Chiến tranh đi qua nhưng nỗi đau vẫn còn đó, hàn gắn vết thương chiến tranh là sự cần thiết để xây dựng cho cuộc sống thời bình tốt đẹp hơn. Điều này được đạo diễn Nguyễn Đức Việt thể hiện trong Những đứa con của làng – một bộ phim về đề tài hậu chiến - đã ra mắt khán giả năm 2014.

 

 

Phim được mở đầu bằng cảnh trận càn của quân giặc vào làng Hạ: tiếng súng nổ, người chạy loạn, dân làng bị giết hại... Những hình ảnh thời chiến đó được chuyển nhanh sang bối cảnh làng Hạ thời bình - 20 năm sau. Chiến tranh đã đi qua nhiều năm nhưng dường như nó vẫn còn hiện diện ở làng này, bởi cuộc tàn sát năm xưa là một sự mất mát, một nỗi đau quá lớn đối với dân làng. Bài vè được ông Thập – vị trưởng làng đọc đi đọc lại trong ngày giỗ làng để nhắc nhở con cháu về quá khứ đau thương đã từng xảy ra nơi đây: “20 tháng 6 sáu lăm / làng mình đã chết 104 người / ai đem máu chảy đầu rơi / cả làng phải nhớ đời đời không quên”. Trong ngày giỗ làng, người dân nơi đây dùng roi quất vào mộ của tên xã trưởng – người đã dẫn giặc về để sát hại dân làng - như để trút hận.

Cuộc thảm sát năm xưa và mối thù với tên xã trưởng đã khiến cho ông Thập –  người du kích chứng kiến vụ thảm sát - không thể cho Đông (con trai của tên xã trưởng) được bước chân về làng chăm sóc phần mộ cha mình. Ông Thập và dân làng cũng không đồng ý để Đông chuyển mộ phần cha anh đi nơi khác. 

 

 

Trong bộ phim này, đạo diễn đã khá thành công với việc khai thác tâm lý nhân vật. Những chuyển biến về suy nghĩ và hành động của nhân vật đều có quá trình chuẩn bị để sự thay đổi được phù hợp với tính cách nhân vật và logic của câu chuyện. Ông Thập từ một con người bảo thủ, hà khắc nhưng sau khi trải qua nhiều biến cố và trước sự phản đối của Bưởi (con gái ông) và Bèo về cách đối xử với Đông đã khiến ông phải suy nghĩ lại. Ngoài ra, để hóa giải mối thù hận trong lòng ông Thập, các nhà làm phim đã sử dụng một thủ pháp tâm linh - đó là những giấc mơ. Những con người bị sát hại năm xưa đã hiện về trong giấc mơ và nói với ông Thập: “Hãy tha thứ tội ác mà ông xã trưởng đã gây ra cho làng; người chết thì cũng đã chết rồi, dẫu có thù hận cũng chẳng thể làm họ sống lại”. Giấc mơ của ông Thập còn cho chúng ta thấy một điều: ẩn sau cái vẻ ngoài bảo thủ và khắc khổ của con người này là một tâm hồn vị tha nhưng bởi nỗi đau lớn từ quá khứ khiến ông không thể dễ dàng tha thứ cho bố của Đông.

Hay trong mối quan hệ của Bưởi và Bèo cũng được các nhà làm phim xây dựng một cách khá hợp lý. Bưởi bị tên chủ tịch xã lừa gạt tình cảm. Khi biết Bưởi có thai, theo tục lệ của làng, ông Thập đã buộc phải đuổi cô ra sống ở rìa làng. Bèo một chàng trai tốt bụng trong làng rất thương Bưởi, anh sẵn làng nhận đứa bé làm con nhưng cô không chấp nhận điều đó. Trải qua gian khó, Bưởi đã nhận ra sự chân thành của Bèo giành cho mình và cô đã đón nhận tình cảm của anh…

