Tháng 6 năm 2018, tôi nhận được hơn 1000 trang bản thảo gồm các tư liệu giấy, những tin tức, các bức thư tay và điện tín, ảnh tư liệu… với nội dung xoay quanh sự kiện đạo diễn phim tài liệu nổi tiếng người Hà Lan Joris Ivens có hai tháng làm phim tại tuyến lửa Vĩnh Linh, trong những năm tháng cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam đang ở giai đoạn ác liệt nhất năm 1967. Đây là số tài liệu  nằm trong hồ sơ trao tặng và cho phép sử dụng vào mục đích nghiên cứu, sưu tầm, phổ biến và quảng bá… phi thương mại của Viện Joris Ivens dành cho Viện phim Việt Nam. Hai cơ quan sẽ thực hiện Đề án Sưu tầm, Nghiên cứu và Phổ biến tư liệu phim về Việt Nam của nhà làm phim Joris Iven, trong đó sản phẩm đầu ra sẽ là một cuộc Hội thảo, một cuốn sách và một bộ phim tài liệu nói về những đóng góp của đạo diễn Joris Ivens với điện ảnh Việt Nam (Sau này là hội thảo Joris Ivens và cuộc chiến tranh Việt Nam – Nhìn lại lịch sử cho một tương lai tốt đẹp hơn, được tổ chức thành công vào tháng 11/2018; cuốn sách  Joris Ivens với cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam, và bộ phim Joris Ivens và Ngọn gió Việt Nam hoàn thành cùng thời điểm). Nhiệm vụ của chúng tôi lúc này là phải viết và biên soạn một cuốn sách về cuộc đời, sự nghiệp, phân tích, nghiên cứu 4 bộ phim của Joris Ivens đã làm về cuộc chiến tranh nhân dân của Việt Nam những năm chống Mỹ.

Nhìn đống tài liệu chất ngất đủ các thể loại được in từ file gốc do Viện Joris Ivens gửi tặng, có một sự khâm phục khả năng sưu tầm và lưu trữ khá tốt khối lượng lớn tư liệu giấy, ảnh, và hình ảnh động từ phía các bạn đồng nghiệp Hà Lan về cuộc đời, sự nghiệp, các tư liệu, sự kiện liên quan tới đạo diễn Joris Ivens. Và trong quá trình đọc cũng như tìm hiểu khối tài liệu đó, xuất hiện liên tục tên của một người phụ nữ Việt Nam – phiên dịch, bác sĩ Nguyễn Thị Xuân Phượng – người đã theo sát vợ chồng đạo diễn Joris Ivens – Marceline Loridan suốt hai tháng làm phim tại Quảng Trị  - Vĩnh Linh năm 1967. Để hoàn thành khối lượng công việc lớn của Đề án một cách hiệu quả, nhóm thực hiện chúng tôi đã quyết định lựa chọn bà Nguyễn Thị Xuân Phượng, đạo diễn Bùi Đình Hạc là những nhân chứng sống, những người còn lại hiếm hoi của ekip làm phim với Ivens năm xưa, trở thành các nhân vật chính của Đề án. Trong đó, bà Xuân Phượng sẽ hỗ trợ Viện phim Việt Nam dịch cuốn sách tiếng Pháp Hai tháng trong lòng đất của bà Merceline Loridan – người cộng sự, vợ đạo diễn Joris Ivens đã viết trong hai tháng làm phim tại Vĩnh Linh sang tiếng Việt, cũng như sẽ xuất hiện tại Hội thảo và trả lời phỏng vấn trong bộ phim tài liệu Joris Ivens và Ngọn gió Việt Nam.

Ở tuổi 90 nhưng sự minh mẫn, sắc sảo và sức làm việc tận tâm của bà Xuân Phương đã khiến cả nhóm chúng tôi ai cũng ngưỡng mộ và nể phục. Cuốn sách Hai tháng trong lòng đất được bà hoàn thành kịp thời hạn và có chất lượng không thể tuyệt vời hơn. Sự hỗ trợ nhiệt tình và trách nhiệm của bà cùng với giúp đỡ và dịch thuật tiếng Anh của cô Bùi Thị Nhân Lộc – điều phối viên Dự án phía Hà Lan, trong vòng 6 tháng, nhóm đã thực hiện ngoài kế hoạch thêm 1 cuốn sách, cuốn song ngữ Joris Ivens với Việt Nam - Joris Ivens and Việt Nam.

