Terrence Frederick Malick là một đạo diễn, nhà biên kịch và nhà sản xuất nổi tiếng tại Hollywood nhưng ít được khán giả đại chúng biết đến bởi ông thường ít khi trả lời họp báo, phỏng vấn điện ảnh hay gặp gỡ khán giả. Gần như biến mất khỏi sự chú ý của cánh truyền thông, Terrence Malick trở thành một người đóng góp thầm lặng cho sự đổi thay của nền điện ảnh Mỹ. Cho đến khi The Tree of Life (Cây đời) (2011) thắng lớn tại hai Liên Hoan Phim danh giá: giải Cành Cọ Vàng tại Cannes và giải Gấu Vàng tại Berlin, vị đạo diễn ẩn dật này lại lần nữa xuất hiện dưới ánh hào quang và lần này ông đã để lại dấu ấn khó quên làm sắc nét thêm danh tiếng của ông.
Đạo diễn Terrence Malick
The Tree of Life (Cây đời) (2011)
Văn hóa bạo lực, mất phương hướng và sự nổi loạn của tuổi trẻ
Badlands (Đất xấu) (1973)
Terrence Malick khởi đầu sự nghiệp tại Hollywood với bộ phim thành công đầu tiên Badlands (Đất xấu) (1973) dựa trên chuyện có thật kể về vụ giết người hàng loạt nổi tiếng của sát thủ thiếu niên 19 tuổi Charlie Starkweather cùng cô bạn gái 14 tuổi Caril Ann Fugate đã tước đi sinh mạng của 11 người (trong đó có bố dượng, mẹ đẻ và đứa em 2 tuổi của Caril) ở Nebraska và Wyoming từ tháng 12 năm 1957 đến tháng 1 năm 1958. Tuy nhiên, trong sự tưởng tượng của Malick, Badlands trở thành một cái nhìn toàn diện về kẻ giết người thiếu niên Kit thông qua lời thoại kể chuyện của cô bạn gái Holly. Phim được đánh giá cao như một cách làm phim mới, mang bóng dáng của Bonnie và Clyde (1967) nhưng có câu chuyện sâu sắc hơn và nét phá cách của Breathless (1960) trong trào lưu làn sóng mới tại Pháp. Malick đã không chỉ thể hiện sự hung dữ của người Mỹ từ văn hóa đến xã hội, ông còn chỉ ra sự nổi loạn của tuổi trẻ qua hành vi bất cần đời của Kit cũng như sự hiểu sai về nó đối với Holly khi cô ở vị trí là người quan sát Kit thực hiện tội ác và theo chân hắn cho đến khi bị bắt. Đặc biệt, phim xuất hiện vào thời điểm đỉnh cao của cuộc chiến tranh Việt Nam, làn sóng phản chiến và văn hóa Hippie – thể hiện sự bất mãn của giới trẻ với xã hội của người lớn và chính quyền thời điểm đó, đã phần nào nhận được khá nhiều sự đồng cảm đến từ khán giả.
Bản chất tự nhiên hay niềm tin tinh thần?
Trước khi trở thành nhà làm phim, Terrence Malick học triết học tại đại học Harvard và đã từng phiên dịch bài luận văn Vom Wesen des Grundes (Bản chất của các lý do) (1929) của nhà triết học Đức nổi tiếng Martin Heidegger. Chính những tư tưởng này đã ảnh hưởng khá nhiều đến Malick khi ông thực hiện các bộ phim The Thin Red Line (Lằn ranh đỏ) (1998), The New World (Thế giới mới) (2005) và The Tree of Life.
