Những năm gần đây, cứ nhắc đến điện ảnh Mỹ là người ta lại nghĩ đến những bộ phim bom tấn ăn khách thu về hàng tỷ Đô-la. Những nghề nghiệp được rạng danh trên thảm đỏ thường được biết đến như đạo diễn, quay phim và diễn viên. Tuy nhiên, bên cạnh các nghệ sỹ ấy tại Hollywood, các nhà biên kịch dường như bị “xếp xó”. Họ chịu nhiều sự bất công như lương thấp, bị buộc làm thêm giờ, ít khi nổi tiếng… Dù vậy, công việc của họ luôn luôn quan trọng và không thể thay thế. Một bộ phim có thể thay đổi đạo diễn, nhà quay phim hay diễn viên nhưng nếu không có kịch bản thì mọi thứ đều trở về con số không. Bởi vậy, tại năm 2017 này, các nhà biên kịch Mỹ đã bắt đầu cuộc biểu tình giành lại những gì chính đáng thuộc về họ.
Những bất công đằng sau cánh gà
Gần hai thập niên trở lại đây, Hollywood đã xuất hiện nhiều siêu phẩm ăn khách, đặc biệt là các dòng phim truyền hình dài tập như: Band of Brothers (2001), Prison Break (2005), Supernatural (2005), Breaking Bad (2008), Sherlock (2010), Game of Thrones (2011), Sleepy Hollow (2013)… Lợi nhuận khổng lồ thu về của các hãng sản xuất liên tục tăng mạnh trong vài năm nhưng ngược lại nhiều nhà biên kịch phải chứng kiến thu nhập dần bị cắt giảm xuống.
Trước đây, các sê-ri truyền hình Mỹ thường được kéo dài từ 20 đến 22 tập thì nay có nhiều sê-ri chỉ 8 đến 10 tập là hết. Chính điều này khiến các nhà viết kịch bản được trả theo mỗi tập bị hụt lương. Hậu quả là sự kết thúc sớm của một mùa phim ảnh hưởng lớn đối với lương của nhà biên kịch.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp khi kết thúc mùa phim, nhà sản xuất tung tin đồn phần tiếp theo của sê-ri sẽ xuất hiện 2 năm sau đó, đổi lại nhà biên kịch sẽ có nhiều thời gian hơn để hoàn thiện mỗi tập phim. Nhưng lương của họ vẫn giữ nguyên dù chất lượng kịch bản được đáp ứng tốt hơn (khi có nhiều thời gian). Có nghĩa là họ bị trả ít hơn khi họ phải chạy đua 1 đến 2 tuần cho kịch bản một tập phim trong thời gian ngắn hơn mà chất lượng lại kém hơn.
Và quan trọng hơn cả là khi nhà biên kịch đã ký hợp đồng với nhà sản xuất thì chính họ không được tham gia sản xuất các dự án truyền thông khác khi kịch bản truyền hình của họ đang được thực hiện. Chính vì vậy mà các nhà biên kịch không có cơ hội được kiếm thêm thu nhập và như vậy số phận của họ phụ thuộc sự tùy hứng của hãng phim.
WGA – những sự chống cự đầu tiên
Hội những nhà biên kịch Mỹ (Writers Guild of America – viết tắt: WGA) thành lập từ năm 1912, là tổ chức công đoàn của các nhà biên kịch làm việc ở các ngành truyền thông như điện ảnh, truyền hình cũng như các nhà đài phát thanh radio nhằm bảo vệ quyền lợi của người làm công cũng như đấu tranh tăng lương đối với sự bóc lột của các công ty truyền thông.
WGA chia làm hai hội, hội Đông (WGA East) và hội Tây (WGA West). Mặc dù hoạt động riêng rẽ nhưng cả hai hội đều cùng thực hiện các công việc như trao giải thưởng, đăng ký quyền tác giả kịch bản và xác định mức lương của người viết kịch bản. Và trên hết, họ là những người đàm phán với Hội liên hiệp các nhà sản xuất phim ảnh và truyền hình (Alliance of Motion Picture and Television Producers – viết tắt: AMPTP). Trong đó, AMPTP đại diện cho hơn 350 công ty và studio bao gồm cả sáu gã khổng lồ: Paramount Pictures, Sony Pictures, 20th Century Fox, Universal Pictures, Walt Disney Pictures và Warner Bros. Pictures.
