Bài viết dựa theo phân tích về bản chất của các viện lưu trữ nghe nhìn được trình bày tại Hội thảo Mùa đông các Viện Nghiên cứu Lịch sử năm 2016 tại Luân Đôn. Nghiên cứu dựa trên sự so sánh giữa lưu trữ phim truyền thống và mạng YouTube, và xem xét hình thức sưu tầm video và âm thanh của lưu trữ mạng. Những ví dụ đưa ra ở đây được trích từ Chính sách lưu trữ và sản xuất tư liệu nghe nhìn Vương quốc Anh.
Luke McKernan - Trưởng phòng Tin tức & Hình ảnh động, Thư viện quốc gia Anh
Lưu trữ phim từ lâu đã là một công việc khó khăn. Kể từ khi các bộ phim được làm trên phim nhựa, mục tiêu của các viện lưu trữ là làm sao sưu tầm các tư liệu thích hợp có thể tái sản xuất phim gần giống với hình thức phim gốc, và lý tưởng nhất đó là những bản negative. Đã từng có rất nhiều thách thức đối với các nhà lưu trữ phim. Các Viện lưu trữ phim quốc gia thực sự không làm được điều này cho đến những năm 1930, nghĩa là rất nhiều phim của 40 năm đầu, kể từ khi điện ảnh ra đời đã bị mất đi như một định mệnh. Tại Anh, không có luật lưu chiểu rõ ràng dành cho điện ảnh, vì thế các nhà lưu trữ phim đã phải tự tìm đến nhà sản xuất, phát hành và sưu tầm phim để thu thập các bản sao, nhưng không phải phim nào cũng có. Đây cũng là một việc tốn kém vì vốn làm phim lớn, đòi hỏi điều kiện và trang thiết bị lưu trữ phải chuyên nghiệp nhằm đảm bảo cho phim được tồn tại về lâu dài.
Truy cập bộ sưu tập bản phim gốc tại kho phim Viện Phim Anh
Thực tế cho thấy lĩnh vực truyền hình có vẻ khả quan hơn về mặt luật định, bởi nó được bảo hộ bởi Luật Phát thanh Truyền hình ban hành năm 1990, trong khi đó băng video rẻ hơn phim nhựa. Chi phí sản xuất phim, cùng với mô hình phát hành phim kìm hãm sản xuất phim nhựa, hậu quả là hạn chế luôn cả sản phẩm lưu trữ. Truyền hình có kiểu phát hành riêng, một mặt cho phép phát sóng nội dung không hạn chế kênh, nhưng phương tiện chứa đựng nội dung là băng thì đã đầy đủ. Nói một cách rộng hơn, các viện lưu trữ hình ảnh động có thể đáp ứng thách thức lưu trữ, với điều kiện họ được tạo điều kiện đầy đủ để thực hiện công việc này.
Nhưng hơn mười năm qua, bức tranh này đã hoàn toàn thay đổi. Thủ phạm làm thay đổi đó chính là mạng YouTube ra đời vào tháng 4 năm 2005. Những gì YouTube thay đổi liên quan đến mức độ, nội dung, khám phá, diện mạo và kỳ vọng tiếp cận.
Hệ thống bảo quản video và in chuyển những định dạng băng video lỗi thời tại Viện Phim Anh
YouTube như là một Viện lưu trữ
Có khoảng 1 triệu bộ phim và chương trình truyền hình trong bộ sưu tập của Viện Lưu trữ quốc gia (Viện Phim Anh) được sưu tầm trong 8 thập kỷ qua. Ngược lại, dự tính có khoảng 3,5 tỷ video được tải lên YouTube từ năm 2005. Cứ mỗi phút lại có khoảng 400 giờ video được tung lên mạng. Một số bộ sưu tập phim không được quản lý đã được đưa lên mạng với hơn 400 giờ. Trong một năm tại Anh, có khoảng 700 phim được phát hành, 6.000 băng được xuất bản và khoảng 600.000 chương trình truyền hình được phát sóng (không kể phát lại). Không biết tỷ lệ phim gốc của Anh trong 3,5 tỷ video kia là bao nhiêu nhưng con số chắc chắn sẽ cản trở những phim sản xuất theo cách truyền thống. Vậy điều này có làm cho cơ quan lưu trữ phim truyền thống trở nên vô nghĩa, hoặc giảm bớt giá trị?
