Bộ phim truyện điện ảnh "Sống cùng lịch sử" do Công ty TNHHMTV Hãng phim Truyện Việt Nam sản xuất, vừa được ra mắt khán giả trong dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Với cách tiếp cận đề tài lịch sử một cách khác lạ và hiện đại, bộ phim đã mang đến cho khán giả những cảm nhận và góc nhìn mới về dòng phim này.

Kịch bản của bộ phim được nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn viết với mong muốn giúp khán giả trẻ chạm vào lịch sử bằng chính câu chuyện của họ. Vì thế, anh đã tìm đến cách tiếp cận với đề tài lịch sử một cách trẻ trung và hấp dẫn hơn so với những bộ phim cùng đề tài này đã được làm trước đây. Câu chuyện phim được bắt đầu bằng việc nhóm bạn trẻ Tùng, Nga, Lâm rủ nhau đi “phượt” về vùng đất Điện Biên. Lúc đầu, họ là những người còn bàng quan với lịch sử dân tộc. Nhưng khi đặt chân đến mảnh đất Điện Biên và thăm lại những di tích lịch sử của chiến trường năm xưa, họ đã có những trải nghiệm và được tham gia những sự kiện trong quá khứ hào hùng của chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Điều này khiến cho những bạn trẻ này hiểu hơn về lịch sử của dân tộc để từ đó có những chuyển biến trong suy nghĩ. Như vậy, lịch sử không chỉ được nhìn nhận, mà còn tác động trở lại tới đời sống của họ.

 

Từ một kịch bản được đánh giá là có nhiều thử thách, đạo diễn – Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Thanh Vân, một con người giàu kinh nghiệm và có tay nghề đã chuyển tải kịch bản đó lên màn ảnh một cách khá thành công. Việc sử dụng phương pháp đồng hiện - một thủ pháp điện ảnh không phải là mới so với thế giới, nhưng với Việt Nam thì lại còn khá mới mẻ, đặc biệt là với dòng phim này - đã đem đến cho khán giả một cảm giác mới lạ hơn so với cách thể hiện quen thuộc thường thấy trong những bộ phim lịch sử, chiến tranh của điện ảnh Việt Nam đã được làm từ trước tới nay. Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cho rằng: Điều khiến anh luôn trăn trở là làm sao có cách truyền đạt mới trên nền lịch sử cũ. Cái khó là mỗi thời kỳ, mỗi thập kỷ phải có cách tiếp cận một sự kiện lịch sử khác nhau. Làm thế nào để đưa sự kiện lịch sử Điện Biên Phủ tiếp cận người trẻ một cách gần gũi và đầy cảm xúc nhất... Chính vì thế trong phim, đạo diễn đã không dẫn dắt câu chuyện phim theo những diễn biến, sự kiện của chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa mà chỉ đưa vào những lát cắt lịch sử trọng tâm, tiêu biểu nhất để làm nên chiến thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ thông qua sự đối diện trực tiếp với quá khứ của những con người hôm nay. 

 

 

Trong quá trình tái hiện lại chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân còn đưa những hành động anh hùng vào trong phim nhưng không đặt tên cho nhân vật, như đạo diễn đã chia sẻ: Tôi không đặt tên cho nhân vật lấy thân mình chèn pháo là của anh Tô Vĩnh Diện, nhân vật lấy thân mình làm giá súng là Bế Văn Đàn, nhân vật lấy thân mình lấp lỗ châu mai là anh Phan Đình Giót…, bởi trong chiến dịch ấy, chúng ta đã có cả một thế hệ anh hùng. Nếu không là họ sẽ có những người lính khác sẵn sàng làm việc đó. Hàng ngàn những anh hùng vô danh đã ngã xuống. Tôi muốn bộ phim có sự khái quát về cả một thế hệ anh hùng đã tham gia cuộc chiến. Có thể nói, đây là cách làm phù hợp của đạo diễn, bởi dù không đặt tên cho những nhân vật đó nhưng thông qua những hành động đó, người xem vẫn thấy được những người anh hùng của chiến dịch Điện Biên năm xưa đã đi vào sử sách vẫn hiện lên trong phim.

