Những năm gần đây, các tác phẩm điện ảnh của đất nước Cộng hòa Hồi giáo Iran được đón nhận như một luồng gió mới và cả sự ngưỡng mộ của các nhà làm điện ảnh trên thế giới. Nhiều bộ phim của nền điện ảnh Iran đã nhận được giải thưởng tại các liên hoan phim danh tiếng như: Liên hoan phim Cannes, Liên hoan phim Berlin và cả giải thưởng Oscar của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ… Chúng ta hãy cùng tìm hiểu đôi nét về nền điện ảnh ấn tượng này.
Hiện thực cuộc sống được thể hiện với tư duy nghệ thuật độc đáo
Khác với các nền điện ảnh của nhiều quốc gia trên thế giới, điện ảnh Iran đã chinh phục khán giả không phải bằng những câu chuyện ly kỳ, giật gân hay những pha hành động mạo hiểm cùng kỹ xảo hình ảnh cầu kỳ, đó cũng không phải là những bộ phim hào nhoáng về bối cảnh hay trang phục… mà hầu hết bằng những câu chuyện rất đỗi đời thường gắn với hiện thực cuộc sống của đất nước và con người Iran.
Nhìn vào các bộ phim Iran đoạt giải thưởng quốc tế những năm gần đây chúng ta thấy đều có chung đặc điểm là câu chuyện phim luôn được xây dựng với phong cách hiện thực và mang hơi thở của cuộc sống đương đại, cùng cách kể chuyện không quá cầu kỳ, có thể kể đến những bộ phim của đạo diễn Jafar Panahi như: The White Balloon (Bong bóng trắng) - bộ phim truyện đầu tay của đạo diễn Jafar Panahi, sản xuất năm 1995. Phim kể về một cô bé tiểu học tích cóp những đồng xu lẻ để mua được một con cá vàng ăn mừng năm mới. Nhà làm phim này đã chia sẻ: “Nếu thế giới của chúng ta có những bom tấn được làm với ngân sách triệu USD, tôi muốn làm một phim về em bé tìm cách tích cóp một USD và mua được một con cá vàng cho bản thân”. Khi mới ra mắt, The White Balloon không phải là bộ phim ăn khách nhưng với câu chuyện mang giá trị nhân văn và ngôn ngữ điện ảnh giàu ý nghĩa nghệ thuật đã mang lại nhiều giải thưởng ở các liên hoan phim quốc tế, trong đó có giải thưởng Camera d’Or (Máy quay vàng) tại Liên hoan phim Cannes năm 1995.
The White Balloon – một bộ phim của đạo diễn Jafar Panahi
đã nhận được nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim quốc tế
Có thể nói, những tác phẩm của đạo diễn Jafar Panahi luôn mang thông điệp mạnh mẽ phê phán những mặt trái của xã hội. Năm 2000, ông đã cho ra mắt khán giả bộ phim The Circle (Vòng luẩn quẩn), đề cập đến thân phận người phụ nữ Iran trong xã hội Hồi giáo hà khắc. Một người mẹ đến bệnh viện thăm con gái vừa sinh nở, bà bàng hoàng nghe tin con mình sinh một bé gái, trong khi phương pháp xét nghiệm bằng máy siêu âm là con trai. Với bà, tin này chẳng khác gì một tai họa, vì con gái của bà có thể sẽ bị gia đình chồng từ bỏ và đuổi ra khỏi nhà. Bà đau buồn cho đứa con gái và đứa cháu ngoại sơ sinh… Bộ phim đã nhận được vô số giải thưởng từ các liên hoan phim nước ngoài, trong đó có giải Sư tử vàng của Liên hoan phim Venice.
Hai tác phẩm tiếp theo của Jafar Panahi là Crimson Gold (Máu và vàng - 2003) và Offside (Việt vị - 2006) cũng đều đề cập đến hiện thực xã hội Iran, trong đó Crimson Gold đã giành giải thưởng Một nhãn quan độc đáo - Un Certain Regard - tại Liên hoan phim Cannes. Còn trong phim Offside - ông đã dùng một thuật ngữ trong bóng đá để nói lên tình trạng phụ nữ Iran bị gạt ra bên lề xã hội. Bộ phim là câu chuyện về một nhóm phụ nữ mê bóng đá, muốn đi xem các cuộc tranh tài thể thao nhưng rốt cuộc lại không được phép vào sân vận động, chỉ vì họ là phụ nữ... Tác phẩm này của Jafar Panahi đã giành giải Gấu Bạc cho kịch bản xuất sắc tại Liên hoan phim Berlin.
