Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng tinh hoa dân tộc, ý chí kiên cường của nhân dân Việt Nam. Người được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tôn vinh là Nhà văn hóa kiệt xuất bởi những đóng góp vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội. Với Hồ Chí Minh, văn hóa hòa bình trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt tư tưởng và sự nghiệp của Người, tạo nên sức mạnh nhân bản, nhân văn to lớn không chỉ đối với Việt Nam mà còn cho cả thời đại. Kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2022), Viện Phim Việt Nam đã thực hiện sản xuất bộ phim tài liệu nghệ thuật: “Hồ Chí Minh - Hành trình kiến tạo văn hóa hòa bình”.  

 

Viện Phim Việt Nam sản xuất bộ phim tài liệu nghệ thuật “Hồ Chí Minh - Hành trình kiến tạo văn hóa hòa bình”.

 

Kế thừa tư tưởng nhân văn dân tộc bao đời, kiến lập văn hóa hòa bình Hồ Chí Minh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ gắn liền với những bước ngoặt lịch sử Việt Nam và mỗi bước ngoặt cuộc đời, sự nghiệp Hồ Chí Minh - đó là nội dung tư tưởng chủ đạo, xuyên suốt bộ phim. Với thời lượng 29 phút, tác phẩm đi theo dòng thời gian lịch sử biên niên, tái hiện trung thực, sinh động và đầy sức thuyết phục những mốc sự kiện quan trọng thể hiện nổi bật tư tưởng hòa bình của chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền bối cảnh trong nước và quốc tế: Hội nghị Hòa bình tại Paris, Nguyễn Ái Quốc đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Pháp và nhân dân Việt Nam đưa ra bản “Yêu sách của nhân dân Việt Nam”. Từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác Lênin, Nguyễn Ái Quốc tìm ra con đường cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng con người, sáng lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước Dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á. Bản Tuyên ngôn độc lập Người đọc tại quảng trường Ba Đình là lời tuyên bố hòa bình, mở ra thời đại Hồ Chí Minh. Nhìn nhận rõ ràng cuộc chiến tranh chính nghĩa đưa đất nước đến mục tiêu hòa bình, thống nhất là cần thiết, dân tộc Việt Nam đoàn kết đi theo Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Người.

 

Bộ phim đi theo dòng lịch sử biên niên với những sự kiện quan trọng gắn liền bối cảnh trong nước và quốc tế.

 

Nghe theo lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả dân tộc cùng đồng lòng góp công, góp sức bảo vệ tổ quốc.

 

Với tấm lòng bác ái - tinh hoa truyền thống nhân văn của dân tộc, suốt hành trình những năm 1945 - 1954 đương đầu kẻ thù xâm lược, Bác luôn nhắc đồng bào chiến sĩ đối xử nhân đạo với tù binh, “không đánh mà thắng là nhờ địch vận”. Người coi trọng và sử dụng tài tình công tác địch vận, binh vận, xem đó là một cách tiêu diệt sinh lực địch hiệu quả. 

 

Nhờ chính sách địch vận của chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn 1300 lính Lê dương đã ra hàng.

 

Những người lính ở bên kia chiến tuyến luôn được quân và dân ta chăm sóc cẩn thận

như lời Bác dặn dò.

 

Nhiều quân nhân phe đối lập đã tình nguyện ra hàng và huấn luyện đội ngũ quân ta.

 

Luôn kiên trì đường lối đối ngoại đề cao mục tiêu hòa bình, Bác gửi thư, thông điệp, điện văn cho tổng thống các đời của Mỹ nhằm tìm kiếm những khả năng hợp tác, tránh đổ máu; tích cực thiết lập tình hữu nghị với nhân dân trên toàn thế giới, tuyên bố với các nước trên thế giới: “Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ nước nào trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của Việt Nam, để cùng nhau bảo vệ hòa bình và xây đắp dân chủ thế giới” - tạo lập nền tảng để nhiều nước ra tuyên bố công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Người luôn khẳng định nhân dân các nước là bạn của nhân dân Việt Nam. Trong thực tế, tại Pháp và Mỹ cũng diễn ra phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam rất mạnh mẽ. Hồ Chí Minh trở thành sứ giả hòa bình, hữu nghị, được người dân quốc tế khẳng định: “Hồ Chí Minh không thuộc riêng về Việt Nam. Ông ấy thuộc về nhân loại trên toàn thế giới” (Jean Pierre Brad, Nguyên thị trưởng thành phố Montreuil - Pháp). 

 

Khi tham quan khu di tích lịch sử Normandie - Pháp, Hồ Chí Minh đã lấy bàn tay bịt nòng khẩu đại bác - biểu tượng của tinh thần phản chiến.

 

Bộ phim “Hồ Chí Minh - Hành trình kiến tạo văn hóa hòa bình”  là một tác phẩm giàu giá trị lịch sử, văn hóa, văn minh nhân loại. Tác phẩm sử dụng nhiều tư liệu quý giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Viện Phim Việt Nam, kết hợp phỏng vấn những chuyên gia lịch sử, văn hóa nổi tiếng của Việt Nam như Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo (Nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, chuyên gia cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh); Đại sứ, Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Dương Huân (Nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao); Đại sứ Nguyễn Phương Nga (Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam)…; phỏng vấn những chuyên gia, nhà sử học người Pháp như: Daniel Héméry, Alain Ruscio, Pierre Brocheux, Pierre Journoud… mang tới cho người xem cái nhìn khách quan, nhiều chiều, giàu sức thuyết phục. 

 

Phỏng vấn Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo (Nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, chuyên gia cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)

 

Phỏng vấn Nhà sử học người Pháp Alain Ruscio

 

Hồ Chí Minh - Hành trình kiến tạo văn hóa hòa bình” thể hiện và khắc họa thành công hình tượng chủ tịch Hồ Chí Minh - kiến trúc sư của công cuộc xây dựng, phát triển văn hóa Việt Nam. Người đã dâng trọn cuộc đời vì cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho tổ quốc, định hướng con đường Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội, thúc đẩy phát triển vị trí văn hóa Việt Nam trong nền văn hóa toàn cầu. Với bối cảnh thế giới đang đứng trước nhiều thách thức an ninh gay gắt, những giá trị nhân văn của văn hóa hòa bình Hồ Chí Minh là kim chỉ nam soi đường cho Việt Nam giải quyết hiệu quả những vấn đề trong nước và quốc tế.

 

 

Văn hóa hòa bình Hồ Chí Minh luôn là kim chỉ nam soi đường cho Việt Nam

giải quyết những vấn đề trong nước và quốc tế.

 

 

Bài và ảnh: Phương Thảo