Nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2023) và Quốc khánh Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2023); đồng thời, nhằm thực hiện nội dung nghiên cứu của đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ: “Sự vận động của nhân vật trong phim truyện đề tài chiến tranh Việt Nam của điện ảnh Việt Nam và điện ảnh Mỹ sau năm 1975”; được sự chỉ đạo của Viện Phim Việt Nam, Nhà Văn hóa Điện ảnh tại Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với các đơn vị trực thuộc Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình chiếu phim, khảo sát “Phim truyện điện ảnh Việt Nam về đề tài chiến tranh”.

 

Banner giới thiệu chương trình

          

Trong 3 ngày, từ 14 đến 16/8/2023, các tác phẩm phim truyện “Nổi Gió” (đạo diễn: NSND Huy Thành, Xưởng phim Hà Nội sản xuất năm 1966), “Đường về quê mẹ” (đạo diễn: NSND Bùi Đình Hạc, Xưởng phim Truyện Việt Nam sản xuất năm 1971), “Ai xuôi vạn lý” (đạo diễn: NSƯT Lê Hoàng, Hãng phim Giải Phóng sản xuất năm 1996), đã lần lượt được trình chiếu và thu hút khoảng hơn 1.500 lượt sinh viên đến xem.

 

Ban tổ chức giao lưu, giới thiệu phim với sinh viên trước giờ chiếu

 

Trải qua những phút ngỡ ngàng ban đầu, hàng ngàn sinh viên Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh đã thật sự bị cuốn hút bởi giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của dòng phim truyện đề tài chiến tranh cách mạng.

 

Mỗi buổi chiếu phim luôn thu hút đông đảo khán giả sinh viên

 

Không ngăn được dòng cảm xúc ngay sau khi vừa xem xong phim truyện “Ai xuôi vạn lý”, bạn Hoài Trân, sinh viên năm 4 Khoa Du lịch, chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên em được xem một bộ phim về cách mạng, về người lính trong chiến tranh… Rất là hay luôn ạ! Lần đầu tiên mà em bị cuốn hút tới vậy! Điều em thích ở bộ phim “Ai xuôi vạn lý” chính là nội dung và màu sắc của phim. Về màu sắc, tuy cũ, nhưng rất có giá trị về tính tư liệu. Còn riêng về nội dung, phim đã cho em và các bạn rất nhiều cảm xúc…”.

 

Sinh viên đang xem phim truyện “Ai xuôi vạn lý”

 

Bạn Hoài Trân (áo trắng, bên phải), sinh viên năm 4 Khoa Du lịch,

trả lời phỏng vấn của Ban tổ chức sau buổi xem phim “Ai xuôi vạn lý”

          

Ở một cung bậc khác, phim truyện “Nổi gió” đã mang lại ấn tượng đến day dứt cho bạn Lê Minh Toàn, sinh viên năm 2 - Khoa Văn hóa học, như lời bộc bạch: “…Thông qua bộ phim, em cảm nhận được nỗi đau mất mát khi những người dân bị sát hại, khi tình cảm gia đình bị rạn nứt. Từ đó em thấy bản thân mình cần phải cố gắng học tập, đóng góp xây dựng đất nước, trau dồi bản thân, để không phụ lòng công ơn của cha ông ta đã hi sinh vì đất nước. Em nghĩ, nên thường xuyên có những chương trình như thế này, vì nó giúp em hiểu hơn về lịch sử dân tộc, đồng thời giúp sinh viên đồng cảm với nỗi đau xót của ông cha ta.”

 

Sinh viên đang xem phim truyện “Nổi gió”

 

Với bạn Trần Nguyễn Hoàng Phúc, sinh viên năm 3 - Khoa Du lịch, thì đó là sự xúc động đến từ nội dung câu chuyện của tác phẩm “Đường về quê mẹ”: “Em thật sự rất xúc động vì bộ phim đã truyền tải được sự khó khăn, gian khổ và cực kỳ đau thương của một giai đoạn chiến tranh khốc liệt. Nhưng sâu sắc nhất, chính là tinh thần yêu nước, từ nhân vật bà mẹ đến các anh chiến sĩ, vì nền độc lập, tự do, họ sẵn sàng tạm gác tình cảm riêng tư, thậm chí là sự gần gũi với người thân, để hi sinh cho lý tưởng cách mạng vĩ đại…”

 

 

Sinh viên đang xem phim truyện “Đường về quê mẹ”

        

Hầu hết các bạn sinh viên Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh khi được hỏi, đều bày tỏ mong muốn sẽ có thêm nhiều chương trình giới thiệu phim truyện đề tài chiến tranh cách mạng Việt Nam dành cho sinh viên.

