Ra mắt khán giả trong nước vào tháng 10 năm 2015, bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của đạo diễn Victor Vũ đã thu hút được quan tâm của đông đảo công chúng. Sau hơn một tháng công chiếu, phim đã đạt doanh thu hơn 70 tỷ đồng, được xếp vào hàng những bộ phim ăn khách nhất của điện ảnh Việt Nam từ trước đến nay. Điều gì đã làm nên thành công cho bộ phim này?

Poster phim

 

Thu hút từ những công đoạn ban đầu

Ngay từ khi triển khai, bộ phim truyện điện ảnh Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đã tạo được sự chú ý đối với khán giả, bởi kịch bản của phim chuyển thể từ cuốn truyện dài cùng tên rất ăn khách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Tác phẩm văn học viết về tuổi học trò này từng giành giải văn chương ASEAN và được coi là một trong những tác phẩm hay nhất của Nguyễn Nhật Ánh, đến nay đã tái bản 27 lần. Vì thế, khi truyện dài Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh được chuyển thể sang kịch bản phim truyện, nhiều người đã rất mong chờ được xem phiên bản điện ảnh của nó.

Hơn nữa, bộ phim lại được đạo diễn bởi Victor Vũ – một người đã làm ra nhiều tác phẩm điện ảnh có doanh thu phòng vé cao những năm gần đây như: Cô dâu đại chiến, Quả tim máu, Bí mật thảm đỏ - Scandal (phần 1 và 2).... Tay nghề của đạo diễn Victor Vũ còn được khẳng định bằng những giải thưởng tại các liên hoan phim trong nước và quốc tế (Thiên mệnh anh hùng – Giải thưởng của Ban giám khảo tại Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ 2; Thiên mệnh anh hùng - Bông Sen Bạc, Scandal- Bí mật thảm đỏ - Bông Sen Vàng  Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18…). Và như đạo diễn Victor Vũ đã chia sẻ: “Tôi rất hào hứng với dự án này. Đó là sự trở về với những khởi nguồn điện ảnh của chính bản thân. Nó khiến tôi nhớ lại những câu chuyện cũ của gia đình, giúp tôi quay ngược thời gian trở lại những ngày còn sinh viên, khi đang tập tành làm những phim ngắn”.

Vậy là từ những công đoạn ban đầu của bộ phim đã phần nào đảm bảo cho sự thành công cho Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Nhưng để kéo khán giả đến rạp xem phim thì phải nhờ vào chất lượng của tác phẩm. Và Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của đạo diễn Victor Vũ đã không  làm cho khán giả thất vọng với những gì được thể hiện trong thời lượng gần 2 giờ trên màn ảnh. Trong bối cảnh những bộ phim chiếu rạp mang nặng giải trí với nội dung hời hợt thì Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh thực sự làm người xem hài lòng ở cả hai yếu tố giải trí và nghệ thuật.

Sự giao thoa giữa yếu tố giải trí và nghệ thuật

Lấy bối cảnh làng quê Việt Nam trong thập niên 1980, phim là câu chuyện về tình bạn, tình anh em của Thiều, Tường và cô bé tên Mận (ba nhân vật chính trong phim). Những trải nghiệm của tuổi ấu thơ được thể hiện qua tâm tư và cuộc sống hàng ngày của các cô cậu học trò nhỏ sống nơi vùng quê nghèo khó

Thiều là một học sinh lớp 7, có em trai tên Tường – một cậu bé sống nội tâm, ham đọc sách và rất yêu mến anh trai mình. Một ngày, Thiều nhận ra mình có tình cảm với Mận một cô bạn cùng lớp. Mận có người cha mắc căn bệnh lạ, nên mẹ em đã giam ông trong nhà kho để chăm sóc. Bí mật này chỉ có Thiều và Tường biết. Biến cố xảy ra, nơi giữ cha Mận bị cháy và mẹ cô bé bị bắt do đã giam cầm chồng và mọi người phỏng đoán cha Mận đã chết cháy... Gia đình Thiều đã đón Mận về ở cùng. Còn Mận, cô bé biết ba mình còn sống và mẹ sẽ được thả trong một ngày không xa.

