỉ tạo ra hai thế giới sinh hoạt khác biệt – người giàu sống trong xa hoa, ánh sáng; người nghèo sống nơi tối tăm… mà còn chi phối đến tâm tư, tình cảm, lối nghĩ. Tiêu biểu như gia đình họ Kim - tất cả các nhân vật này đều thể hiện bản lĩnh và trí thông minh của mình trong mọi tình huống, hỗ trợ, phối hợp với nhau cực kì nhịp nhàng. Những người giàu trong gia đình Park không phải không thông minh, nhưng tính cách cơ bản của vợ ông Park lại “đơn thuần và lương thiện”. Theo lý giải của vợ lái xe Kim thì họ “có tiền nên mới tốt bụng (…) Tiền chính là bàn là, là phẳng tất cả.”.  

Lặp đi lặp lại trong bộ phim là hình ảnh cầu thang, thể hiện sự phân cấp xã hội. Gia đình lái xe Kim sống trong căn nhà bán hầm, khi mưa lớn nhà bị ngập trong nước cống. Theo chân những người gia đình ông Kim khi đến nhà chủ tịch Park, con đường đều hướng đến địa thế cao, bậc thang đi lên, đầy ánh nắng và cây xanh. Đi theo những bậc thang xuống dưới tầng hầm là nơi ở của chồng quản gia Moon-gwang bao năm sống trong bóng tối.

Đáng lưu tâm là mặc cảm về phân cấp xã hội đến từ những người thấp kém về tiền bạc, địa vị và cả người giàu có như gia đình ông Park. Sâu thẳm của mọi sự mặc cảm đều đến từ sự yếu đuối và tính thiếu thốn. Ông Kim luôn ám ảnh về mùi thân thể mình và người thân. Đó là mùi của người nghèo, giống “mùi khi luộc một miếng giẻ (…) thi thoảng em sẽ ngửi thấy nó trên tàu điện ngầm” qua miệng của ông Park nói chuyện với vợ. Khi vô tình thấy họ bàn về mùi của mình, ông Kim lặng lẽ tự kéo áo lên ngửi. Lần nào ông cũng chịu đựng, như chấp nhận chịu đựng hoàn cảnh khổ nghèo của mình một cách bất lực. Đỉnh điểm là khi chứng kiến chủ tịch Park bịt mũi lúc đối diện với thân thể người đàn ông nghèo (chồng của bà quản gia Moon-gwang) Kim Ki-taek liền cầm dao xông lên đâm ông Park. Phản ứng nhanh tới mức về sau chính Kim Ki-taek cũng thừa nhận “không thể tin chuyện ngày hôm đó là thật” – như một chiếc lò xo bị kìm nén quá lâu, khi mất kiểm soát, nó bật tung và gây ra hậu quả khôn lường. Ông Park, chỉ vì vô tình phân biệt và né tránh mùi của tầng lớp khác mình đã chịu lãnh hậu quả cái chết. Tiền bạc, đẳng cấp có thể khác nhau, nhưng cái chết của Park khiến ta nhận ra rằng mạng sống của con người đều bình đẳng và mong manh như nhau. Vô thức làm tổn thương người khác, có thể bạn sẽ phải trả quá đắt mà không kịp biết tại sao thương đau lại giáng xuống đầu mình. Sức mạnh cảnh báo của bộ phim còn nằm ở khía cạnh đó. 

Quay lại mặc cảm của những người giàu có. Khi cầm vào chiếc quần lót bị để lại trên xe lái xe Yoon, vợ ông Park phải đeo găng tay, thấy bẩn thỉu, khó chịu và lo sợ… thế nhưng lúc làm tình họ lại nhắc lại “chiếc quần lót rẻ tiền” đó để tăng khoái cảm cho nhau. Khi được lái xe Kim hỏi về tình cảm với vợ của mình “nhưng anh vẫn yêu cô ấy đúng không?”, ông Park trả lời một cách không dứt khoát: “Tất nhiên rồi, tôi yêu cô ấy…”. Tất cả thể hiện một cuộc hôn nhân ở mức “giới hạn” vừa phải, không quá nhạt nhẽo nhưng cũng chẳng thắm nồng… Suy cho cùng, tiền vẫn không phải là đáp số cho tất cả. Khi thiếu tiền – như gia đình ông Kim – người ta có thể vì tiền mà giết người diệt khẩu. Khi giàu có – như gia đình ông Park – họ vẫn sống trong bị động, lo sợ và bị lừa gạt. Vẻ như mỗi người một cảnh nhưng sự sợ hãi, lo toan… đã trở thành mẫu số chung cho thân phận nhỏ bé của con người.  

