Ra đời năm 1926, bộ phim Người mẹ của đạo diễn Podovkin là tác phẩm mang đặc trưng phong cách montage Xô Viết thời kỳ đầu. Bộ phim do nhà biên kịch Natan Abramovic chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn nổi tiếng Macxim Gorki. Trong bộ phim này, đạo diễn Podovkin và quay phim Galovna đã rất sáng tạo trong cách kể chuyện phim bằng hình ảnh, nghệ thuật montage được phát huy một cách tối ưu. Công việc dựng phim không chỉ đơn thuần là cách ráp nối những cảnh phim với nhau, giúp khán giả hiểu được nội dung mà các nhà làm phim đã sử dụng các thủ pháp dựng nối tiếp, song hành, xen kẽ, mờ chồng… một cách triệt để nhằm tạo tiết tấu, không khí và cảm xúc cho người xem.

 

   

Ngay khi mở đầu bộ phim, sự kiện và mâu thuẫn lập tức xuất hiện, người cha của Pavel trở về nhà trong trạng thái say xỉn, ông ta tìm cách tháo nốt chiếc đồng hồ treo tường, tài sản có giá trị cuối cùng trong nhà để đem đi bán và bị mẹ của Pavel ngăn lại. Mẹ của Pavel là người phụ nữ Nga thuộc tầng lớp bình dân, có cuộc sống cam chịu, khi thấy ông chồng định bán nốt tài sản cuối cùng thì mới lên tiếng phản ứng và bị ông chồng đánh. Trước hành động của người cha, Pavel đã phản ứng dữ dội để ngăn ông lại. Trường đoạn đầu tiên này, sự sáng tạo trong phong cách dựng phim được Podovkin bộc lộ một cách rõ nét. Những khuôn hình đặc tả tâm lý các nhân vật được dựng liên tiếp, xen kẽ: khuôn hình đặc tả bàn tay nắm lại của Pavel, ánh mắt tức giận của Pavel với ánh mắt ngạc nhiên của người cha, chiếc đồng hồ treo tường, thậm chí là cả chiếc ốc vít của đồng hồ rơi và xoay tròn trên sàn nhà… vv…Chính nhờ nghệ thuật dựng liên tiếp, xen kẽ những khuôn hình đặc tả có ẩn ý và thông qua mối quan hệ gia đình chàng thanh niên Pavel, bộ phim đã phản ảnh được mối quan hệ xã hội rộng lớn của nước Nga. Những người dân bị bóc lột, bần cùng hóa… dần dần nảy sinh những thói hư tật xấu. Mâu thuẫn xã hội, giai cấp là nguyên nhân tất yếu dẫn tới sự nổi dậy của công nhân, nông dân và những người bị bần cùng hóa trong xã hội.

