Năm 1992, Reservoir Dogs (Những kẻ phản bội), bộ phim đầu tay của Quentin Tarantino đã làm rung chuyển giới Hollywood trước khi phô diễn tại các liên hoan phim lớn như Sundance, Cannes, Toronto và nhận được vô số những lời ngợi khen từ các nhà phê bình nghệ thuật. Từ một nhân viên quèn 29 tuổi làm việc tại cửa hàng cho thuê băng đĩa, Quentin Tarantino đột nhiên xuất hiện trong giới điện ảnh Mỹ như một cơn bão mang đến một phong cách làm phim mới với nhiều chủ đề như: tội phạm, bạo lực, văn hóa đại chúng, lối nói chuyện tục tĩu và cách kể chuyện phim phi tuyến… mà sau này đã trở thành thương hiệu của phim Quentin Tarantino.

 

 

Với ngân sách bỏ ra là 1.5 triệu, có một phần từ kịch bản của bộ phim nổi tiếng True Romance (Lãng mạn và tội ác) của Taratino sáng tác bán cho đạo diễn Tony Scott, thành công của Reservoir Dogs mang về 2.8 triệu đô-la. Điều này được coi là một thành công lớn đối với dòng phim độc lập và phim nghệ thuật mà vốn không có bất kỳ sự đỡ đầu từ những nhà sản xuất phim lớn, những ông trùm vốn đã thâu tóm thị trường điện ảnh của cả nước Mỹ về Hollywood. Đặc biệt, đó còn là một thời kỳ đen tối của giới ngôi sao Mỹ như Sylvester Stallone hay Bruce Willis, dù vẫn còn nổi danh ở cuối thập niên 80 cho đến những năm 90 nhưng sự nghiệp đang dần chìm xuống.

Sau Reservoir Dogs, Quentin Tarantino vẫn chưa dừng lại những ý tưởng táo bạo. Cuối năm 1992, trong một căn hộ một phòng, không có điện thoại hay máy fax, người đạo diễn tài ba này đã chấp bút trong vòng 3 tháng hoàn thiện kịch bản của Pulp Fictions (Chuyện tào lao), một câu chuyện về những tên tội phạm sống ở rìa Los Angeles. Chính tác phẩm này đã trở thành một hiện tượng vào năm 1994 làm thay đổi cách làm phim đương thời. Cảnh tay sát thủ Vincent Vega (John Travolta) bị bắn chết tại nhà của Butch Coolidge (Bruce Willis) ở giữa phim đã choáng váng khán giả thì đột nhiên họ lại được nhìn thấy hắn khi chuyển cảnh về câu chuyện của cặp tình nhân cướp quán ăn gia đình ở đầu phim. Đáng ngạc nhiên hơn, tay sát thủ Jules Winnfield (Samual L. Jackson) tha cho đôi tình nhân sau khi họ rút súng cướp ví của hắn và các vị khách trong quán. Cách kể chuyện thực sự phá cách đến nỗi đã thoát khỏi khuôn mẫu thông thường từ trước đến nay và mở ra một kỷ nguyên mới của những câu chuyện phim ở Hollowood. Pulp Fictions đã giúp đoàn làm phim thu về hơn 200 triệu đô-la và nhiều giải thưởng như giải cành cọ vàng ở Cannes năm 1994, giải Oscar cho kịch bản gốc xuất sắc nhất giành cho Tarantino và Roger Avary… Không chỉ vậy, sự nổi lên của Quentin Tarantino đã vực dậy sự nghiệp của John Travolta (Đề cử Oscars cho nam diễn viên xuất sắc nhất), Samual L. Jackson và Uma Thurman, biến anh em nhà Weinstein Harvey và Bob (nhà sáng lập hãng phim Miramax) trở thành những gã khổng lồ trong ngành sản xuất phim.

 

Sự nghiệp của Tarantino bắt đầu rộng mở với hai phần của dòng phim bạo lực Kill Bill (Truy sát Bill) khiến người xem phấn khích khi “trình làng” giới điện ảnh sự hoang dại của một dòng phim mới dẫn đầu bởi chính ông. Tuy nhiên, lần này nhiều nhà phê bình nhận định phim của Tarantino có khuynh hướng cổ súy bạo lực và khát máu, mang ảnh hưởng không tốt đối với giới trẻ và người xem. Toàn cảnh bộ phim Kill Bill là câu chuyện báo thù đẫm máu trong thế giới ngầm. Thậm chí còn xuất hiện cả những nhân vật thanh thiếu niên làm sát thủ trong phim như Gogo Yubari (Chiaki Kuriyama) hay tên nhóc trong băng đảng The Crazy 88 dưới trướng O-Ren Ishii (Lucy Liu – Lưu Ngọc Linh) ở phần một của Kill Bill. Hơn thế, cảnh cô dâu báo thù tắm máu toàn bộ tay sai của O-Ren hẳn đã trở thành một trong những cảnh phim đẫm máu nhất trong số các phim hành động nổi tiếng của Mỹ. Nhưng chính bộ phim này đã tạo nên chủ đề chính trong các tác phẩm về sau của Quentin Tarantino: sự báo thù.

 

 

Nối tiếp đó là những cái tên khét tiếng như Inglourious Basterds (Những tên khốn hèn hạ, 2009), Django Unchained (Django tự do, 2012) và gần đây nhất là The Hateful Eight (Tám kẻ hận thù, 2015). Nhưng khác biệt nhất trong tất cả là Django Unchained, bộ phim đã đem lại cho Tarantino một tượng vàng Oscar thứ hai cho kịch bản xuất sắc nhất. Câu chuyện nói về nạn phân biệt chủng tộc trước nội chiến Mỹ, đề tài cũng khá tai tiếng ở Hollywood và đã bất ngờ rung động tâm trí người xem về một nô lệ da đen – Django (Jamie Foxx) tìm cách giải cứu vợ mình – Broomhilda von Shaft (Kerry Washington). Hình tượng một nô lệ da đen Django bẻ cong mọi luân lý của thế giới: cưỡi ngựa, mặc áo cao bồi, mang súng và săn tiền thưởng trên đầu những tên tội phạm da trắng. Tarantino từng trả lời phỏng vấn với Krishnan Guru-Murthy – phóng viên của kênh bản tin Channel 4 của Anh Quốc: “Tôi luôn muốn khám phá đề tài về vấn nạn nô lệ. Nhưng lý do thực sự khiến tôi đặt bút viết kịch bản này là để cho một chàng da đen Mỹ trở thành một người hùng miền Tây, cho khán giả một câu chuyện dân gian về người tìm được sức mạnh và trả được món nợ máu.” 

Tuy nhiên, điều mà ta rất dễ nhận thấy trong Django Unchained cũng như các tác phẩm khác sau Kill Bill chính là sự trả thù của nhân vật mang cảm xúc khoái trá hơn so với trước. Các nhân vật bị hại, nhất là phái nữ, thường có khuynh hướng dùng bạo lực trả thù bạo lực. Họ hành động không vì mục đính giành lại công lý mà để thỏa mãn khát mãn khát vọng được báo thù. Lời thoại nhân vật cũng tục tĩu hơn, càng đậm chất bụi đời, nơi chẳng có thứ văn minh nào bằng nắm đấm. Những điều đó khiến phim Tarantino trở nên nằm ngoài lẽ thường của Hollywood mà đối với nhân vật trong phim là thế giới ngoài vòng pháp luật và đó cũng là yếu tố làm nên phong cách riêng của đạo diễn thiên tài Quentin Tarantino.

(Bài viết tổng hợp từ Internet)

Bùi Trí Hiếu

Viện Phim Việt Nam