Hội nhập - hiểu theo nghĩa ngắn gọn là mình tới thế giới và thế giới vào nước mình cộng tác, làm ăn, giao lưu…- là vấn đề nổi lên rõ rệt và có tính chủ động ở tất cả các hãng, các nghệ sỹ và người làm phim… nhất là sau năm 2000.
Từ năm 2007, trong Liên hoan phim Việt Nam (LHPVN) lần thứ 15 tại Nam Định và các LHPVN sau đó đã nêu cao khẩu hiệu “ Vì một nền điện ảnh Việt Nam đổi mới và hội nhập”.Trước đó, các hoạt động hội nhập điện ảnh chủ yếu do nhà nước tổ chức, thực hiện với tính chất chính thức ở các dịp LHPVN và Liên hoan phim quốc tế (LHPQT), ở trao đổi đoàn ra đoàn vào và càng lùi về thời gian trước thì càng bó hẹp trong phạm vi các nước xã hội chủ nghĩa anh em: Liên Xô, Đông Âu, Trung Quốc…Đây là vấn đề lớn. Trong bài, người viết chỉ đề cập một số mặt cụ thể trong sáng tác, sản xuất, phát hành - phổ biến, giao lưu và đào tạo, nghiên cứu phê bình điện ảnh.
Về sáng tác, sản xuất phim: so với thời kỳ trước 1986, do hoàn cảnh mở cửa, có sự gia tăng các phim do nước ngoài tài trợ, và liên doanh làm phim với các nghệ sỹ nước ngoài theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên điều dễ thấy là, nhìn chung: số lượng phim có tài trợ quốc tế rất nhỏ. Thập kỷ 1990 hầu như chỉ có chừng dưới 5 phim. Có thể kể tới hai phim Trở về (1994), do Truyền hình Anh quốc và Thương nhớ đồng quê (1996) do đài truyền hình NHK Nhật Bản tài trợ. Những năm 2000 trở đi, lượng phim này có tăng lên theo xu hướng hội nhập. Có thể kể tới những phim như: Chung cư, Mê Thảo thời vang bóng (đạo diễn Việt Linh), Trăng nơi đáy giếng - đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, Sống trong sợ hãi, Chơi vơi - đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, Trái tim bé bỏng - đạo diễn Nguyễn Thanh Vân; Bi đừng sợ!, Cha con và… - đạo diễn Phan Đăng Di… Đó đều là các phim có sự tài trợ một phần của các Quĩ điện ảnh Pháp, Châu Âu hoặc Nhật Bản. Trong hơn hai chục năm qua có vài ba phim Việt Nam được quay một phần ở nước ngoài như Trăng trên đất khách ở Nga, Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông và Vượt qua bến Thượng Hải quay ở Trung Quốc, Đừng đốt quay ở Mỹ. Đó thực sự là những kinh nghiệm quí báu ban đầu cho điện ảnh nước ta khi làm phim ở nước ngoài.
Về phim hợp tác liên doanh, trước năm 2000 chỉ có chừng vài ba phim. Những mảnh đời rừng (1987) - đạo diễn Trần Vũ, phim hợp tác với CHDC Đức, Bông Sen (1998) - đạo diễn Trần Đắc, hợp tác với Angeri. Từ năm 2000, có các phim: Mùa len trâu (2004) - đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh, hãng phim Giải Phóng liên doanh với điện ảnh Pháp, Bỉ; Vũ khúc con cò (2002) - Hãng phim Hội nhà văn với điện ảnh Singapore. Mười (2007) - Hãng Phước Sang hợp tác với Hàn Quốc. Một số phim như: Hà Nội, Hà Nội, Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, Vượt qua bến Thượng Hải đã được làm với sự hợp tác của điện ảnh Trung Quốc. Phim Ranh giới trắng đen (2012) - Nghiệp Thắng phim hợp tác với điện ảnh Indonesia, Singapore, Hồng Kông. Ngoài ra, trong vài chục năm qua có một số phim nước ngoài như Điện Biên Phủ, Đông dương, Người tình, Mùa hè chiều thẳng đứng, Người thừa của điện ảnh Pháp; Người Mỹ trầm lặng, của điện ảnh Mỹ, được điện ảnh Việt Nam tham gia làm dịch vụ.
