Hiện tượng bộ phim My home (Nhà tôi) của đạo diễn Phương Mai (người Pháp gốc Việt) lọt vào Top 10 phim hoạt hình đề cử cho giải thưởng danh giá Oscar 2015 là một tin vui và là động lực cho những người làm phim hoạt hình Việt nỗ lực sáng tạo. Nhưng để hoạt hình Việt Nam vươn tới tầm thế giới, cần lắm một sự thay đổi tư duy. Thành công của đạo diễn nổi tiếng Miyazaki Hayao (Nhật Bản) có thể là kinh nghiệm quý cho hoạt hình Việt Nam.

 

 

Miyazaki Hayao sinh ngày 5 tháng 1 năm 1941 tại thị trấn Akebono, thuộc Tokyo, Nhật Bản. Ông là đạo diễn, họa sỹ hoạt hình (anime), truyện tranh (manga), họa sỹ vẽ tranh minh họa và nhà biên tập kịch bản phim. Trong suốt sự nghiệp trải dài sáu thập kỷ, Miyazaki được cả thế giới biết tới như bậc thầy kể chuyện của thể loại phim hoạt hình. Ông cũng là người đồng sáng lập hãng phim hoạt hình Ghibli nổi tiếng. Nhờ sự thành công của các bộ phim do ông sáng tác, ông được so sánh với những “Ông Hoàng” nổi tiếng trong “nghệ thuật thứ bảy” như nhà làm phim hoạt hình người Mỹ Walt Disney, nhà sản xuất phim hoạt hình người Anh Nick Park, đạo diễn phim người Mỹ Steven Spielberg. Ông được xem như một trong những người nổi tiếng ảnh hưởng nhất đối với sự phát triển của điện ảnh toàn cầu.

Được nhiều người xem biết đến qua hai đề tài nổi bật nhất: chiến tranh và thuyết môi trường học, tác phẩm của Miyazaki mang sức nặng nghệ thuật hơn so với những bộ phim hoạt hình giải trí truyền thống trước đó của Walt Disney. Đó cũng là sự phá cách đã mang đến sự đổi thay cho điện ảnh hoạt hình cả ở Nhật và Mỹ. Sau đây là những đặc điểm đã làm nên tầm quan trọng Miyazaki đối với thế giới điện ảnh:

 

1. Máy bay và những cuộc phiêu lưu

 

Tuổi thơ của Miyazaki gắn liền với xưởng chế tạo phụ kiện máy bay Miyazaki Airplane của gia đình mình. Nhờ vậy, ông đã hình thành một niềm đam mê đặc biệt với ngành hàng không. Máy bay và những cuộc bay lượn trên bầu trời trở thành nét đặc trưng trong hầu hết các tác phẩm của Miyazaki. Qua đó, những cuộc phiêu lưu ngoạn mục của các nhân vật không chỉ thỏa mãn niềm vui thú bình thường, mà còn là sự trưởng thành của họ khi vượt qua những khó khăn, gian khổ, thậm chí hiểm nguy. Luôn luôn đồng hành với các nhân vật đó là bầu trời, nơi con người gửi gắm khát vọng chinh phục giấc mơ không gian thông qua các nhân vật hoạt hình.

Với các bộ phim Mỹ, đỉnh cao của ngành hàng không là chinh phục vũ trụ. Ở đó có những cuộc phiêu lưu mạo hiểm và chiến tranh hoành tráng quy mô lớn như bộ ba phần phim Star Wars (1977–1980–1983) hay sê-ri phim truyền hình Star Trek (1966). Nhưng Miyazaki chỉ giới hạn sáng tác ở lĩnh vực hàng không mà không vươn tới không gian ngoài trái đất. Ông tin rằng con người chưa sẵn sàng với điều đó. Ở trường đoạn cuối của Laputa, Lâu đài trên không trung (1987), nhân vật Sheeta đã nói rằng Laputa là một nấm mồ của những ai không thể tồn tại vì rời xa mặt đất. Cuối phim, lúc Laputa bay lên mãi mãi cũng là cảnh phim duy nhất đạo diễn Miyazaki phác họa về tương lai của hành trình du hành vũ trụ trong sự nghiệp làm phim của mình.

