Ngày 22/9/1979, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 343 - CP thành lập Viện Tư liệu phim Việt Nam (nay là Viện Phim Việt Nam) thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) với chức năng lưu chiểu, lưu trữ phim và bảo quản các tư liệu điện ảnh, nghiên cứu lý luận, công nghệ điện ảnh, khai thác phổ biến các tư liệu điện ảnh theo quy định của pháp luật. Sự kiện này không những đánh dấu bước phát triển quan trọng của công tác lưu trữ hình ảnh động tại Việt Nam mà còn thể hiện sự quan tâm, đánh giá cao của Đảng và Nhà nước đối với giá trị của phim lưu trữ - di sản văn hóa hình ảnh động quốc gia.

Với xuất phát điểm chỉ là một Phòng Tư liệu phim của Cục Điện ảnh được thành lập năm 1965, trải qua một giai đoạn chiến tranh chống Mỹ khốc liệt, tiếp đến chiến tranh Biên giới 1979, tư liệu điện ảnh luôn nằm trong tình thế cấp bách phải sơ tán, di chuyển nhiều nơi (Khu ATK Tuyên Quang, Kho H79 Đà Lạt). Không có kho phim cố định, điều kiện bảo quản phim lưu trữ thời kỳ này khá thô sơ, lạc hậu, phòng ốc, cơ sở làm việc phải đặt nhờ các đơn vị trong ngành như Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, Cục Điện ảnh… lực lượng cán bộ mỏng, trang thiết bị bảo quản phim thiếu thốn, nhưng đội ngũ lưu trữ viên thời đó đã vượt qua khó khăn, gian khổ, hoàn thành tốt nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm và tâm huyết. Sức mạnh đoàn kết của đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức thời kỳ đầu đã tạo nên một truyền thống tốt đẹp của Viện, trở thành yếu tố quan trọng, đặt nền móng vững chắc cho một đơn vị lưu trữ điện ảnh lớn mạnh sau này.

Năm 1982, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự giúp đỡ của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và Hà Nội, Viện Tư liệu phim Việt Nam được khởi công xây dựng tại 115 Ngọc Khánh (nay là 523 Kim Mã - Ba Đình - Hà Nội) và được hoàn thành đi vào sử dụng từ năm 1989, đúng vào dịp kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Viện. Kể từ đây, Viện Tư liệu phim Việt Nam chính thức có một trụ sở mới, phim tư liệu, vật liệu gốc được quy về một mối, được bảo quản, lưu trữ trong điều kiện nhiệt độ, độ ẩm đạt chuẩn, việc phục vụ công tác nghiên cứu, sáng tác điện ảnh của ngành được thuận lợi và hiệu quả hơn.

 

Trụ sở Viện Phim Việt Nam tại 523 Kim Mã - Ba Đình - Hà Nội

 

Trải qua 10 giai đoạn các Viện trưởng và Quyền Viện trưởng (Phan Trọng Quang, Trịnh Mai Diêm, Hoàng Thanh, Trần Luân Kim, Hoàng Như Yến, Nguyễn Thị Lan, Đào Quốc Hùng, Vũ Nguyên Hùng, Nguyễn Huy Hoàng, Lê Thị Hà), Viện Phim Việt Nam luôn là một đơn vị mạnh của ngành điện ảnh, một cơ sở lưu trữ hình ảnh động uy tín trên cả nước với trụ sở chính đặt tại 523 Kim Mã - Ba Đình - Hà Nội, phân Viện tại Thành phố Hồ Chí Minh: Trung tâm Nghiên cứu và Lưu trữ điện ảnh số 7 Phan Kế Bính - Quận 1, Kho lưu trữ phim 87 Điện Biên Phủ - Quận 1 - Thành phố Hồ Chí Minh và Khu lưu trữ hình ảnh động quốc gia (cơ sở 2 tại Hà Nội) tại Thạch Thất.

