Khi đoàn làm phim của Hollywood chọn Việt Nam làm bối cảnh chính cho bộ phim Kong: Skull Island (Kong: Đảo đầu lâu), một lần nữa câu chuyện quảng bá du lịch qua điện ảnh lại được các phương tiện truyền thông trong nước đề cập đến nhiều hơn. Từ lâu, chúng ta đều nhận thấy điện ảnh luôn được coi là một kênh quảng bá vô cùng hiệu quả cho sự phát triển của ngành du lịch, bởi khi một bộ phim thành công, tạo được sự chú ý của khán giả thì không chỉ có diễn viên mà bối cảnh của bộ phim cũng sẽ trở thành một điểm đến thu hút đông đảo du khách gần xa.

Sự quảng bá cho một vùng đất nhờ điện ảnh có lẽ không cần phải bàn cãi nhiều, vì thực tế đã chứng minh: Từ một khu chợ nghèo nàn - khu ổ chuột ở Dharavi, sau khi được chọn làm bối cảnh chính của bộ phim “Triệu phú ổ chuột”  (Slumdog Millionaire) - phim đã giành giải thưởng Oscar năm 2009, nơi đây đã nhanh chóng lột xác trở thành điểm đến hấp dẫn của Ấn Độ. Cũng như vậy, nhờ bộ phim “Chúa tể những chiếc nhẫn” (The lord of the rings) ngành du lịch New Zealand thu hút thêm hơn hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm. Hay như đất nước Campuchia, khu đền Ta Prohm đã được khách du lịch tìm đến tham quan đông hơn ngay sau khi bộ phim “Bí mật ngôi mộ cổ” được chọn làm địa điểm quay. Và đất nước Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã đón lượng khách lớn sau khi các bộ phim “bom tấn” là Taken 2 (Cưỡng đoạt 2) và Skyfall (Tử địa skyfall) được quay tại nơi đây ra mắt khán giả toàn cầu.

Trên thực tế, mối quan hệ mật thiết giữa điện ảnh và du lịch cũng đã được ngành quản lý Văn hóa nhìn nhận. Năm 2013, trong khuôn khổ chương trình của Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18 tổ chức tại Quảng Ninh, Cục Điện ảnh đã có một hội thảo chuyên đề: “Điện ảnh với Quảng Ninh và quảng bá du lịch qua điện ảnh”. Cuối tháng 12/2015, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch và Cục Điện ảnh đã phối hợp với Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam tổ chức tọa đàm “Hợp tác điện ảnh Việt Nam - Ấn Độ - Quảng bá du lịch qua điện ảnh” dành cho các nhà làm phim của Việt Nam và Ấn Độ… Và trong các kỳ liên hoan phim Quốc tế Hà Nội gần đây, các cuộc triển lãm điện ảnh cũng được xây dựng theo chủ đề nhằm giới thiệu và quảng bá đến bạn bè quốc tế về hình ảnh đất nước Việt Nam – bối cảnh tiềm năng đối với các nhà làm phim trên thế giới.

Dù đã nhìn thấy được tiềm năng  và vẻ đẹp của đất nước nhưng để thúc đẩy sự phát triển của du lịch qua điện ảnh lại không phải dễ. Trước đây đã có một số nhà làm phim quốc tế đã lựa chọn Việt Nam làm bối cảnh cho những bộ phim của mình. May thay, hầu hết những bộ phim nước ngoài được sản xuất tại Việt Nam đều đã để lại những ấn tượng đặc biệt với khán giả trên thế giới, bởi câu chuyện phim được kể lại bằng những góc máy tuyệt đẹp của các nhà làm phim nước ngoài đã khiến cho khán giả thực sự ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của đất nước Việt Nam, như các phim: Người tình (L’Amant, 1991), Đông Dương (Indochine, 1992) của điện ảnh Pháp – bộ phim này nhận được giải phim nói nước ngoài hay nhất tại lễ trao giải Oscar năm 1993; hay phim Người Mỹ trầm lặng (The Quiet American, 2002)… Sau khi những bộ phim này được công chiếu trên thế giới thì những địa danh của Việt Nam được chọn làm bối cảnh trong phim đã thu hút được rất nhiều du khách từ khắp nơi tới tham quan. Cũng vì thế, sau khi bộ phim Kong: Skull Island (hay còn được gọi là King Kong 2) - một bộ phim “bom tấn” của điện ảnh Hollywood có bối cảnh chính trong phim là Việt Nam -  ra mắt khán giả trên thế giới, nhận thấy đây là một dịp để quảng bá hình ảnh Việt Nam đến với quốc tế, Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch đã quyết định bổ nhiệm đạo diễn của bộ phim này là Jordan Vogt - Roberts làm đại sứ du lịch cho Việt Nam nhiệm kỳ 2017 – 2020. Nhưng bộ phim Kong: Skull Island có là một cú hích thúc đẩy cho sự phát triển du lịch của Việt Nam trong năm 2017 và những năm tiếp theo hay không thì điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa…