Không quá hiếm phim Việt Nam hơn 10 năm qua có sự tham gia đáng kể của nghệ sỹ nước ngoài - Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Trung Quốc...Trong vai trò quay phim, như: Dòng máu anh hùng, Chuyện của Pao, Mùa hè lạnh, Thời xa vắng, Mùa len trâu… Vai trò diễn viên: Hà Nội mùa đông năm 46, Hà Nội 12 ngày đêm, Của rơi; Những bức thư từ Sơn Mỹ, Chuyện tình xa xứ, Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, Vượt qua bến Thượng Hải…. Vai trò quay phim và diễn viên như Đừng đốt! hoặc một số phim của hãng Chánh Phương, đã mời cả đạo diễn người Mỹ Stephan Gauger thực hiện với Cú và chim se sẻ, Sài gòn Yo. Phim Hai trong một - Hãng Thiên Ngân, 2005 do nhà biên kịch Mỹ Tim Werthan Việt hóa kịch bản phim hài nổi tiếng Some like it hot từ Hollywood.
Hơn chục năm nay, hầu hết các phim Việt Nam chiếu rạp đều được mang đi làm hậu kỳ ở Thái Lan, Trung Quốc và số ít ở Pháp. Tuy bất khả kháng nhưng đó cũng là dịp cho các nghệ sỹ va chạm tiếp xúc, học hỏi rất bổ ích với công nghệ - kỹ thuật hiện đại của thế giới; đồng thời buộc điện ảnh nước ta, sớm muộn phải khắc phục trì trệ, đi lên làm chủ công nghệ - kỹ thuật tiên tiến.
Về giao lưu, tham dự các sinh hoạt điện ảnh quốc tế, có thể nói đã được tăng cường ngày càng mạnh mẽ. Trong những năm 1990, nhiều phim, đạo diễn, diễn viên đã đi dự các LHPQT và gặt hái thành công nhất định, như tham dự LHPQT Fukuoka Nhật Bản, nơi nhiều lần trình chiếu các phim Việt Nam tiêu biểu và được tôn vinh. Hàng chục phim được tổ chức giao lưu văn hoá - giáo dục Việt Mỹ mời sang trình chiếu tại các trường đại học ở Mỹ. Hiện tượng nổi bật là phim Thương nhớ đồng quê do Đặng Nhật Minh đạo diễn đã đi tham gia tới 60 LHPQT và giành một số giải thưởng. Còn nhà biên kịch Trần Kim Thành từng kể, ông nhập cảnh nước Pháp và Angeri tới 8 lần khi tham gia dự án phim Bông Sen. Những lãnh đạo điện ảnh chủ chốt, những đạo diễn, diễn viên tên tuổi, thì có lẽ khỏi nói: hàng năm ra nước ngoài gần như đi chợ!?
Trong những năm 2000, hoạt động này mở rộng gấp bội. Nhiều phim mới của Việt Nam đã dự các liên hoan phim khu vực và quốc tế như Châu Á Thái Bình Dương, Pu San, Thượng Hải, Đài Bắc, Toronto, Stockhom, thậm chí cả dự các LHPQT lớn như Venise, Cannes, Berlin…. Và từ 2003 tới nay, nước ta đã 10 lần gửi phim dự giải Oscar, tuy chưa có phim nào được vào vòng xét giải nhưng sự có mặt tham dự là tín hiệu hội nhập tích cực. Các giao lưu hoạt động điện ảnh quốc tế khác cũng khá sôi động, nhất là từ năm 2000. Đơn cử, là ngay tại Viện Phim Việt Nam cũng từng có những dự án lớn phối hợp cùng Viện Phim Thụy Điển trong gần chục năm. Và có những người đã nhập cảnh nước bạn nhiều lần để thực hiện dự án. Anh chị em nói vui: - gần nửa Viện đã đi Tây!?. Năm 2004, đoàn điện ảnh Việt Nam gồm trên 30 người đã đi thăm quan học tập về kỹ thuật số tại Hollywood. Từ sau năm 2000, nhiều đoàn sang Hồng Kông, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp, Đức...tham quan, thực tập, dự hội chợ phim...Tóm lại tình trạng quanh quẩn ao nhà, không biết gì về bên ngoài, trừ mấy nước xã hội chủ nghĩa ngày xưa đã được giải tỏa. Người làm điện ảnh được mở rộng tầm nhìn hơn, vỡ ra nhiều điều hơn…
Với các hãng phim tư nhân, hầu hết tại thành phố Hồ Chí Minh, các giao lưu ra vào giữa nước ngoài và trong nước thì gần như là hoạt động mặc nhiên thường xuyên trong sáng tác, sản xuất và phát hành phim. Có nhiều người gần như bay đi bay về luân phiên theo việc giữa Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Thái Lan… và Việt Nam như các đạo diễn Việt kiều hoặc nghệ sỹ tham gia làm phim có yếu tố nước ngoài.
