1. Một nền tạo hình mỹ thuật hiện thực

 

Chung một dòng sông (1959)

 

Đặc điểm cơ bản của tạo hình mỹ thuật phim truyện nước ta từ 1959 đến nay là nền tạo hình mỹ thuật hiện thực - theo nghĩa là sáng tác trên cơ sở chân thực, giống thực và có tính tài liệu lịch sử. Ngay từ bộ phim đầu tiên của điện ảnh cách mạng: phim Chung một dòng sông - ra đời năm 1959 - tính chất hiện thực đã là nét chủ đạo, đồng thời là nền tảng kinh nghiệm cho thmtpt trong hàng loạt phim sau. Lấy bối cảnh diễn ra chuyện phim là vĩ tuyến 17, sông Hiền Lương - nơi đất nước bị chia cắt không thể quay phim tại đó, các nhà làm phim đã phải tái dựng lại bằng một số cảnh trên các địa phương khác sao cho chân thực như bối cảnh có thật. Theo lời kể của các nghệ sỹ làm phim thì họ đã phải dựng cảnh tại sông Nhật lệ, bãi biển Cửa Tùng, hồ Tây - Hà Nội… Các nghệ sỹ như đạo diễn Phạm Kỳ Nam, họa sỹ Đào Đức đã bí mật thâm nhập vào bờ Nam, nơi đối phương kiểm soát để quan sát lấy thực tế cho việc tạo dựng cảnh.

Nguyên tắc hiện thực khi đó lại là hiện thực xã hội chủ nghĩa XHCN cho nên các nhà làm phim đã cố gắng tái hiện những bối cảnh và hình ảnh sao cho nổi rõ tính chất của miền Bắc XHCN và miền Nam. Cũng như trong nhiều phim sau, thông qua tạo hình mỹ thuật phim truyện, họ đã nói lên cuộc sống mới, con người mới trên miền Bắc, ngợi ca những anh hùng, những gương sáng, phê phán các hiện tượng lạc hậu tiêu cực trong chiến đấu và sản xuất; tố cáo kẻ địch-đế quốc, phong kiến. Nghĩa là luôn tôn nổi các ý tưởng về ta, địch, tốt, xấu, hay, dở… theo quan điểm cách mạng XHCN. Cho nên hình dáng người và vật cùng cảnh trí trong các phim luôn đi theo tính chất đó. Đây là tính lịch sử của tạo hình mỹ thuật phim truyện Việt Nam được thời đại lúc đó quy định. Bên cạnh Chung một dòng sông, tạo hình mỹ thuật phim truyện hiện thực XHCN toát lên khá đậm nét trong các phim: Vợ chồng A Phủ, Chị Tư Hậu, Chim Vành Khuyên, Biển lửa, Khói trắng, Vườn Cam, Đi bước nữa, Câu chuyện quê hương….

Từ năm 1964 đến 1975, tạo hình mỹ thuật phim truyện vẫn tiếp tục phương pháp sáng tác như giai đoạn trước nhưng đa dạng hơn về đề tài, thể loại và trong một số phim có quy mô hoành tráng hơn. Chẳng hạn đó là việc đi vào các đề tài lịch sử hay các thể loại sử thi mà tiêu biểu là các phim: Đường về quê mẹ, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội, Đến hẹn lại lên…Trong việc khai phá các thể tài này, tạo hình mỹ thuật phim truyện đã có cố gắng lớn phục dựng những đại cảnh hoặc hình ảnh của quá khứ-vốn khi đó là những cảnh khó dựng và có rất ít kinh nghiệm trong phim truyện nước ta.