Mặc dù những năm gần đây, YouTube đã cố gắng làm thật nhiều để trở thành điểm đến cho những người quan tâm đến lĩnh vực chuyên môn, nhưng số lượng lớn nội dung trực tuyến này có thể được ví như những thứ tầm phào: những video vô thưởng vô phạt sẽ là những gì mà một viện lưu trữ không bao giờ sưu tầm, hoặc thậm chí chưa từng được coi là một sản phẩm phim ngay trước cả kỷ nguyên YouTube. Như vậy chúng có thể được coi là nhảm nhí? Làm sao chúng ta đánh giá được hình ảnh động là gì? Liệu có thể hiểu hình ảnh động là một hình thái nghệ thuật được tôn trọng nhất của điện ảnh mà ngày nay nó bị bó hẹp một cách vô lý? Về bản chất, có gì khác giữa phim Citizen Kane và phim video Charlie Bit my Fingers – một phim video nghiệp dư được tán thưởng nhất năm 2007 của truyền hình Anh quốc với 845 triệu lượt xem? Có lẽ chúng ta chỉ nên nhìn vào con số nếu nó không làm chúng ta giật mình và muốn trung thành với cái gọi là ‘chắc ăn” .
Khi đi vào phân tích, mọi thứ trở nên có vấn đề. Siêu dữ liệu của những video trên YouTube và những hình thái video nhìn chung rất nghèo nàn, chủ yếu liên quan đến việc video được tải lên trang web khi nào và ở dạng nào, với các điều khoản phân loại bổ sung, thường là hoàn toàn ngẫu nhiên được nạp bởi những người đăng tải. Các viện lưu trữ truyền thống đặt giá trị lớn hơn nhiều về tính cụ thể của các mục tiêu cần quan tâm.
Tất cả những thay đổi đều nhằm đến mục tiêu khám phá và kỳ vọng truy cập. YouTube mang đến cho khán giả mọi thứ, hoặc ít nhất nó muốn làm như vậy. Theo truyền thống, khai thác hình ảnh động mang tính độc quyền, thậm chí mạo hiểm. Những bộ phim thì khó tải xuống và chia sẻ, phí truy cập cao. Ngày nay, bất cứ điều gì bạn nghĩ đến là có ngay lập tức, nó được sắp xếp theo các kênh hoặc có thể truy cập riêng lẻ. Nếu bạn muốn một video nào đó mà không thể tìm trên web, có nghĩa là nó không tồn tại, và không đáng để được xem. Một quan điểm sai lầm thường trực đã in sâu rằng: mọi video đều có trên mạng với phản ứng đồng thời bởi nhiều học giả rằng nếu video không có trên YouTue, thì cũng không đáng lo lắng, vì nếu cần thiết có thể tìm ở một nơi nào đó.
YouTube không chỉ không giới hạn, nó còn phát tán nội dung trên quy mô lớn. Hàng ngày, một lượng video không rõ ràng được lấy xuống từ các website do vi phạm bản quyền hoặc thay đổi mức độ ưu tiên của một số nhà xuất bản.
Không có một con số thống kê nào được YouTube đưa ra về việc có bao nhiêu dữ liệu đã biến mất khỏi trang web. Ví dụ trang BardBox lưu trữ những video gốc về Shakespeare được tìm thấy từ YouTube. Đây là những video thuộc các thể loại: tác phẩm gốc, những tác phẩm hỗn hợp, những video về người hâm mộ, hoạt hình, những phóng sự, ít nhiều đã bị pha trộn bởi các thể loại thông tin trên YouTube. Sau đó nhà quản lý đã xóa sạch trang web để kiểm tra xem còn bao nhiêu video vẫn hoạt động, kết quả là một phần tư đã bị xóa..