The Thin Red Line (Lằn ranh đỏ) (1998)
“Liệu con người được sinh ra bởi một ý nghĩa cao cả nào đó hay đơn giản họ chỉ tồn tại rồi chết như sự tuần hoàn của tự nhiên?” Đó là câu hỏi được lồng vào những cuộc đối thoại giữa Welsh và Witt về định nghĩa bao quát sự tồn tại của con người trong The Thin Red Line; hay The New World nói về thuyền trưởng John Smith, trong hành trình tìm kiếm tân thế giới, đã tìm thấy cuộc sống bình yên bên Pocahontas – cô gái da đỏ và bộ lạc của nàng cư ngụ giữa lòng thiên nhiên nhưng anh luôn khắc khoải nỗi nhớ quê hương và tự hỏi nơi đâu mới là hạnh phúc thực sự cho chính mình; The Tree of Life bao hàm sự sinh ra của vũ trụ, khủng long, rồi đến loài người, đi kèm nỗi trăn trở về tình yêu giữa những người trong gia đình, giữa cha và con, anh em ruột thịt… Sự đấu tranh giữa tinh thần cá nhân và niềm tin tôn giáo luôn hiện hữu làm trăn trở Terrence Malick, được ông đưa ra như những câu hỏi dành cho khán giả.
The New World (Thế giới mới) (2005)
Thể nghiệm phong cách điện ảnh mới và những phản ứng trái chiều
To the Wonder (Điều kỳ diệu) (2012)
Sau thành công của The Tree of Life, Terrence Malick lại một lần nữa thả mình sáng tạo một phong cách điện ảnh mới: làm phim không kịch bản. Sự thể nghiệm này được Malick thực hiện liên tục xuyên suốt qua To the Wonder (Điều kỳ diệu) (2012), Knight of Cup (Cuộc tình vô định) (2015) và Song to Song (Khúc ca tình yêu) (2017). Phim không đặt ra vấn đề mà chỉ đặt ra câu hỏi, không giải quyết nút thắt mà chỉ khuyến khích tiếp diễn câu chuyện. Cùng với những nhân vật khác nhau, địa điểm khác nhau nhưng những mục tiêu của mỗi nhân vật không thay đổi. Phong cách mới của Terrence Malick khiến cả bộ phim giống như một phần nguyên vẹn được cắt ra từ một bộ phim thông thường mà với những phim khác họ chỉ dùng cho cảnh chuyển tiếp của câu chuyện. Việc từ bỏ kịch bản cho phép các nhà làm phim được tự do thực hiện dựng phim mà không cần tuân theo bố cục không gian – thời gian. Để làm được điều đó, các diễn viên, họa sỹ trường quay, biên tập viên sẽ là những người tiên phong quyết định hướng đi của câu chuyện. Ống kính sẽ đóng vai trò như con mắt của nhân vật, bởi đó cũng là con mắt của diễn viên. Bởi phim không có cốt truyện, việc tạo nên bộ phim phụ thuộc vào phản ứng của diễn viên hay nhân vật tương tác với nhau, tương tác với cảnh quan; họa sỹ trường quay tương tác với nhân vật trong cảnh; biên tập viên sẽ tương tác với nhịp độ của cảnh quay và cảnh quan; đạo diễn trở thành người hỗ trợ đặt tất cả mọi thứ vào chuyển động và tìm ra vẻ đẹp của những chuyển động đó.
Knight of Cup (Cuộc tình vô định) (2015)
Song to Song (Khúc ca tình yêu) (2017)
Mặc dù, là người tìm ra hướng đi mới cho điện ảnh ở Hollywood, những bộ phim này vẫn khiến nhiều người bực tức, khó hiểu và tẩy chay vì sự thiếu kết cấu và có phần vô tổ chức nếu so với những phim truyền thống. Có thể coi đó là sự ám ảnh của vị đạo diễn đối với mong muốn được đổi mới cũng như khai thác tiềm năng được tự do của nhà làm phim. Có lẽ phong cách mới của Terrence Malick một ý tưởng còn đang thành hình, nhưng lại là một hơi thở mới đang rất cần đối với điện ảnh Mỹ vốn rất khao khát sự thay đổi trước sự bão hòa của điện ảnh hiện đại.
Bùi Trí Hiếu
Viện Phim Việt Nam