Sự ra đời của bộ phim truyện Chung một dòng sông năm 1959 (Đạo diễn Hồng Nghi – Hiếu Dân) là một sự kiện điện ảnh đặc biệt, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của điện ảnh Cách mạng Việt Nam, từ nền điện ảnh chủ yếu mang tính tuyên truyền, phục vụ nhiệm vụ chính trị (phim thời sự, tài liệu) sang một bước tiến mới với sự phong phú về thể loại, hấp dẫn qua cách kể chuyện, mới mẻ, thu hút sự quan tâm của dư luận, tiến gần đến các nền điện ảnh tiên tiến trên thế giới.

Sau Chung một dòng sông, các thế hệ nghệ sĩ phim truyện Việt Nam đã tạo nên một khối lượng tác phẩm rất lớn, có giá trị, luôn gắn bó chặt chẽ với thời cuộc và lịch sử đấu tranh của đất nước. Đó là các bộ phim Chim vành khuyên, Chị Tư Hậu, Em bé Hà Nội, Cánh đồng hoang… thời kỳ đấu tranh Cách mạng; những khó khăn, trăn trở của cuộc sống hiện đại thời bình như: Tướng về hưu, Chuyện vợ chồng anh Lực…; những suy tư và các vấn đề nóng hổi của thời cuộc thời mở cửa như: Lưới trờiNhững người thợ xẻ, Gái nhảy… Và cách làm phim sáng tạo, cá tính của các đạo diễn trẻ ngày nay như: Cánh đồng bất tận, Đập cánh giữa không trung, Bi đừng sợ….

Nhưng dù ở thời kỳ nào, đội ngũ đạo diễn phim truyện điện ảnh Việt Nam luôn nhiệt huyết, yêu nghề và đã góp phần không nhỏ để tạo nên diện mạo của một nền điện ảnh Việt Nam giàu bản sắc dân tộc nhưng vẫn tươi mới tính thời đại. Thế hệ đạo diễn phim truyện thời kỳ đầu là các nghệ sĩ phần lớn được đào tạo trong nước, đi qua những năm tháng chiến tranh khốc liệt, được tôi rèn trong thực tiễn cuộc sống, có lý tưởng Cách mạng đã tạo nền móng cho sự phát triển của nền điện ảnh dân tộc mới khai sinh. Thế hệ đạo diễn thế hệ thứ hai, một số có thực tế cuộc sống, gắn bó và có kinh nghiệm làm phim cùng thế hệ đàn anh đi trước, số khác được học tập ở nước ngoài, đã tạo nên tính đa dạng, phong phú cho cách thể hiện, biểu đạt của các tác phẩm điện ảnh. Và thế hệ đạo diễn trẻ hôm nay với môi trường làm việc cởi mở, kiến thức điện ảnh được cập nhật nhanh chóng qua internet, lối nghĩ và ý tưởng sáng tạo đã xây dựng được những bộ phim có cá tính độc lập và hiện đại.

Những đóng góp của các thế hệ đạo diễn phim truyện Việt Nam trong dòng chảy lịch sử phát triển của nền điện ảnh Cách mạng là rất lớn. Tìm hiểu, nghiên cứu về các tác phẩm điện ảnh cũng như phong cách, cá tính nghệ sĩ của mỗi đạo diễn là việc làm cần thiết của công tác nghiên cứu nghệ thuật điện ảnh tại Việt Nam. Năm 1998, Trung tâm Nghiên cứu nghệ thuật và Lưu trữ điện ảnh tại Thành phố Hồ Chí Minh (đơn vị trực thuộc Viện phim Việt Nam) đã xuất bản cuốn sách Đạo diễn phim truyện Việt Nam (phần I). Đây là cuốn sách tập trung thể hiện 13 gương mặt đạo diễn điện ảnh Việt Nam thời kỳ đầu, những người đã có công khai sơn phá thạch, góp phần tạo nên diện mạo điện ảnh Việt Nam với những tác phẩm kinh điển.

 

Ấn phẩm mới xuất bản của Viện Phim Việt Nam

 

Cuốn sách Đạo diễn phim truyện Việt Nam (phần II) Việt Phim Việt Nam vừa hoàn chỉnh là phần tiếp theo của công trình nghiên cứu và tìm hiểu chân dung và phong cách sáng tác của thế hệ đạo diễn thứ 2 của Điện ảnh Việt Nam. Tác phẩm sẽ mang đến cho độc giả 14 gương mặt đạo diễn nổi bật, có đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của điện ảnh Việt Nam qua các bộ phim tạo nhiều dấu ấn tại các kỳ Liên hoan phim Việt Nam cũng như Quốc tế.

 

Một bài viết trong cuốn sách

Hy vọng rằng, với những thông tin tư liệu được chọn lọc, chỉnh lý, cuốn sách Đạo diễn phim truyện Việt Nam (phần II) sẽ đem lại những kiến thức điện ảnh bổ ích, lý thú, giúp độc giả nhận diện và có cái nhìn sâu sắc, toàn diện hơn nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ điện ảnh của các đạo diễn phim truyện Việt Nam.

Bài và ảnh: Hoàng Anh