Khuynh hướng phát triển nói trên của tạo hình mỹ thuật phim truyện nước ta vẫn được phát huy trong thời kỳ sau và cho đến hiện nay trong các dòng phim như lịch sử, chiến tranh… với độ lớn và phức tạp hơn về quy mô bối cảnh. Như trong các phim: Chiến trường chia nửa vầng trăng, Đêm hội Long Trì, Kiếp phù du, Thủ lĩnh áo nâu, Sao tháng tám, Hà Nội 12 ngày đêm, Hà Nội mùa đông năm 1946, Đất nước đứng lên, Hoa ban đỏ, Ký ức Điện Biên, Giải phóng Sài Gòn…Cái công phu, hoành tráng và nhiều chi tiết chân thực đã nổi lên trong các phim đó khá rõ nét cho thấy những trưởng thành đáng kể của tạo hình mỹ thuật phim truyện. Tuy nhiên trong một số phim thì ưu điểm này lại bị cái non yếu trong chiều sâu nhân vật và ý tứ…làm lu mờ các giá trị tạo hình mỹ thuật, khiến các phim đó chưa đạt hiệu quả đầu tư quy mô lớn, bị công luận kêu ca là tốn kém và làm cúng giỗ hình thức. Ngay trong cùng đề tài chiến tranh thì những phim quy mô vừa và nhỏ như Cánh đồng hoang, Bao giờ cho đến tháng 10, Ván bài lật ngửa, Về nơi gió cát, Đời cát, Bến không chồng… lại có thành công bền vững hơn là nhờ vào sự nhuần nhuyễn hài hòa giữa các bộ môn nghệ thuật, vào độ hay của kịch bản và phim chứ không  phải vào sự tốn kém lớn về tạo hình mỹ thuật. Như vậy, thì lĩnh vực tạo hình mỹ thuật phim truyện chỉ có hiệu quả nghệ thuật tốt khi nó được đặt trong giá trị chung của phim; phải được gắn với cái hay và giá trị chung của phim. Khi phim ít có những giá trị tư tưởng nghệ thuật, yếu kém, không hay thì tạo hình mỹ thuật phim truyện cũng sẽ tồn tại mờ nhạt dù có những kết quả nhất định. Trong điện ảnh thế giới thì hiện tượng này cũng thường diễn ra, tuy ở mức độ khác và hầu như chỉ trong chủ nghĩa biểu hiện (Đức) tạo hình mỹ thuật phim truyện là yếu tố căn bản làm nên thành công của phim.

Kể từ năm 1986 bước vào đổi mới đến nay, trong sự phát triển đa dạng của các dòng và hướng làm phim - có cả phim thị trường, phim giải trí, tạo hình mỹ thuật phim truyện cũng có những nét khác biệt so với các thời kỳ trước. Đã xuất hiện những cách tạo hình mới như phi hiện thực - trong các phim: Học trò thủy thầnTruyền thuyết tình yêu thần nước, Dã tràng xe cát, Trò đùa của thiên lôi, Khi đàn ông có bầu, Hồn Trương Ba da Hàng Thịt… Và hàng chục phim gần đây: Bẫy rồng,  Scandal, Thiên mệnh anh hùng, Lời nguyền huyết ngải, Mỹ nhân kế, Âm mưu giầy gót nhọn…Có những thử nghiệm tuy còn sượng về nghệ thuật sắp đặt, trình diễn trong vài ba phim. Đã có một số phim đạt được tính thống nhất hiện thực và thẩm mỹ khá cao về tạo hình mỹ thuật phim truyện trên một địa điểm quay như: Thương nhớ đồng quê, Những người thợ xẻ, Giải hạn, Bến không chồng, Thung lũng hoang vắng…Tuy nhiên sự thống nhất hiện thực và thẩm mỹ này cũng chỉ là việc làm mới lại và phát huy các kinh nghiệm tạo hình mỹ thuật phim truyện của nhiều năm trước đó mà các kết quả tương tự thấy khá rõ qua các phim như: Chim vành khuyên, Chị Tư Hậu, Truyện vợ chồng anh Lực, Em bé Hà Nội,  Xa và gần…Do đó, kinh nghiệm này/cũng như khác/sau hàng chục năm đã trở thành cách làm phổ biến của tạo hình mỹ thuật phim truyện nước ta. Đáng chú ý trong vòng hơn 10 năm qua, những hình ảnh mới của thời mở cửa, hội nhập - từ cảnh ô tô, nhà lầu, tiện nghi đắt tiền…đến người mang phục trang hóa trang model… xuất hiện trong nhiều phim - tuy lúc đầu còn có vẻ phô trương thì nay đã như một tất yếu của hiện thực và buộc các nhà làm tạo hình mỹ thuật phim truyện phải cập nhật và tái hiện chất liệu mới một cách có nghệ thuật. Dòng phim thị trường - giải trí có thể  nói đang khai phá mạnh vào mảng tạo hình này và có những thành công nhất định - nhất là tạo thị cảm hấp dẫn mới - dù có khi chỉ là cái đẹp hình thức cho khán giả.