 

Kho lưu trữ phim tại 87 Điện Biên Phủ - Quận 1 - Thành phố Hồ chí Minh

 

Kho lưu trữ và bảo quản phim

Đối với nhiệm vụ lưu trữ điện ảnh, việc xây dựng kho và bảo quản vật liệu gốc là nhiệm vụ hàng đầu của một cơ quan lưu trữ quốc gia. Ý thức được điều đó, ngay từ những ngày đầu thành lập, việc lưu trữ phim tại Viện luôn đặt ra những yêu cầu nghiêm ngặt với nhiệt độ 100C+-2, độ ẩm 35% +-5  cùng hệ thống giá phim di động hiện đại. Phim được kiểm tra, xếp loại tiêu chuẩn kỹ thuật, tu sửa, phục chế các khuyết tật cơ học, làm sạch trên các thiết bị hiện đại: rửa siêu âm, lau ẩm, rửa nước… đóng gói, hút chân không, kết hợp đặt Zeolite, đặt thuốc chống mốc… Phim tới hạn sẽ được in chuyển sang bản phim mới.

 

Kho lưu trữ tư liệu hình ảnh động tại Hà Nội

 

Nhân viên kho kiểm tra tình trạng phim lưu trữ định kỳ

 

Viện Phim Việt Nam hiện nay có ba hệ thống kho phim: tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Thạch Thất, hiện đang lưu giữ gần 80.000 cuốn phim nhựa 35mm, 16mm, hơn 20 ngàn tên phim và hàng chục ngàn băng video. Danh mục phim đang lưu trữ tại kho phim Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh của Viện Phim Việt Nam hiện khá phong phú. Đó là các tác phẩm điện ảnh Việt Nam và nước ngoài, đặc biệt là khối lượng lớn tư liệu phản ánh thời kỳ chiến tranh, bảo vệ và xây dựng tổ quốc của điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Trong kho lưu trữ của Viện còn có nhiều tác phẩm điện ảnh, phim tư liệu sản xuất thời chính quyền Sài Gòn trước năm 1975 - những tư liệu mang nặng dấu ấn lịch sử, khái quát gương mặt điện ảnh Việt Nam hai miền Nam - Bắc trong suốt nửa thế kỷ qua. Ngoài ra, những hình ảnh vô giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh, bộ sưu tập phim điện ảnh Cách mạng những năm đầu tiên, phim tư liệu về Đông Dương do Viện lưu trữ phim Pháp trao tặng… là những tư liệu quý hiếm Viện Phim Việt Nam hiện đang bảo quản.

 

Tu sửa phim bằng phương pháp thủ công

 

Kho lưu trữ tư liệu hình ảnh động tại Thành phố Hồ Chí Minh

 

Công nghệ lưu trữ, bảo quản và phục chế

Bên cạnh việc bảo quản, lưu trữ phim tại các kho lưu trữ phim theo tiêu chuẩn kỹ thuật, việc in chuyển phim từ phim nhựa sang các vật liệu băng, đĩa hình để phục vụ cho các hoạt động tra cứu, in trích tư liệu, khai thác sử dụng phim và in chuyển từ băng sang phim nhựa, phục chế, tu sửa hình ảnh điện tử qua hệ thống trang thiết bị công nghệ cao được đặc biệt quan tâm. Sự phát triển của công nghệ số trong lĩnh vực lưu trữ hình ảnh động trên thế giới là thách thức lớn khiến vấn đề  kỹ thuật lưu trữ, bảo quản, phục chế phim của Viện đặt ra một nhiệm vụ quan trọng: Bên cạnh việc phát huy công tác lưu trữ phim và vật liệu gốc bằng phương pháp truyền thống, phải bắt kịp xu hướng thế giới, đó là tiến tới số hóa toàn bộ phim lưu trữ.

