Về mặt quan điểm, chúng ta đã khẳng định việc cần thiết và tầm quan trọng của vấn đề khai thác tư liệu điện ảnh, tất cả nhằm mục đích phổ biến và sử dụng hiệu quả kho tư liệu hình ảnh động. Đó không thuần túy là việc đưa phim ra khỏi phạm vi bảo quản hay quảng bá hình ảnh của công tác lưu trữ, lớn lao hơn, đó là cách để xây dựng nhận thức trong công chúng về các vấn đề liên quan đến các hoạt động xã hội. Phim tư liệu không chỉ có vai trò lật lại ký ức, nó còn cung cấp những dữ kiện để so sánh hay phân tích các sự kiện mới. Vì vậy có thể xem việc mở rộng khai thác phim tư liệu không chỉ dừng lại như một trách nhiệm mà còn là một nghĩa vụ tinh thần khi góp phần tác động đến nhận thức tình cảm của công chúng đối với di sản nghe nhìn của đất nước. Cái chúng ta lưu giữ và đưa ra công chúng không phải là những thước phim mà là giá trị hình ảnh của nó. Hầu hết các quốc gia phát triển rất chú trọng đến công tác khai thác phim tư liệu vì đó là một trong những cách giúp xây dựng bản sắc và khẳng định bề dày lịch sử của họ.

(Hiện có hai kênh truyền hình nổi tiếng phủ sóng khắp toàn cầu là Discovery/Khám phá và National Geographic/ Địa lý quốc gia do Mỹ sản xuất; hai kênh này sử dụng rất nhiều phim tư liệu để xây dựng thành hàng loạt chương trình có đề tài vươn ra khỏi chính quốc. Nổi bật nhất là các serie phim tư liệu – tài liệu về Thế chiến thứ 2, về thiên nhiên và về các nền văn hóa).

Trong Hội nghị SEAPAVAA (Hiệp hội lưu trữ nghe nhìn Châu Á Thái Bình Dương/ South East Asia Pacific Audiovisual Archives Association) lần thứ 16 tổ chức tại TP.HCM trong năm 2012 đã khẳng định sự quan trọng của việc phổ biến phim tư liệu vì đó không phải là một sản phẩm có tính “bí mật”, “phi thương mại” và thước đo giá trị của bộ sưu tập nghe nhìn chính là mức độ nó được công chúng tìm kiếm và sử dụng nhiều hay ít.

Trong phạm vì bài viết này, xin phép chỉ đề cập đến lĩnh vực khai thác tư liệu điện ảnh, xoay quanh một số vấn đề liên quan.

 

Bản quyền

Đa số phim tư liệu hiện nay được lưu trữ trong các đơn vị nhà nước, nơi mà sự tiếp cận của người có nhu cầu thường phải đối diện với rất nhiều thủ tục hành chính trong khi bản thân các đơn vị đó cũng đang tìm hướng đi mới để khai thác kho phim của mình. Vấn đề đầu tiên là bản quyền, rất nhiều tư liệu có được là do chúng ta tiếp quản từ các kho tư liệu của các chính quyền trước để lại bên cạnh những bổ sung sưu tầm tư liệu mới mà ta chủ động thực hiện, nếu muốn sử dụng chúng, ta cần nhiều hơn sự đồng thuận của các tác giả có tên cũng như khuyết danh cho phép – tức một giải pháp mang tính pháp lý.

Đối với các đơn vị lưu trữ phim nhà nước, điều này còn tế nhị và quan trọng hơn vì khả năng xác định tác giả là vô cùng khó khăn, thậm chí là bất khả thi với loạt phim chiến sự hoặc bị thất lạc hồ sơ do nhiều lý do khác nhau. Tình trạng này làm trầm trọng thêm vấn đề bản quyền và quyền khai thác vì thế chúng ta cần hơn một sự cho phép sử dụng, chính xác là sự khẳng định chủ quyền, toàn quyền đối với số phim tư liệu do đơn vị nhà nước quản lý. Cơ sở pháp lý sẽ tạo điều kiện hợp pháp cho việc tiếp cận và mở rộng quyền khai thác đối với phim tư liệu.