 

 Hai cuốn sách về đạo diễn Joris Ivens xuất bản với sự hỗ trợ của bà Xuân Phượng  

 

Tin vui đến, tháng 4 năm 2019, tại Lễ trao giải Cánh Diều năm 2018 của Hội Điện Ảnh, cuốn sách  Joris Ivens với cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam, và bộ phim Joris Ivens và Ngọn gió Việt Nam do Viện phim Việt Nam thực hiện đã đoạt 2 giải Cánh Diều Bạc. Nhóm thực hiện bay vào Sài Gòn tham dự giải và kịp tái ngộ, tri ân đạo diễn Xuân Phượng tại Phòng tranh Lotus của bà trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Cuộc gặp gỡ nhiều bất ngờ khi hầu hết các nghệ sĩ điện ảnh nổi tiếng của điện ảnh Việt, không ai bảo ai đều tới Lotus thăm bà Phượng. Họ là những nghệ sĩ tâm huyết và đều có những dấu ấn, phong cách riêng của điện ảnh nước nhà: nhà quay phim Hữu Tuấn, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, vợ chồng đạo diễn Thanh Vân, Nhuệ Giang. Những kỷ niệm và sự giúp đỡ của bà với các đạo diễn Hữu Tuấn, Hữu Phần, Thanh Vân được mọi người vui vẻ kể lại với sự kính yêu và trân trọng. Đó là sự hỗ trợ kịp thời khó khăn thời bao cấp cho nghệ sĩ Hữu Tuấn, khi bà không ngần ngại trả ngay một khoản tiền lớn để mua chiếc bình cổ của ông, là việc không quản mệt nhọc, thức cả đêm tại Paris để kịp dịch phụ đề tiếng Pháp cho Đời cát của Thanh Vân kịp giờ trình chiếu…và vô vàn sự giúp đỡ tận tâm như thế với nghệ sĩ điện ảnh.

 

Bà Xuân Phượng cùng các nghệ sĩ điện ảnh Việt tại Gallery Lotus

(Từ trái sang: Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, Quay phim, NSND Hữu Tuấn, Bà Phượng, tác giả, vợ chồng Đạo diễn, NSND Thanh Vân, Nhuệ Giang)

 

Nhóm tác giả cuốn sách Joris Ivens với cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam

tại Lễ trao giải Cánh Diều của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2018 cùng bà Xuân Phượng

 

Không khí thân tình với những chia sẻ về chuyện đời, chuyện nghề, chuyện chinh chiến khắp các sàn đấu giá tranh và cổ vật của bà Xuân Phượng đã cuốn hút chúng tôi. Dường như cuộc đời bà luôn gắn chặt với những thăng trầm, biến động của đất nước với bản lĩnh phi thường, trí tuệ mẫn tiệp và trái tim ấm áp, nhân hậu….

1. Điện ảnh - cơ duyên và con đường phải bước tới

Ngược dòng lịch sử năm 1967, khi đang là bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho người nước ngoài ở Ủy ban liên lạc văn hóa với nước ngoài nhưng do rất giỏi tiếng Pháp nên bà Nguyễn Thị Xuân Phượng đã được Chủ Tịch Hồ Chí Minh giao trọng trách làm phiên dịch và chăm sóc sức khỏe cho vợ chồng đạo diễn Joris Ivens – Marceline Loridan khi họ làm phim tại Vĩnh Linh. Và trong suốt quãng thời gian khó khăn, ác liệt đó, bà đã cùng đoàn làm phim tiến vào một vùng đất được mệnh danh là túi bom của Quảng Trị, nơi mà mỗi con người, nhành cây ngọn cỏ phải hứng chịu những đợt tấn công liên tục, bất kể ngày đêm, mang tính hủy diệt của máy bay, pháo kích của quân đội Mỹ. Sứ mệnh lớn đặt lên vai người phụ nữ Việt Nam nhỏ nhắn cùng các nghệ sĩ trong đoàn làm phim Việt Nam gồm các đạo diễn, quay phim của Xưởng phim thời sự tài liệu trung ương, Xưởng phim Quân đội, Xưởng phim truyện Việt Nam, Xưởng phim Bộ Giao Thông Vận Tải của Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ… khi họ phải vừa bảo vệ tính mạng cho hai vợ chồng nhà làm phim Hà Lan vừa hỗ trợ các bạn thực hiện một bộ phim về cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam ngay tại nơi khốc liệt nhất của cuộc chiến.