Những hoạt động giao lưu - hội nhập tại nội địa cũng khá sôi động. Nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế về điện ảnh đã được tổ chức tại Việt Nam. Năm 2000, Việt Nam đã lần đầu đăng cai LHPQT châu Á Thái Bình Dương lần thứ 45. Tiếp đó tổ chức thành công 3 LHPQT Hà Nội vào năm 2010 và 2012, 2014. Các hoạt động trên đã tác động tích cực tới điện ảnh nói chung, phim truyện nói riêng. Đặc biệt là tới tư duy cập nhật sáng tác hiện đại mà vẫn giữ được bản sắc dân tộc, tới yêu cầu phải làm được những bộ phim đạt chuẩn kỹ thuật quốc tế. Bởi vì đó là những yếu tố thường đòi hỏi trong giao lưu, giao thương về phim.
Nhưng hoạt động hội nhập có lẽ đạt hiệu quả hơn cả là trong lĩnh vực phát hành - phổ biến phim. Nếu thập kỷ 1990 lĩnh vực này rất trì trệ, thậm chí suy thoái nặng, thì khoảng sau năm 2000, nó đã bật dậy. Biểu hiện rõ nhất là công tác nhập khẩu phim. Trước đây, do bị cấm vận và phe xã hội chủ nghĩa tan rã, nên nguồn phim ngoại cạn dần, ngoại trừ phim video băng đĩa lậu trôi nổi. Sau khi nước ta gia nhập WTO và từ năm 2007, khi Luật điện ảnh có hiệu lực, tình hình đã sáng sủa lên khi hàng chục công ty được phép nhập khẩu phim, nhà nước qua fafilm không còn giữ độc quyền xuất nhập khẩu. Mấy năm gần đây, hàng năm bình quân có trên dưới 100 phim ngoại nhập, trong đó có hàng chục phim nổi tiếng, mới nhất của Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc…được công chiếu ngoài rạp; thậm chí chiếu gần như cùng lúc với nơi nó được sản xuất, kể cả các siêu phẩm Hollywood. Trong vòng 10 năm qua, khán giả Việt Nam tha hồ chọn lựa và không hề bị lạc hậu vì “đói phim” ngoại hay như thời bao cấp. Các nhà làm phim Việt Nam thì được học hỏi những gì mới nhất qua phim ngoại nhập và buộc họ phải “nâng mình” lên để cạnh tranh trong thời buổi không ai có thể “một mình một chợ”… Các rạp chiếu hiện đại theo mô hình tiên tiến: cụm rạp đa năng đã được nhiều công ty liên doanh với nước ngoài như Megastar ( nay là CGV/ Hàn Quốc), Cinebox, Platinum Cineplex, Lotte… đầu tư xây dựng ở những thành phố lớn và đã giải quyết khá tốt đầu ra thích hợp cho phổ biến phim ở các đô thị đông dân vốn có nhu cầu tự nhiên về xem phim rạp. Theo số liệu chính thức của Cục điện ảnh: thị trường phim chiếu rạp những năm gần đây tăng trưởng vào loại hàng đầu ở châu Á, mỗi năm tới trên hơn 30%, có năm tới 40% và dự kiến tới 2016 có thể đạt tổng doanh thu tới 110 triệu đô la (so với năm 2000 chỉ có 2 triệu đô la). Từ sau năm 2000, cũng đã có một vài phim Việt Nam được nước ngoài mua hoặc nhận ủy thác phát hành ở Bắc Mỹ và Canada; hàng chục phim của Việt Nam đã được chiếu rạp cho công chúng ở Pháp hoặc châu Âu…
Trong đào tạo, cũng có những tiến bộ đáng kể; đơn cử tại Trường đại học sân khấu và điện ảnh Hà Nội : “Gần đây, trung bình hàng năm mời khoảng 24 đến 28 lượt giảng viên nước ngoài tới giảng bài. Hàng năm trường cũng cử các đoàn sinh viên, giảng viên đi ra nước ngoài thăm quan, biểu diễn, học tập ngắn hạn, hoặc tham dự trại sáng tác, liên hoan phim sinh viên…” (*). Điều đó khác xa với những năm 1980, mỗi năm may lắm Trường mời được vài ba chuyên gia Liên Xô, Pháp tới giảng và phim nước ngoài chủ yếu là từ các nước xã hội chủ nghĩa; càng không có việc cử sinh viên đi thăm quan, giao lưu…Ngoài ra, từ sau năm 2000, hàng chục sinh viên Việt Nam bằng những con đường khác nhau đã sang Mỹ học về điện ảnh.