 

Kinh thành Huế là một trong những địa danh đã được lựa chọn làm bối cảnh cho bộ phim Đông Dương của điện ảnh Pháp  

 

Chúng ta có thể thấy một điều rằng, phong cảnh thiên nhiên Việt Nam vẫn mang vẻ đẹp đó nhưng sẽ ít người thấy được, vẻ đẹp đó sẽ được mang đi xa hơn và đến được với nhiều người hơn khi có những tác phẩm điện ảnh giàu giá trị nghệ thuật. Và khi điện ảnh phát triển thì sẽ tạo đà cho sự phát triển của ngành du lịch cũng như kinh tế vùng đất đó. Có thể thấy, Hàn Quốc là một quốc gia rất thành công trong việc quảng bá văn hóa và du lịch thông qua con đường điện ảnh. Khi những bộ phim điện ảnh hoặc truyền hình của Hàn Quốc tạo được làn sóng hâm mộ của khán giả, thì những nơi được chọn làm bối cảnh trong phim sẽ được sử dụng làm điểm tham quan du lịch và họ luôn biết cách để địa điểm đó thu hút được du khách thập phương. Sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh, mỗi năm đã mang lại cho đất nước Hàn Quốc những nguồn lợi to lớn về kinh tế, đồng thời văn hóa Hàn cũng được quảng bá đi khắp năm châu và còn tạo ra được những làn sóng văn hóa Hàn ở các nước châu Á. Ngay với điện ảnh trong nước, sau khi bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" tạo ra được “cơn sốt” phòng vé thì vùng đất Phú Yên, nơi được chọn làm bối cảnh của phim cũng đã trở thành một điểm đến của nhiều du khách. Hay như vùng đất Hà Giang, dù trước đó đã có rất nhiều bộ phim đã chọn nơi đây làm bối cảnh nhưng phải đến bộ phim Chuyện của  Pao, với những khuôn hình tuyệt đẹp trong phim, Hà Giang mới thực sự được biết đến nhiều hơn. Giờ đây ngôi nhà dùng để đóng bộ phim Chuyện của  Pao tại bản Sủng Là, huyện Đồng Văn, Hà Giang cũng đã trở thành một điểm tham quan cho du khách khi đến với Hà Giang. Và cũng nhờ có bộ phim nổi tiếng "Người tình" (chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết "Người tình" của nữ văn sĩ Marguerite Duras) được quay tại Việt Nam ngôi nhà cổ  Huỳnh Thủy Lê đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn dành cho du khách khi đến Đồng Tháp; hoặc như sau khi bộ phim Đông Dương phát hành và được nhận giải thưởng Oscar thì  lượng du khách đến Việt Nam cũng đã gia tăng đáng kể.

 

Ngôi nhà tại bản Sủng Là, huyện Đồng Văn, Hà Giang - bối cảnh trong phim Chuyện của Pao đã trở thành điểm đến của nhiều du khách khi đến với vùng cao nguyên đá

 

Dù Việt Nam đã được công nhận là một đất nước có phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, phong phú và hấp dẫn nhưng do nhiều yếu tố, đến nay Việt Nam vẫn chưa phải là nơi lựa chọn thường xuyên của các nhà làm phim trên thế giới - có lẽ cũng  bởi các dịch vụ làm phim ở Việt Nam chưa thực sự đáp ứng được những yêu cầu đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao của các dự án phim lớn. Cho nên sau mỗi bộ phim nước ngoài tạo ra những con sóng dư luận như kiểu phim Kong: Skull island thì sẽ lại rơi vào sự im lặng kéo dài sau đó. Vì vậy, cần phải thúc đẩy sự phát triển của điện ảnh trong nước với những tác phẩm có giá trị nghệ thuật thì đó mới thực sự là một kênh quảng bá thường xuyên và quan trọng cho hình ảnh đất nước và con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

 

Minh Phương