Kết quả của chuyến công tác đặc biệt nguy hiểm nhưng đầy bản lĩnh ấy của vợ chồng đạo diễn Joris Ivens – Marceline Loridan cùng Xuân Phượng và đoàn làm phim Việt Nam là sự ra đời của bộ phim tài liệu nổi tiếng Vĩ tuyến 17 – chiến tranh nhân dân – một tác phẩm điện ảnh chân thực, sống động và giàu tính nhân văn. Vĩ tuyến 17 – chiến tranh nhân dân khi ra đời đã gây xôn xao dư luận tại các nước phương Tây, khi lần đầu tiên những hình ảnh trung thực nhất về cuộc chiến tranh Mỹ đang reo rắc tại Việt Nam hiện lên khốc liệt bằng phương pháp làm phim Cinema direct (Điện ảnh trực diện). Sự đối lập giữa những kẻ xâm lược với vũ khí tối tân với những người dân hiền hòa, can đảm đã thức tỉnh thế giới. Cuộc chiến mà ở đó hiển hiện rõ nét sự đối đầu của sức mạnh quân sự, quân đội tinh nhuệ với bên kia là những người nông dân nghèo đói, nhỏ bé vũ khí thô sơ nhưng có một tinh thần chiến đấu kiên cường với một khát vọng tự do mãnh liệt.

Cơ duyên giúp bà Xuân Phượng gặp gỡ và có chuyến làm phim đáng nhớ với vợ chồng đạo diễn Joris Ivens – Marceline Loridan, đồng thời cũng khiến bà  thay đổi công việc một cách mạo hiểm để gắn bó với điện ảnh: trở thành một đạo diễn phim tài liệu theo lời khuyên của đạo diễn Joris Ivens: “Là bác sĩ thì nhiều nhưng tìm nữ làm phim tài liệu thì hiếm. Qua mấy tháng làm phim, tôi thấy em rất có khả năng làm phóng viên chiến trường”. Đang có thu nhập ổn định và một phòng mạch tiện nghi đầy đủ, khám chữa bệnh cho cán bộ nước ngoài ở Thủ đô, bà đã quyết định từ bỏ tất cả để trở thành một phóng viên chiến trường, một nữ đạo diễn phim tài liệu khi đã ở tuổi 37 và đã có ba con chỉ với một suy nghĩ “Đất nước đang bị bom Mỹ tàn phá, cần phải có người xông pha vào chỗ khó khăn để phản ánh, tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ”.

Năm 1968, Xuân Phượng trở thành nữ đạo diễn, phóng viên chiến trường duy nhất ở Việt Nam làm việc tại bộ phận Truyền hình (tiền thân của Truyền hình Việt Nam ngày nay). Bà xông xáo thực hiện hàng loạt các phim tài liệu mang tính thời sự, phản ánh những sự kiện chiến sự nóng bỏng tại chiến trường Campuchia, biên giới phía Bắc, là một trong những phóng viên đầu tiên vào Dinh Độc lập theo trung đoàn xe tăng…Những bộ phim tài liệu của bà Xuân Phượng ngoài tính chính luận còn bộc lộ sự trăn trở của một người nghệ sĩ luôn đau cùng nỗi đau nhân vật và thể hiện thái độ trách nhiệm với mỗi số phận con người, sự kiện của thời cuộc và đất nước. Đó là các tác phẩm Việt Nam và chiếc xe đạp (1974); Tôi Viết Bài Ca Hồi Sinh (1979) – hai phim đạt giải Bồ Câu Bạc tại liên hoan phim quốc tế Leipzig. Khi Tiếng Súng Vừa Tắt (1975); Khi Những Nụ Cười Trở Lại (1976); Hai Tiếng Quê Hương (1978) ba phim đạt bằng khen tại LHPQT Leipzig. Và các giải thưởng trong nước: Trên một đoạn đường Trường Sơn – giải Cành Mai Bạc, kỷ niệm 10 năm giải phóng miền Nam; Giọt nước cao nguyên – giải thưởng đặc biệt của UNICEFF Việt Nam; Ông Năm Yersin – giải Bồ Câu Bạc tại LHP Việt Nam tại Đà Lạt. Bên cạnh sự ra đời của các bộ phim Việt Nam bà còn tham gia nhiều tác phẩm với các đoàn làm phim nước ngoài như: Cuộc chiến tranh ở rừng Lào ( với Joris Ivens, Marceline Loridans ) - 1968; Chân dung một lãnh tụ chính trị: Hồ Chí Minh; Jane Fonda tại Việt Nam; Làng Đông phong- Thái Bình; Thế giới của bé Khoa - 1972 (với đạo diễn Pháp Gérard Guillaume); hợp tác với với nhiếp ảnh gia Pháp Marc Riboud, nhà làm phim Roger Pic, nhà văn Pháp Madeleine Riffaud, nhà báo Ba Lan Monika Warnenska, nhà thơ Blaga Dimitrova,…v.v trong những năm kháng chiến chống Mỹ.