Trong lĩnh vực nghiên cứu phê bình, tinh thần hội nhập đã lan toả cụ thể qua những dự án đáng kể như tạp chí Văn hoá Nghệ thuật đề nghị và được Quỹ Ford tài trợ in cuốn sách Hành trình nghiên cứu điện ảnh năm 2007 bằng hai phiên bản Việt, Anh với dung lượng hơn 800 trang chọn lọc nhiều tiểu luận công phu tâm huyết của nhiều tác giả trong hơn 30 năm. Cũng với tài trợ của quĩ Ford, Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội từ 2004 tới 2010 đã dịch một số cuốn sách kinh điển của Mỹ về điện ảnh, như cuốn Film Art, Film History. Viện phim Việt Nam đã dịch làm tài liệu nội bộ một số cuốn sách giá trị cao như: Điện ảnh Bắc Âu, Điện ảnh Nhật Bản, Lịch sử điện ảnh Hàn Quốc, Kỹ xảo làm phim, Hướng dẫn về điện ảnh…
Cần phải kể ra các thực tế trên, để thấy rằng, nhờ ánh sáng đổi mới - hội nhập, xã hội hoá… sự cởi mở ra với thế giới khắp nơi là điều chưa từng có và giúp cho điện ảnh nói riêng, văn hóa, hiểu biết nói chung ngày càng tiến bộ, tránh được hội chứng tù hãm và thoái hóa.
Tuy nhiên, các hoạt động hội nhập có thể nói vẫn chưa tương xứng với đòi hỏi của tình hình trong nước và quốc tế thời mở cửa khi mà các hiệp định như WTO và sắp tới là TPP có những điều kiện cởi mở, lợi ích to lớn… đồng thời yêu cầu cao hơn với mọi loại sản phẩm trong đó có phim. Nếu chất lượng phim (cả về nội dung và kỹ thuật công nghệ) cũng như trình độ người làm điện ảnh nước ta nói chung ( hầu hết kém tiếng Anh) còn bất cập, hẳn sẽ hạn chế rất nhiều quá trình trao đổi, giao thương, giao lưu. Mặt khác do định dạng phim theo chuẩn mới, một số nước không thể tham gia LHPQT Hà Nội vì ta chưa có thiết bị số cập nhật phù hợp. Chiếu phim rạp một số nơi cũng vậy, vì phim nhập từ các nước cường quốc điện ảnh đã chuyển hầu hết sang định dạng số. Trong sản xuất phim, chủ yếu do khó khăn tài chính và trình độ yếu, tình trạng chưa làm chủ công nghệ số, chưa cập nhật đồng bộ chuẩn công nghệ thế giới vẫn đây đó tồn tại. Hầu hết phim điện ảnh của nước ta vẫn phải ra nước ngoài làm hậu kỳ. Việt Nam cũng chưa có điều kiện thật thông thoáng đối với các nhà sản xuất nước ngoài muốn quay phim ở Việt Nam cho nên họ thường mượn Thái Lan hoặc Philippin khi làm phim có bối cảnh nhiệt đới.Vì vậy, các cấp hữu quan và người làm điện ảnh nước ta còn phải nỗ lực hơn nữa.
Đặng Minh Liên