Do những kiểm duyệt và quy định ngặt nghèo của chính phủ đối với những bộ phim mang tính phê phán xã hội nên hầu hết các bộ phim của đạo diễn Jafar Panahi bị cấm chiếu ở Iran, nhưng tên tuổi của ông nhanh chóng được thế giới biết đến và được công nhận là một trong số những nhà làm phim Iran đương đại lớn nhất.
Mỗi một quốc gia đều mang trong mình những nét văn hóa đặc trưng và điện ảnh Iran đã thành công khi mang được những nét riêng với bản sắc văn hóa dân tộc của con người Iran đến với thế giới. Bên cạnh đó, điều làm nên sự khác biệt và thành công cho điện ảnh Iran còn bởi các nhà làm phim đã có cách nhìn và thể hiện hiện thực cuộc sống với một tư duy nghệ thuật độc đáo. Tuy chỉ là những câu chuyện rất đỗi đời thường nhưng bằng một tư duy nghệ thuật khác biệt và đầy tính sáng tạo, các nhà làm phim Iran đã tạo nên những tác phẩm điện ảnh vô cùng ấn tượng, ví như bộ phim The Silence - Sự yên lặng của đạo diễn Mohsen Makhmalbaf. Phim kể một chú bé mù luôn mộng mơ giữa thế giới âm thanh trong trẻo, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn. Với một người không nhìn thấy gì, chú bé đã cảm nhận cuộc sống qua những âm thanh. Buổi sáng, không có đồng hồ báo thức, chú thức dậy nhờ tiếng của con ong nhốt trong lọ thủy tinh. Trên đường đi làm chú thường bị lôi cuốn bởi những người có giọng nói hay: chú mua bánh, mua anh đào của người có giọng nói hay; Lên xe buýt, người có giọng đẹp xuống bến nào chú cũng xuống theo khiến nhiều lần đi lạc…
Hay bộ phim Blackboards - Bảng đen của nữ đạo diễn Samira Makhmalbaf cũng đã mang đến cho người xem một góc nhìn cuộc sống đầy suy tư. Phim là câu chuyện về những giáo viên ở một vùng biên giới khao khát được dạy học, mỗi thầy giáo đeo một tấm bảng đen trên lưng, đi đến các làng bản để tìm người học. Gặp một toán trẻ con đang cõng hàng lậu qua biên giới, người thầy giáo mời chúng học nhưng bị từ chối vì chúng còn phải chuyển hàng. Gặp một đoàn người ở bên kia biên giới sang lánh nạn, nay đang trên đường hồi hương, người thầy giáo lại mời những người này học, nhưng ông già trong đoàn nói: chúng tôi già rồi, học làm gì nữa, bây giờ chỉ còn hồi hương về chết nơi quê cha đất tổ. Anh giáo khao khát dạy học, chấp nhận lấy cô con gái góa chồng của ông để được đi theo đoàn người mà dạy học. Chưa dạy được gì thì đoàn người đã đến biên giới. Người đàn bà phải theo cha và con nhỏ về bên kia biên giới. Anh giáo phải ở lại bên này. Họ phải ly dị trước Đức Allah. Rồi người đàn bà đeo trên lưng tấm bảng làm hồi môn đi về bên kia biên giới… Bộ phim này của Samira Makhmalbaf đã nhận giải thưởng Ban Giám khảo tại Liên hoan phim Cannes năm 2000.
Một điều cho thấy, từ những câu chuyện đời thường và bằng ngôn ngữ điện ảnh dung dị nhưng các nhà làm phim Iran đã mang đến cho người xem những câu chuyện và nhiều góc nhìn khác nhau về cuộc sống đương đại của đất nước và con người Iran. Đặc biệt, qua những câu chuyện nhỏ mang tính riêng biệt đó, người đạo diễn tài ba đã truyền tải được những thông điệp mang tính nhân loại trong tác phẩm của mình.
