Trung tâm Nghiên cứu và Lưu trữ Điện ảnh là đơn vị sự nghiệp có thu, thuộc Viện Phim Việt Nam, có chức năng lưu chiểu phim, lưu trữ các tư liệu điện ảnh từ Quảng Nam trở vào; nghiên cứu, khai thác và phổ biến các tư liệu điện ảnh theo quy định của pháp luật. Trụ sở của Trung tâm đặt tại số 7 Phan Kế Bính, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Kho lưu trữ phim của Trung tâm tại 87 Điện Biên Phủ - Quận 1 - Tp.HCM
Được thành lập ngay từ những ngày đầu đất nước thống nhất, cơ sở vật chất ban đầu của Trung tâm còn nhiều khó khăn, nguồn phim tiếp quản từ kho phim của chế độ Sài Gòn cũ sau giải phóng miền Nam năm 1975 và phim của các hãng phim tại phía Nam chỉ được bảo quản trong những căn phòng đơn sơ theo điều kiện khí hậu tự nhiên. Năm 2000, một kho lưu trữ phim chuyên dụng đã được xây dựng với hệ thống thiết bị đảm bảo các tiêu chuẩn nhiệt độ và độ ẩm thích hợp cho công tác bảo quản lưu trữ phim nhựa. Đến năm 2010, kho phim một lần nữa được đầu tư nâng cấp các trang bị hiện đại như: hệ thống làm lạnh, thông gió, chống sét, hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động và hệ thống giá kệ di động… đáp ứng những yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt về nhiệt độ và độ ẩm của kho lưu trữ tư liệu hình ảnh động.
Kho lưu trữ phim nhựa của Trung tâm Nghiên cứu và Lưu trữ Điện ảnh
Hiện có khoảng 40.000 cuốn phim nhựa và gần 8.000 băng đĩa các loại đang được lưu trữ tại kho phim của Trung tâm Nghiên cứu và Lưu trữ Điện ảnh. Trong đó, bộ sưu tập phim Việt Nam chiếm khoảng 30% tổng số phim lưu trữ, gồm những bộ phim của điện ảnh cách mạng Việt Nam, những phim được sản xuất ở Sài Gòn giai đoạn 1954 - 1975 và những phim do người nước ngoài làm về Việt Nam. Hàng năm, Trung tâm luôn dành một khoản kinh phí nghiệp vụ không nhỏ để tiến hành in chuyển các bộ phim có giá trị của điện ảnh Việt Nam đã tới hạn sang bản phim mới để đảm bảo tuổi thọ lâu dài cho các bộ phim. Với số phim tiếp quản từ kho phim của chế độ Sài Gòn cũ đang lưu giữ tại Trung tâm, phần lớn những bộ phim truyện xuất trước năm 1975 đều đã được in chuyển sang bản phim mới với đầy đủ các thành phần lưu trữ theo quy định là bản Negative hình, Negative tiếng và Positive; và đến nay đã có khoảng 80% trong tổng số 1100 tên phim thời sự tài liệu Sài Gòn được in chuyển sang đĩa DVD nhằm bảo tồn những hình ảnh trên phim trước khi đế phim bị lão hóa…
Cùng với công tác lưu trữ, những năm gần đây, Trung tâm còn đẩy mạnh công tác sưu tầm, quay tư liệu mới nhằm bổ sung đầy đủ hơn cho bộ sưu tập phim quốc gia. Bằng nhiều hình thức, Trung tâm đã sưu tầm được thêm nhiều bộ phim có giá trị, các hiện vật điện ảnh, tư liệu hình ảnh - âm thanh, chân dung nghệ sĩ, áp phích phim…, và quay mới hàng 100 giờ hình ảnh tư liệu về các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội diễn ra tại các tỉnh miền Nam và Nam Trung bộ của đất nước. Trong dịp lễ kỉ niệm ngày Giải phóng miền Nam 30/4/2012, Trung tâm đã khai trương phòng Trưng bày Điện ảnh tại cơ sở 87 Điện Biên Phủ, quận 1, TP.HCM. Đây là phòng trưng bày hiện vật đầu tiên của ngành Điện ảnh ở thành phố Hồ Chí Minh.
Phòng trưng bày hiện vật và tư liệu điện ảnh
Điều đáng quý là phần lớn số hiện vật được trưng bày tại đây đều do các nghệ sĩ như: NSND Trương Qua, NSƯT Khương Mễ, Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Ngọc Trương, Nhà quay phim Hồ Tây, NSND Đào Bá Sơn, NSND Đoàn Dũng, NSND Kim Cương, NSƯT Chánh Tín, Nhà biên kịch Lê Nguyên, NSƯT Lê Mộng Hoàng, Đạo diễn Lê Hoàng Hoa, Diễn viên Trần Quang…, cùng nhiều nghệ sĩ khác đã trao tặng cho Trung tâm. Có thể thấy rằng, các nghệ sĩ đã dành sự tin tưởng và coi Trung tâm là điểm đến tạo cầu nối cho thế hệ tương lai, tiếp cận, tôn vinh với truyền thống lịch sử của những thế hệ đi trước.
NSND Trương Qua trao tặng hiện vật - tư liệu điện ảnh cho Trung tâm Nghiên cứu và Lưu trữ điện ảnh
Trong những năm qua, cùng với đội ngũ cán bộ chuyên môn tâm huyết với nghề và kho lưu trữ phim đạt tiêu chuẩn, Trung tâm Nghiên cứu và Lưu trữ Điện ảnh đã làm tốt những nhiệm vụ chuyên môn được cấp trên giao và là địa chỉ tin cậy đối với các nghệ sĩ, các hãng sản xuất phim phía Nam khi trao gửi những tác phẩm điện ảnh của họ để lưu trữ bảo quản lâu dài.