Kể từ khi thành lập, WGA đã thực hiện năm cuộc biểu tình nhằm phản đối các chính sách lương thấp của AMPTP. Trong số đó, cuộc biểu tình dài hơi nhất trong lịch sử Hollywood của WGA kéo dài 22 tuần từ ngày 7 tháng 3 đến ngày 7 tháng 8 năm 1988. Đặc biệt, cuộc biểu tình của WGA năm 1960 đã giúp các nhà biên kịch được hưởng lương chính đáng và bảo hiểm y tế từ các bộ phim được bán cho các hãng sản xuất phim truyền hình.
Ảnh hưởng của cuộc biểu tình
Mỗi một cuộc biểu tình của WGA đều ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng phim ảnh ở Hollywood. Trong quá trình biểu tình, các nhà biên kịch của WGA sẽ dừng viết kịch bản hoặc sản xuất chương trình cho AMPTP. Trong một số trường hợp, khi kịch bản truyền hình đang quay mà nhà biên kịch bỏ dở công việc để biểu tình cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ của chương trình ti-vi hoặc sê-ri truyền hình. Điều này đã từng xuất hiện đối với phim Transformer 2: Revenge of the Fallen (2009). Không chỉ vậy, điều này còn kéo theo chất lượng kịch bản đi xuống. Thậm chí tại Liên hoan phim Cannes năm nay đã không còn bóng dáng các bộ phim Hollywood.
Dù chỉ với tư cách là người ngoài cuộc, nhưng những người yêu thích phim ảnh đa phần đều cho rằng các phim Mỹ ra rạp đầu năm 2017 đều có nội dung không đạt được sự kỳ vọng của khán giả. Các bộ phim của năm nay thường lấy kịch bản từ comic như Guardians of the Galaxy 2, Thor: Ragnarok, Spider man: Homecoming, Wonder Woman, Justice League hoặc phim chỉ tập trung vào kỹ xảo như Ghost in the Shell, Fast & Furious 8 , King Athur: Legend of The Sword, Alien: Covenant, The Mummy và phim nối tiếp phần trước như Pirates of the Caribbean 5: Dead Men Tell No Tales, Transformers 5: The Last Knight, War for the Planet of the Apes hay bộ phim hài “nhảm” gần đây Baywatch.
Kinh nghiệm cho điện ảnh Việt Nam
Đối với sự đi xuống của chất lượng điện ảnh Mỹ, ta nhận thấy làn sóng ngầm ở Hollywood tác động trực tiếp đến không chỉ các hãng phim mà còn cả người xem phim. Phải nói rằng, rạp chiếu bóng ở thời hiện đại ngày nay đã đóng vai trò không nhỏ đối với đời sống tinh thần của người dân. Sự giải trí của các bộ phim không chỉ xả stress mà còn giúp vun đắp những giá trị văn minh và gián tiếp góp phần vào việc xây dựng nhân cách của khán giả.
Ở Việt Nam, điện ảnh đang có những bước chuyển mình không nhỏ được thể hiện qua các bộ phim như Tấm Cám: chuyện chưa kể, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Em chưa 18 hoặc các phim truyền hình Sống chung với mẹ chồng, Người phán xử… Nhưng đó vẫn còn là chưa đủ để phim Việt vươn xa ra ngoài tầm thế giới. Chúng ta vẫn cần có sự đầu tư chuyên sâu đối với đội ngũ các nhà biên kịch để từ đó tạo nên những câu chuyện phim hay, ý nghĩa, giàu tính nhân văn đối với người xem. Bởi lẽ, kịch bản chất lượng chính là nền tảng của một tác phẩm điện ảnh thành công và chân lý này đã được minh chứng tại Hollywood.
(Bài viết có sử dụng tư liệu tổng hợp từ Wikipedia và bài nghiên cứu khác: Why Hollywood’s writers are on the verge of a strike — and what it could mean for the industry trên trang Vox.com)
Bùi Trí Hiếu
Viện Phim Việt Nam