Sáng ngày 23/3/2023, lễ khai mạc triển lãm "Dấu ấn 70 năm Điện ảnh cách mạng Việt Nam" đã diễn ra trang trọng tại khuôn viên cơ sở 2 Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh (288 Đỗ Xuân Hợp, phường Phước Long A, thành phố Thủ Đức). Đây là hoạt động do Nhà Văn hóa Điện ảnh tại Thành phố Hồ Chí Minh (Viện Phim Việt Nam) phối hợp tổ chức với các đơn vị trực thuộc Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh.
Đến dự lễ khai mạc, có sự hiện diện của nhiều đại biểu, nghệ sĩ, khách mời, các cơ quan truyền thông, báo, đài và khoảng gần 500 cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh.
Hơn 200 bức ảnh về những sự kiện, tác phẩm, nghệ sĩ tiêu biểu đã làm nên dấu ấn rực rỡ cho nền Điện ảnh cách mạng Việt Nam trong 70 năm qua thông qua 3 chủ đề trưng bày chính: “Sự ra đời của Điện ảnh cách mạng Việt Nam”, “Những tác phẩm đạt giải thưởng Bông Sen Vàng tại 22 Liên hoan Phim Việt Nam” và “Chân dung nghệ sĩ Nhân dân ngành Điện ảnh”, thực sự mang đến nhiều cảm xúc thú vị, hứng khởi cho khán giả, nhất là các bạn sinh viên.
Điều đặc biệt nhất trong lễ khai mạc đó là khán giả được gặp gỡ, giao lưu và trực tiếp nghe Nghệ sĩ Nhân dân Trà Giang chia sẻ thêm về những hình ảnh, tác phẩm điện ảnh Việt Nam đã ghi dấu ấn lịch sử.
Bên cạnh đó, ấn phẩm sách “Áp phích phim điện ảnh Việt Nam theo dòng lịch sử” (tập 1) do Viện Phim Việt Nam biên soạn, xuất bản năm 2023, giới thiệu hơn 200 áp phích phim điện ảnh Việt Nam sản xuất từ năm 1953 đến năm 2000, được trưng bày trong không gian triển lãm, cũng gây sự chú ý cho người xem bởi nội dung khá độc đáo.
Cũng nhân dịp này, Viện Phim Việt Nam đã trao tặng cho Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh 30 quyển sách “Áp phích phim điện ảnh Việt Nam theo dòng lịch sử” (tập 1) và bộ sưu tập hình ảnh lưu trữ 70 năm Điện ảnh cách mạng Việt Nam, để nhà trường tiếp tục giới thiệu đến cán bộ, giảng viên, sinh viên.
Lễ khai mạc triển lãm khép lại bằng chương trình chiếu phim tài liệu “Nước về Bắc Hưng Hải” (Xưởng Phim Thời sự Tài liệu sản xuất năm 1959, phim tài liệu đầu tiên của Điện ảnh cách mạng Việt Nam đạt Huy chương Vàng tại Liên hoan phim Quốc tế Moskva lần I – 1959) và phim hoạt hình Việt Nam đầu tiên - “Đáng đời thằng Cáo” (Xưởng phim Việt Nam sản xuất 1960), đã thu hút rất đông sinh viên Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh.
Bài: Minh Nguyệt
Ảnh: Tấn Thành - Mai Linh