Sáng ngày 02/7/2025, tại Cung hội nghị ICP (Đà Nẵng), đã diễn ra Hội thảo quốc tế Dấu ấn phim chiến tranh của Việt Nam từ sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)”. Đây là sự kiện trong chương trình trọng điểm “Nửa thế kỷ phim chiến tranh của Việt Nam từ sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)” của Liên hoan Phim Châu Á - Đà Nẵng lần thứ 3 - 2025 (DANAFF III).

Hội thảo thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu lãnh đạo các Bộ, Ngành Trung ương, thành phố Đà Nẵng, cùng hàng trăm nhà nghiên cứu, chuyên gia, nghệ sĩ điện ảnh, nhà làm phim trong nước và quốc tế.

Quang cảnh Hội thảo quốc tế Dấu ấn phim chiến tranh của Việt Nam từ sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)

Bà Nguyễn Thị Anh Thi, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Nguyễn Thị Anh Thi, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng, Trưởng Ban Tổ chức DANAFF III, nhấn mạnh: “Chiến tranh - với tất cả những mất mát, hy sinh và khát vọng hòa bình - luôn là một đề tài lớn trong nghệ thuật, đặc biệt là điện ảnh. Từ sau ngày thống nhất đất nước, các nhà làm phim Việt Nam đã không ngừng tìm tòi, đổi mới cách thể hiện để phản ánh chiến tranh không chỉ như một bản anh hùng ca, mà còn là hành trình nhân văn, sâu sắc về con người, về ký ức và sự hòa giải”.

Tiến sĩ Ngô Phương Lan, đồng Trưởng Ban Tổ chức, Giám đốc DANAFF III phát biểu đề dẫn Hội thảo

Trong phát biểu đề dẫn Hội thảo, tiến sĩ Ngô Phương Lan - đồng Trưởng Ban Tổ chức, Giám đốc DANAFF III cho biết: Đây là lần đầu tiên, phim Việt Nam đề tài chiến tranh được chọn lọc một cách toàn diện, sâu sắc để giới thiệu tại một liên hoan phim. Đồng thời, bà cũng gửi lời trân trọng cảm ơn Viện Phim Việt Nam đã đồng hành cùng chương trình “Nửa thế kỷ phim chiến tranh của Việt Nam từ sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)” của DANAFF III, nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả Đà Nẵng trong những ngày vừa qua.

Bà Lê Thị Hà, Viện trưởng Viện Phim Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, bà Lê Thị Hà, Viện trưởng Viện Phim Việt Nam đã có bài phát biểu với nội dung nêu bật: “Viện Phim Việt Nam là đơn vị lưu trữ điện ảnh lớn nhất cả nước. Phim chiến tranh của điện ảnh Việt Nam sản xuất trước và sau ngày đất nước thống nhất đang chiếm một khối lượng rất lớn và được bảo quản cẩn trọng, theo các quy chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt tại hệ thống kho lưu trữ của Viện Phim Việt Nam. Trong suốt nhiều năm qua, hoạt động khai thác, phổ biến di sản điện ảnh cách mạng nói chung, phim Việt Nam đề tài chiến tranh nói riêng, luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu mà Viện Phim Việt Nam tập trung đầu tư thực hiện. Thông qua nhiều hình thức hoạt động phong phú, giá trị văn hóa, lịch sử của hàng trăm tác phẩm điện ảnh Việt Nam đề tài chiến tranh cách mạng đã được giới thiệu đến hàng triệu lượt công chúng khắp các vùng miền trong nước và nhiều quốc gia trên thế giới. Trong số này, các bộ phim đề tài chiến tranh sản xuất sau ngày đất nước thống nhất, cả phim truyện lẫn phim tài liệu, luôn được đón nhận nồng nhiệt và nhận được sự đánh giá tích cực về chất lượng nghệ thuật từ khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ”. Cùng với đó, một thông điệp hết sức quan trọng đã được bà Lê Thị Hà gửi đến Hội thảo: “Viện Phim Việt Nam luôn mong muốn, sẵn sàng kết nối, hợp tác với các tổ chức, cá nhân cùng chung mục tiêu lưu giữ và lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa giá trị di sản hình ảnh động quốc gia, đặc biệt là phim chiến tranh của điện ảnh Việt Nam trên trường quốc tế trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước”.

Nhà phê bình Philip Cheah (Singapore) chia sẻ tại Hội thảo

Hội thảo cũng đã nhận được rất nhiều ý kiến chia sẻ tâm huyết của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các nhà làm phim trong nước và quốc tế. Những nội dung trao đổi tại Hội thảo đã góp phần làm sáng rõ, sâu sắc hơn những vấn đề nghiên cứu về thành quả, giá trị và vị trí của phim chiến tranh trong sự phát triển của điện ảnh nói riêng, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới nói chung. Qua đó, nhìn nhận khách quan hơn về chặng đường 50 năm của dòng phim chiến tranh Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất - một hành trình đầy tâm huyết, sáng tạo và cống hiến. Ngoài ra, nhiều đại biểu cũng đề xuất những giải pháp định hướng cho tương lai của dòng phim này trong bối cảnh mới - khi điện ảnh không chỉ là nghệ thuật, mà còn là một ngành công nghiệp văn hóa quan trọng.

Các nghệ sĩ điện ảnh, nhà làm phim giao lưu tại Hội thảo

Sự thành công của Hội thảo quốc tế “Dấu ấn phim chiến tranh của Việt Nam từ sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)” đã góp thêm một điểm sáng rực rỡ cho bức tranh chung DANAFF III - 2025./.

 

Bài: Minh Nguyệt

Ảnh: Khôi Nguyên