Vậy YouTube có phải là một viện lưu trữ? Câu trả lời là: có và không. Nó là bộ phận lưu trữ về nội dung văn hóa, bởi nội dung đó vẫn còn mãi cho dù những video có bị gỡ xuống sau đó, và mặc dù các file có độ phân giải thấp hơn video gốc, thì người ta vẫn có thể truy cập. Mức độ duy trì của YouTube là chưa từng có. Điều không thể có được đó là sự đảm bảo. Nếu là một cơ quan lưu trữ, thì đây là một loại hình lưu trữ mới mẻ, người ta tạo ra nó một cách tạm thời dành cho những điều không chắc chắn.
Lưu trữ mạng
Năm 2013, Luật Lưu chiểu các bản phi phim được thông qua tại Anh cho phép Thư viện Anh phối hợp với các thư viện Lưu chiểu hợp pháp khác của Anh và Ai Len bắt đầu lưu trữ mạng. Có khoảng 4 triệu website ở Anh và trong phần lớn những website này, Thư viện Anh phải chụp ảnh lưu trữ một lần trong năm. Kết quả là có 2,5 tỉ trang web và những hiện vật lưu trữ tại Viện Lưu trữ Mạng Lưu chiểu hợp pháp. Thư viện Anh tự quảng bá tư liệu này khi có khoảng 150 triệu hiện vật trong bộ sưu tập, nhưng đó là những hiện vật hữu hình và ngày càng không thích hợp trong thời đại kỹ thuật số. Về số lượng, có thể coi Thư viện Anh là kho lưu trữ kỹ thuật số lớn với một vài cuốn sách thì hợp lý hơn.
Vì một số lý do, Luật Lưu chiểu năm 2013 đã loại trừ lưu trữ âm thanh và video. Có nghĩa Thư viện Lưu chiểu hợp pháp không lưu trữ những trang web chứa hồ sơ âm thanh và video như YouTube và iPlayer. Nhưng nếu một hồ sơ âm thanh hoặc video tình cờ phù hợp với mục đích của một website hoặc webpage, thì nó có thể được thu thập. Kết quả nghiên cứu này có thể được thể hiện trong các số liệu của bộ sưu tập hình ảnh động tại Bộ phận Lưu trữ Tin tức và Hình ảnh động, Thư viện quốc gia Anh. Bộ sưu tập truyền thống là hỗn hợp các tin tức và video dựa trên âm thanh - có khoảng 100.000 đầu mục. Nếu thêm các video thu thập được thông qua lưu trữ mạng, con số này sẽ tăng lên tới một triệu, với hơn 40.000 video được bổ sung mỗi tháng.
Lưu trữ âm thanh cũng vậy. Thư viện hiện đang có trong tay bộ sưu tập lưu trữ âm thanh quốc gia với khoảng 6,5 triệu bản thu. Có lẽ trong khoảng thời gian 3 năm nữa, việc lưu trữ âm thanh trên website sẽ nhiều hơn việc lưu trữ truyền thống
Những tư liệu ghi âm nghe nhìn lưu trữ tại Viện Phim Anh
Vậy Viện lưu trữ Nghe nhìn là gì? Liệu có phải đó là viện lưu trữ tập hợp bởi các phương thức truyền thống, ở đó những tư liệu chất lượng tốt nhất được lựa chọn thông qua phương thức quản lý để đảm bảo một bộ sưu tập đại diện có chất lượng tốt nhất? Hay đó là kho tàng lưu trữ mạng rộng lớn một cách ngẫu hững, trong đó các video có chất lượng hình ảnh thấp, siêu dữ liệu hạn chế, và nội dung hầu như giả mạo, được chứa trong kho lưu trữ văn bản web lớn hơn?
