Black Panther (Chiến Binh Báo Đen) (2018) là một trong những siêu phẩm đình đám về vũ trụ Marvel trong năm nay đã đem lại doanh thu cho nhà sản xuất hơn một tỷ đô-la trên toàn thế giới. Tuy nhiên, khi ra mắt tại Trung Quốc, phim chưa giành được nhiều sự quan tâm của khán giả, thậm chí còn nhiều hơn những lời chỉ trích. Phần lớn trong số những bình luận tại mạng Trung Quốc đều thể hiện ý kiến tiêu cực về sự xuất hiện của dàn diễn viên hầu hết là người da đen. Chính điều này đã nói lên phần nào về nạn phân biệt chủng tộc đối với người da đen vẫn đang hiện hữu sâu sắc ở Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung.
Black Panther (Chiến Binh Báo Đen) (2018)
Cái nhìn của Trung Quốc với người gốc Phi
Quan niệm truyền thống Trung Quốc luôn tôn thờ làn da trắng. Từ xưa, người có nước da trắng thường là những người giàu có, ít phải lao động ngoài trời như tầng lớp dân thường. Bởi vậy, da đen thường là dấu chỉ của người lao động hay người nghèo – những người thấp kém nhất trong xã hội. Không chỉ vậy, đa số người Trung Quốc đều coi thường tất cả những người da đen bởi nhận định rằng họ đều đến từ Châu Phi, nơi khí hậu khắc nghiệt, khô cằn, nổi tiếng với nạn đói, chiến tranh hay bệnh tật truyền nhiễm như AIDS hay Ebola… Ngay những hiểu biết thiếu chính xác này đã khiến cho cộng đồng người da đen ở Trung Quốc bị e ngại và ít được giao tiếp hay thắt chặt các mối quan hệ với cư dân bản địa. Đặc biệt, tại Hồng Kông, nhiều người thú nhận rằng họ phát sợ khi đi ngang qua những người da đen. Thậm chí, tư tưởng bài ngoại cực đoan với người da đen còn được thể hiện qua đoạn phim kệch cỡm quảng cáo máy giặt, “giặt sạch” một anh gốc Phi luộm thuộm thành chàng Trung Quốc đẹp trai, da trắng.
Phim da đen bị bóp méo với công thức Hollywood
Hattie McDaniel trong vai người hầu gái trong bộ phim Cuốn theo chiều gió (1936)
Trong nhiều thập kỷ nay, kể từ khi người da đen đầu tiên xuất hiện trên màn ảnh – Hattie McDaniel diễn vai người hầu gái da đen trong bộ phim Cuốn theo chiều gió (1936), Hollywood đã luôn đứng sau thao túng nhằm khiến hình ảnh của người da đen bị bôi nhọ, thiếu đứng đắn và là đại diện cho nhiều cái xấu của xã hội Mỹ. Với yêu cầu của các nhà sản xuất, phim da đen (phim có cốt truyện về nhân vật chính là những người da đen) thường xuất hiện theo công thức như đi kèm với thất học, vô giáo dục, nói tục, ma túy, súng ống, bạo lực, xã hội đen, những cuộc thanh toán máu lửa, chống cảnh sát, phá hoại an ninh quốc gia… Do không có nhiều lựa chọn (người da trắng làm chủ hầu như tất cả), đã từng có thời người da đen chỉ được đóng vai kẻ phản diện, tạo nên hàng loạt những bộ phim bạo lực lan truyền không chỉ ở Mỹ mà còn đem những hình ảnh sai lệch này đến Châu Á và hậu quả của nó xảy đến với Black Panther hiện tại.