Hiện có một số phim tài liệu sau khi thực hiện có ghi chú trên générique hàng chữ “Phim có sử dụng tư liệu của các đồng nghiệp”; hành vi này vừa tích cực vừa tiêu cực, tích cực vì ít ra nhà sản xuất cũng đã thừa nhận có sử dụng tư liệu của người khác, nhưng tiêu cực vì nó tạo cảm giác tưởng như có trách nhiệm nhưng lại không thỏa đáng khi sử dụng tư liệu mà không xin phép hoặc không trả phí bản quyền. Tình trạng này cần chấm dứt khi các đơn vị lưu trữ phim có được bản quyền khai thác và nơi sử dụng sẽ phải có trách nhiệm thực thi mọi quy định về luật bản quyền đối với nơi cung cấp.

 

Tài nguyên hình ảnh động

Đây chính là “gia tài” của chúng ta, nếu chúng ta có nhiều phim tư liệu trong nhiều lĩnh vực thì chúng ta càng có nhiều cơ hội chọn lựa và thực hiện các bộ sưu tập hay các loạt phim theo chủ đề riêng, nó có được phong phú và giàu có hơn tùy thuộc vào các khâu: hồ sơ và sưu tầm.

 

Công tác hồ sơ

Có một thực tế là là trong hơn 30 năm qua, công chúng đã xem nhiều phim tài liệu trong nước có sử dụng hình ảnh tư liệu và không khó nhận ra là tên phim có thể khác nhưng hình ảnh tư liệu thì bị trùng lặp khá nhiều. Cứ nói đến cuộc tổng tiến công Mậu Thân 1968 là hình ảnh quen thuộc của lính Mỹ nấp đạn sau một chiếc tăng và Tòa đại sứ Mỹ ngập trong khói lửa; cứ phim về chiến tranh Việt Nam là cảnh em bé Kim Phúc bị bom napan, cứ nói đến TP.HCM là thấy chợ Bến Thành…; dù đây là những hình ảnh tiêu biểu nhưng tại sao ta không sử dụng những nội dung tương tự trong khi có rất nhiều những hình ảnh tư liệu khác có cùng đề tài hiện đang nằm trong các kho lưu trữ? Tình trạng này có thể xuất phát từ sự đơn giản, ngại tìm tòi của nhà làm phim nhưng có lẽ đã đến lúc công tác hồ sơ cần cung cấp nhiều hơn những gì đã có, tạo sự chú ý cho đối tác, điều này sẽ góp phần giúp khán giả hứng thú hơn với phim tư liệu – tài liệu. Chúng ta không thể làm tốt công tác phát hành khi nguồn tư liệu của ta nghèo nàn; chúng ta không thể tuyên truyền, thuyết phục, khuyến khích công chúng yêu thích phim tư liệu khi chúng ta chỉ cung cấp những gì họ đã biết.

 

Công tác sưu tầm

Về công tác sưu tầm thì bao gồm cả việc thu thập tư liệu cũ và quay mới, trong đó việc tập họp các bộ sưu tập tư liệu nghe nhìn không chỉ trông chờ vào các kho phim cũ, tại chỗ mà còn nằm trong quá trình sưu tầm từ xã hội, đây được xem là nguồn “tài nguyên” tư liệu quý giá và chứa nhiều ẩn số bất ngờ. Còn nhớ khi đoàn phim của đạo diễn Phạm Kỳ Nam sang Pháp năm 1974 để thực hiện một số cảnh về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh thì có một người đàn ông không xưng danh đến tặng cho đạo diễn đoạn phim tư liệu về ngày 2/9/1945. Những thước phim đen trắng này tư liệu hình ảnh động duy nhất mà chúng ta có về thời điểm khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1945 và phải mất gần 30 năm sau chúng ta mới được chứng kiến lại hình ảnh cảm động đó.

Đối với tư liệu quay mới, chúng ta cần xác định tất cả những gì đã được quay trong thời điểm hiện tại sẽ trở thành tư liệu trong vài năm sau, từ trước đến nay, nhiều người xem trọng tính chất “càng xưa càng quý” của phim tư liệu nhưng trong thời đại hiện đại hóa công nghiệp hóa hiện nay, mọi sự kiện đều diễn ra với tốc độ nhanh hơn và phức tạp hơn nên mọi hình ảnh ghi được đều có khả năng trở thành tư liệu quý trong tương lai gần.

