Năm 2016, Nhà nghiên cứu điện ảnh Đặng Minh Liên đã hoàn thành và xuất bản cuốn chuyên khảo Phim truyện Việt Nam đương đại (1986 -2016). Đây là một công trình nghiên cứu khá công phu, hệ thống khi tác giả đã dành nhiều tâm huyết và thời gian để theo dõi, tổng hợp, khảo sát các tác phẩm, các khuynh hướng sáng tác của điện ảnh Việt Nam trong giai đoạn mở cửa và hội nhập quốc tế - một thời kỳ đánh dấu sự chuyển biến của điện ảnh Việt từ cơ chế bao cấp sang thị trường, từ phương thức sản xuất nhà nước sang các loại hình tổ chức sản xuất phim đa dạng, phong phú khác như sự phát triển của các hãng phim tư nhân, các nhà làm phim độc lập…
Bìa cuốn chuyên khảo Phim truyện Việt Nam đương đại 1986 - 2016
Là một người say mê nghiên cứu khoa học, chịu khó tìm hiểu, học hỏi, đã từng tu nghiệp tại Trường Đại học Sân khấu và điện ảnh của Liên bang Nga (VGIK), làm công tác nghiên cứu điện ảnh tại Viện phim Việt Nam, tác giả đã khá thành công khi xây dựng được một công trình 155 trang mang tính khảo cứu công phu và tương đối đầy đủ với những vấn đề cơ bản của điện ảnh Việt (sự kiện, vấn đề và nhân vật, phim… tiêu biểu) của 30 năm phim truyện Việt Nam, kể từ cột mốc đổi mới 1986 cập nhật cho tới năm 2016. Công trình cũng được viết khá bài bản với kết cấu chặt chẽ khi đề cập tới: Các dạng thức phim cơ bản; Một số vấn đề nội sinh và ngoại sinh; Lược sử một số hãng phim tư nhân và xã hội hóa; Niên biểu; Phụ lục - một số cảnh phim tiêu biểu.
Viết về những thăng trầm giai đoạn 1986-2016 của điện ảnh Việt nam, đòi hỏi tác giả ngoài vốn sống, kiến thức điện ảnh cần có một sự tâm huyết trong công tác nghiên cứu khoa học – đây là một ưu điểm đáng quý và ghi nhận trong công trình của tác giả Phim truyện Việt Nam đương đại (1986 -2016).
Tại Giải Cánh Diều của Hội Điện ảnh năm 2016, chuyên khảo Phim truyện Việt Nam đương đại (1986 -2016) của nhà nghiên cứu điện ảnh Đặng Minh Liên đã nhận được Bằng khen, cuốn sách được Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành năm 2017.
Bài và ảnh: Hoàng Anh