Công tác Nghiên cứu nghệ thuật điện ảnh là một hoạt động nghề nghiệp rất được coi trọng của mỗi nền điện ảnh phát triển trên thế giới. Sự tồn tại mạnh mẽ hay non yếu của công tác này cũng thể hiện tính chuyên nghiệp và phản ánh chất lượng, trình độ phát triển của nền điện ảnh mỗi quốc gia. Được đánh giá và coi trọng như một chức năng không thể thiếu của điện ảnh Việt Nam, nghiên cứu nghệ thuật điện ảnh luôn song hành cùng lịch sử phát triển điện ảnh dân tộc. Trong quá trình này, công tác nghiên cứu điện ảnh có những bước phát triển thăng trầm, mạnh yếu khác nhau nhưng nhìn chung đã đáp ứng được nhưng yêu cầu cơ bản của mỗi thời kỳ phát triển của nền điện ảnh nước nhà.

Trong bối cảnh đó, nhiều năm qua, Viện phim Việt Nam, ngoài việc thực hiện các chức năng chính là lưu trữ, bảo quản và khai thác tư liệu hình ảnh động đã có những đóng góp nhất định trong công tác nghiên cứu nghệ thuật điện ảnh, cụ thể là việc cho ra đời thường xuyên các ấn phẩm nghiên cứu điện ảnh thế giới, Việt Nam được các nhà báo, nghiên cứu đánh giá cao. Bên cạnh đó, Viện đã tổ chức thành công các Hội thảo, Tọa đàm nghiên cứu khoa học về các vấn đề thời sự đáng quan tâm trong ngành và thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cá nhân, tập thể có chất lượng trong nhiều năm qua.

Việc cho ra đời các ấn phẩm nghiên cứu điện ảnh ở nhiều thể loại, từ những cuốn sách mang tính chất tổng hợp, đánh giá, những tác phẩm dịch thuật từ các nền điện ảnh thế giới cho tới những tác phẩm nghiên cứu tác giả, tác phẩm cụ thể… được ra đời đều đặn đã thể hiện sự quan tâm, xác định một định hướng phát triển rõ ràng cho công tác nghiên cứu điện ảnh tại Viện phim Việt Nam. Ngay từ những năm 90, người yêu điện ảnh và các nhà nghiên cứu, nhà báo trong ngành đã hoan nghênh những ấn phẩm của Viện phim khi cho ra đời những cuốn sách mang tính học thuật, với những đánh giá nhận định sâu sắc bởi những tác giả là các nhà nghiên cứu, nhà báo điện ảnh uy tín. Đó là cuốn Đạo diễn điện ảnh thế giới xuất bản năm 1995, tập hợp hàng chục bài viết về những đạo diễn có ảnh hưởng lớn nhất đối với các nền điện ảnh trên thế giới. Hay cuốn Diễn viên điện ảnh Việt Nam xuất bản năm 1994 là một bộ sưu tập về một thế hệ diễn viên Việt Nam có nhiều đóng góp cho điện ảnh nước nhà bằng một cách viết hệ thống, khoa học, khái quát về mỗi chân dung cũng như phong cách diễn xuất của diễn viên. Nửa thế kỷ điện ảnh Việt Nam xuất bản năm 2003 là một ấn phẩm đầy đặn với sự đánh giá tổng quát, toàn diện trong 50 năm hình thành và phát triển của điện ảnh Việt Nam. Đạo diễn phim truyện Việt NamNghệ sĩ phim tài liệu Việt Nam… là những bức chân dung khá chân thực về một thế hệ nghệ sĩ nổi tiếng, có nhiều đóng góp cho điện ảnh nước nhà. Một loạt những cuốn sách hướng dẫn, bổ sung kiến thức cho người làm điện ảnh Việt Nam cũng được thực hiện như Nghệ thuật viết kịch bản điện ảnh (2 tập) xuất bản năm 1996 -1998), Kỹ thuật làm phim tài liệu xuất bản năm 2002, Thực hành kịch bản điện ảnh... Nhiều cuốn sách ra đời đựơc đánh giá cao khi đưa ra một cách kịp thời những vấn đề mang tính thời sự trong ngành như cuốn Điện ảnh và bản sắc và văn hoá dân tộc,..hay vào những dịp đặc biệt Hồ Chủ tịch với điện ảnh Việt Nam xuất bản nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhật Bác.

Những năm gần đây, Viện đã cho ra đời một số ấn phẩm nghiên cứu tác giả, tác phẩm có giá trị qua sự cộng tác, đóng góp của những nghệ sĩ uy tín trong ngành. Đó là cuốn Phim hoạt hình Việt Nam, nốt thăng, nốt trầm xuát bản năm 2011 do NSND Ngô Mạnh Lân sưu tầm, tuyển chọn. Đây là một tuyển tập các bài viết của cá nhân nghệ sĩ trong nhiều năm hoạt động trong ngành hoạt hình Việt Nam, cùng hàng chục bài báo của các nhà nghiên cứu, nhà báo trong ngành đánh giá về tác phẩm của NSND Ngô Mạnh Lân. Hay cuốn Đạo diễn Hồng Sến – con người và tác phẩm xuất bản năm 2012 là một ấn phẩm có tính tư liệu lịch sử hiếm có, độc đáo của điện ảnh Việt Nam do đạo diễn NSND Hải Ninh lưu giữ và thực hiện. Lần đầu tiên, độc giả yêu điện ảnh Việt Nam được biết tới những bức thư từ chiến trường miền Nam gửi ra miền Bắc giữa hai người bạn, hai nghệ sĩ điện ảnh nổi tiếng Hồng Sến – Hải Ninh hết sức cảm động và nhân văn. Gần đây nhất, cuốn sách Đạo diễn Đặng Nhật Minh – sự nghiệp và tác phẩm (tác giả Nguyễn Minh Phương) được thực hiện bởi một cán bộ nghiên cứu trẻ của Việt Phim Việt Nam đã đoạt giải Cánh Diều Bạc của Hội điện ảnh Việt Nam năm 2011.