 

2. Một nền tạo hình mỹ thuật phim truyện giầu bản sắc dân tộc

 

Chuyện của Pao (2006)

 

Phim truyện Việt Nam suốt mấy chục năm qua mang bản sắc dân tộc khá đậm nét, trong đó tạo hình mỹ thuật của nó có đóng góp đáng kể. Đọng lại là bao hình ảnh thân thuộc của cảnh và người, vùng và miền với những nét riêng không nhạt nhòa bản sắc dân tộc qua hàng trăm phim. Từ những cảnh hồn hậu đơn sơ nhất như: dòng sông, bến thuyền, con đò, cây đa, mái đình, bờ tre, giếng nước, ruộng đồng, bản làng, ngõ phố đến những cảnh hùng vĩ của thiên nhiên…cùng các nhân vật thuộc nhiều tầng lớp xã hội đều đã được tái hiện, tái tạo một cách sống động. Từ phim Chung một dòng sông đến những phim: Vợ chồng A phủ, Chị Tư Hậu, Đến hẹn lại lên, Chị Dậu , Làng Vũ Đại ngày ấy, Cánh đồng hoang, Cô gái trên sông, Đất nước đứng lên… cho đến những phim gần đây như: Chuyện của Pao, Sống trong sợ hãi, Mùi cỏ cháy, Trăng nơi đáy giếng, Long Thành cầm giả ca…đều cho chúng ta cảm nhận về cảnh và người giầu bản sắc Việt Nam. Tất cả, ở mức độ khác nhau đều chứa đựng những tín hiệu thẩm mỹ của hình ảnh truyền thống Việt. Tất cả đều phản ánh cái đẹp, chất thơ, sự giản dị hồn hậu của phong cảnh và bản chất người Việt đồng thời cũng toát lên cả những hạn chế, những lạc hậu và chưa hay chưa đẹp trong bản sắc dân tộc.

 

 

3. Một nền tạo hình mỹ thuật còn nhỏ yếu, nghèo nhưng biết vượt khó và sáng tạo

 

Hà Nội 12 ngày đêm (2003)

Phim truyện Việt Nam phần lớn có kinh phí nhỏ và được làm trong những điều kiện phi chính quy. Thiếu thốn kinh phí, không có trường quay lớn là một trở ngại thường trực cho hầu hết các phim nói chung và thmtpt nói riêng. Tuy nhiên trong cái khó, các họa sỹ thiết kế mỹ thuật đã có nhiều nỗ lực và sáng kiến để vượt qua khó khăn. Họ chủ yếu sử dụng và tu tạo cảnh trí có sẵn vì vậy khâu sưu tầm cảnh, chọn cảnh tới nay đã trở nên một công việc dầy kinh nghiệm cho các nhà tạo hình mỹ thuật phim truyện - có thể gọi họ là các nhà thmtpt tân hiện thực Việt Nam - do có cùng cách làm - dù là đi sau mấy chục năm với các nhà tân hiện thực Italia trong việc sử dụng cảnh ngoài trường quay nhân tạo là chính. Trong trường hợp không có một địa điểm phù hợp, họ đã sử dụng nhiều hoặc một số địa điểm tương đồng và gộp, ráp nối chúng vào một thể thống nhất.Trong nhiều phim không nói về đương thời như lịch sử hay chiến tranh, họ phát huy cảnh trí nội để hạn chế chi phí tạo cảnh lớn ngoài trời.Việc sưu tập, thuê mướn, chế tác đaọ cụ cũng rất năng động và khéo léo - cho nên kể cả là phim video về thời xưa như Lá ngọc cành vàng, Số đỏ nhưng vật dụng và nội thất cũng đều đầy đủ cả. Trong một số phim thì sự nhanh nhậy tận dụng bối cảnh phố xá đổ nát vì chiến tranh hoặc đang phá dỡ có sẵn đã làm nên thành công về thmtpt như các bối cảnh trong: Em bé Hà Nội, Thị xã trong tầm tay, Hà Nội 12 ngày đêm…

