Phim độc lập là những bộ phim do các tổ chức nhỏ, cá nhân tự tìm nguồn vốn để sản xuất, những tác phẩm điện ảnh thuộc dòng phim độc lập được làm ra trước hết để thể hiện cá tính nghệ thuật, sự tìm tòi trong ngôn ngữ điện ảnh của nhà làm phim và được sản xuất với kinh phí không lớn. Trên thế giới, dòng phim độc lập được phát triển mạnh mẽ ở nhiều nền điện ảnh như: Mỹ, các nước châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines… Từ dòng phim này, nhiều tác phẩm xuất sắc đã ra đời và nhiều tài năng điện ảnh trẻ đã được phát hiện. Phim độc lập tuy xuất hiện đã lâu trên bản đồ điện ảnh thế giới nhưng ở Việt Nam nó vẫn còn là một khái niệm khá mới. Những năm gần đây, phim độc lập ở nước ta bắt đầu được nhắc đến nhiều hơn khi một số bộ phim của các đạo diễn trẻ để lại ấn tượng đối với người xem và có được những thành công nhất định tại các Liên hoan phim quốc tế.

Khi nói đến những người trẻ theo đuổi dòng phim độc lập ở Việt Nam, có thể kể đến Phan Đăng Di - một đạo diễn khá thành công với các bộ phim độc lập của mình. Cho đến nay, anh đã làm 4 bộ phim độc lập gồm (Sen: bộ phim được lựa chọn trình chiếu tại Liên hoan phim ngắn nổi tiếng nhất thế giới Clermont Ferrand 2006; Khi tôi 20: phim ngắn đầu tiên của Việt Nam tham gia vòng dự thi chính thức tại Liên hoan phim Venise 2008; Bi, đừng sợ!: Giải thưởng Phim đầu tay xuất sắc và Quay phim xuất sắc tại Liên hoan phim Quốc tế Stockholm - Thụy Điển (tháng 11/2010)… Gần đây nhất, năm 2015 bộ phim Cha và con và… của Phan Đăng Di đã được chọn vào hạng mục tranh giải cùng 18 bộ phim khác tại Liên hoan phim Berlin lần thứ 65). Phan Đăng Di dược coi là một ví dụ điển hình cho những người đạo diễn trẻ theo đuổi dòng phim độc lập ở Việt Nam hiện nay. Sự đam mê với nghệ thuật đã giúp anh kiên trì theo đuổi dòng phim đầy gian khó này, và bằng tài năng anh đã bước đầu gặt hái được những thành công trên con đường nghệ thuật.

 

Đá là hình ảnh xuyên suốt trong 'Bi, đừng sợ'. Ảnh: Đ.D.

Phim Bi, đừng sợ  giành được giải Phim đầu tay xuất sắc và Quay phim xuất sắc

tại Liên hoan phim Quốc tế Stockholm - Thụy Điển  năm 2010

 

Năm 2014, dự án phim độc lập nữa khá thành công là bộ phim Đập cánh giữa không trung của nữ đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp. Đây là bộ phim giàu ngôn ngữ điện ảnh, ám ảnh người xem với việc phản ánh phần nào hiện thực cuộc sống và vấn đề tình dục của giới trẻ ở Việt Nam hiện nay qua câu chuyện của cô gái trẻ tên Huyền. Tác phẩm điện ảnh này đã nhận được nhiều giải thưởng tại các Liên hoan phim quốc tế như: Giải thưởng Phim hay nhất tại Tuần phê bình phim thuộc Liên hoan phim Venice năm 2014; 3 giải thưởng tại Liên hoan phim Quốc tế Fribourg lần thứ 29 diễn ra ở Thụy Sĩ

 

Đập cánh giữa không trung – của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp

đã nhận được nhiều giải thưởng tại các LHPQT

 

Và một bộ phim nữa cần  nhắc đến ở đây là bộ phim tài liệu Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng. Bộ phim này được đạo diễn trẻ Nguyễn Thị Thắm dành nhiều tâm huyết, và phải mất 5 năm (2009 – 2014) để hoàn thành. Câu chuyện phim kể về sự mưu sinh của những người đồng tính ở gánh hát lô tô. Với những thước phim chân thực, giàu tính nhân văn đã giúp cho bộ phim chinh phục được người xem. Bộ phim đã đoạt giải đặc biệt của Ban giám khảo tại Liên hoan phim Tài liệu Đông Nam Á Chopshots ở Indonesia; phim được vào vòng tranh giải tại Liên hoan quốc tế điện ảnh tài liệu lần thứ 36 tại Pháp… Đặc biệt, khi phim được chiếu tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đã nhận được sự chào đón nồng nhiệt của khán giả. Cần phải nói thêm rằng, với những bộ phim tài liệu thì việc thu lại được kinh phí sản xuất là một điều vô cùng khó khăn bởi khán giả thường đến rạp để xem tác phẩm điện ảnh “bom tấn” ở thể loại phim truyện, còn các thể loại phim khác ít được khán giả chú ý tới. Thành công của bộ phim tài liệu Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng vì thế được coi là một “hiện tượng” của điện ảnh trong năm 2014.