2. Tự hào và nâng đỡ giá trị văn hóa Việt

…Trở lại cuộc gặp tại Lotus ở Sài Gòn cùng các nghệ sĩ điện ảnh Việt, hôm đó, chúng tôi ngoài những chia sẻ và trao đổi về điện ảnh còn có một buổi nói chuyện thú vị khi được bà Xuân Phượng vui vẻ kể những câu chuyện chìm nổi trên con đường mang hội họa, nghệ thuật văn hóa của Việt Nam ra thế giới và những đợt đấu giá ngoạn mục để mang cổ vật Việt về với quê hương. Mắt bà ánh lên tự hào khi cho chúng tôi xem từng món đồ mua được từ các sàn đấu giá danh tiếng tại nhiều quốc gia từ Châu Á, Âu, Mỹ…. Đó có thể là những chiếc bình gốm tinh xảo từ kỹ thuật làm gốm độc đáo của Nhật, những chú rùa nạm đá quý công phu, độc, lạ từ nghệ nhân Pháp… nhưng đặc biệt trong số đó là chiếc đĩa gốm Bát Tràng với màu men lam, rạn từ thế kỷ 15 – một món đồ cổ mang đậm hồn Việt, lưu lạc trên thế giới đã được bà quyết tâm hồi hương và nâng niu, gìn giữ.

 

    Chiếc đĩa Bát Tràng men rạn màu lam thế kỷ 15

 

Chiếc bình có hoa văn tinh xảo của Nhật

 

Nói tới cơ duyên với hội họa và thú sưu tập đồ cổ bà Xuân Phượng cho biết:  “Sau khi nghỉ hưu, muốn có một công việc nuôi sống mình và gia đình tôi đã quyết tâm mở một Gallery tranh do yêu thích hội họa, đồng thời muốn qua tranh ảnh giới thiệu nền văn hóa đặc sắc của Việt Nam ra thế giới. Có lẽ, đây cũng là thông điệp ngắn nhất ra nước ngoài khi muốn khẳng định: Việt Nam không chỉ có chiến tranh, đói nghèo mà là một quốc gia có truyền thống văn hóa lâu đời, đặc sắc với những tác phẩm nghệ thuật không thua kém các quốc gia khác trên thế giới”. Với tâm thế “tự ái quốc gia”, bà quyết tâm mở một phòng tranh với tiêu chí sáng suốt “chỉ lựa chọn những tác phẩm thể hiện đặc sắc nét đẹp văn hóa truyền thống Việt Nam”. Năm 1991, Gallery Lotus ra đời với ý nghĩa tôn vinh vẻ đẹp thanh tao của văn hóa, nghệ thuật quê hương  “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.

Từ một phòng tranh với khởi điểm chỉ có 27 bức, sau 2 năm bà đã có khối tài sản 600 bức tranh, cứ thế, bà sống và nuôi sống gia đình bằng tranh cũng như tài trợ, phát hiện những họa sĩ trẻ, tài năng của Việt Nam. Và từng bước, bà Xuân Phượng lặng lẽ giúp họ tỏa sáng trên thế giới qua các triển lãm tranh Việt Nam ở nước ngoài. Từng bước từ một người làm kinh doanh, kiếm sống bằng mua bán tranh, bà lại trở thành nhịp cầu nối, người tổ chức các triển lãm tranh uy tín của Việt Nam tới khắp các quốc gia trên thế giới như Pháp, Mỹ, Bỉ, Hà Lan, Ý, Anh, Đức, Thụy Sĩ, Hongkong…Nhiều họa sĩ trẻ vô danh ở Việt Nam, nhờ bà đỡ đầu đã có cơ hội tìm được không khí sáng tạo nghệ thuật ở nước ngoài qua các Triển lãm, hội trợ, ví dụ như họa sĩ Lê Lộc ở Hội An, Trương Đình Hào ở Hà Nội…

 

         Cuộc triển lãm tranh tại Pháp tháng 6/2019

 

Do thời gian làm việc tại Đài truyền hình và Bộ ngoại giao có mối quan hệ với nhiều người bạn Pháp trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật,  bà Xuân Phượng đã liên tục mở các cuộc triển lãm tranh Việt - Pháp 2 lần/năm trong suốt 22 năm. Với vốn tiếng Pháp xuất sắc bà còn thực hiện nhiều cuốn sách về văn hóa, lịch sử Việt Nam sang tiếng Pháp và ngược lại. Với những nỗ lực vun đắp bền bỉ cho cây cầu văn hóa Pháp - Việt, bà Xuân Phượng đã được Chính phủ Pháp trao Huân chương Bắc đẩu bội tinh đệ ngũ đẳng vào năm 2011.