Hiện nay, phim truyện điện ảnh có giá thành trung bình phổ biến là trên dưới 10 tỷ đồng. Đối với phim tư nhân, khâu tạo hình mỹ thuật phim truyện thường thỏa đáng, hợp lý hơn về kinh phí do họ tiết kiệm được chi phí quản lý và dịch vụ; họ cũng thường đi vào đề tài đương đại và rất ít đi vào các thể tài tốn kém như chiến tranh, lịch sử. Đối với phim nhà nước đặt hàng hoặc tài trợ, phần lớn trường hợp là khó khăn trong kinh phí cho giai đoạn xây dựng bối cảnh và quay. Vài năm nay, thông thường phim tài trợ chỉ được duyệt giá khoảng vài ba, bốn đến năm tỷ tuỳ qui mô và hãng thực hiện đành liệu tùng tiệm cho khỏi dội chi. Ngược lại, trong một số ít phim khác diện đặt hàng, thì có thể nói: do được cấp kinh phí lớn, tới trên dưới cả triệu đô la cho nên khi phim làm ra không hay đã gây nhiều dư luận trái chiều.

4. Hội nhập - đi vào kỹ thuật số

 

Những người viết huyền thoại (2012)

Từ sau năm 2000 tới nay, hàng chục phim đã ứng dụng kỹ thuật số vào thiết kế, tạo tác bối cảnh cũng như đạo cụ. Công nghệ này ngày càng tiến bộ và chất lượng được đẩy mạnh. Đối với phim nhà nước, việc áp dụng tạo tác kỹ thuật số cho cả số đầu phim cũng như thời gian màn ảnh đều ít và thô sơ hơn nhiều so với phim tư nhân. Có thể kể tới: Hà Nội 12 ngày đêm (2002), Trò đùa của thiên lôi (2003), Ký ức Điện Biên (2004), Đam mê (2012), Những người viết huyền thoại (2012)… Phim tư nhân mà chủ yếu ở địa bàn phía Nam có tới hàng chục phim đã sử dụng tương đối mạnh kỹ thuật số để chế tác bối cảnh, đạo cụ như : Khi đàn ông có bầu, Hai trong một, Hồn Trương Ba da Hàng Thịt, Lời nguyền huyết ngải, Nụ hôn thần chết,Thiên mệnh anh hùng, Scandal, Âm mưu giầy gót nhọn, Tèo em, Lửa phật…. Có cả phiên bản 3D đầu tiên ra đời như Bóng ma học đường (2011), tiếp đó là Mỹ nhân kế (2012).