Sự thân thiết giữa Tường và Mận đã khiến cho Thiều nảy sinh sự ghen tức của con trẻ. Cậu đã không can ngăn khi con cóc Tường nuôi bị bắt đi làm thịt. Chứng kiến nỗi buồn của Tường khi mất con cóc yêu quý, khiến cho Thiều thấy day dứt. Mùa lũ đến, cả làng Thiều chìm trong nước, khi nước rút đi để lại sự mất mùa, đói kém cho dân làng. Trong một lần hiểu lầm, Thiều đã đánh em, khiến Tường không thể ngồi dậy được. Thiều ân hận vô cùng khi nghe Tường bảo mình hãy nói dối là cậu bị ngã để ba mẹ không mắng; và Thiều càng ân hận hơn khi Tường nói người mà Mận thích chơi cùng chính là cậu. Một thời gian sau, Mận được mẹ đón đi nên thành phố sống để tìm cha. Thiều ở lại trong nỗi buồn và ân hận. Cậu tận tình chăm sóc cho Tường và mong em mau khỏi bệnh...

Là một bộ phim về trẻ em nhưng Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh lại hấp dẫn với cả người lớn, bởi ai cũng có một tuổi thơ nên những câu chuyện ngộ nghĩnh của con trẻ trong phim và sự rung động đầu đời của tuổi mới lớn… đã để lại đầy cảm xúc, và dường như trở nên quen thuộc với mọi tầng lớp khán giả. Câu chuyện phim được kể một cách nhẹ nhàng, mạch lạc và khá tinh tế, cùng những cảnh quay đẹp về một miền quê Việt Nam. Với lợi thế của máy quay trên cao (flycam), bộ phim đã có được nhiều khuôn hình đẹp, đặc biệt hình ảnh những cánh đồng xanh xào xạc trong gió, bờ biển sóng tung bọt trắng xóa hay những nếp nhà bình yên nơi làng quê… đã thực sự để lại dấu ấn đối với những xem.

 

 

Bối cảnh Phú Yên hiện lên lung linh trên màn ảnh.

Phú Yên là nơi được chọn làm bối cảnh chính

của phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh

 

 Không chỉ chăm chút đến từng khuôn hình ngoại cảnh của bộ phim, các nhà làm phim còn chú trọng đến những chi tiết nhỏ trong các cảnh quay trong gia đình: từ trang phục của nhân vật đến các vật dụng trong sinh hoạt (chiếc màn vải trắng, cái cà mèn đựng đồ ăn, đôi quanh gánh…), tất cả đều được bố trí sao cho phù hợp với bối cảnh của câu chuyện phim. Và như các nhà làm phim đã chia sẻ: Họ đã có được may mắn, khi hầu hết các vật dụng trong phim đều có thể tìm thấy ở các thôn làng tại Phú Yên. Những đạo cụ ấy đã và vẫn đang được người dân sử dụng nên điều này giúp cho việc tái dựng lại bối cảnh và thiết kế đạo cụ cho bộ phim được trở nên dễ dàng hơn, đồng thời tăng thêm tính chân thực, thuyết phục người xem.

 

Bên cạnh đó, âm nhạc trong phim cũng được sử dụng hợp lý và khá hiệu quả đối với việc truyền tải thông điệp của bộ phim. Dù chỉ sử dụng bài hát Thằng cuội với giai điệu thật nhẹ nhàng, câu từ đơn giản làm chủ đạo nhưng vẫn mang lại cảm xúc cho người xem. Là một phim thuộc thể loại tâm lý nên dù không có nhiều tình huống bất ngờ, gay cấn nhưng bộ phim vẫn hấp dẫn được người xem bởi những câu chuyện hồn nhiên, tinh nghịch và những cảm xúc trong sáng của tuổi thơ. Đặc biệt, dàn diễn viên nhí trong phim diễn xuất khá thành công. Các em đã vào vai một cách tự nhiên, lột tả được trạng thái của nhân vật theo từng trường đoạn, phù hợp với các tình huống trong phim: Lúc vui đùa hồn nhiên của tuổi thơ; lúc dằn vặt khi mắc lỗi; Hay sự thay đổi tâm lý ở cậu bé mới lớn Thiều khi có những rung động đầu đời với cô bạn Mận cùng lớp, và sự giận hờn ghen tuông vô cớ của con trẻ…

 

