Từ khi thể loại phim hành động ra đời, cho đến nay, nó đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống chúng ta. Cuộc sống hiện đại luôn đầy ắp những bức bối bởi những luật lệ, khuôn mẫu khó thở khiến con người cần một sự giải thoát hơn bao giờ hết. Thông qua giải trí, ta tìm đến điện ảnh hành động, nơi những cảm xúc tiêu cực được thoát ra, nơi những suy tưởng được bùng nổ. Tại đó, khán giả được trải nghiệm những điều bị cấm làm hay không được làm trong thế giới thực: bạo lực. Sự xuất hiện của bộ phim hành động đầu tiên xuất hiện trong lịch sử Chuyến tàu bị cướp (1903) của Edwin S. Porter đã cho các nhà làm phim biết đến cốt lõi của phim hành động: xung đột.

Ngày nay, hàng ngàn bộ phim được làm ra chiếm phần lớn là phim hành động. Những cảnh máu me, bạo lực, của cả nhân vật phản diện lẫn chính diện, bị đẩy lên tận cùng nhằm tạo nên cảm giác nghẹt thở và đôi khi mang phần kinh dị. Các bộ phim làm ra thường dựa trên hai chủ đề: cuộc chiến thiện ác và cuộc chiến sinh tồn. 

 

Cuộc chiến thiện ác

 

 

Là đề tài thường thấy của phim hành động, khi nhân vật chính thường trở thành người hùng bất đắc dĩ nhưng sẵn sàng hy sinh vì nghĩa vụ cao cả hơn, có thể thấy qua loạt phim Taken (Cưỡng đoạt) (2008–2012–2015) nổi tiếng gần đây của Liam Neeson với hình tượng người đàn ông chiến đấu bảo vệ gia đình. Hàng loạt cảnh hành động đối đầu với bọn khủng bố để giành lại con gái bị bắt cóc (phần 1), rồi đến vợ (phần 2) và báo thù cái chết của vợ (phần 3). Với chất giọng trầm nam tính đầy lôi cuốn, kỹ năng sử dụng súng và đấu tay đôi chuyên nghiệp của một cựu đặc nhiệm Mỹ, Bryan Mills dưới diễn xuất của Liam Neeson đã có thể sánh ngang với điệp viên huyền thoại James Bond do Daniel Craig thủ vai và vai diễn Jason Bourne của Matt Damon.

Bên cạnh đó, các bộ phim siêu anh hùng được chuyển thể từ comic là tiêu chuẩn của phim hành động về bạo lực “chính đáng” đánh bại kẻ ác và giải cứu thế giới. Trong số này, cũng có một số phim đơn thuần cổ xúy hành động bạo lực với những nguyên do cá nhân mà không vì ý nghĩa cao cả nào như: Punisher: War Zone (Kẻ trừng phạt: Vùng Chiến) (2008), Kick-ass (Anh hùng Kick-ass) (2010–2013), Deadpool (2016)… Những phim này xoay quanh các nhân vật có xu hướng giải quyết bạo lực bằng bạo lực, đôi khi xuất hiện với tình huống hài hước nhằm tăng tính hấp dẫn của cảnh phim. Mặc dù trong phim cũng có kẻ xấu, nhưng chính các anh hùng này cũng chẳng phải hoàn toàn chính nghĩa, nhất là họ thường mang những tính cách cực đoan, có sở thích tra tấn dã man và không khoan nhượng với kẻ thù. Cũng vì vậy mà câu chuyện phim thường phần nhiều đen tối hơn, chủ yếu nói về sự báo thù và đả kích xã hội.

 

 

Cuộc chiến sinh tồn

 

 

Đây là loại phim chủ yếu thể hiện những cảnh hành động bạo lực thuần túy khi các nhân vật buộc phải tìm cách sống sót trong câu chuyện phim. Điển hình nhất là loạt phim The hunger games (Đấu trường sinh tử) (2012–2013–2014–2015), với vai diễn chính Katniss Everdeen, đã đem lại sự khởi sắc cho sự nghiệp diễn xuất của Jennifer Lawrence. Phim có đan xen những cảm xúc, tình yêu, thậm chí những toan tính chính trị, nhằm tạo nên nhiều màu sắc điện ảnh hơn. Tuy nhiên, cốt lõi bộ phim vẫn là cuộc chiến sinh tử bên trong những đấu trường chết chóc. Một số phim tương tự có thể kể đến như Predators (Kẻ săn mồi) (2010), The Grey (Bản năng sinh tồn) (2011), loạt phim The Maze Runner (Giải mã mê cung) (2014–2015)…

 

Bạo lực chính nghĩa – những tội ác hợp pháp và cuộc chiến trong chiếc cũi màn hình

 

Để tạo nên lý do sử dụng bạo lực trong phim hành động, nhà làm phim thường khiến nhân vật trở thành anh hùng hoặc làm khán giả đồng cảm với nhân vật ấy. Khi kiến tạo tình huống éo le, bạo lực trở thành chìa khóa duy nhất để giải thoát các nhân vật khỏi nguy hiểm. Các bộ phim không cho họ cơ hội chạy thoát khỏi xung đột, mà buộc họ bước vào vòng chiến với tình trạng “không thể lùi bước”. Đó là những gì các nhân vật buộc phải làm, được quyền làm, kể cả là phạm tội: cướp xe, tra tấn, giết người… Bên cạnh tiết tấu của câu chuyện phim, nhân vật phải mạo hiểm sống sót cho tới cuối câu chuyện như để minh chứng rằng họ là những nhân vật chính. Nhưng trên hết, các cảnh hành động mới chính là những gì khán giả muốn thưởng thức. Bởi nhu cầu thiết yếu này, các nhà sản xuất phim luôn tìm cách tạo nên những pha hành động đẹp mắt để chiều lòng khán giả, để tạo nên ảo tưởng về bạo lực được giải thoát trên màn ảnh nhưng ngược lại cũng biến người xem trở nên khao khát bạo lực.

 

Ngày nay, khi ta xem phim hành động, ta tự biến mình thành một người Hi-lạp cổ đại ngồi trong đấu trường La Mã và xem những cảnh chém giết máu me của các đấu sỹ. Và khi một trong số họ ngã xuống vũng máu, sự phấn khởi tột cùng của con người ta sẽ được khởi phát và thăng hoa. Cũng có đôi khi ta cảm thấy tiếc thương cho một số nhân vật phụ buộc phải hy sinh trong phim bởi sinh ra ý thích nhất thời đối với nhân vật đó. Ta có thể xem đi xem lại những cảnh phim hành động với sự khoái trá cùng cực để giải phóng những thú vui của bản năng nguyên thủy. Cũng như vậy, ta đã coi màn hình chiếu phim là một đấu trường nhỏ bé, một cái cũi chứa những cuộc chiến không tưởng dành cho mặt trái của bản thân. Vậy nên, xem phim là thưởng thức ảo giác, ảo tưởng, nhưng hãy luôn nhắc nhở bản thân: mình chẳng phải là người trong cũi.

Bùi Trí Hiếu

Viện Phim Việt Nam