Anh thanh niên Pavel say mê hoạt động Cách mạng và nhận giấu súng dưới sàn nhà. Khi cuộc nổi dậy nổ ra, người dân bị đàn áp, trong số đó có người cha của Pavel đã bị chết trong vụ bạo động và được bạn bè Pavel đưa về nhà. Người mẹ của Pavel chưa hết đau khổ trước thi hài người chồng thì lại phải lo sợ đứa con trai sắp bị quân đội Nga hoàng bắt. Vì quá ngây thơ tin vào chế độ Nga hoàng, mẹ Pavel đã khai nơi con mình giấu súng để mong Pavel có thể được thoát tội nhưng thật không ngờ Pavel vẫn bị bắt. Đây là trường đoạn nổi bật thứ hai về dựng phim trong toàn bộ tác phẩm. Trước khi nói tới phong cách dựng phim, chúng ta cần chú ý tới sự sáng tạo trong cách dàn dựng của Podovkin. Trong căn phòng nhỏ, sơ sài, người mẹ của Pavel ngồi bất động trước thi thể người chồng, đôi mắt bà mở to, đau khổ. Đôi mắt bà không rời sàn nhà, nơi đứa con trai cất giấu súng. Ở chi tiết này, thủ pháp dựng mờ chồng đã phát huy một cách tối đa ý tưởng của đạo diễn khi gói súng lần lượt được mở ra trong tâm trí người mẹ. Gói súng giấu dưới nền nhà chính là nỗi lo sợ lớn nhất của người mẹ lúc này. Nỗi đau khổ về cái chết của người chồng chưa dứt thì nỗi lo sợ cho sự an toàn của người con lại ập tới. Trong căn phòng tĩnh lặng, góc máy trước, sau đều nhằm lột tả sự đau khổ của người vợ mất chồng. Mặc dù khán giả không hề thấy giọt nước mắt nào lăn trên gò má người mẹ của Pavel nhưng việc dựng kế tiếp hình ảnh chiếc chậu hứng từng giọt nước rơi ở bên cạnh đã hoàn toàn lột tả được tâm trạng đau khổ tột độ của bà. Khi người mẹ ngồi một mình trong phòng với thi thể người chồng, giọt nước rỏ xuống chậm rãi từng giọt nhưng khi có sự xuất hiện của Pavel, những giọt nước từ chiếc vòi dường như rỏ nhanh hơn như thể sự đau khổ của người mẹ được vỡ òa vì bà tìm thấy sự bấu víu nơi người con trai. Đây cũng chính là hiệu quả tuyệt vời của phương pháp motage hiệu ứng Kuleshov được Podovkin sử dụng ở nhiều trường đoạn trong phim Người mẹ.

Khi Pavel bước tới định lấy gói súng thì người mẹ vội ngăn lại, bà không muốn mất nốt đứa con. Trong khi hai mẹ con đang giằng co nhau thì người bạn của Pavel đến tìm lại đẩy thêm cao trào cho câu chuyện phim. Việc dựng bàn tay người bạn của Pavel đập vào cánh cửa liên tục đã tạo tình tiết gấp gáp, khẩn trường, báo hiệu cho người xem mối nguy hiểm sắp sửa diễn ra. Một tốp lính kéo đến nhà Pavel để lục soát, trước những lời lẽ đe dọa của vị chỉ huy Nga hoàng, mẹ của Pavel vì muốn cứu đứa con trai nên đã ngây thơ tiết lộ chỗ giấu súng, bà “ngoan ngoãn” lấy gói súng dưới nền nhà, hai tay “dâng” một cách thành khẩn cho vị chỉ huy. Trái với vẻ sợ hãi, quỵ lụy của người mẹ, Pavel hiên ngang trước sự đe doạn của tên chỉ huy. Ở cảnh này, ánh sáng giữ vai trò quan trọng nhằm khắc họa hình ảnh kiên cường của người con trai. Bóng anh đổ về phía trước, như thách thức người chỉ huy Nga hoàng. Trong trường đoạn này, thủ pháp dựng xen kẽ những khuôn hình đặc tả khuôn mặt các nhân vật phát huy một cách tối ưu. Tính cách từng nhân vật được thể hiện ra một cách rõ nét, đặc biệt là tính cách của tên chỉ huy Nga hoàng. Khuôn hình đặc tả hai bàn tay đeo găng, một tay nắm lại, còn tay kia xoa lên mu bàn tay nắm lại đã lột tả được sự thâm độc của tên chỉ huy khi cảnh tiếp theo bàn tay đó đánh Pavel chảy máu miệng. Pavel bị đám lính giải đi, người mẹ bàng hoàng, đau khổ, ngồi sụp xuống, cô đơn trong căn phòng đơn sơ của mình.