 

Với một sự kiện lịch sử vô cùng vĩ đại của dân tộc, 60 năm qua, đã có nhiều bộ phim khai thác về chiến dịch Điện Biên Phủ. Mỗi bộ phim lại đem đến cho khán giả thêm một góc nhìn về chiến thắng chấn động địa cầu này của dân tộc Việt Nam. Thêm một lần nữa, bộ phim Sống cùng lịch sử đã giúp cho khán giả hôm nay tiếp cận lịch sử theo một cách thức khác. Những người trẻ hôm này không chỉ đơn thuần là xem lại sự kiện mà các nhà làm phim đã cho họ cùng đồng hành và trải nghiệm với quá khứ để từ đó có được nhìn nhận và đánh giá đúng về lịch sử. Sau khi, các bạn trẻ Lâm, Nga, Tùng được sống lại cùng với chiến dịch năm xưa, họ tham gia cùng những đoàn dân công tải lương thực, súng đạn cho chiến dịch, kéo pháo vào trận địa và đào hào để vây lấn tấn công các cứ điểm của địch…, đặc biệt là chứng kiến những gương hy sinh của các anh hùng liệt sĩ… giúp cho họ hiểu và biết trân trọng lịch sử dân tộc.

 

Các nhà làm phim sử dụng thủ pháp đồng hiện để cho các bạn trẻ hôm nay được tham gia trực tiếp vào cuộc chiến lịch sử Điện Biên Phủ, sống cùng với những con người năm xưa và thấu hiểu những cống hiến, hy sinh của thế hệ cha ông cho nền độc lập, tự do của dân tộc. Chính điều này đã làm thay đổi cách suy nghĩ, cách sống trong họ. Sự thay đổi đó đến với những bạn trẻ này như một quá trình tất yếu, khi tự bản thân họ đã nhận thức ra và biết trân trọng những sự hy sinh cao quý của những thế hệ đi trước.

 

 

Với cách kể đan xen giữa quá khứ và hiện tại, bộ phim đã cho người xem thấy sự đối nghịch của một cuộc sống gian khổ trong chiến tranh với cuộc sống với đầy đủ tiện nghi mà giới trẻ hôm nay đang được hưởng thụ. Để rồi khi được trải nghiệm với cuộc chiến tranh khốc liệt, gian khổ giành độc lập tư do cho dân tộc những thanh niên này đã có sự thay đổi về suy nghĩ và hành động. Qua mỗi chặng đường gắn với những di tích lịch sử lại là một khúc quanh biến đổi trong suy nghĩ của họ để sống có trách nhiệm hơn. 

 

Một không gian của cuộc chiến 60 năm về trước đã được các nhà làm phim tái hiện lại trong phim khi đưa các sự kiện lịch sử một cách chọn lọc và khái quát. Những khuôn hình đặc tả về cuộc chiến và sự lựa chọn âm nhạc hợp lý đã đem đến cho khán giả nhiều cảm xúc khi xem phim. Nhưng cũng bởi mong muốn thể hiện nhiều hơn về một cuộc chiến vĩ đại của dân tộc nên dù đã có sự chắt lọc nhưng các nhà làm phim vẫn sa vào miêu tả cuộc chiến trải dài trong không gian rộng với nhiều chi tiết lịch sử, khiến cho việc xây dựng nhân vật không thực sự để lại nhiều ấn tượng đối với khán giả. 

 

 

Hơn nữa, vì chưa có nhiều kinh nghiệm sử dụng phương pháp đồng hiện nên cách thể hiện trong phim đôi chỗ còn chưa thực sự thuyết phục được người xem như: cách các nhà làm phim đưa những con người của hiện tại tham gia vào với những sự kiện lịch sử trong quá khứ khiến người xem còn cảm thấy thắc mắc, bởi không hiểu tại sao những người trẻ đang ở hiện tại lại đã ngay lập tức trở về với quá khứ để tham gia vào cuộc chiến, rồi đột nhiên lại trở về với cuộc sống hiện tại… Có lẽ cần có một cách làm khéo léo hơn để khán giả có thể hiểu và thấy được hiệu quả nghệ thuật của việc sử dụng thủ pháp nghệ thuật này đối với bộ phim. Việc xử lý còn thiếu tinh tế trong cách chuyển cảnh và dàn dựng tình huống đã phần nào làm giảm đi thành công của tác phẩm.

 

Dù không hẳn khán giả nào cũng hài lòng với cách thể hiện trong bộ phim Sống cùng lịch sử, nhưng điều đáng ghi nhận của tác phẩm điện ảnh này là sự mạnh dạn thay đổi trong cách làm phim cho những bộ phim lịch sử, chiến tranh vốn đang đặt ra nhiều thử thách cho các nhà làm phim hiện nay. Với những thành công đáng kể, bộ phim đã góp phần làm phong phú phương thức thể hiện trong phim truyện Việt Nam, mở ra một cách làm mới cho dòng phim này.

Minh Phương