 

Hệ thống chỉnh màu trên phim

 

Các hệ thống máy móc, thiết bị chuyên ngành được trang bị kịp thời như DaVinci 2K, trạm Sonic DVD – 6301… phục vụ công nghệ chuyển đổi kỹ thuật số: Telecin từ phim nhựa sang các định dạng số hoặc băng, kèm xử lý hình ảnh, chuyển đổi các định dạng từ phim nhựa 35/16 sang Data 2K hoặc SD, Digital Betacam hoặc Betacam SP, VHS, DVD… Chuyển đổi số hóa các định dạng analog và từ số hóa sang phim nhựa, tu sửa, phục chế các khuyết tật hình: mật độ, màu sắc, khuôn hình, xước, bụi… (đến 2K) bằng các phần mềm chuyên nghiệp, tu sửa, phục chế các khuyết tật âm thanh. Hiện nay, Viện Phim Việt Nam đã tiến hành số hóa khoảng 700 cuốn phim trên một năm.

 

Hệ thống số hóa phim nhựa

 

Phục chế phim trên phần mềm chuyên dụng

 

Công tác lưu chiểu và sưu tầm, hồ sơ phim mục

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Viện Phim Việt Nam là nhận nộp lưu chiểu vật liệu gốc, nộp lưu trữ đối với các tác phẩm điện ảnh, các tài liệu kèm theo phim và tư liệu chưa dựng thành tác phẩm được quay bằng nguồn kinh phí của Nhà nước hoặc do Nhà nước đặt hàng, trợ giá từ 30% trở lên (theo Luật Điện ảnh và Thông tư hướng dẫn số 06/1998/TT-BVHTT ngày 11/11/1998 của Bộ VHTT).

 

Kho hồ sơ tài liệu kèm theo phim

 

Khối lượng áp phích lớn được bảo quản nghiêm ngặt trong kho chuyên dụng

 

Nhằm bổ sung cho bộ sưu tập lưu trữ hình ảnh động, Viện Phim Việt Nam còn đặc biệt chú trọng công tác sưu tầm, lựa chọn, mua bán, trao đổi các tài liệu, hiện vật, tư liệu và các tác phẩm điện ảnh có giá trị trong và ngoài nước. Các tài liệu, hiện vật được đưa vào bảo quản, phục hồi, phục chế, phân loại, đánh số lưu trữ, lập thẻ tra cứu phục vụ công tác nghiên cứu, sáng tác, đào tạo và đến nay, Viện đã hoàn thành Phòng trưng bày Điện ảnh với các hiện vật đặc sắc sưu tầm từ nhiều thời kỳ tại Kho phim Thạch Thất - Hà Nội.

 

Khu Lưu trữ Hình ảnh động Quốc gia tại Thạch Thất - Hà Nội

 

Phòng trưng bày Điện ảnh tại Kho phim Thạch Thất

 

Công tác lập hồ sơ phim mục của Viện được thực hiện theo hệ thống dữ liệu chuẩn quốc tế của Liên đoàn các Viện Lưu trữ phim quốc tế (FIAF). Phim lưu trữ tại Viện được phân loại, lên danh mục theo từng thể loại phim: phim truyện, tài liệu, khoa học, hoạt hình… và theo từng loại vật liệu. Việc lập hồ sơ chi tiết theo phân cảnh hoặc theo chuyên đề, nhân vật, sự kiện và lưu trữ dữ liệu trên máy vi tính, số hóa hệ thống dữ liệu phục vụ nhu cầu tra cứu, in trích tư liệu được thuận tiện và chính xác.