 

 

2. Các cỗ máy cơ khí và chiến tranh

 

Ngay từ tác phẩm đầu tiên Nausicaä của thung lũng gió (1984), Miyazaki đã tỏ rõ quan điểm của mình về máy bay: con người dùng máy bay cho chiến tranh nhiều hơn là giành cho những khao khát chinh phục bầu trời và phục vụ cuộc sống sản xuất như thưở ban đầu. So với các phim Disney trước đây, các cỗ máy cơ khí trong hoạt hình chỉ được coi như phương tiện di chuyển (thường là xe ôtô) hay sự thể hiện tính xấu xa của nhân vật phản diện khi lái xe với tốc độ cao và va chạm mạnh như các phim hành động Mỹ trong một số bộ phim Disney như 101 chú chó đốm (1961), Nhân viên cứu hộ (1977), Oliver và bằng hữu (1988)… Các cỗ máy trong phim Disney trước đó không đóng vai trò quan trọng và mang ý nghĩa sâu sắc như trong tác phẩm của Miyazaki.

Thể hiện đam mê nhưng không xa rời thực tế, Mặc dù Miyazaki vẫn thể hiện sở thích máy bay ở Porco Rosso (1992) hay Lâu đài của Howl (2004) và cho đến tận tác phẩm cuối cùng Gió nổi (2013), máy bay đối với ông vẫn luôn là vũ khí. Như lời thoại của nhân vật Giovanni Battista Caproni nói với Jiro Horikoshi trong Gió nổi: “Nhân loại luôn có những giấc mơ đáng nguyền rủa. Máy bay đều sinh ra là công cụ cho sự hủy diệt và chết chóc.”

 

 

3. Giấc mơ chống chiến tranh

 

Sinh ra vào thời điểm hỗn loạn của chính trị Nhật Bản trong suốt cuộc chiến tranh thế giới lần hai, Miyazaki đã ít nhiều trải qua những dao động của thời khắc lịch sử lúc bấy giờ. Ngay bản thân ông dù không tham chiến nhưng cũng đã phải trải qua trận ném bom vào giữa đêm ở Utsunomiya vào tháng 7 năm 1945. Gia đình Miyazaki đã phải chạy tị nạn suốt đêm mà không được cung cấp bất cứ phương tiện di chuyển nào mặc dù cả người bố và người chú của ông đều làm việc cho ngành công nghiệp phục vụ chiến tranh. Sự kiện đó đã để lại trong Miyazaki ký ức tuổi thơ không thể quên với hình ảnh về một thị trấn rực lửa phát sáng trong đêm.

 

 

Do đó, xuyên suốt sự nghiệp điện ảnh hoạt hình của mình, Miyazaki luôn mô tả chiến tranh như điều vô nghĩa và kinh khủng. Điều này hoàn toàn trái ngược khi so sánh với sự tưởng tượng của phương Tây, các cuộc chiến tranh truyền thống được mô tả là cuộc đấu tranh gian khổ giữa thiện và ác, nhân vật chính thường kiên định đứng bên phe thiên thần và chống lại ác quỷ. Thậm chí, chính tác phẩm nổi tiếng Chúa Tể những chiếc nhẫn của J.R.R. Tokien cũng xây dựng cốt truyện theo xu hướng này.

Đỉnh cao của các bộ phim của Miyazaki không xuất hiện với cảnh người hùng chém giết đẫm máu với kẻ thù hay những cảnh cháy nổ như trong phim của Hollywood, hoặc kẻ phản diện bị rơi xuống đúng cái bẫy mà mình tạo ra như trong rất nhiều phim hoạt hình Disney. Người hùng của Miyazaki đạt được chiến thắng không phải bằng sự hủy diệt kẻ thù, mà bằng cách chặn đứng âm mưu của chúng đủ để làm dịu cuộc chiến và mất mát của cả hai phe. Tình thương và lòng vị tha của người hùng đôi khi chiếm ưu thế và biến nhân vật phản diện thành bạn bè.

 

4. Nhân vật nữ lên ngôi

 

Có thể xem Miyazaki là một người tôn thờ phụ nữ, theo lời nhận xét từ một người bạn của ông – nhà sản xuất Toshio Suzuki, người luôn đứng bên hỗ trợ hết mình cho việc hiện thực hóa những ý tưởng của Miyazaki và đóng góp một phần không nhỏ vào sự thành công của hãng hoạt hình Ghibli. Điều này cũng dễ dàng nhận thấy qua các bộ phim, ông thường xây dựng nhân vật chính là nữ giới. Trong khi đó, nhân vật nam giới thường đóng vai trò nhân vật phụ hay là lực lượng hỗ trợ nhân vật nữ chính.