 

Cùng với đó, năm 2015, bộ phim tài liệu độc lập có tên Lửa Thiện Nhân do Đặng Hồng Giang biên kịch, đạo diễn và kiêm nhà sản xuất cũng đã thu hút được rất đông khán giả tới rạp xem phim. Phim là câu chuyện về cậu bé Thiện Nhân (đứa trẻ bị người mẹ trẻ bỏ rơi nơi góc vườn và bị động vật ăn mất một chân cùng bộ phận sinh dục… Cậu bé đó sau đã được nhà báo Mai Anh nhận làm con). Hành trình chữa trị bệnh tật đầy gian nan của bé Thiện Nhân được đạo diễn Đặng Hồng Giang kể lại trên phim bằng một ngôn ngữ điện ảnh hiện đại và đầy cảm xúc đã thực sự chinh phục người xem. Bộ phim này được chọn chiếu tại Liên hoan phim Độc lập New York năm 2014, và được chọn chiếu  trong chùm Parama  - Điện ảnh thế giới chọn lọc tại Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ 3. Khi phát hành tại rạp Ngọc Khánh (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (TP.HCM), các buổi chiếu luôn đông kín khán giả, thời gian đầu còn có hiện tượng “cháy vé”. Bộ phim này đã được chiếu liên tục hơn 1 tháng  để phục vụ cho nhu cầu xem phim của khán giả ở nhiều lứa tuổi. Sự đón nhận của khán giả cả nước với bộ phim tài liệu độc lập Lửa Thiện Nhân đã thực sự trở thành nguồn động viên to lớn đối với tác giả Đặng Hồng Giang – người đã bỏ nhiều công sức, tâm huyết và cả tiền bạc trong suốt 3 năm để hoàn thiện bộ phim với hy vọng các nhân vật trong Lửa Thiện Nhân sẽ lan tỏa thông điệp nhân ái, yêu thương đến cuộc đời. 

 

Gần đây nhất, đầu năm 2017, phim độc lập của Việt Nam lại đón nhận thêm những tín hiệu vui khi Vị (Taste) – một dự án phim dài đầu tay của đạo diễn sinh năm 1990 - Lê Bảo được nhận  giải Dự án triển vọng nhất ở hạng mục Southeast Asian Film Lab tại liên hoan phim quốc tế Singapore. Dự án phim này còn cùng với dự án phim Cu Li không bao giờ khóc của Phạm Ngọc Lân được lựa chọn vào tham dự giải thưởng L'Atelier - Quỹ điện ảnh Cinéfondation thuộc Liên hoan phim Quốc tế Cannes - Đây là một trong những hạng mục chính của Liên hoan phim Quốc tế Cannes nhằm hỗ trợ quá trình sản xuất của những dự án điện ảnh nghệ thuật nổi bật của các đạo diễn trẻ từ nhiều nước trên thế giới. Các dự án được chọn lựa vào hạng mục này sẽ có nhiều cơ hội tìm kiếm được nguồn tài chính cũng như có khả năng dự các Liên hoan phim Quốc tế uy tín thế giới khi hoàn thành.

Với các đạo diễn, biên kịch trẻ chưa thể tạo dựng cho mình được “thương hiệu” riêng, việc được các hãng phim lớn mời hợp tác sản xuất là vô cùng khó khăn. Bởi vậy, họ phải tự tìm cách xoay xở với nguồn đầu tư để làm phim và phải sản xuất phim bằng những cách tiết kiệm nhất, sau đó lại tự tìm cách đưa phim tới với khán giả (thường là thông qua các Liên hoan phim trong  nước và quốc tế hoặc mạng xã hội). Như vậy có thể thấy rằng, chặng đường đi của phim độc lập là vô cùng gian nan: từ khâu ban đầu là viết ra được một dự án phim tốt để đi thuyết phục các nhà tài trợ cấp vốn sản xuất, cho đến công đoạn sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm… Nhưng những điều chẳng hề đơn giản này của phim độc lập đã không làm nản lòng những người làm phim tài năng và đầy nhiệt huyết. Mỗi năm lại có thêm được những thành công mới cho phim độc lập của Việt Nam.

Điện ảnh độc lập dù mới chỉ bắt đầu được quan tâm nhiều hơn ở Việt Nam nhưng đây thực sự là tín hiệu tích cực. Phim độc lập với tiêu chí đề cao sự sáng tạo nghệ thuật thực sự nhưng phải được sản xuất với kinh phí thấp sẽ là một hướng đi cần thiết cho sự phát triển của điện ảnh Việt Nam hiện nay.

Minh  Phương