 

Xem nội dung, ghi chi tiết phân cảnh, lập hồ sơ phim lưu trữ

 

Công tác nghiên cứu khoa học

Nhiều năm qua, Viện Phim Việt Nam ngoài việc thực hiện chức năng chính là lưu trữ, bảo quản và khai thác tư liệu hình ảnh động, còn có những đóng góp nhất định trong công tác nghiên cứu nghệ thuật điện ảnh, nghiên cứu công nghệ và bảo quản tư liệu hình ảnh, cụ thể là việc cho ra đời thường xuyên các ấn phẩm nghiên cứu điện ảnh thế giới và Việt Nam được các nhà báo, nghiên cứu đánh giá cao như: Đạo diễn điện ảnh thế giới xuất bản năm 1995, tập hợp hàng chục bài viết về chân dung những đạo diễn có ảnh hưởng lớn nhất đối với các nền điện ảnh trên thế giới. Nửa thế kỷ điện ảnh Việt nam xuất bản năm 2003 là một ấn phẩm đầy đặn với sự đánh giá tổng quát, toàn diện trong 50 năm hình thành và phát triển của điện ảnh dân tộc…. Đạo diễn Hồng Sến - con người và tác phẩm xuất bản năm 2012 là một ấn phẩm có tính tư liệu lịch sử hiếm có do Viện Phim Việt Nam hợp tác cùng đạo diễn NSND Hải Ninh. Cuốn sách đoạt giải Cánh Diều bạc năm 2012 của Hội Điện ảnh… Joris Ivens và cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam - sản phẩm hợp tác thành công với Viện Joris Ivens, Hà Lan - đoạt Cánh Diều bạc của Hội Điện ảnh năm 2018.

 

Đội ngũ cán bộ nghiên cứu viên trẻ và nhiệt huyết

 

Bên cạnh đó, Viện đó tổ chức thành công các Hội thảo, Tọa đàm nghiên cứu khoa học về các vấn đề thời sự đáng quan tâm trong ngành. Có thể kể tới những Hội thảo được đánh giá cao như: Điện ảnh và bản sắc văn hóa dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh với điện ảnh Việt Nam, Sản xuất, khai thác và lưu trữ bảo quản tư liệu hình ảnh động với công nghệ số, Lưu trữ, bảo quản, số hóa, phục chế phim nhựa trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư vừa tổ chức tháng 6 năm 2021 trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19 hoành hành khắp toàn cầu.

 

Hội thảo Lưu trữ, bảo quản, số hóa, phục chế phim nhựa trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư

 

Tập trung, khuyến khích các đề tài nghiên cứu cấp cơ sở

 

Bản thảo sách nghiên cứu, tài liệu nội bộ được đầu tư kỹ lưỡng

 

Công tác nghiên cứu nghệ thuật điện ảnh của Viện Phim Việt Nam còn được khuyến khích thực hiện ở các đề tài nghiên cứu cá nhân, tập thể, từ cấp cơ sở đến cấp Bộ. Hầu hết các đề tài được nghiệm thu đều có chất lượng tốt, có giá trị định hướng, khái quát, đánh giá như: Phim truyện điện ảnh Sài Gòn giai đoạn 1954 - 1975… và có giá trị ứng dụng vào thực tế công tác chuyên môn như: Nghiên cứu ứng dụng công nghệ phục chế tu sửa hình ảnh động… Có những cuốn sách được thực hiện từ chính công trình nghiên cứu cá nhân được ghi nhận bằng giải thưởng của Hội Điện ảnh, đó là cuốn Đạo diễn Đặng Nhật Minh - sự nghiệp và tác phẩm -Cánh Diều bạc năm 2011 của cán bộ nghiên cứu tại Viện, thạc sĩ Nguyễn Minh Phương. Năm 2016, một tác phẩm nữa là kết quả thành công của sự hợp tác giữa Viện và Nhà nghiên cứu điện ảnh Trần Luân Kim Đời sống và Nghệ thuật - đạt giải Cánh Diều vàng của Hội Điện ảnh năm 2015… Joris Ivens và cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam đoạt Cánh Diều bạc năm 2018.