Một điều cũng cần quan tâm là chúng ta thường có khuynh hướng ghi hình những sự kiện mang tính tôn vinh, “thành tích” hơn là “thảm họa”, ví dụ chúng ta có khá nhiều hình ảnh tư liệu về sự thay đổi của bộ mặt đô thị, văn hóa dân gian, sự kiện chính trị xã hội… nhưng ít hơn nhiều những tư liệu về các sự cố tai nạn lớn (như vụ sập cầu dẫn Cần Thơ, tai nạn giao thông, tai nạn xây dựng…), những sự biến mất của các sinh hoạt văn hóa nhỏ (sự suy thoái của làng nghề, lễ hội, ô nhiễm môi trường…), những sự thay đổi hay xâm hại di tích lịch sử (do tác động thời gian, con người…). Đây là một cách nhìn có thể gây tranh cãi nhưng cần thẳng thắn bổ sung thêm những dạng tư liệu này vì đó là cách để các thế hệ có điều kiện nhìn nhận lại quá khứ (những gì chúng ta đã làm được và chưa được) bởi những bài học kinh nghiệm đau xót luôn có giá trị phản biện xã hội nhất định.

 

Đầu ra của phim tư liệu

Đây là một bài toán khó, tham vọng nhất là chúng ta có hẳn một “kênh” thông tin để chủ động đưa phim ra, dù khá xa vời nhưng nếu thật sự muốn đem lại sự phát triển bền vững cho phim tư liệu thì đó vẫn là một trong những giải pháp lý tưởng.

Một số hình thức khai thác phim tư liệu khả thi hơn, thực tế hơn và đang là cách thực hiện của chúng ta hiện nay là in trích đoạn phim, phục vụ chiếu phim tư liệu khi tham gia các sự kiện, kết hợp với các đối tác và cung cấp tư liệu cho họ thực hiện. Đây sẽ vẫn là cách làm đúng đắn, chủ đạo của các đơn vị lưu trữ, về bản chất nó cũng là đưa phim qua các “kênh” thông tin, tuy nhiên với quy mô nhỏ hơn. Cách làm này đã giúp đưa phim tư liệu đến gần với công chúng hơn nhưng rõ ràng nếu chỉ có vậy thì hiệu quả của công tác khai thác vẫn còn hạn chế, nhất là khi chúng ta thường làm theo phương thức tùy thuộc vào yêu cầu đối tác mà cung cấp tư liệu, thiếu hẳn sự chủ động của một đơn vị đang lưu trữ khối lượng tư liệu lớn của quốc gia.

Nếu muốn công chúng có thái độ ứng xử tích cực hơn và các đối tác truyền hình chú ý hơn đối với phim tư liệu, các đơn vị lưu trữ không thể làm khác đi là tự mình tạo ra sản phẩm, chỉ có nơi lưu trữ mới biết rõ mình đang sở hữu những gì và sẽ làm được gì từ tài sản đó. Chúng ta phải đi bước trước mới có thể kêu gọi được sự chú ý của công luận. Phim chúng ta đã có, vấn đề còn lại là một đơn vị sản xuất phim có khả năng thực hiện những bộ phim tài liệu có giá trị.

Bài viết này không đề cập đến kinh phí và kỹ thuật vì đây là hai điều kiện cần và đủ, bên cạnh đó là công tác quảng bá và phát hành phim; nếu không có thiết bị làm phim chuyên dụng, không đủ tài chính cho các dự án làm phim dài hơi, không “phủ sóng” với mật độ giới thiệu dày đặc trên các phương tiện thông tin thì khó lòng duy trì hay phát triển phim tư liệu. Điều này không chỉ phụ thuộc vào sự cố gắng của đơn vị lưu trữ mà là chính sách đầu tư, hỗ trợ của ngành đối với một hình thức phim đang gặp rất nhiều khó khăn trong đầu ra như hiện nay.

 

Kho phim tại Trung tâm Nghiên cứu & Lưu trữ Điện ảnh TP.HCM

 

Nguyễn Thị Thúy Nga