Cho tới nay không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng và sự cần thiết của công tác lưu trữ và khai thác tư liệu điện ảnh đối với lịch sử phát triển của mỗi quốc gia. Công tác lưu trữ và khai thác tư liệu điện ảnh được thực hiện hiệu quả không chỉ gìn giữ và phát huy những giá trị lịch sử của ngày hôm qua cho tương lai mà còn khẳng định bản sắc văn hóa riêng của mỗi cộng đồng, dân tộc. Tại Việt Nam, công tác lưu trữ và khai thác tư liệu điện ảnh rất được Nhà nước quan tâm, chú trọng. Hiện nay việc lưu trữ tư liệu điện ảnh được thực hiện tại các Trung tâm lưu trữ quốc gia II,III,IV thuộc Cục văn thư và lưu trữ nhà nước, Viện phim Việt Nam, Điện ảnh quân đội và rải rác tại các Hãng phim nhà nước… trong đó Viện phim Việt Nam là đơn vị lưu trữ tư liệu điện ảnh lớn nhất, có quy mô, và có hệ thống kho bảo quản đạt tiêu chuẩn về độ ẩm (40 -+ 5%RH), nhiệt độ 10 -+ 2oC.
1. Công tác lưu trữ và khai thác tư liệu điện ảnh tại Viện phim Việt Nam:
Viện phim Việt nam được thành lập ngày 22/9/1979 với chức năng lưu chiểu, lưu trữ phim và bảo quản các tư liệu điện ảnh, nghiên cứu lý luận, công nghệ điện ảnh, khai thác phổ biến các tư liệu điện ảnh theo quy định của pháp luật. Trải qua hơn 30 năm hoạt động, kho phim của Viện phim Việt Nam hiện đang lưu giữ gần 80.000 cuốn phim nhựa 35mm, 16mm, hơn 20 ngàn tên phim và hàng chục ngàn băng video. Danh mục phim hiện đang lưu trữ tại kho phim Hà Nội và T.P Hồ Chí Minh của Viện phim Việt Nam hiện khá phong phú. Đó là các tác phẩm điện ảnh Việt Nam và nước ngoài, đặc biệt là khối lượng lớn tư liệu phản ánh thời kỳ chiến tranh, bảo vệ và xây dựng tổ quốc của điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Ngoài ra Viện đang lưu trữ nhiều tác phẩm điện ảnh, tư liệu sản xuất thời chính quyền Sài Gòn – những tư liệu có thể khái quát gương mặt điện ảnh Việt Nam hai miền Nam – Bắc trong suốt nửa thế kỷ qua. Đặc biệt những hình ảnh vô giá về Hồ Chủ Tịch, bộ sưu tập phim điện ảnh Cách mạng những năm đầu tiên, phim tư liệu về Đông dương do Viện lưu trữ phim Pháp trao tặng… là những tư liệu quý hiếm Viện phim Việt Nam đang lưu giữ.
Ý thức được những tư liệu quý đang phải có trách nhiệm bảo vệ, phát huy, Viện phim Việt Nam trong những năm qua luôn cố gắng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, nâng cấp và hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật nhằm tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu bảo quản tư liệu điện ảnh tại các kho phim của Viện. Bên cạnh việc lưu trữ bảo quản, hàng năm ngoài số lượng phim nộp lưu chiểu của các Hãng phim, phim sưu tầm từ nhiều nguồn để bổ sung kho tư liệu lưu trữ, Hãng phim Ngọc Khánh thuộc Viện phim Việt Nam luôn quay tư liệu cập nhật các sự kiện chính trị, văn hóa, kinh tế…trên cả nước.
