Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ được nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế yêu mến và kính trọng. Cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Người được tái hiện lại trong các tác phẩm nghệ thuật. Riêng với lĩnh vực điện ảnh đã có nhiều bộ phim xây dựng thành công hình tượng con người Hồ Chí Minh. Điều này không chỉ đòi hỏi tâm sức của người làm ra tác phẩm mà những người làm công tác lưu trữ, bảo quản tư liệu hình ảnh động về Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng góp phần không nhỏ trong việc làm nên giá trị chân thực cho những tác phẩm đó.

Là cơ quan lưu trữ tư liệu hình ảnh động của quốc gia, Viện Phim Việt Nam rất quan tâm và coi trọng công tác lưu trữ, bảo quản tư liệu hình ảnh động của dân tộc, trong đó có những thước phim tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua nhiều năm, chúng tôi nhận thấy những bộ phim và tư liệu hình ảnh động về Chủ tịch Hồ Chí Minh được sử dụng thường xuyên để phục vụ cho việc: sáng tác nghệ thuật, kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc, các sự kiện chính trị của đất nước, các cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh…; cùng nhiều đoàn khách quốc tế tới tìm hiểu và lấy tư liệu về Người. Xuất phát từ thực tế đó, Viện Phim Việt Nam đã cho xuất bản cuốn Danh mục phim thời sự, tài liệu, tư liệu có hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh (1946 – 2009) để thuận tiện hơn cho công tác lưu trữ, bảo quản và khai thác tư liệu.

 

Cuốn Danh mục phim thời sự, tài liệu, tư liệu có hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh 

do Viện Phim Việt Nam xuất bản năm 2011.

 

Có thể nói cho đến nay, những hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được đề cập khá đầy đủ trong các tác phẩm điện ảnh. Nhưng do hoàn cảnh lịch sử, những thước phim tư liệu về Bác trước năm 1945 dường như có rất ít. Trong những bộ phim tài liệu làm về Hồ Chủ tịch ở giai đoạn trước 1945 như: Nguyễn Ái Quốc đến với LêninĐường về Tổ quốc, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh…các nhà làm phim Việt Nam đã phải rất kỳ công đến những vùng đất - nơi người thanh niên Nguyễn Tất Thành trên hành trình đi tìm con đường cứu nước đã sống và làm việc để tìm kiếm những tư liệu xác thực. Nhưng đó cũng chỉ là những bức ảnh, văn bản bằng giấy, còn tư liệu hình ảnh động dường như chẳng có nhiều. Cùng với thời gian, những thước phim tư liệu sẽ càng trở nên giá trị, hiểu được đó, Viện Phim Việt Nam luôn coi trọng việc gìn giữ, bảo quản các thước phim tư liệu đang lưu trữ nói chung và những hình ảnh về Hồ Chủ tịch nói riêng; đồng thời còn quan tâm tới công tác sưu tầm tìm kiếm tư liệu, nhằm bổ sung thêm cho nguồn tư liệu ngày một phong phú và đầy đủ hơn.

Hiện nay, Viện Phim Việt Nam đang lưu trữ hơn 300 bộ phim tài liệu, thời sự và tư liệu có hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bên cạnh những bộ phim của các đạo diễn Việt Nam làm về Bác, còn có những tác phẩm do các đạo diễn nước ngoài làm về Hồ Chủ tịch như:  Hồ Chí Minh (Cu Ba);  79 mùa xuân      (Cu Ba) Tên Người là Hồ Chí Minh (Liên Xô); Hồ Chủ tịch sang thăm Liên Xô (Liên Xô); Việt Nam kháng chiến       (Trung Quốc); Con đường hữu nghị (Tiệp Khắc)…

Song song với công tác phục vụ các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, sinh viên, các tổ chức chính trị trong và ngoài nước tới lấy tư liệu hình ảnh động về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Viện còn sử dụng những tư liệu đang lưu trữ để sản xuất ra những bộ phim tài liệu có giá trị nghệ thuật về con người và sự nghiệp của Bác như: Hồ Chí Minh – chân dung một con người (1990 - Bông sen vàng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ IX); Bác Hồ với Quảng Ninh (1985); Bác Hồ sống mãi trong lòng đồng bào các dân tộc (1990); Bác Hồ sống mãi (2000); Ba mươi mùa xuân bên lăng Bác (2008)… Những bộ phim này đã phục vụ hàng vạn lượt người xem trong các dịp kỷ niệm ngày sinh nhật Bác và những sự kiện chính trị trọng đại của các địa phương.

Ngoài ra, Viện còn phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản hai ấn phẩm đĩa CD với tên gọi: Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (2007) và Hồ Chí Minh toàn tập (2009). Những đĩa CD này đã được dùng làm tài liệu học tập ở các thư viện của nhà trường, quân đội và nhiều địa phương trong cả nước.

Vào những dịp kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Viện Phim Việt Nam đã tổ chức các cuộc giao lưu, hội thảo, triển lãm áp phích phim và tuần lễ phim đầy ý nghĩa về Người. Năm 2000, kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Bác, Viện tổ chức cuộc Hội thảo với chủ đề: Chủ tịch Hồ Chí Minh với điện ảnh cách mạng Việt Nam. Tại cuộc Hội thảo này đã có rất nhiều bài tham luận của các nghệ sĩ, những người từng có kỷ niệm với Bác Hồ gửi tới. Cuộc Hội thảo đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với những người tham dự. Sau Hội thảo, Viện đã tập hợp những bài tham luận hay để in thành cuốn sách Chủ tịch Hồ Chí Minh với nghệ thuật điện ảnh Việt Nam. Năm 2010, nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh nhật Bác, Viện Phim Việt Nam phối hợp cùng với Bảo tàng Hồ Chí Minh làm cuộc triển lãm áp phích phim với chủ đề Hình ảnh Hồ Chủ tịch trong các tác phẩm điện ảnh, nhằm giới thiệu những tác phẩm điện ảnh làm về Chủ tịch Hồ Chí Minh tới đông đảo người xem... Và còn nhiều hoạt động đầy ý nghĩa khác trong công tác lưu trữ, bảo quản và khai thác tư liệu hình ảnh động về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Viện Phim Việt Nam tiến hành làm trong những năm qua.

 

Hội thảo Chủ tịch Hồ Chí Minh với điện ảnh cách mạng Việt Nam

 

 

Các đại biểu tham quan gian trưng bày triển lãm

Hình ảnh Hồ Chủ tịch trong các tác phẩm điện ảnh

 

Cùng với thời gian, những thước phim tư liệu đòi hỏi phải có sự bảo quản công phu hơn. Viện Phim Việt Nam đã áp dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào công tác phục hồi và bảo quản tư liệu hình ảnh động, nhằm gìn giữ kho tư liệu hình ảnh động của quốc gia nói chung và tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng cho thế hệ mai sau.

 

Minh Phương