3. Tính thiện và ranh giới giữa thiện tính, ác tính

Con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội, có thể ác với người này nhưng lại tốt với người kia, vì thế tính thiện của họ khó lòng bị tiêu diệt hoàn toàn trong nhiều hoàn cảnh. Tuy cái kết của bộ phim bi thương, những nhân vật trong phim đã ác một cách cố tình hoặc vô ý, nhưng không nhân vật nào xấu hoàn toàn. Ki-woo có tình cảm với con gái chủ tịch Park là có thật. Mọi thành viên trong gia đình Kim đều thương yêu nhau. Với mối nguy hại của gia đình mình (vợ chồng quản gia Moon-gwang đang bị nhốt dưới hầm), vợ ông Kim vẫn chuẩn bị một đĩa thức ăn đưa cho con gái để mang xuống cho họ và nói rằng “chắc họ đói rồi”…

 

Không có nhân vật hoàn toàn xấu trong Ký sinh trùng -

Thiện, ác chỉ cách nhau trong gang tấc

 

Thế nhưng, hình ảnh gần cuối phim - khi ông Kim vừa đâm chết chủ tịch Park – là một ẩn ý của đạo diễn. Ông Kim bước đi giữa ranh giới: nền đất có ánh nắng sáng và một phần ngả bóng màu đen… cho thấy giữa thiện và ác, giữa tự ái và hận thù, giữa giết người và yêu thương chỉ một lằn ranh rất mong manh mà khi không kiểm soát tốt, con người sẽ giẫm chân vào tội ác. Vì thương lo cho gia đình mà hai con của ông Kim đã đẩy những người làm thiết thân của chủ tịch Park đi. Vì cuộc sống gia đình bị tàn phá mà chồng của quản gia Moon-gwang đã tìm cách đoạt mạng những người trong gia đình lái xe Kim. Vì mặc cảm về phận nghèo khổ mạnh đến hận thù mà trong giây phút không kiểm soát ông Kim đã giết người. Kết phim, có ý kiến cho rằng đó là cái kết đáng buồn, khi mà Ki-woo trở thành nô lệ của đồng tiền… thì cũng không nên quên rằng động lực cho việc đó là muốn mua lại ngôi nhà nơi cha mình đang sống chui lủi dưới tầng hầm để giải thoát cho cha. Con người luôn cần động lực cải tạo cuộc sống, lại một kế hoạch mới được vạch ra… nhưng thiện, ác vẫn chỉ cách nhau một lằn ranh rất nhỏ.

Mọi so sánh đều là khập khiễng, nếu những nhà văn như Lỗ Tấn nổi tiếng là nhà cải tạo xã hội, sẵn lòng vạch ra thói hư tật xấu của con người, dân tộc ở nghệ thuật văn học; thì đạo diễn Bong Joon-ho tiêu biểu là nhà cải tạo xã hội ở lĩnh vực điện ảnh. Người nghệ sĩ đã vạch ra tật xấu, thói hư: bạo lực, tàn phá thiên nhiên, chủ nghĩa vật chất, ham hư vinh, phân biệt đẳng cấp, sinh tồn quyết liệt nhưng cũng hèn nhát trốn chạy. Có lẽ tác phẩm với cái kết có hậu thường khiến người tiếp nhận thêm niềm tin vào điều thiện… thì Ký sinh trùng với cái kết mở bi thương, day dứt về vấn đề thân phận con người đem lại tác dụng thôi thúc hành động sống lương thiện và tốt đẹp hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. https://vi.wikipedia.org/wiki/K%C3%BD_sinh
  2. https://zingnews.vn/nguoi-doc-than-ky-sinh-o-nhat-lo-so-tuong-lai-thieu-cha-me-post739023.html
  3. https://vi.wikipedia.org/wiki/Giai_c%E1%BA%A5p

Bài & ảnh: Phương Thảo