Nắm trong tay một khối lượng tư liệu điện ảnh quý hiếm, trong những năm qua, Viện phim Việt Nam luôn cố gắng khai thác, phổ biến tới công chúng trong khả năng và quyền hạn của đơn vị để phát huy cao nhất nhu cầu xem , và nghiên cứu phim tư liệu của khán giả Việt Nam. Viện đã tổ chức nhiều đợt chiếu phim tư liệu phục vụ nghiên cứu, đào tạo, các chương trình phim nhân các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị tại hai cụm rạp Ngọc Khánh và Tân Sơn Nhất. Tổ chức giới thiệu chuyên đề, giao lưu với các tác giả, tác phẩm điện ảnh kinh điển của Việt Nam. Phổ biến giới thiệu ra nước ngoài bằng cách phát hành, giới thiệu các bộ sưu tập phim của các đạo diễn, nghệ sĩ nổi tiếng, các phim đoạt giải cao trong các kỳ LHP trong nước, quốc tế trên đĩa DVD có phụ đề tiếng Anh, tiếng Pháp như bộ sưu tập phim của đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh đã được phát hành tại Bỉ, các nước châu Âu, các Viện Lưu trữ phim FIAF và SEAPAVAA, bộ sư tập phim của NSND Trà Giang…Tổ chức các tuần phim tư liệu Việt Nam tại nước ngoài và các tuần phim nước ngoài tại Việt Nam. Phối hợp với các nghệ sĩ điện ảnh trong nước, sử dụng nguồn phim tư lưu hiện có tạo nên những tác phẩm điện ảnh có giá trị đạt các giải thưởng của LHPVN như bộ phim: Hồ Chí Minh chân dung một con người, Đường mòn trên biển đông, Mùa xuân toàn thắng…
Kho lưu trữ phim tư liệu tại Viện Phim Việt Nam
2. Những vấn đề cần quan tâm đối với công tác lưu trữ khai thác tư liệu điện ảnh tại Việt Nam:
Công tác lưu trữ tư liệu điện ảnh Việt Nam trong những năm qua tuy đã rất cố gắng trong khả năng có thể của các đơn vị, nhưng vẫn còn đó nhiều vấn đề đáng lưu tâm:
Việt nam là quốc gia đang phát triển, trải qua nhiều cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc, tư liệu điện ảnh trong nước phần lớn được thực hiện trong thời chiến hoặc là thu gom, sưu tầm trong thời điểm kinh tế khó khăn nên trường hợp bị thiếu bộ bản, hư hỏng trong quá trình lưu trữ là khó tránh khỏi. Việc lưu trữ tư liệu điện ảnh trong điều kiện nhiệt độ, độ ẩm hiện tại đạt chuẩn ở các cơ quan lưu trữ là tương đối tốt, tuy nhiên việc lưu giữ các tác phẩm điện ảnh, các hiện vật, tài liệu cấp hai ở các hãng phim vẫn còn nhiều bất cập, chưa được đầu tư đúng mức. Trong khi việc nộp lưu chiểu các tác phẩm điện ảnh về các trung tâm đơn vị lưu trữ nhà nước có điều kiện bảo quản tốt, đạt chuẩn lại chưa được các Hãng quan tâm. Thực sự, tại Việt Nam, trách nhiệm nộp lưu chiểu các tác phẩm điện ảnh với những bản phim chuẩn, nộp đầy đủ còn bị buông lỏng, chưa có một bộ luật chặt chẽ, một chế tài hợp lý phân chia quyền lợi nghĩa vụ của các cơ quan lưu trữ, các đơn vị sản xuất phim trong việc nộp phim lưu chiểu, quyền sử dụng tư liệu phim điện ảnh. Thế nên, Viện phim Việt Nam và các trung tâm lưu trữ mới chỉ có quyền nhận và bảo quản phim lưu trữ mà chưa thực sự có quyền khai thác, sử dụng, nhân rộng tư liệu lưu trữ với mục đích thương mại. Việc khai thác phổ biến khối lượng tư liệu phong phú, khổng lồ mới dừng lại ở việc giới thiệu, quảng bá phi thương mại. Mong muốn thương mại hóa tư liệu điện ảnh, lấy kinh phí bù vào công sức bảo quản lưu trữ, phổ cập rộng hơn đến từng nhà qua Internet vẫn có khá xa vời trong công cuộc lưu trữ, khai thác tư liệu điện ảnh tại Việt Nam.