Cùng câu chuyện nhỏ mang những thông điệp lớn
Một nội dung câu chuyện gần gũi, cùng cách kể đơn giản nhưng lại hàm chứa giá trị nhân văn và tính triết lý – đó là cách mà nhiều nhà làm phim Iran đã lựa chọn khi xây dựng các tác phẩm điện ảnh của mình. Điều này đã tạo nên thành công cho không ít bộ phim của điện ảnh Iran, trong đó có The Wind Will Carry Us (Gió sẽ cuốn ta đi) – một trong những tác phẩm điện ảnh xuất sắc làm nên tên tuổi của đạo diễn Abbas Kiarostami. Phim là câu chuyện về nhóm phóng viên được cử đến một ngôi làng hẻo lánh ở tỉnh Kurdistan để tìm hiểu về cái chết và tục lệ khâm liệm nơi đây. Để có được các tư liệu đó, họ phải giả làm kỹ sư và bí mật ghi hình một bà lão trên trăm tuổi được cho rằng đang chờ chết. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này, Behzad, trưởng nhóm phóng viên đã dần thay đổi cách nghĩ về những người dân địa phương để từ đó nhận ra vẻ đẹp của con người, của thiên nhiên ẩn sâu trong ngôi làng nghèo của Iran... Bộ phim này mặc dù không có nhiều tình tiết gay cấn, hấp dẫn nhưng bằng tài năng và ngôn ngữ điện ảnh bậc thầy của đạo diễn Abbas Kiarostami, The Wind Will Carry Us khiến người xem phải suy ngẫm, chiêm nghiệm về những vấn đề liên quan đến sự sống, cái chết, niềm hạnh phúc và ý nghĩa của cuộc đời... Phim đã được trao Giải đặc biệt của Ban Giám khảo tại Liên hoan phim Venice năm 1999.
Và một tác phẩm điện ảnh nữa cũng đã để lại nhiều ấn tượng đối với khán giả về phong cách làm phim của điện ảnh Iran mà tôi không thể không nhắc tới trong bài viết này đó chính là A Separation (Cuộc chia ly) của đạo diễn Asghar Farhadi. Phim đã giành được gần 60 giải thưởng điện ảnh lớn nhỏ tại các liên hoan phim trên thế giới, trong đó có giải Oscar dành cho “Phim nước ngoài xuất sắc” năm 2012. Ở bộ phim này, chúng ta thấy cốt truyện tương đối đơn giản. Tất cả xoay quanh cuộc ly dị của đôi vợ chồng Nader và Simin. Khi Simin muốn rời khỏi Iran để tới một quốc gia khác, nơi phụ nữ có nhiều quyền lợi và cơ hội hơn thì Nader không muốn ra đi và bỏ mặc người cha với căn bệnh Alzheimer. Không có phương án giải quyết cho tình cảnh éo le của họ, Nader và Simin quyết định ly hôn. Khi Simin bỏ về sống cùng bố mẹ đẻ, cuộc sống của Nader gần như bị đảo lộn vì căn nhà không có bàn tay phụ nữ. Để tạm thời ổn định cuộc sống, Nader quyết định thuê Razieh, người phụ nữ có gia cảnh khó khăn, làm người giúp việc và chăm sóc người cha ốm liệt giường.
