Nền văn hóa Mỹ là nền văn hóa đa chủng tộc, thừa hưởng tinh hoa từ nhiều nền văn hóa khác theo chân dân di cư khắp nơi trên thế giới đến Mỹ sinh sống, chưa kể đến văn hóa bản địa của sắc dân da đỏ. Những nền văn hóa đó được phát triển dưới dạng những loại hình văn hóa nghệ thuật khác nhau, rõ rệt và đặc biệt nhất có lẽ là trong  điện ảnh. Mới đây, người yêu thích điện ảnh trên khắp thế giới và ở Việt Nam đều phát sốt với bộ phim được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên 50 Sắc Thái (2015) bởi sự táo bạo của nó khi đề cập đến vấn đề tình dục và lối sống cấm kị BDSM. Tuy nhiên, khá nhiều người nhận ra văn hóa tình dục này đã xuất hiện từ rất lâu trên điện ảnh và ngành công nghiệp tình dục tại Nhật Bản. Ví dụ cụ thể nhất có thể kể đến là phim Vương Quốc Dục Cảm (Tựa tiếng Anh: In The Realm Of The Senses) (1976) của đạo diễn Nagisa Oshima.

 

Nếu so sánh hai bộ phim thì 50 Sắc Thái được xem là khá nhẹ nhàng so với Vương Quốc Dục Cảm. Khi Oshima làm bộ phim này, giới phê bình điện ảnh đã cho rằng đây là phim khiêu dâm bởi tính bạo liệt của nó so với thời đại. Phải mãi đến năm 1991, bộ phim mới được công nhận là phim nghệ thuật. Qua đó, ta thấy cách người Mỹ đã phản ánh và khai thác những ý tưởng phong phú được xuất phát từ xứ sở hoa anh đào.

Nhìn lại lịch sử, kể từ năm 1945 khi Nhật Bản đầu hàng quân đồng minh, người Mỹ đã bắt đầu khai phá tiềm năng của miền đất mới với sự phát triển của nền công nghiệp hiện đại. Ngược lại, đối với người Nhật cũng là cơ hội được hội nhập nền văn hóa phương Tây và cải tiến văn hóa bản địa vốn dĩ đã bị o bế bởi nền văn hóa truyền thống võ sỹ đạo trong sự bế quan tỏa cảng từ thời đại thống trị của Nhật Hoàng trước đó. Với sự xuất hiện của điện ảnh phương Tây và các luồng văn hóa mới, người Nhật thể hiện một sự học hỏi và sức sáng tạo không thể ngờ, khiến cho Mỹ và các nước Châu Âu phải cúi mình với tài hoa của nhiều đạo diễn đã có tên tuổi trên khắp thế giới, điển hình là Akira Kurosawa.

Nhiều tác phẩm của đạo diễn Kurosawa đã đem đến cho người nước ngoài một cái nhìn mới về văn hóa võ sỹ đạo, cũng từ đây mở ra một kỷ nguyên mới đối với các nhà sản xuất điện ảnh Mỹ. Trong số đó, bộ phim Bảy Samurai (1954) có thể coi như sự sáng tạo đánh dấu bước ngoặt mang sức ảnh hưởng mạnh mẽ cho thể loại phim hành động sau này ở Mỹ. Ngay sau đó, xuất hiện bộ phim The Magnificent Seven (Tạm dịch: Bộ Bảy Người Hùng) (1960) của đạo diễn John Sturges, hoàn toàn là một phiên bản làm lại Bảy Samurai ở dạng phim cao bồi Mỹ.

 

Ngoài ra, Yojimbo (Tạm dịch: Cận Vệ) (1961) của Kurosawa cũng rất đáng nhắc đến, bộ phim kể về một ronin (samurai vô chủ) đến một thị trấn nhỏ nơi hai lãnh chúa cạnh tranh nhau hòng chiếm đoạt vùng đất này. Cả hai ông chủ đều muốn kẻ lang bạt mới đến này làm vệ sĩ của họ. Chuyện phim được lặp lại trong A Fistful Of Dollars (Tạm dịch: Một Nắm Tiền Trong Tay) (1964) của đạo diễn huyền thoại Sergio Leone với sự tham gia của diễn viên Clint Eastwood thủ vai một tay súng lang thang trong cuộc chiến giữa hai gia đình đối thủ bắn giết lẫn nhau. Hình ảnh của Yojimbo sau đó lại một lần nữa xuất hiện trong Last Man Standing (Tạm dịch: Kẻ Sống Sót Cuối Cùng) (1996), do diễn viên Bruce Willis đóng.