 

Ấn phẩm do Viện Phim Việt Nam xuất bản những năm gần đây

 

Công tác khai thác và phổ biến phim

Nắm trong tay một khối lượng tư liệu điện ảnh quý hiếm, trong những năm qua, Viện Phim Việt Nam luôn cố gắng khai thác, phổ biến tới công chúng trong khả năng và quyền hạn của đơn vị để phát huy cao nhất nhu cầu xem và nghiên cứu phim tư liệu của khán giả Việt Nam. Viện đã tổ chức nhiều đợt chiếu phim tư liệu phục vụ nghiên cứu, đào tạo, các chương trình phim nhân các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị tại hai cụm rạp Ngọc Khánh và Tân Sơn Nhất (Hai rạp chiếu phim tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh của Viện. Hiện nay, cụm rạp Tân Sơn Nhất đang trong giai đoạn phê duyệt xây dựng mới).

 

Chương trình điện ảnh chuyên đề - một hoạt động thường xuyên

của Nhà Văn hóa Điện ảnh Ngọc Khánh

 

Rạp 1 có sức chứa 300 chỗ - nơi thường xuyên diễn ra các cuộc giao lưu

với các đoàn làm phim, nghệ sĩ điện ảnh

 

Cụm rạp chiếu phim Tân Sơn Nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh

 

Nhà Văn hóa Điện ảnh Ngọc Khánh và Nhà văn hóa Điện ảnh thành phố Hồ Chí Minh, 2 đơn vị trực thuộc Viện Phim Việt Nam thường xuyên tổ chức giới thiệu chuyên đề, giao lưu với các tác giả, tác phẩm điện ảnh kinh điển của Việt Nam. Nổi bật là các cuộc giao lưu với NSND Hải Ninh, giao lưu và triển lãm tranh của NSND Trà Giang, giới thiệu phim Mùi cỏ cháy, Nhà tiên tri… hay cuộc giao lưu, triển lãm phác họa bối cảnh để lại nhiều dấu ấn: NSND Phạm Quang Vĩnh người thổi hồn vào tác phẩm điện ảnh…

Phổ biến giới thiệu ra nước ngoài bằng cách phát hành, giới thiệu các bộ sưu tập phim của các đạo diễn, nghệ sĩ nổi tiếng, các phim đoạt giải cao trong các kỳ Liên hoan phim trong nước, quốc tế trên đĩa DVD có phụ đề tiếng Anh, tiếng Pháp như bộ sưu tập phim của đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh đã được phát hành tại Bỉ, các nước châu Âu, các Viện Lưu trữ phim FIAF và SEAPAVAA, bộ sưu tập phim của NSND Trà Giang… Tổ chức các tuần phim tư liệu Việt Nam tại nước ngoài và các tuần phim nước ngoài tại Việt Nam.

 

Chương trình giao lưu điện ảnh với NSND Trà Giang

 

Quay tư liệu và sản xuất phim

Hãng phim Ngọc Khánh (trước đây) và Hãng phim Sài Gòn (trước đây) thuộc Viện Phim Việt Nam là những đơn vị có nhiệm vụ quay tư liệu cập nhật các sự kiện chính trị, văn hóa, kinh tế… trên cả nước, bổ sung hàng năm vào số lượng phim tư liệu lưu trữ tại Viện.

 

Hãng phim Ngọc Khánh quay tư liệu tại nhà máy nhiệt điện Vũng Áng

 

Một đợt quay tư liệu Quốc hội

 

Quay tư liệu đợt Hà Nội giãn cách phòng chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 16

(tháng 8 năm 2021)

 

Quay tư liệu tại Cao Bằng

 