Chúng ta nên hy sinh chất lượng hình ảnh cho số lượng nội dung, hoặc chúng ta nên duy trì các nguyên tắc về tính chọn lọc sao cho nội dung tốt nhất được duy trì ở dạng tối ưu? Liệu kho lưu trữ truyền thống và kho lưu trữ mạng có nên được phát triển tách biệt hay phải được quản lý chung, và nếu như vậy, thì điều này có ý nghĩa gì đối với công tác quản lý, hoạch định chính sách và các học giả sử dụng các nguồn tài liệu đó?
Hiện nay có nhiều câu hỏi mang tính lý thuyết. Lưu trữ mạng Lưu chiểu đang ở thời kỳ non trẻ, trong khi hầu hết các nhà nghiên cứu hiện không quan tâm đến lưu trữ mạng vì chúng có sẵn những website thực tế để tham khảo.
Tuy nhiên, các website đó không kéo dài. Tuổi thọ trung bình của một trang web ước tính khoảng 100 ngày và 50% tư liệu ở Vương quốc Anh hoặc biến mất trong vòng một năm, hoặc không còn được tìm thấy ở URL gốc. Các nhà nghiên cứu sẽ khám phá ra rằng: những gì từng có nay đã trở thành quá khứ, đó là khi các cuộc khảo sát lịch sử của các viện lưu trữ mạng được thực hiện một cách nghiêm túc.
Và khi đó, một loại hình lưu trữ nghe nhìn mới lại xuất hiện. Đó sẽ là kiểu lưu trữ mà người ta xem những tư liệu âm thanh và video trong bối cảnh của nó. Hạn chế của lưu trữ âm thanh là tất cả những gì thuộc bản chất, lưu trữ âm thanh chỉ dành riêng cho lĩnh vực âm thanh. Điều này đúng khi mối quan tâm chỉ gói gọn trong lĩnh vực đó khi nó được xem như là một hình thức nghệ thuật.
Hiện nay ở Anh quốc có viện lưu trữ âm thanh và phim riêng biệt. Các cơ quan này đại diện cho phương thức truyền thông đặc biệt, và bảo tồn những đặc trưng của mình. Một số viện lưu trữ phim và âm thanh đã có được bộ sưu tập khổng lồ, ví dụ như khi Thư viện Anh quốc tiếp quản Viện Lưu trữ Âm thanh quốc gia vào những năm 80. Viện lưu trữ Âm thanh đã đóng một vai trò cân bằng kể từ khi tham gia hệ thống Thư viện và duy trì bản sắc riêng biệt.
Tuy nhiên, Viện Lưu trữ mạng cũng hứa hẹn một sự thay đổi về việc liệu âm thanh và video có thể đóng góp như thế nào cho nhận thức trong tương lai, bởi vì nó sẽ bị bao trùm hoàn toàn trong một cơ quan lưu trữ. Những con số sẽ là rất lớn, nhưng số lượng các loại hiện vật kỹ thuật số lưu trữ mà Thư viện Quốc gia Anh đang thu thập cũng không hề nhỏ.Vậy một cơ quan lưu trữ mạng có thể hứa hẹn điều gì, mặc dù nó là điểm dừng chân cuối cùng của các Viện lưu trữ nghe nhìn? Một khi văn bản, hình ảnh, âm thanh và video đều được bảo tồn như nhau, thì tại sao chúng ta lại phải cần chuyên môn? Trả lời cho câu hỏi này là trọng tâm trong công tác quản lý của các viện lưu trữ âm thanh và điện ảnh trong tương lai.
Những sản phẩm phim nhuộm màu và phim ghi âm của Viện Phim Anh
Hoàng Mai (dịch từ Tạp chí Bảo quản phim FIAF, tháng 4 năm 2017)
Ảnh: Sưu tầm từ Viện Phim quốc gia Anh