Không chỉ dừng lại ở những ấn phẩm nghiên cứu, các Hội thảo, Tọa đàm về những vấn đề thời sự trong ngành cũng được thực hiện thường xuyên và trở thành một trong những hoạt động khoa học hiệu quả của Viện phim nhiều năm qua. Có thể kể tới những Hội thảo có chất lượng tốt như Điện ảnh và bản sắc văn hóa dân tộcChủ tịch Hồ Chí Minh với điện ảnh Việt Nam…. và gần đây nhất tháng 12 năm 2011 cuộc Tọa đàm được đánh giá là nêu đúng vấn đề đang rất đáng quan tâm của các cơ sở lưu trữ điện ảnh trong thời đại công nghệ số đó là Sản xuất, khai thác và lưu trữ bảo quản tư liệu hình ảnh động với công nghệ số.

Công tác nghiên cứu nghệ thuật điện ảnh còn được khuyến khích thực hiện ở các đề tài nghiên cứu cá nhân, tập thể từ cấp cơ sở đến cấp Bộ của Viện phim Việt Nam những năm qua đã thể hiện một định hướng nghiên cứu khoa học, đúng đắn và tích cực. Hầu hết những đề tài được nghiệm thu tại Viện đều có chất lượng tốt, có giá trị định hướng, khái quát, đánh giá như Phim truyện điện ảnh Sài Gòn giai đoạn 1954 – 1975… và có gía trị ứng dụng vào thực tế công tác chuyên môn đối với những đề tài kỹ thuật công nghệ như: Nghiên cứu ứng dụng công nghệ phục chế tu sửa hình ảnh động… Có những cuốn sách được thực hiện từ chính các công trình nghiên cứu cá nhân được Hội đồng khoa học Viện phim đánh giá cao và được ghi nhận từ giải thưởng nghề nghiệp hàng năm của Hội điện ảnh. Đó là công trình nghiên cứu cá nhân của Thạc sĩ Nguyễn Minh Phương – cán bộ nghiên cứu của Viện đoạt giải Cánh Diều Bạc năm 2011 với cuốn sách Đạo diễn Đặng Nhật Minh- sự nghiệp và tác phẩm.

Trong thời kỳ đổi mới của đất nước, nền kinh tế thị trường chi phối hầu khắp các hoạt động xã hội và đem lại nhiều đổi thay cho đời sống dân sinh. Tuy nhiên với công tác nghiên cứu khoa học, cụ thể hơn là nghiên cứu nghệ thuật điện ảnh nhiều năm qua đang còn thiếu vắng sự quan tâm của Nhà nước ở khâu định hướng và chính sách hợp lý để thúc đẩy phát triển. Ngay từ khâu đào tạo, hàng năm Trường Đại học sân khấu điện ảnh cũng chỉ thu hút được số lượng nhỏ sinh viên đăng ký học khoa Lý luận phê bình điện ảnh. Không những thế, số sinh viên tốt nghiệp ra trường làm việc theo đúng ngành nghề đã học lại càng ít hơn. Các công trình nghiên cứu của các nhà nghiên cứu, nhà báo, phóng viên điện ảnh trong nước xuất hiện khá khiêm tốn, phần lớn chỉ là những tập khảo cứu tập hợp những bài báo của tỏc giả, ít thấy một công trình nghiên cứu nghiêm túc, có vấn đề, mảng nghiên cứu điện ảnh mới chỉ dừng lại ở việc phê bình, đánh giá những bộ phim mới, vài hiện tượng mới, chưa có sự đánh giá, định hướng rõ nét, chỉ ra những xu hướng phát triển phù hợp, chưa đáp ứng và bám sát với tình hình phát triển của điện ảnh Việt Nam đang trăn trở tìm cho mình một hướng đi thích hợp với thời cuộc.

Công tác nghiên cứu khoa học ở bất cứ lĩnh vực nào cũng luôn là một công việc khó khăn đòi hỏi người làm nghề không chỉ yêu nghề, nhiệt tình mà cần cả sự kiên trì, cố gắng. Trong nhiều năm qua, nghiên cứu nghệ thuật điện ảnh luôn được Viện phim Việt Nam chú trọng phát triển và đã đạt được những thành công nhất định. Tuy nhiên để công tác này phát triển đúng định hướng, mạnh mẽ và bền vững, cần rất nhiều sự hỗ trợ từ cơ chế, chính sách của Nhà nước cũng như sự động viên, khích lệ từ đơn vị chủ quản để người cán bộ nghiên cứu có thể yên tâm sống với nghề và thu hút được nguồn chất xám tốt về làm việc tại các cơ quan Nhà nước hiện nay.

Tạ Hoàng Anh