Câu chuyện phim bắt đầu với tình huống phim khá giản đơn nhưng qua những va chạm trong cuộc sống hàng ngày, từ đó làm bộc lộ và nảy sinh sự phức tạp trong đời sống của các nhân vật. Vì mong muốn đưa lên phim một cái nhìn chân thực về xã hội Iran đương đại, đạo diễn Agshar Farhadi đã sử dụng thủ pháp hiện thực khi kể câu chuyện phim. Những gì đang diễn ra trên phim như đang xảy ra trong cuộc sống của mỗi gia đình. Hàng ngày Razieh đi mất 90 phút mới tới được nhà Nader để chăm sóc một người già không có khả năng nhận thức và kiểm soát hành vi. Không được đào tạo về chuyên môn và bản thân cô còn có một con nhỏ không ai chăm sóc nên ngày nào cũng phải đưa cô bé đi theo, điều đó khiến Razieh vô cùng vất vả với công việc làm người giúp việc của mình. Rồi một lần cha Nader bị ngã, mâu thuẫn giữa Nader và Razieh đã xảy ra và vô tình Nader đã đẩy ngã làm Razieh sảy thai… Mâu thuẫn giữa họ càng trở lên gay gắt hơn khi mỗi người đều có những suy nghĩ có phần bó hẹp của riêng mình. Vậy là, từ mâu thuẫn nhỏ tưởng có thể dễ dàng giải quyết giờ mọi chuyện lại trở nên căng thẳng. Các nhân vật trong phim bỗng thấy mình mắc kẹt trong hành trình quyết đi tìm sự thật theo cách hiểu của mỗi người.
Thay vì thu hút người xem bằng một tác phẩm hư cấu, dàn dựng cầu kỳ, trong A Separation đạo diễn Asghar Farhadi đã kể lại một câu chuyện hết sức gần gũi, người xem có thể bắt gặp những tình huống này ở đâu đó trong cuộc sống thường ngày, và cách kể chuyện của ông về gia đình Nader như khiến khán giả cảm thấy mình như đang tham dự vào câu chuyện của họ. Người đạo diễn tài ba này còn biến một câu chuyện mang tính gia đình với những mâu thuẫn nhỏ nhặt của các cá nhân để khái quát thành những vấn đề lớn của xã hội Iran như: sự phân biệt giới tính và tầng lớp xã hội, những luật lệ khắt khe của tôn giáo trong xã hội của đất nước Iran đương đại… Và đạo diễn đã để cái kết mở cho phim để các nhân vật trong A Separation và khán giả, tự tìm ra câu trả lời theo cách riêng của mỗi người, bởi những mâu thuẫn giữa các nhân vật trong phim xét cho cùng cũng không có gì là hoàn toàn đúng và cũng không có gì là hoàn toàn sai. Điều này khiến cho bộ phim để lại những dư âm khó quên đối với khán giả.
Bộ phim A Separation của đạo diễn Asghar Farhadi
đã được trao giải thưởng Oscar dành cho “Phim nước ngoài xuất sắc”
Cũng với phong cách làm phim về những câu chuyện đời thường và cách kể đơn giản nhưng lại hàm chứa giá trị nhân văn và tính triết lý, năm 2017, đạo diễn Asghar Farhadi một lần nữa đem về vinh quang với giải Oscar lần thứ hai cho sự nghiệp của ông với bộ phim The Salesman (Người bán hàng). Bộ phim này được Asghar Farhadi xây dựng dựa trên những cấu tứ của vở kịch Death Of A Salesman (Cái chết của người bán hàng) của tác giả Arthur Miller. Trong phim, Asghar Farhadi đã kể câu chuyện về sự khủng hoảng trong cuộc sống của một cặp vợ chồng trẻ - Emad và Rana. Khi hai vợ chồng họ chuyển tới sống trong một căn hộ mà người thuê trước đó là một cô gái bán hoa, Rana đã bị một khách mua dâm đột nhập vào nhà cưỡng bức, đánh đập. Hai vợ chồng quyết định không báo vụ việc cho cảnh sát để Rana không phải đau khổ thêm vì những câu hỏi, thay vào đó, tự Emad tiến hành một cuộc truy tìm và trả thù… như một cách để “đền tội” cho việc đã không thể bảo vệ được vợ mình. Còn nhân vật Rana bị rơi khủng hoảng nặng nề, trong nỗi ám ảnh sợ hãi. Emad dù cảm thương với nỗi đau của vợ và đã tìm mọi cách để cùng cô đương đầu với sự việc, nhưng càng lúc anh càng không thể chịu nổi những bất ổn ngày càng tăng ở Rana. Ngôi nhà không còn là nơi yên bình mà trở thành hiện thân của sự đe dọa.
