Đề tài “Siêu Anh Hùng” luôn là một chủ đề mang tiềm năng vô tận về sức sáng tạo của những người viết truyện tranh ở Mỹ. Ngày nay, nhờ vào sự phát triển của công nghệ kỹ thuật tiên tiến, các nhà làm phim đã thành công trong việc “hiện thực hóa” nguồn cảm hứng đó trên màn ảnh và thu hút hàng triệu khán giả trên toàn thế giới. Những “Siêu Anh Hùng” như: Bat Man (Người Dơi), Superman (Siêu Nhân), Spider-Men (Người Nhện), X-Men (Người Đột Biến), Fantastic Four (Bộ Tứ Siêu Đẳng), Hulk (Người Khổng Lồ Xanh), Iron Man (Người Sắt), Thor (Thần Sấm), Captain American (Chỉ Huy Mỹ) ..., đã trở thành những cái tên khá quen thuộc đối với giới trẻ Việt Nam hiện nay trong khoảng hơn một thập niên trở lại đây. Dường như xu thế truyện tranh chuyển thể lên màn ảnh đã bắt đầu từ rất lâu và bây giờ là cơn sóng của một thời đại mới trong nền công nghiệp giải trí. Trong tương lai gần, các nhà sản xuất phim đang đẩy mạnh hơn nữa việc đưa các anh hùng truyện tranh lên màn ảnh như: Guardians Of  The Galaxy, Ant-Man, Avenger: Age OF Ultron...

Có thể nhận thấy sự xuất hiện rầm rộ của các phim giải trí về “Siêu Anh Hùng” trong thời gian gần đây đang “tiến quân” ồ ạt vào thị trường châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến thị hiếu của giới trẻ. Bên cạnh những “Siêu Anh Hùng” nổi tiếng khắp thế giới, những tác phẩm chuyển thể khác đã xuất hiện, nhưng vẫn chưa được nhiều người biết đến về bản gốc của chúng. Sau đây là một vài phim điển hình trong số đó:

 

1) Terminator (Kẻ Hủy Diệt)

 

 

Dựa trên sê-ri truyện tranh cùng tên được phát hành cùng năm 1984, phim được công chiếu ngay sau khi xuất bản tập đầu tiên của bộ truyện. Với nhiều người Việt Nam, “Terminator” (“Kẻ Hủy Diệt”) quả thật đáng nhớ bởi sức lôi cuốn từ các pha hành động, bạo lực trong câu chuyện viễn tưởng xuyên qua thời gian trở về quá khứ. Cùng với thành công của phần đầu, “Terminator” vẫn đang tiếp tục được khai thác. Theo dự kiến, phần năm của bộ phim có tựa đề “Terminator: Genesis” (“Kẻ Hủy Diệt: Sự Khởi Nguồn”) sẽ ra mắt khán giả trong năm 2015 sắp tới. Bộ phim này cũng mang lại vai diễn quen thuộc “người máy sát thủ T-800” cho nam diễn viên phim hành động Arnold Schwarzenegger – cựu thống đốc bang California và là vận động viên thể hình nổi tiếng thế giới.

 

2) The Mask (Mặt Nạ Xanh)

 

 

Bộ phim nói về siêu anh hùng The Mask (Mặt Nạ), dựa trên sê-ri truyện tranh cùng tên do hãng Dark Horse phát hành. Trong phim, Jim Carrey thể hiện phong cách đùa nghịch, cợt nhả thường thấy của anh trong phim hài nhưng lại rất phù hợp với hình tượng nhân vật hài hước kiểu điên loạn như The Mask. Carrey được đề cử một giải Quả Cầu Vàng cho vai diễn này vào năm 1995. Nhưng không may cho anh, “Forrest Gump” qua sự thể hiện quá xuất sắc của diễn viên Tom Hands xuất hiện cùng năm đó đã làm anh phải xếp phía sau.

 

3) Men In Black (Điệp Viên Áo Đen)

 

 

Dường như không thể quen thuộc hơn nữa khi nhắc đến ba phần phim “Men In Black”  (“Điệp Viên Áo Đen”) đã quá nổi tiếng với ngôi sao Will Smith khi anh thủ vai nhân vật chính trong cả ba phần. Phim được làm dựa trên sê-ri truyện tranh cùng tên do hãng Aircel phát hành, cả công ty bị mua lại bởi hãng Malibu và sau đó chính hãng này cũng bị Marvel thâu tóm. Nhà sản xuất đã thu về khoảng hơn 589 triệu đô trên toàn thế giới so với ngân sách đầu tư ban đầu là 90 triệu đô cho phần phim đầu tiên.

 

4) Sin City (Thành Phố Tội Lỗi)

 

 

“Sin City” chính là tựa đề của sê-ri truyện tranh được viết bới tác giả truyện tranh nổi tiếng Frank Miller của hãng phát hành truyện tranh Dark Horse. Phim được đạo diễn bởi chính tác giả và đồng đạo diễn Robert Rodriguez. Bất cứ ai từng xem bộ phim này sẽ không bao giờ quên bởi nền phim đen trắng đầy ấn tượng từ nhân vật đến ngoại cảnh. Đôi khi trong phim xen lẫn màu sắc cho những chi tiết làm điểm nhấn của cốt truyện. Với phim này, đạo diễn Robert Rodriguez đã giành được giải hình ảnh ấn tượng nhất tại Liên Hoan Phim Cannes năm 2005. Trong năm nay, phần hai “Sin City 2: A Dame To Kill For” (“Thành Phố Tội Lỗi 2: Một Mụ Đầm Đáng Chết”) sắp được ra mắt khán giả vào tháng 8 này.