Có thể nói, đây là một bộ phim chỉn chu từ khuôn hình, bối cảnh, đạo cụ, âm nhạc và diễn xuất để tạo nên một câu chuyện đầy ý nghĩa về tuổi thơ. Tuy nhiên Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh mới chỉ dừng lại là một tác phẩm có nội dung nhẹ nhàng, dễ xem, cùng chất lượng hình ảnh đẹp, đáp ứng được nhu cầu của đông đảo khán giả mà chưa có nhiều sáng tạo và giá trị nội dung cũng như nghệ thuật một cách đột phá. Đôi chỗ trong phim còn đưa vào những chi tiết có phần gượng ép chẳng hạn như câu chuyện về nàng công chúa – Nhi được đưa vào để tạo động lực cho nhân vật Tường khỏi bệnh: Thấy em ngồi dậy lại được, Thiều rất mừng nhưng cũng ngạc nhiên khi nghe em kể về một nàng công chúa đã trở thành nguồn động viên tinh thần để mình hồi phục. Trong một lần tình cờ phát hiện ra công chúa, Thiều lén đi theo và biết được nàng công chúa đó chính là Nhi, con một người trong làng. Sau cái chết của mẹ, cô bé bị chấn thương tâm lý. Cô luôn tự xem mình là công chúa và cha là đức vua. Vì thương con nên người cha đã giả vờ diễn trò cùng cô bé và dẫn con đi ở ẩn. Thiều kể lại bí mật này với Tường. Tường và Nhi từng là bạn thân nhau. Sự nôn nóng được gặp lại Nhi thôi thúc Tường ra sức tập đi lại. Một ngày nọ hai anh em nhìn thấy Nhi đang bị đám trẻ con trong làng trêu chọc, Tường đã chạy hết sức bằng chính đôi chân mình đến bảo vệ Nhi, kỳ diệu thay nghĩa cử này khiến cô bé nhớ ra mọi chuyện và trở lại bình thường…

Tình huống này được đưa vào phim nhằm giải quyết các mâu thuẫn đã đặt ra trước đó và phát triển mạch truyện phim nhưng có phần hơi “ngây ngô” (có lẽ vì đây là câu chuyện của con trẻ chăng?)… Dù vậy, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh vẫn là bộ phim rất đáng được khích lệ, trong bối cảnh chung của điện ảnh nước nhà hiện nay. Còn với đạo diễn Victor Vũ, bộ phim này một lần nữa cho khán giả thấy sự đa dạng trong phong cách làm phim của anh – một người đã thành công ở nhiều thể loại phim: tâm lý, kinh dị và cổ trang...

Là một bộ phim hội tụ được cả yếu tố nội dung và nghệ thuật nên Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh không chỉ thành công ở doanh thu phòng vé mà còn được đánh giá cao tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19 (tháng 12 /2015) với ba giải thưởng quan trọng là: Giải Bông sen vàng giành cho phim truyện điện ảnh xuất sắc nhất; Giải đạo diễn xuất sắc nhất và Giải Phim truyện dự thi do khán giả bình chọn.

Ngoài những yếu tố trên, điều làm nên thành công của bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh còn phải kể đến sự chuyên nghiệp trong khâu sản xuất và phát hành.

 

Chuyên nghiệp trong sản xuất và phát hành

Bộ phim này được làm theo đơn đặt hàng của Cục Điện ảnh – đại diện cho nhà đầu tư (Nhà nước) và cũng là đơn vị lo phần bảo vệ bản quyền tác phẩm. Cùng với đó, Hãng phim Phương Nam đóng vai trò là nhà đồng sản xuất, tìm đạo diễn. Còn khâu phát hành và quảng bá được giao cho công ty Thiên Ngân… Có thể thấy, đây là sự thay đổi trong cách đầu tư và dần chuyên nghiệp hóa trong từng công đoạn trong cách làm phim cho phù hợp với những đòi hỏi thực tế hiện nay.

Bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh được coi là sự đánh dấu mang tính bước ngoặt cho một hướng hợp tác mới giữa điện ảnh Nhà nước và Tư nhân. Bởi từ trước tới nay, những bộ phim do nhà nước bỏ vốn đầu tư thường được đấu thầu một cách “hình thức” và hầu hết sẽ giao cho các Hãng phim Nhà nước sản xuất. Còn những công đoạn tiếp theo là chọn đạo diễn và phát hành dường như cũng chẳng có nhiều sự quan tâm nên dẫn đến nguồn vốn đầu tư thường mang lại những sản phẩm không như mong đợi.

Sự thành công của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh sẽ mở ra nhiều hứa hẹn cho những lần hợp tác tiếp theo giữa nguồn vốn nhà nước với các đơn điện ảnh tư nhân trong trong thời gian tới, và điện ảnh Việt Nam sẽ có thêm những bộ phim vừa có chất lượng nghệ thuật lại vừa thu lại được nguồn vốn để tái đầu tư sản xuất.

Minh Phương