Với The Salesman, đạo diễn Farhadi đã khai thác góc tối trong tâm hồn con người, khi sử dụng vụ việc người vợ bị cưỡng bức để “kích hoạt” khát vọng trả thù không kiểm soát nổi ở người chồng. Chia sẻ về bộ phim cũng như quan điểm nghệ thuật của mình, đạo diễn Farhadi đã nói: Chính trong khủng hoảng, chúng ta hé lộ bản thân mình. Phim, đối với tôi, giống như một phiên tòa xét xử. Người xem chính là thẩm phán. Một khi khủng hoảng xảy ra, các nhân vật bắt đầu hiểu lầm nhau, xúc cảm rối loạn, khía cạnh đen tối trong tâm hồn mỗi người bắt đầu hé lộ… Tôi không bao giờ xây dựng nên những nhân vật mà người xem có thể nói ngay rằng họ thích hay không thích. Nếu phải tóm tắt một từ về các nhân vật của mình, tôi sẽ dùng từ cảm thông. Đó là cách phản ứng của tôi đối với điện ảnh thế giới hôm nay; các nhà làm phim bây giờ quá vội vã trong việc xây dựng nhân vật một cách rạch ròi tốt xấu, mà không hiểu rằng nhân vật tốt cũng có mặt tối và nhân vật xấu cũng cần có cơ hội để biện hộ...
Ông cũng đã chia sẻ thêm về kinh phí thực hiện bộ phim này như sau: Kinh phí làm phim rất eo hẹp, tôi thậm chí còn không có đủ tiền làm phụ đề tiếng Anh. Tôi không nghĩ phim của mình sẽ được chiếu ở nước ngoài… Ban đầu ông chỉ cầu mong bộ phim được khán giả Iran đón nhận, nhưng ngoài sức mong đợi của đạo diễn, tác phẩm điện ảnh này đã nhận được giải thưởng Oscar dành cho “Phim nước ngoài xuất sắc”…
Thực tế đã chứng minh, các nhà làm phim Iran đã tìm ra cách thích hợp để làm nên những tác phẩm điện ảnh mang tính nghệ thuật, phản ánh sâu sắc hiện thực xã hội, giàu giá trị nhân bản và tính triết lý trong một môi trường xã hội với khá nhiều quy định nghiêm ngặt của một quốc gia Hồi giáo, cùng với một nguồn kinh phí chẳng mấy dồi dào. Các nhà làm phim thường chọn bối cảnh tự nhiên để giảm chi phí và họ thường vận dụng nghệ thuật tự sự ẩn dụ trong ngôn ngữ điện ảnh để truyền tải những thông điệp ý nghĩa của bộ phim đến khán giả. Bởi thế, dù nội dung phim là những câu chuyện về cuộc sống đời thường, không có sự hoành tráng, cầu kỳ trong dàn dựng và bối cảnh, không hình ảnh gợi cảm... nhưng vẫn tạo nên sức hấp dẫn và thuyết phục đối với người xem khi ẩn chứa trong đó là những giá trị nhân văn cao cả và có sự gắn kết chặt chẽ, hợp logic giữa các tình tiết, cùng sự diễn xuất tinh tế của diễn viên và lời thoại sâu sắc... Từng chi tiết được đưa vào phim đều được đạo diễn lựa chọn kỹ lưỡng, trau chuốt tối đa nhằm làm tăng giá trị nghệ thuật cho tác phẩm.
Con đường phát triển của điện ảnh Iran những năm gần đây đã cho chúng ta thấy được: các nhà làm phim Iran đã thành công khi sáng tạo ra những tác phẩm điện ảnh có giá trị nghệ thuật mang bản sắc riêng trong ngôi nhà chung của điện ảnh thế giới. Điều này đã được ghi nhận, khi nhiều tác phẩm điện ảnh của các nhà làm phim Iran nhận được giải thưởng tại các liên hoan phim quốc tế danh tiếng, cùng sự đón nhận của đông đảo khán giả trên thế giới. Đặc biệt sự thành công đó của nền điện ảnh quốc gia này vẫn đang được viết tiếp bởi thế hệ những nhà làm phim trẻ đầy đam mê và sáng tạo.
Minh Phương