“Trước giờ em chưa được xem những phim thể loại này. Em cảm thấy tiếc khi những bộ phim này em và các bạn lại không được xem sớm hơn. Vì vậy, em rất mong muốn rằng, trong tương lai, em sẽ có nhiều cơ hội hơn để tìm hiểu về những bộ phim về đề tài chiến tranh như thế này nhiều hơn nữa.” (Đình Trung, sinh viên năm 4 - Khoa Quản lý Văn hóa nghệ thuật).

“Em nghĩ, nên có nhiều chương trình chiếu phim như thế này hơn nữa, vì có nhiều bạn có thể sẽ không quan tâm nhiều đến lịch sử, nên đây cũng là cơ hội để chúng em tiếp xúc nhiều hơn với lịch sử Việt Nam nói chung và nền Điện ảnh Việt Nam nói riêng.” (Thương Tính,  sinh viên năm 2 - Khoa Truyền thông)

“Ở góc độ của một cán bộ Đoàn Trường, em hy vọng rằng, Viện Phim Việt Nam có thể phối hợp với Trường nhiều hơn nữa, mang nhiều tác phẩm phim truyện Việt Nam về đề tài chiến tranh trình chiếu trong các tuần sinh hoạt công dân, các hoạt động ngoại khóa của Trường…, để các bạn đoàn viên, sinh viên xem và biết thêm về lịch sử hào hùng của dân tộc cũng như nền điện ảnh Việt Nam. Em cũng hy vọng, sau những buổi chiếu phim như thế này, tình yêu quý, lòng trân trọng đối với di sản điện ảnh nước nhà sẽ ngày một lan tỏa sâu rộng hơn ở khắp nhiều nơi, chứ không chỉ giới hạn trong phạm vi của sinh viên Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh.”(sinh viên Trần Nhật Hoàng, Bí thư Đoàn Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh).

Khán giả sinh viên chia sẻ cảm xúc với Ban Tổ chức sau khi xem phim

 

Nhận định chung về chương trình chiếu phim, khảo sát “Phim truyện điện ảnh Việt Nam về đề tài chiến tranh”, Thạc sĩ Lê Xuân Khánh, Phó trưởng phòng Công tác Sinh viên Trường Đại học Văn hóa TP. HCM, cho biết:

“Đây là một hoạt động ý nghĩa và được sự đón nhận từ đông đảo Đoàn viên, sinh viên nhà trường, bước đầu tạo tiền đề tích cực cho hoạt động giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống của dân tộc cho thế hệ trẻ bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Chiếu phục vụ phim Điện ảnh cách mạng Việt Nam cũng là dịp để sinh viên hiểu hơn về truyền thống đấu tranh giải phóng dân tộc, và hiểu hơn về ngành nghề mà các bạn đang theo học. Nhà trường cũng sẽ tìm nhiều giải pháp phối hợp trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ thông qua các hoạt động lồng ghép, mà chương trình chiếu phim là một trong những hình thức đó. Do vậy, trong thời gian tới, nhà trường cũng sẽ tiếp tục liên kết với Nhà Văn hóa Điện ảnh tại Thành phố Hồ Chí Minh - Viện Phim Việt Nam, phối hợp tổ chức các hoạt động phù hợp, làm phong phú thêm hoạt động giáo dục chính trị tư tưởng trong nhà trường”.

 

Thạc sĩ Lê Xuân Khánh (bên trái), Phó trưởng phòng Công tác Sinh viên Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh,

trao đổi với Ban tổ chức sau chương trình chiếu phim

 

Có thể thấy, tuy ra đời từ cách đây hàng thập kỷ, nhưng cho đến hôm nay, các tác phẩm phim truyện đề tài chiến tranh cách mạng Việt Nam vẫn tạo được dấu ấn mạnh mẽ trong lòng khán giả thuộc thế hệ “Gen-Z”. Hy vọng rằng, những phản hồi tích cực từ chương trình sẽ tiếp thêm động lực để những người làm công tác lưu trữ, phổ biến phim tư liệu, tiếp tục nỗ lực không ngừng trên con đường mang giá trị di sản điện ảnh cách mạng Việt Nam giới thiệu đến công chúng ngày một hiệu quả hơn./.

 

Bài và ảnh: Nguyễn Minh Nguyệt