Trường đoạn ở tòa án mang tính chất trào phúng, chế giễu chế độ thối nát, thơ ơ của giới quan tòa Nga hoàng, trái ngược hẳn với tình cảnh đau khổ, thấp thỏm của người mẹ không biết con mình sẽ bị xử án ra sao. Việc xét xử tội trạng của Pavel chỉ là vấn đề thứ yếu của đám luật sư, quan tòa. Họ chỉ quan tâm đến thắng thua của những chú ngựa đang diễn ra ở trường đua và mong sao nhanh chóng hết giờ xử… Vì vậy mà việc xử án diễn ra qua quýt với việc tuyên án Pavel bị tù khổ sai, để lại bao đau khổ cho người mẹ. Trường đoạn này, các thủ thủ pháp dựng đối lập, song hành (cảnh xử án với cảnh đua ngựa ở trường đua)… đã góp một cái nhìn trào phúng, sâu cay về chế độ thoái nát đang đè nén người dân Nga.

Trường đoạn cuối của bộ phim là trường đoạn nổi bật nhất về nghệ thuật dàn dựng cũng như nghệ thuật dựng phim của đạo diễn Podovkin. Trong lần vào thăm người con trai trong tù, người mẹ đã chuyển lá thư của những người bạn cho Pavel. Sau khi đọc lá thư về kế hoạch vượt ngục, khuôn hình cận cảnh đôi mắt đầy hi vọng của Pavel trong tù được dựng nối tiếp, xen kẽ với hình ảnh dòng nước chảy khi mùa xuân đang về ở bên ngoài, báo hiệu một tương lai sẽ mở ra không chỉ cho Pavel mà con cho những người dân lầm than sẵn sàng đứng lên chiến đấu. Thủ pháp dựng song hành hình ảnh đoàn người biểu tình trong ngày Quốc tế lao động bên ngoài với cuộc nổi dậy của những người tù vượt ngục và hình ảnh những tảng băng tan chảy đang cuồn cuộn trên dòng sông… được kết hợp với âm nhạc đã tạo nên không khí nổi dậy sôi sục, khí thế của người dân Nga đứng lên chiến đấu. Việc đạo diễn dàn dựng đại cảnh hai dòng người tù chạy trên tầng hai theo hai hướng gần như vuông góc với nhau, cảnh sát xếp súng chéo trong hai cảnh liên tiếp… đã tạo được hiệu quả thị giác rất lớn trong trường đoạn này. Bên ngoài, dòng người tiến lên như lũ từ các ngả ngày một đông, cuồn cuộn như những tảng băng đang ào ạt tan chảy trên sông… Hình ảnh người mẹ rạng ngời tự tin ở cuối phim khác hẳn với hình ảnh người mẹ đau khổ, sợ hãi ở đầu phim. Sự biến đổi tâm lý nhân vật từ một người phụ nữ nhút nhát trở thành một nhân vật tự tin trở nên hợp lý và có giá trị rất lớn trong chính trường đoạn cuối và trong toàn bộ tác phẩm. Đặc biệt hình ảnh người mẹ cầm cờ đứng lên sau khi chứng kiến đứa con trai Pavel chết ngay trên tay bà càng trở nên thuyết phục. Chỉ riêng với chi tiết này, nhà quay phim Galovna đã quay rất nhiều cỡ cảnh và góc máy khác nhau để khi đạo diễn Podovkin đưa vào dựng đã khắc họa hình ảnh người mẹ trở nên vô cùng đẹp đẽ trong tâm trí khán giả. Đây cũng chính là những khuôn hình kinh điển của điện ảnh Xô Viết nói riêng và điện ảnh Thế giới nói chung.

 

Cảnh phim Người mẹ chứng khiến Pavel chết

 

Mặc dù đạt được những thành công nhất định và trở thành khuôn mẫu về nghệ thuật dựng ở nhiều trường đoạn như thủ pháp dựng song hành, đối lập, hiệu ứng Kuleshov, cách chuyển cảnh, tạo tiết tấu, tạo không khí, tạo cảm xúc cho người xem nhưng bộ phim Người mẹ vẫn còn điểm yếu, đó là chưa tạo được cấu trúc chặt chẽ về phong cách dựng cho toàn bộ tác phẩm. Đây cũng là hạn chế về cách dựng trong những tác phẩm điện ảnh thời kỳ đầu.

 

Bài và ảnh: Như Quỳnh