Cố gắng dành cho người da đen những thước phim đáng có
Glory (Vinh quang) (1989)
Mặc dù bị nhấn chìm trong cơn bão phim thị trường, nhiều nhà làm phim đã phấn đấu sản xuất một số bộ phim hiếm hoi nói về những cống hiến của người da đen đối với xã hội, phần lớn những phim này đều thuộc kiểu phim chiến tranh lịch sử. Trong số đó có thể kể đến Glory (Vinh quang) (1989), bộ phim nói về trung đoàn 54 bộ binh tình nguyện Massachusetts thuộc quân miền Bắc thành lập ngay trong nội chiến Nam-Bắc Mỹ. Đây là trung đoàn đầu tiên kêu gọi người da đen nhập ngũ với các tướng lĩnh chỉ huy là người da trắng. Phim đã thể hiện sức chiến đấu kiên cường, lòng quả cảm và vô vàn những khó khăn do bộ luật nô lệ mang lại đày ải người da đen.
The Tuskegee Airmen (Các phi công Tuskegee) (1995)
Cùng một chủ đề trên, bộ phim The Tuskegee Airmen (Các phi công Tuskegee) (1995) nói về những phi công da màu đầu tiên của quân đội Hoa Kỳ tham chiến trong chiến tranh thế giới lần thứ hai. Trong lịch sử, họ được mệnh danh là “những thiên thần đuôi đỏ” bởi đuôi phi cơ sơn màu đỏ rất dễ nhận thấy. Nhiệm vụ chính của những người lính này là hộ tống, bảo vệ các chiến cơ ném bom thường xuyên là mục tiêu bị các máy bay tiêm kích Đức nhắm tới. Chính nhờ lực lượng này, Hoa Kỳ đã giảm thiểu được mất mát chiến cơ ném bom và giúp nhiều hơn những lính phi công được trở về nhà. Tuy nhiên, trong phim thể hiện cuộc sống của người da đen không chỉ khắc nghiệt trên chiến trường mà còn khắc nghiệt ngay cả ở quân ngũ. Phim phản ánh việc hai nhân vật lái chiến cơ ném bom tìm kiếm phi đội đã cứu họ thoát chết khỏi máy bay Đức nhưng bỏ đi không lấy một lời cảm ơn ngay sau đó khi biết được đó là không đoàn toàn người da đen. Phim chỉ để lại nỗi uất ức cho mất mát của các phi công Tuskegee khi nhân vật Đại úy Hannibal “Iowa” Lee, Jr. nhận ra những người bạn thân tham gia cùng anh vào không đoàn đều đã hy sinh và cuối phim anh được gọi đi chiến đấu tại Berlin nơi diễn ra trận đánh cuối cùng. Nhưng điều đó đã được thay đổi bởi George Lucas – cha đẻ của Chiến tranh các vì sao (1977) khi ông quyết định tái hiện câu chuyện của những người lính này qua bộ phim Red Tails (Phi đội đuôi đỏ) (2012).
Các diễn viên chụp ảnh kỷ niệm tại phim trường Red Tails (Phi đội đuôi đỏ) (2012).
Trên thực tế, Red Tails đã được thông báo từ năm 2005, nhưng do nhiều yếu tố bất lợi George Lucas đã phải trì hoãn đến tận năm 2012 để hoàn thiện bộ phim. Đây có thể coi là bộ phim cuối cùng của Lucas với kinh phí tự huy động 58 triệu đô-la. Tuy vậy, nhà phân phối Hãng 20th Century Fox đã bất đồng chính kiến với Lucas và thay đổi vào phút cuối khiến Red Tails không được quảng cáo như những bộ phim “triệu đô” khác. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu cũng như sự phổ biến của bộ phim. Nhưng chính bộ phim đã để lại một dấu ấn khó quên cho điện ảnh da màu khi thể hiện các phi công Tuskegee như những người hùng hành động và xóa mờ vết ngăn cách bởi màu da với cảnh các phi công da trắng cảm ơn họ với một chầu rượu trong quán bar. Với danh tiếng của ông, Red Tails vẫn có thể thành công hơn nữa nhưng điện ảnh da màu vẫn cần lắm những bộ phim ca ngợi những điều tốt đẹp về người da đen.
Bùi Trí Hiếu
Viện Phim Việt Nam