“Chưa từng có một bộ phim quá xuất sắc nhưng cũng chưa từng làm phim thất bại” – đó là nhận định khái quát nhất về Gary Ross, nhà viết kịch bản kiêm đạo diễn, một người luôn làm tốt vai trò của mình với sự thành công hữu hạn nhưng đã ghi dấu sự nghiệp của mình tại Hollywood. Không như những đạo diễn Mỹ tên tuổi như Steven Spielberg, George Lucas hay James Cameron luôn là những cái tên thường được khán giả nhắc đến, Gary Ross lại như một sự tồn tại mờ nhạt bởi số lượng cũng như chất lượng tác phẩm luôn chỉ là ít và hay. Tuy nhiên, chính những tác phẩm hiếm hoi này lại là những bộ phim khó quên đối với bất cứ ai từng xem nó.

 

Sự khởi đầu vững chắc

 

Big (Trở thành người lớn) (1988)

 

Bắt đầu sự nghiệp của mình với tư cách là một nhà biên kịch, Gary Ross cho ra đời một loạt phim như: Big (Trở thành người lớn) (1988), Mr. Baseball (Quý ngài bóng chày) (1992), Dave (Giả làm tổng thống) (1993), Lassie (Chú chó Lassie) (1994). Đặc biệt, tác phẩm đầu tay đáng lưu tâm Big, do chính ông cùng viết với Anne Spielberg (em gái Steven Spielberg), đã thành công tạo nên chỗ đứng của Gary Ross tại Hollywood cũng như mang về cho Tom Hank một đề cử giải thưởng hàn lâm dành cho diễn viên xuất sắc nhất. Phim cũng được đánh giá là một trong số những bộ phim hài hay nhất trong nhiều bảng xếp hạng, trong số đó đáng chú ý nhất là “100 Years…100 Laughs” (100 năm… 100 tiếng cười) của Viện Phim Mỹ xếp Big đứng thứ 42 trong tổng số 100 phim hài chọn lọc được công bố năm 2000 và là một trong 10 phim hay nhất thuộc thể loại kỳ ảo vào năm 2008. Bên cạnh đó, tạp chí điện ảnh Empire nổi tiếng cũng bình chọn phim là một trong số 500 phim hay nhất mọi thời đại.

Tài năng đạo diễn nở rộ

 

Pleasantville (Thị Trấn Êm Đềm) (1998)

 

Từ những kịch bản được ấp ủ, Gary Ross dần bắt tay vào sự nghiệp đạo diễn để được thực hiện những bộ phim của chính mình. Bộ phim đầu tay do ông đạo diễn có tên Pleasantville (Thị Trấn Êm Đềm) (1998) là một trong những dấu ấn điện ảnh ấn tượng nhất mà ông đã từng thực hiện cho tới nay. Từ lúc ra mắt phim trở thành một “quả bom rạp chiếu bóng”. Mặc dù chỉ thu về 49.8 triệu đô-la so với ngân sách 60 triệu đô-la, phim nhận được khá nhiều nhận xét, đánh giá cao của giới phê bình về hình ảnh, diễn xuất và các yếu tố chủ đề cũng như trở thành một trong những biểu tượng văn hóa xã hội quan trọng sau này. Hơn thế, cùng với Seabiscuit (Chú ngựa Seabiscuit) (2003) và Free State of Jones (Nhà nước tự do của Quận Jones) (2016), Pleasantville là một trong ba phim duy nhất Gary Ross nắm trọn các vai trò là nhà sản xuất, biên kịch và đạo diễn.