Một vấn đề đáng lưu tâm nữa của việc lưu trữ vài khai thác tư liệu trong gia đoạn tới là việc ứng dụng công nghệ số. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ đã đưa công nghệ số vào mọi ngóc ngách của cuộc sống, ngành nghề, và điện ảnh không nằm ngoài xu thế đó. Việc ứng dựng công nghệ số trong sản xuất lưu trữ và khai thác tư liệu điện ảnh mang lại nhiều ưu điểm đó là giá thành rẻ, cập nhật, chia sẻ với tốc độ nhanh, tuy nhiên để thay thế hoàn toàn cách lưu trữ phim nhựa, vật liệu gốc như hiện tại đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, chưa kể các định dạng số thay đổi rất nhanh, nhanh chóng lỗi thời gây khó khăn cho việc tìm được công cụ hay phần mềm để đọc các dữ liệu đó. Điều đó dẫn đến khăn về ngân sách và nguồn nhân lực cho việc chuyển đổi. Trong khi đó, phim nhựa được lưu kho với điều kiện tốt sẽ có tuổi thọ hàng trăm năm. Tại Việt Nam, hai kho lớn nhất của Viện phim Việt Nam bên cạnh việc lưu trữ phim nhựa, vật liệu gốc, hiện tại việc số hóa tư liệu được đẩy mạnh 5,6 năm gần đây và thu được những kết quả đáng khích lệ. Sau khi tiến hành số hóa đến nay Viện phim Việt Nam đã số hóa khoảng hơn 50% tổng số phim đang lưu trữ sang băng Betacam số.
Đến cuối năm 2009, Viện phim Việt Nam cho ra đời thư viện Video đánh dấu bước phát triển mới của công tác số hóa khai thác tư liệu. Thư viện có 2 máy chủ thay nhau hoạt động 6 ngày/tuần, có tổng cộng 3 máy trạm dành riêng để nén dữ liệu và 10 máy khách phục vụ việc truy cập kho dữ liệu. Phần mềm quản lý, khai thác dữ liệu Opsis Media sử dụng trên 3 ngôn ngữ: Việt, Anh, Pháp. Sau 4 năm đi vào hoạt động, toàn bộ dữ liệu từ Băng Betacam số được nén sang chuẩn MPEG-2 và đưa vào thư viện. Phần mềm quản lý sẽ tự động nén dữ liệu sang MPEG -4 gọn nhe, thuận tiện hơn cho người tra cứu.
Ngoài Viện phim Việt Nam, Điện ảnh quân đội nhân dân cũng là đơn vị đang lưu trữ số phim tương đối lớn và tích cực đầu tư tiến hành số hóa tư liệu điện ảnh cũng như đào tạo nguôn nhân lực mới mong tạo ra bước tiến rõ rệt trong thời kỳ mới. Ngoài hai đơn vị trên, các trung tâm khác cũng ít nhiều triển khai số hóa tư liệu nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách khi đối mặt với ngân sách, nguồn nhân lực, và cần những định hướng dài hơi, hệ thống. Việc số hóa tư liệu hình ảnh động là một xu thế tất yếu, điều cần quan tâm ở đây là mỗi đơn vị, cơ quan cần căn cứ vào nhu cầu thực tế để đưa các chiến lược số hóa phù hợp để đạt đến mục đich cuối cùng của sự nghiệp lưu trữ, khai thác tư liệu hình ảnh động đó là: Lưu trữ càng nhiều, càng lâu càng tốt và khai thác, phổ biến một cách linh hoạt, hiệu quả nhằm phục vụ cộng đồng một cách tối đa.
Hội thảo Sản xuất, khai thác và lưu trữ bảo quản tư liệu hình ảnh động với công nghệ số
Tạ Hoàng Anh