Bên cạnh việc quay phim tư liệu, hàng năm, Hãng phim Ngọc Khánh (nay thuộc phòng Nghiên cứu và Quay tư liệu) còn thực hiện nhiều bộ phim tài liệu về lễ hội dân tộc ít người, phim hợp đồng với các đơn vị trong và ngoài ngành. Phối hợp với các nghệ sĩ điện ảnh trong nước, sử dụng nguồn phim tư liệu đang bảo quản, lưu trữ tạo nên những tác phẩm điện ảnh có giá trị, đoạt giải thưởng của Liên hoan phim Việt Nam như: Hồ Chí Minh - chân dung một con người - Bông Sen vàng Liên hoan phim lần thứ 9 năm 1990, Đường mòn trên biển Đông - Bông Sen vàng Liên hoan phim lần thứ 11 năm 1996, Khoảnh khắc mùa xuân - Giải A của Hội Điện ảnh, Mùa xuân toàn thắng - Bông Sen bạc Liên hoan phim lần thứ 12 năm 1999, Người Lô Lô ở Hà Giang - Cánh Diều bạc của Hội Điện ảnh năm 2003, Lễ hội ARIEUPING của người Pako - Giải nhất Liên hoan Điện ảnh Truyền hình Thể thao và Du lịch quốc tế (FICTS) năm 2012, Joris Ivens và Ngọn gió Việt Nam - Cánh Diều bạc của Hội Điện ảnh năm 2018, Bông Sen bạc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21 năm 2019 cho thể loại phim tài liệu.

 

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh làm việc với đoàn làm phim

Hồ Chí Minh chân dung một con người

 

Đoàn làm phim trong dịp đi Quảng Trị thực hiện các cảnh quay phim

Joris Ivens và ngọn gió Việt Nam

 

Đoàn làm phim Tín ngưỡng, Tôn giáo tại Việt Nam

 

Hợp tác quốc tế

Đoàn đại biểu Viện Lưu trữ quốc gia CHDC Đức thăm Việt Nam năm 1979

 

Hội nghị Viện trưởng Viện Tư liệu phim các nước XHCN

Ngay từ những ngày đầu thành lập, việc phát triển và mở rộng đối ngoại, xây dựng quan hệ hợp tác đối với các Viện lưu trữ phim trên thế giới luôn được Viện Phim Việt Nam quan tâm, coi trọng. Năm 1979, đoàn đại biểu Viện Lưu trữ quốc gia CHDC Đức do Viện trưởng W.KLaue, khi đó là chủ tịch FIAF (Liên đoàn các Viện lưu trữ phim quốc tế) đã đến thăm Việt Nam, đặt mối quan hệ lâu dài, mở ra nhiều cơ hội hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau giữa hai cơ quan lưu trữ. Năm 1983, Viện chính thức gia nhập FIAF với tư cách là quan sát viên. Kể từ đó, quan hệ quốc tế của Viện ngày càng được mở rộng: nhiều đoàn đại biểu các nước đã đến thăm, làm việc, trao đổi, nhiều tài liệu, sách, báo, phim và băng hình… được trao tặng, hỗ trợ. Trong đó, nổi bật vào năm 2015, Viện Lưu trữ nghe nhìn quốc gia Pháp (INA) đã cho Viện Phim Việt Nam mượn khối tư liệu quý hiếm (4h hình ảnh động và 100h tiếng) về đất nước, con người Việt Nam trong giai đoạn lịch sử nhiều biến động từ năm 1941 đến 2007 trong vòng 15 năm.

 

Viện Lưu trữ Nghe nhìn quốc gia Pháp tặng phim tư liệu cho Viện Phim Việt Nam

 

Đến nay, Viện Phim Việt Nam đã là thành viên chính thức của hai tổ chức quốc tế: Liên đoàn các Viện Lưu trữ phim quốc tế (FIAF - International Federation of film archives) và Hiệp hội Lưu trữ Nghe nhìn Đông Nam Á - Thái Bình Dương (SEAPAVAA  South East Asia - Pacific Audio - Visual Archives Association).