So sánh với Pleasantville vốn là một phim hài hước, nhẹ nhàng với nội dung xoay quanh cuộc phiêu lưu của anh em sinh đôi David và Jennifer biến vào một chương trình truyền hình của những năm 1950, Seabiscuit hoàn toàn là một câu chuyện đầy xúc động dựa trên tiểu thuyết phi hư cấu Seabiscuit: An American Legend (Chú ngựa Seabiscuit: Một huyền thoại Mỹ) của nhà văn Laura Hillenbrand về chú ngựa đua Seabiscuit và tay nài ngựa Red Pollard trong những năm của cuộc đại suy thoái ở Mỹ. Seabiscuit cũng nhận được nhiều lời khen của giới phê bình và khán giả cũng như nhận được khá nhiều đề cử trong giải Oscar lần thứ 76. Nhưng thật không may mắn cho Ross, với sự xuất hiện của đối thủ nặng ký Chúa tể những chiếc nhẫn: Sự trở về của nhà vua của Peter Jackson đã thắng áp đảo 11 giải Oscar, Seabiscuit đã không được thể hiện giá trị của chính nó trên sân khấu này.

Seabiscuit (Chú ngựa Seabiscuit) (2003)

 

Con đường của bản tâm

 

The Hunger Games (Đấu trường sinh tử) (2012)

 

Sau Seabiscuit, Gary Ross bắt tay vào thực hiện phần đầu tiên của sê-ri phim nổi tiếng The Hunger Games (Đấu trường sinh tử) (2012) và đã mang về 694 triệu đô-la trên toàn cầu so với ngân sách với chỉ 78 triệu đô-la. Thế nhưng, đứng trước những hào quang sáng chói chắc chắn sẽ đến với ông nếu tiếp tục dự án này, Gary Ross quyết định bỏ ngang để thực hiện bộ phim Free State of Jones. So với The Hunger Games, phim chỉ thu về 25 triệu đô-la so với kinh phí 50 triệu đô-la. Nhiều khán giả cho rằng Free State of Jones vẫn chưa thể hiện hết những sự khắc nghiệt từ chính thực tế của nội chiến Mỹ. Rất nhiều người Mỹ không thích bộ phim vì nó đề cập đến mặt trái của cuộc chiến Nam-Bắc Mỹ, về sự thật những người da đen vẫn bị coi là nô lệ và ảnh hưởng của Tổng Thống Lincoln đã mất đối với những tuyên bố sẽ đem lại tự do cho người da đen sau khi ông bị ám sát. Hơn thế, hàng nghìn người da đen đã bị người da trắng giết hại vì đã dám thực hiện quyền bỏ phiếu dân chủ được chính phủ công nhận theo hiến pháp lúc bấy giờ. Không kể đến sự thực đề cập trong phim về con cháu của những người da màu bị ngăn cấm hôn nhân chỉ vì họ có 1/8 dòng máu là người da đen dù sinh ra có nước da trắng. Có thế thấy rằng chính bản thân nước Mỹ vẫn đang bị chia rẽ về vấn đề sắc tộc và còn rất nhiều người Mỹ vẫn chưa thực sự đối mặt với khía cạnh lịch sử này với vị thế khách quan mà là kẻ bàng quan đối với sự bất công xã hội. Ngoài những tiếng chê bai đầy giận dữ cũng có những cái nhìn thoáng hơn như nhà phê bình A. O. Scott của tờ New York Times nói về bộ phim: “Một chương đầy thú vị bị đánh mất trong lịch sử Mỹ” và “công cụ của Hollywood giúp ta định hình lại thước đo để hiểu được giá trị của cuộc chiến và những hậu quả của nó”.

Free State of Jones (Nhà nước tự do của Quận Jones) (2016)

 

Gary Ross có thể không phải là một đạo diễn danh tiếng nhưng sự tồn tại của ông được thừa nhận và ăn sâu trong lòng điện ảnh hiện đại. Là người đạo diễn có cá tính nổi bật, con đường ông chọn hiếm khi được xã hội đồng cảm. Nhưng những gì ông để lại đang dần trở thành những lý tưởng không hề bị lu mờ hay trộn lẫn bởi đặc tính độc nhất của nó sẽ mãi tồn tại và nhắc nhở người xem rằng điện ảnh có những giá trị nguyên bản vượt qua cả thời gian.

Bùi Trí Hiếu

Viện Phim Việt Nam