 

5) V for Vendetta (V Báo Thù)

 

 

Trước khi được chuyển thể lên màn ảnh, “V for Vendetta” của tác giả Alan Moore và David Lloyd đã là một tác phẩm quá nổi tiếng đối với vô số độc giả yêu thích truyện tranh Mỹ. Thật khó để quên bộ phim này khi mà ngay từ những phút đầu phim đã gây ấn tượng mạnh với vô số người xem với chiếc mặt nạ Guy Fawkes của nhân vật Vendetta. Đặc biệt, bộ phim khá kén người xem bởi những ý tưởng về chính trị, tôn giáo; nhưng không vì thế mà phim đánh mất sự hấp dẫn của nó. Đây là một bộ phim đáng xem và được IMDB xếp hạng thứ 144 trong tổng số 250 bộ phim hay nhất mọi thời đại. Cũng trong phim này, Natalie Portman có được vai diễn chính đầu tiên trong sự nghiệp điện ảnh của cô với nhân vật Evey Hammond.

 

6) 300 (300 Chiến Binh)

 

 

Một tác phẩm khác của Frank Miller và hãng truyện tranh Dark Horse được xuất bản năm 1998. Câu truyện của “300” (“300 Chiến Binh”) là tác phẩm hư cấu dựa trên trận đánh nổi tiếng ở núi “Thermopylae” (“Cổng Lửa”) trong thời đại những thành bang ở Hy-Lạp. Hình ảnh về người Sparta của Miller chắc chắn sẽ in đậm dấu ấn khó quên trong trong lịch sử điện ảnh bởi sự hoang dã, bạo lực bên trong nó đủ để thỏa mãn những người yêu thích phim hành động nhưng không làm mất đi tính sử thi và chủ nghĩa anh hùng của tác phẩm. Phần tiếp theo vừa ra mắt khán giả trong năm nay có tựa đề “300: Rise Of An Empire” (“300 Chiến Binh: Sự Trỗi Dậy Của Một Đế Chế”) và hứa hẹn phim sẽ còn tiếp diễn trong tương lai.

 

7) Transformers (Đại Chiến Robot)

 

 

Đạo diễn Micheal Bay đã ném một quả bom chấn động làng phim giải trí ngay từ khi bộ phim đầu tiên của sê-ri phim “Transformers” (“Đại Chiến Robot”) mới bắt đầu được công chiếu vào năm 2007. Bằng công nghệ đồ họa tinh vi, khán giả đã thực sự “mãn nhãn” với màn biến hình thành Robot từ những chiếc ôtô quen thuộc thường ngày. Nhiều khán giả có thể cho rằng ý tưởng về các người máy biến hình trong “Transformers” đến từ Manga Nhật Bản. Nhưng trên thực tế, bộ phim được làm dựa trên sê-ri truyện tranh cùng tên lần đầu tiên được ra mắt do hãng Marvel xuất bản từ năm 1984 đến năm 1991. Điều thú vị là tựa đề “Transformers” (Nghĩa tiếng Anh: những kẻ biến hình) của bộ truyện được dựa trên tên của dòng đồ chơi nổi tiếng với mô hình là những chiếc xe, máy bay có thể tháo lắp thành Robot của công ty Takara (Nay đổi tên thành công ty Takara-Tomy) của Nhật Bản và công ty Hasbro của Mỹ cùng hợp tác sản xuất.

 

 

8) RED (C.I.A. Tái Xuất)

 

 

Sẽ là khá bất ngờ khi mà bạn nhìn thấy “RED” (“C.I.A. Tái Xuất”) xuất hiện trong danh sách này. Đôi khi có người sẽ tự hỏi: “Tại sao người ta lại làm truyện tranh về điệp viên hay lính đặc nhiệm, sát thủ và súng ở Mỹ khi mà đề tài này đã quá quen thuộc trong điện ảnh Mỹ?”. Và họ đã làm chúng, dù rằng không được nhiều người biết đến, nhưng đã được khai thác trong điện ảnh. Truyện bao gồm ba sê-ri ngắn được viết bởi Warren Ellis và họa sỹ Cully Hamner, do hãng WildStorm phát hành. Cùng sự góp mặt của diễn viên phim hành động nổi tiếng như Bruce Willis, phim vẫn rất cuốn hút đến tận “RED 2” (“C.I.A. Tái Xuất 2”) mới ra vào năm 2013.

 

Có thể nói xu hướng phát triển các siêu phẩm điện ảnh, những “bom tấn” của phim hành động Mỹ đựa vào cốt truyện tranh về các “Siêu Anh Hùng” sẽ tiếp tục làm mưa làm gió trong vài chục năm tới trên thế giới, chính nó, chứ không phải dòng phim nào khác sẽ kéo khán giả trẻ của thế giới đến rạp. Quả thật, loại phim “Siêu Anh Hùng” chuyển thể từ truyện tranh chính là tương lai của điện ảnh giải trí.

Bùi Trí Hiếu