Bộ phim được xây dựng theo tuyến tính thời gian giúp câu chuyện được kể một cách mạch lạc, dễ hiểu. Thông qua xung đột xảy ra giữa các nhân vật làm nảy sinh những tình huống phim và thúc đẩy câu chuyện phát triển, đồng thời sự thù hận cũng dần được hóa giải. Với cách dàn dựng có nghề, cùng dàn diễn viên đã hoàn thành tốt những vai diễn, bộ phim mang đến cho người xem nhiều cảm xúc. Nghệ sĩ Ưu tú Trung Anh đã hóa thân thành công vai ông Thập – một ông già khắc khổ, bảo thủ nhưng cũng đầy trách nhiệm và tình thương. Diễn viên Trần Bảo Sơn (Đông), Thúy Hằng (Bưởi) cũng đã vào vai khá tốt. Đặc biệt nghệ sĩ Huy Cường (vai Bèo) đã để lại nhiều ấn tượng đối với khán giả với hình ảnh một anh chàng tốt bụng và có ngoại hình “khác biệt”. 

 

 

 

Bên cạnh đó, lời thoại cô đọng, sâu lắng của các nhân vật trong phim cũng để lại nhiều ấn tượng đối với người xem. Các nhà làm phim đã sử dụng âm điệu ngôn ngữ địa phương vùng Quảng Trị nơi diễn ra câu chuyện để làm tăng thêm tính chân thực cho tác phẩm. Cùng với đó, những hình ảnh mang tính ẩn dụ đã được đưa vào tác phẩm nhằm thêm tầng ý nghĩa cho câu chuyện. Hình ảnh cây cầu đang xây dựng dở – giống như một nhân vật trong phim -  nó biểu trưng cho sự gắn kết giữa quá khứ và hiện tại của ngôi làng này. Và từ câu chuyện xây cầu những vấn đề thời sự của cuộc sống hiện tại đã được các nhà làm phim đưa vào tác phẩm: đó là những bất cập của các cấp chính quyền địa phương; là việc người dân khổ sở vì những công trình giao thông đang thi công lại bị bỏ dở…

Câu chuyện phim khép lại với những hình ảnh về đám cải táng mộ bố Đông đã làm khán giả thấy ấm lòng, bởi những vết thương chiến tranh đã được hàn gắn bằng tình người. Nỗi đau trong quá khứ có thể không dễ quên nhưng trước việc làm  của Đông – một người con hiếu thảo, luôn muốn thay cha chuộc lỗi với dân làng - và sự tác động của những người xung quanh, đặc biệt là tiếng vọng tâm linh khiến  ông Thập hiểu ra rằng: ôm mãi sự thù hận sẽ chẳng làm cho nỗi đau từ quá khứ nguôi ngoai; mà ngược lại nó còn khiến cho cuộc sống hiện tại trở nên nặng nề. Cuối cùng, ông Thập và dân làng đã đón nhận Đông và tha thứ cho tội ác của cha anh. Ông Thập – người đại diện của làng đã nói với Đông: “từ nay con sẽ là người con của làng và mộ phần của cha con cũng sẽ ở lại làng vì ông ấy đã sinh ra ở đây”.

Dù chưa thực sự là một tác phẩm xuất sắc, bởi câu chuyện phim còn đơn giản và cách tạo hình nhân vật có phần hơi cường điệu (người xem băn khoăn không hiểu tại sao nhân vật Bèo - một chàng trai tốt bụng, vì thương dân làng đã tự mình làm cây cầu phao qua sông để mọi người đi lại dễ dàng - lại được tạo dựng với một hình ảnh khá “lập dị” và ngốc nghếch…), nhưng Những đứa con của làng là một tác phẩm điện ảnh được làm một cách chỉn chu và nghiêm túc. Những sáng tạo nghệ thuật của các nghệ sĩ trong bộ phim này thật đáng để chúng ta trân trọng.

Câu chuyện của làng Hạ trong Những đứa con của làng có thể chúng ta sẽ gặp ở nhiều làng quê khác của Việt Nam: ở đó vẫn còn những nỗi đau chiến tranh, ở đó vẫn còn nhiều tư tưởng bảo thủ, lạc hậu, và ở đó còn nhiều vấn đề bất cập của các cấp chính quyền… nhưng trên hết tình người sẽ làm vơi đi nỗi đau, sự hận thù và giúp hàn gắn những vết thương chiến tranh để cuộc sống nơi đây được tốt đẹp hơn.

Minh Phương