Tuy nhiên có thể thấy, tới nay công nghệ kỹ thuật số còn là lĩnh vực khá mới mẻ trong điện ảnh Việt Nam và rất ít hoạ sỹ điện ảnh nước ta quen thuộc và biết ứng dụng công nghệ nàyHầu như chỉ có đôi ba kỹ thuật viên có thể làm được một vài xảo thuật kỹ thuật số thông thường cho tạo hình mỹ thuật phim truyện. Hầu hết khi thực hiện đều thuê mướn cơ sở ở nước ngoài (Thái Lan, Trung Quốc, Pháp…)

 

5. Các thế hệ sáng tác của tạo hình mỹ thuật phim truyện

 

Con chim vành khuyên (1962)

 

Từ năm 1959 đến nay đã có khoảng 4 thế hệ người làm tạo hình mỹ thuật phim truyện. Những nghệ sỹ tiền bối thời kỳ đầu như: Đào Đức, Trần Kiềm, Nhữ Đình Nguyên, Vi Ngọc Linh, Lê Thanh Đức…Thế hệ thứ 2 có Nguyễn Trịnh Thái, Nguyễn Như Giao, Nguyễn Ngọc Tuân, Nguyễn Văn Vý, Phạm Quang Vĩnh, Hoàng Chí Long, Ngô Xuân Hoàng, Bích Hải, Lê Thị Hoàn, Phạm Hồng Phong, Trịnh Kim Ngọc,  Dương Quý Hiệp, Nguyễn Vĩnh Bảo, Phạm Nguyên Cẩn,  Lê Trường Tiếu, Huỳnh Phúc Nghĩa, Ngô Hữu Phước,  Võ Tử Quý,  Bình Đẳng, Võ Thanh Liêm, Ngô Anh Giang… Thế hệ thứ 3 có Vũ Huy, Phạm Quốc Trung, Đào Hồng Hải, Mã Phi Hải… Thế hệ thứ 4 là các họa sỹ trẻ mới bước vào nghề từ khoảng những năm 1995 đến nay. Có thể thấy, thế thệ thứ 2 - làm nghề từ khoảng 1965 trở đi là thế hệ đông đảo hơn cả và họ cũng sáng tác trong một giai đoạn sôi nổi nhất - là thời hoàng kim của phim truyện nước ta (từ 1959 cho tới giữa những năm 1980). Vì vậy nếu nói đến đóng góp chủ yếu của họ thì cũng chính là giai đoạn này.

 

Khi điện ảnh Việt Nam bước vào khủng hoảng từ cuối 1980 đến nay, các họa sỹ tạo hình mỹ thuật phim truyện vẫn tiếp tục làm phim (thậm chí số lượng nhiều hơn vì có cả phim video, phim truyền hình) nhưng ít có môi trường và không khí nghệ thuật như giai đoạn trước, và vì thế mà việc kể tên những người thuộc thế hệ thứ 3 - chủ yếu bước vào nghề giai đoạn này cũng không nhiều.

 

Một số họa sỹ phim truyện lâu năm cho biết: Bên cạnh những ưu điểm, những thành tựu của tạo hình mỹ thuật phim truyện mấy chục năm qua, cho đến nay bộ môn này vẫn đang còn những hạn chế, bất cập như chưa chính quy, chưa chuyên sâu, chưa đồng bộ và cập nhật ở nhiều khâu .Chưa có trường quay cũng như các thiết bị vật tư cùng công nghệ kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế… Thiếu  nhân lực có tay nghề cao của các khâu thiết kế, hóa trang, phục trang.Trong cách làm phim bình thường vẫn có thể khắc phục được những hạn chế đó, nhưng khi cần làm phim lớn, phim khó, phim đòi hỏi nhiều tái tạo về cảnh trí về hóa trang… thường gặp nhiều khó khăn và bị động; thường phải ra nước ngoài thuê mướn.  Hơn nữa điện ảnh nước ta nhìn chung vẫn yếu ớt thì lấy đâu ra nền thmtpt mạnh khỏe được.

 

Điều cuối cùng đọng lại là: tài năng, tri thức, tinh thần sáng tạo của các nhà điện ảnh và cơ chế, chính sách, luật pháp hoạt động phù hợp trong thời thị trường mới là động lực chủ yếu cho phim truyện Việt Nam - trong đó có lĩnh vực tạo hình mỹ thuật ra khỏi khủng hoảng nặng nề và đi lên phát triển bền vững.

                                                                                     

Đặng Minh Liên