Không giống các câu chuyện phương Tây, các nhân vật nam chính là những hình tượng mạnh mẽ và nổi bật duy nhất trong cốt truyện, trong khi nữ giới chỉ đóng vai trò hỗ trợ ở hậu phương hoặc là mục tiêu chờ được giải cứu. Các nhân vật nữ của Miyazaki tự mình đối mặt với khó khăn và đôi khi tìm được cách giải quyết mà không nương nhờ vào người khác. Điều đó thể hiện nữ giới đóng vai trò ngang hàng với nam giới và tạo nên nét lôi cuốn từ sự mạnh mẽ của phái yếu.

 

 

Xu hướng thiên về nữ giới trong phong cách làm phim của vị đạo diễn tài ba này có lẽ đến từ bộ phim Bạch Xà Truyện (Tên tiếng Nhật: Hakuja den) (1958). Nhân vật nữ trong phim đã để lại dấu ấn mạnh mẽ trong Miyazaki khi ông còn đang học cấp III. Bên cạnh đó, những nữ họa sỹ làm việc ở xưởng hoạt hình Ghibli cũng được xem là ảnh hưởng đến việc hình thành nên sáng tác của Miyazaki. Nhưng theo tôi, khởi nguồn của sự ảnh hưởng này đến từ quãng thời gian ông chăm sóc mẹ mình, cùng bà chiến đấu kiên cường với căn bệnh lao xương nan y vào thời đó.

 

5. Mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên

 

Những vấn đề về thiên nhiên đã được Miyazaki đề cập đến từ rất sớm và xuyên suốt các bộ phim là những thảm họa mà con người phải gánh chịu từ thiên nhiên bị ô nhiễm cũng là nguyên do chính khiến cho các bộ phim của ông vẫn mang tính thời sự cho đến ngày nay.

 

 

Miyazaki thường tạo nên sự đối lập giữa truyền thống và hiện đại cũng như cách con người đối xử với thiên nhiên thay đổi theo thời gian. Những hình ảnh về cộng đồng loài người thường được chia làm hai phe giữa một bên có cuộc sống thiếu thốn nhưng chăm sóc và thờ phụng thiên nhiên như những vị thần và tổ tiên; với một bên có sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật nhưng phá hoại và khai thác thiên nhiên bằng lòng tham vật chất. Viễn cảnh cuối cùng của sự xung đột này không chỉ là chiến tranh mà chính là những trận thiên tai được mô tả như sự giận dữ của các vị thần giáng xuống nhằm quét sạch nhân loại khỏi mặt đất. Nhưng kết phim thường không để lại giải pháp nào cho những vấn đề này.

Sự đối lập này đặt cho ta câu hỏi: “Liệu có phải Miyazaki cho rằng cuộc sống hiện đại đang giết chết tương lai của con người?” Tôi không cho là thế, Miyazaki chỉ đơn giản thể hiện những việc con người có thể làm với thiên nhiên và hậu quả của nó ảnh hưởng ngược lại xã hội loài người. Ông không đưa ra quan điểm rõ ràng mà dành lại câu trả lời cho khán giả.

 

6. Bài học cho điện ảnh hoạt hình Việt Nam

 

Miyazaki đã làm cả thế giới thay đổi tư duy về làm phim hoạt hình. Điện ảnh hoạt hình Việt Nam cũng có thể rút ra bài học kinh nghiệm qua nghiên cứu về cách làm phim của ông. Nhưng trên hết, chúng ta vẫn cần phải thay đổi cách nhìn điện ảnh hoạt hình của những người làm điện ảnh ở Việt Nam. Tâm thế của đa phần người Việt vẫn xem thường hoạt hình, coi nó chỉ là món ăn tinh thần của trẻ em. Trong khi đó, các nền điện ảnh tiên tiến khác, đã có những tác phẩm hoạt hình đạt được giá trị cao về nghệ thuật, đồng thời lại đạt doanh thu cao, được khán giả khắp nơi trên thế giới nhiệt tình đón nhận. Chúng ta cần phải hiểu đúng giá trị đích thực của điện ảnh hoạt hình thì mới có thể phát huy và nâng cao khả năng sản xuất loại hình nghệ thuật này để nó phục vụ cuộc sống tinh thần của công chúng ngày nay, vốn dĩ, luôn thiếu thốn cả về chất lẫn về lượng.

Bùi Trí Hiếu