 

 

Bên cạnh đó, Ninja cũng là hình tượng văn hóa nổi bật thứ hai trong nền điện ảnh Nhật Bản. Từ những năm 1970 cho đến nay, người Mỹ vẫn luôn ám ảnh về hình tượng Ninja thông qua sự bùng nổ các bộ phim võ thuật hay samurai ở Mỹ. Mặc dù nhiều phim không thực sự đề cập đến Ninja, nhưng cụm từ “Ninja” đã trở thành một thương hiệu văn hóa thị trường tại Mỹ, ảnh hưởng đến hầu hết các loại hình giải trí khác (Phim ảnh, truyện tranh, võ thuật…). Nếu hỏi bất cứ người Mỹ nào xem những phim thuộc những năm 1970 là ngay lập tức họ sẽ nhắc đến “Ninja” đối với những sê-ri phim truyền hình về Zatoichi (nhân vật samurai mù giả tưởng có nhiều sê-ri phim truyền hình dài nhất trong lịch sử truyền hình Nhật Bản) (1962-1989), hay sê-ri truyền hình Sói Mang Con (Tên tiếng Anh: Lone Wolf And Cub) (1972-1980), cho đến các tác phẩm của Lý Tiểu Long, sê-ri truyền hình Kung-Fu của David Carradine và các phim của Chuck Norris. Cũng chẳng ngạc nhiên khi mà người Mỹ bắt đầu quay các bộ phim Ninja theo kiểu “cây nhà lá vườn” như: sê-ri phim nhiều phần The Karate Kid (Tạm dịch: Nhóc Karate) (1984) (1986) (1989) (1994) (2010), sê-ri phim nhiều phần American Ninja (Tạm dịch: Ninja Mỹ) (1985) (1987) (1989) (1990) (1993)…

 

 

Không chỉ ở thể loại phim hành động, thể loại phim kinh dị của Nhật Bản cũng đánh dấu mốc ảnh hưởng không nhỏ đến người Mỹ. Có thể kể đến các bộ phim kinh dị của đạo diễn Hideo Nakata như sê-ri phim nhiều phần dựa trên tiểu thuyết nhiều tập cùng tên Ringu (Tên tiếng Anh: The Ring) (Tạm dịch: Vòng Tròn) (1991) (1995) (1998) (2012) (2013), cũng rất thành công khi được đạo diễn Gore Verbinski làm lại ở phiên bản Mỹ The Ring (2002).

 

 

Một tác phẩm khác của Nakata là Nước Đen (Tên tiếng Anh: Dark Water) (2002), cũng chuyển thể thành một phiên bản Mỹ cùng tên được đạo diễn bởi Walter Salles (2005).

 

Ngoài ra, các tác phẩm điện ảnh hư cấu về thảm họa quái vật khổng lồ của Nhật cũng là nguồn cảm hứng với nhiều bộ phim viễn tưởng Mỹ. Nổi bật nhất vẫn là Godzilla (1954) của đạo diễn Ishiro Honda, là phần đầu tiên trong số 27 phần phim trong sê-ri cùng tên của Nhật, sau đó phiên bản Mỹ được làm lại năm 1998 và mới đây nhất là Godzilla (2014).

 

 

Tuy nhiên, Godzilla chỉ là một trong số rất nhiều phim thuộc về thể loại Kaiju truyền thống (quái vật khổng lồ xuất hiện từ ngoài biển) của điện ảnh Nhật. Trước phiên bản cuối của Godzilla một năm, một siêu phẩm điện ảnh về công nghệ được làm theo thể loại Kaiju ra đời, chính là Pacific Rim (2013) của đạo diễn Guillermo del Toro. Mặc dù cốt truyện, lời thoại cũng như diễn xuất đã làm cho khán giả thất vọng ngao ngán sau một thời gian dài chờ đợi, nhưng không thể phủ nhận sự vượt bậc về kỹ thuật đồ họa máy tính cũng đủ cho một phim giải trí hạng sang.

 

 

Loạt phim kể trên chỉ là một phần thể hiện sự lặp lại các tác phẩm điện ảnh Nhật ở thị trường Mỹ. Xét về một phía, Mỹ luôn có được một nền “tài nguyên” phong phú về các ý tưởng điện ảnh. Nhưng đổi lại, chính nhờ vậy mà nền văn hóa Nhật lại có thể nở rộ và lan tỏa rộng khắp cả thế giới nhờ thị trường điện ảnh của Mỹ. Cùng sức sáng tạo của người Nhật và sự khôn ngoan khai thác tiềm năng văn hóa của người Mỹ, sự kết hợp chính trị giữa hai đất nước với hai tư tưởng triết lý Đông-Tây hứa hẹn sẽ cho ra đời nhiều những tác phẩm xuất sắc hơn nữa trong sự nghiệp điện ảnh mỗi nước.

Người làm phim Việt Nam cũng có thể học được nhiều bài học từ đó. Mặc dù từng có nhiều bộ phim Việt Nam bắt chước các bộ phim ăn khách của nước ngoài như: Cô Dâu Đại Chiến (2011) của Victor Vũ, Hoán Đổi Thân Xác (2011) của Nhất Trung, hay Gia Sư Nữ Quái (2012) của Lê Bảo Trung… Nhưng có vẻ như “đốt cháy giai đoạn” vẫn còn là quá sớm với điện ảnh Việt Nam. Ta hãy còn chập chững trên con đường làm điện ảnh, đừng vội chạy mà lại ngã đau. Hãy bắt đầu làm lại từ những kịch bản cổ điển nhất, rồi biến chúng phù hợp với nền tảng văn hóa xã hội ở nước mình. Vẫn cùng một phương pháp ấy, nhưng lại là bước đi đầu tiên men theo dấu chân những tiền nhân mở đường.

Bùi Trí Hiếu