 

Hội nghị FIAF và SEAPAVAA tại Hà Nội năm 2004

 

Viện Phim Việt Nam đã từng tổ chức thành công các Hội nghị quốc tế lớn như: Hội nghị và Đại hội đồng lần thứ 3 của Hiệp hội Lưu trữ Nghe nhìn Đông Nam Á - Thái Bình Dương - SEAPAVAA năm 1998 và Hội nghị lần thứ 60 Liên đoàn các Viện Lưu trữ phim quốc tế - FIAF; Hội nghị lần thứ 8 SEAPAVAA vào năm 2004 tại thủ đô Hà Nội, Hội nghị và Đại hội đồng SEAPAVAA lần thứ 16 năm 2012 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội nghị lần thứ 25 SEAPAVAA tại Hà Nội năm 2021 bằng hình thức hỗn hợp (trực tuyến quốc tế và trực tiếp tại Việt Nam). Đây là một sự kiện ý nghĩa được đơn vị cố gắng tổ chức và được đánh giá rất thành công trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành khắp toàn cầu.

 

Hội nghị SEAPAVAA lần thứ 25 tổ chức tại Hà Nội tháng 6/2021

 

Một chuyên đề của Hội nghị trực tuyến quốc tế

trong khuôn khổ Hội nghị SEAPAVAA lần thứ 25 tổ chức tại Hà Nội tháng 6/2021

 

Năm 2005, với tinh thần hợp tác quốc tế, Viện Phim Việt Nam đã hoàn thành dự án xây dựng Kho phim Lưu trữ tư liệu hình ảnh động cho Viện Lưu trữ và Trung tâm Video quốc gia Lào bằng nguồn vốn ODA của chính phủ nước CHXHCN Việt Nam dành cho chính phủ Lào. Bằng công trình này, Viện Phim Việt Nam đó giúp Viện Lưu trữ quốc gia Lào bảo quản và lưu trữ theo tiêu chuẩn hàng ngàn cuốn phim tư liệu quý của Điện ảnh Cách mạng Lào.

 

Lễ bàn giao công trình Trung tâm Lưu trữ phim và Video Quốc gia Lào

 

Những thành tựu đã đạt được

Với những cố gắng và phấn đấu không mệt mỏi cho sự nghiệp lưu trữ hình ảnh động quốc gia, đội ngũ lãnh đạo, viên chức, người lao động Viện Phim Việt Nam trải qua các thời kỳ đã nhận được nhiều Huân chương, Bằng khen cao quý của Nhà nước và Chính phủ Việt Nam, bằng khen của Công đoàn viên chức Việt Nam và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam: 

- Huân chương Lao động hạng ba năm 1989;

- Huân chương Itxala hạng nhì của Chính phủ Lào trao tặng năm 1998;

- Huân chương Lao động hạng nhì năm 1999;

- Huân chương Lao động hạng nhất (QĐ số 610/2004/QĐ/CTN ngày 8/9/2004);

- Huân chương Độc lập hạng Ba (QĐ số 1331/QĐ-CTN ngày 14/9/2009);

- Cờ thi đua của Chính phủ năm 2011;

- Huân chương Độc lập hạng Nhì (QĐ số 1984/QĐ-CTN ngày 15/8/2014);

- Cờ thi đua của Chính phủ năm 2017;

- Bằng khen Thủ tướng Chính phủ năm 2019 (Quyết định số 1197/QĐ - TTg ngày 16/9/2019 của Thủ tướng Chính phủ);

- Cờ thi đua của Chính phủ năm 2020 (Quyết định số 636/QĐ - TTg ngày 29/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ);

- Cờ thi đua của Bộ nhiều năm: 2012, 2014, 2015, 2016, 2017, 2018, 2019, 2020;

- Giấy khen của Ban chỉ đạo giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho đơn vị có thành tích xuất sắc trong hoạt động quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2018 - 2020;

- Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vì có thành tích xuất sắc trong hoạt động quảng bá, truyền thông ngành văn hóa, thể thao và du lịch năm 2020;

- Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vì có thành tích xuất sắc trong hoạt động khoa học, công nghệ giai đoạn 2016 - 2021.

 

Lễ đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba

 

Lễ đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

 

Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Viện Phim Việt Nam

                                                                 

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                   

      Bài: Tạ Hoàng Anh

     Ảnh: Vũ Việt Hưng

                                                                                           Ảnh: Tư liệu Viện Phim Việt Nam