Sáng ngày 11 tháng 02 năm 2022, Viện Phim Việt Nam đã có buổi trao đổi làm việc với ông Martino Cipriani – Nghiên cứu sinh Tiến sĩ khoa Nhân văn trường Đại học Amsterdam; giảng viên thuộc Chương trình Video và Điện ảnh kỹ thuật số của Đại học RMIT, về việc phối hợp với đơn vị chuẩn bị tham luận cho Hội nghị Lưu trữ Nghe nhìn toàn cầu do Viện Phim EYE Hà Lan đăng cai tổ chức vào tháng 6 năm 2022.
Viện Phim Việt Nam tiếp đón và làm việc cùng ông Martino Cipriani
– Nghiên cứu sinh Tiến sĩ khoa Nhân văn trường Đại học Amsterdam
Phía Viện Phim Việt Nam, ông Nguyễn Huy Hoàng – Phó Viện trưởng đại diện cho đơn vị đã tiếp đón và có buổi làm việc hiệu quả với đại diện Ban tổ chức Hội nghị Lưu trữ Nghe nhìn toàn cầu.
Tháng 10 năm 2019, ông Martino Cipriani đã từng tham gia đợt tập huấn, giảng dạy cho các cán bộ kỹ thuật của Viện Phim Việt Nam về việc nâng cao kiến thức cơ bản, cập nhật các kỹ năng tiên tiến trong chỉnh sửa màu và phục chế phim tại đơn vị. Khi làm việc tại Viện Phim Việt Nam, ông Martino Cipriani cũng mong muốn được tìm hiểu về lịch sử hình thành phát triển cũng như các công tác chuyên môn của Viện Phim, đặc biệt là lĩnh vực số hóa tư liệu – một vấn đề có tính thời sự trong lĩnh vực lưu trữ hình ảnh động thế giới.
Phó Viện Trưởng Nguyễn Huy Hoàng trao đổi tại buổi làm việc cùng ông Martino Cipriani
Ông Martino Cipriani trong buổi gặp mặt
Viện Phim Việt Nam là một trong những đơn vị lưu trữ hình ảnh động quốc gia có mối quan tâm đặc biệt tới công tác số hóa tư liệu điện ảnh. Đơn vị đang lưu trữ số phim tương đối lớn và tích cực đầu tư tiến hành số hóa tư liệu điện ảnh cũng như đào tạo nguôn nhân lực đáp ứng các yêu cầu của thời kỳ mới. Hai kho lớn nhất của Viện Phim Việt Nam bên cạnh việc lưu trữ phim nhựa, vật liệu gốc, hiện tại việc số hóa tư liệu được đẩy mạnh 10 năm gần đây và thu được những kết quả đáng khích lệ. Sau khi tiến hành số hóa, đến nay, Viện Phim Việt Nam đã số hóa khoảng hơn 50% tổng số phim đang lưu trữ sang các định dạng phù hợp.
Việc số hóa tư liệu hình ảnh động như một xu thế tất yếu trong thế giới phẳng, điều cần quan tâm trong tương lai là mỗi đơn vị, cơ quan cần căn cứ vào nhu cầu thực tế để đưa các chiến lược số hóa phù hợp đến mục đích cuối cùng của sự nghiệp lưu trữ, khai thác tư liệu hình ảnh động với phương châm: Cố gắng lưu trữ tư liệu hình ảnh động số lượng lớn nhất, dài lâu nhất, nhằm khai thác, phổ biến linh hoạt, hiệu quả phục vụ cộng đồng.
Cuối buổi làm việc, ông Nguyễn Huy Hoàng – Phó Viện trưởng cũng bày tỏ mong muốn của Viện Phim Việt Nam nói riêng cũng như mục đích của các Viện Lưu trữ Phim thế giới tại Hội nghị Lưu trữ Nghe nhìn toàn cầu: “Hợp tác, hỗ trợ giữa các Viện lưu trữ thế giới để đẩy mạnh số hóa tư liệu hình ảnh động cũng như khai thác và phổ biến hiệu quả tới đông đảo công chúng”.
Bài: Hoàng Anh
Ảnh: Vũ Hưng