 

                    Bà Xuân Phượng và đội ngũ nhân viên Gallery Lotus

                      trong một cuộc triển lãm tranh tại Pháp tháng năm 2019  

 

Với hàng chục năm làm việc với các họa sĩ, tiếp xúc với nhiều tầng lớp khán giả yêu tranh trên khắp thế giới, bà Xuân Phượng ngày càng yêu thích và nhận ra ý nghĩa công việc mình đã chọn, đặc biệt trong việc khiến con người xích lại gần nhau, mọi rào cản, hận thù như nhẹ nhàng được rỡ bỏ qua những bức tranh nghệ thuật. Có hai câu chuyện khiến bà Phượng nhớ mãi khi mang tranh đến với thế giới. Đó là cuộc triển lãm tranh Việt Nam ở Bỉ năm 2009, bà đã gặp một Việt kiều, ngày nào ông ta cũng đến xem tranh nhưng không mua rồi lặng lẽ ra về. Đến ngày cuối ông gặp bà Phượng và xúc động chia sẻ: “Tôi đã không muốn trở lại mảnh đất tôi phải ra đi cho đến khi tới đây, xem những bức tranh này.  Cây đa, bến nước, gốc nhãn trưa hè,…với màu sắc tươi sáng tràn đầy sức sống, những hình ảnh của quê hương trở về quá đỗi mãnh liệt, bỗng nhiên tôi hết hận thù và quyết định nhất định sẽ trở về”. Câu chuyện thứ 2 là năm 2011, trong cuộc triển lãm tranh Việt Nam tại Ý, cũng xuất hiện một người đàn ông ngày nào cũng xem tranh nhưng không mua. Ngày thứ 4 ông ta gặp bà Phượng đầy bối rối: “Xin lỗi, đó là một từ Việt Nam. Tôi muốn nhờ bà gửi lời xin lỗi tới nhân dân Việt Nam. Cách đấy mấy chục năm, tôi là kỹ sư xây dựng kho Long Bình, sân bay Chu Lai, sân bay Buôn Ma Thuột. Tôi không ngờ từ đây, bao nhiêu chuyến bay đã chất bom đạn bắn phá làng mạc, giết hại người vô tội, máu người Việt đã đổ rất nhiều từ các công trình này. Tôi đã rất đau khổ, hối hận. Tôi rất muốn sang thăm Việt Nam nhưng sợ phải đối mặt với ánh mắt hận thù nên nhiều lần đã đặt vé máy bay rồi lại hủy. Những bức tranh đầy sức sống và sắc màu này đã thể hiện một Việt Nam đang hồi sinh, vượt qua những vết thương tàn khốc của cuộc chiến và sẵn sàng để tôi trở lại”. Những lời hứa sẽ trở lại như thế là những phần thưởng vô giá mà không lợi nhuận nào trong việc mua bán tranh có thể mang lại cho bà. Đó là kết quả của niềm đam mê, tinh thần dân tộc hào sảng của một phụ nữ như bà Xuân Phượng – sứ giả của hòa bình, nhân ái.

Để kết thúc bài viết về người phụ nữ đặc biệt, có cuộc đời kỳ lạ, đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng, xin được mượn câu trả lời phỏng vấn của bà trước một nhà báo nước ngoài:

- “ Ở cái tuổi xưa nay hiếm vẫn đi lại, làm việc như con thoi, bà định điều hành Lotus trong bao lâu, liệu có bao giờ bà nghĩ rằng mình sẽ chết trước một cuộc triển lãm tranh không?”

- Bà đã vui vẻ trả lời: “Tôi hâm mộ nhà viết kịch Pháp thế kỷ 17 Moliere, ông đã qua đời sau khi đóng xong vai kịch của mình trên sân khấu. Tôi cũng muốn noi theo gương ông ấy. Với tôi, được sống một lần trong đời mà không còn gì phải hối tiếc đã là toại nguyện. Chết trên giường cũng là chết, chết giữa những bức tranh thì tại sao không?”

                                                                                                                                                                                      Tạ Hoàng Anh

                                                                                                                                                                          Viện Phim Việt Nam