Cùng với nhiều đơn vị khác như: Hãng phim Tài liệu Khoa học TW, Xưởng phim Quân đội, Trung tâm lưu trữ III, Trung tâm tư liệu - Đài THVN..., thì Viện phim Việt Nam cũng đang bảo quản rất nhiều chủng loại vật liệu nghe nhìn với số lượng lớn. Viện hiện có kho lưu trữ ở hai địa điểm tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, lưu trữ gần 80.000 cuốn phim nhựa các loại, kể cả định dạng 35mm, 16mm, các chủng loại âm bản, dương bản, phim trung gian, âm bản tiếng và một số lượng băng từ các loại chuẩn VHS, Umatic, Hi8, Betacam số, Betacam SP, LTO,...

Ngoài nguồn tiếp nhận phim nộp lưu trữ lưu chiểu, Viện Phim còn thường xuyên bổ sung tư liệu qua sưu tầm, trao đổi và quay tư liệu về con người, sự kiện của đất nước. Đây là những nguồn tư liệu quý giá cung cấp phim cho các hoạt động giải trí, tuyên truyền, giáo dục, nghiên cứu lịch sử và nghệ thuật điện ảnh, cung cấp phim làm tài liệu nghiên cứu cho các nhà lý luận, các nhà khoa học về những vấn đề lịch sử, xã hội, văn hóa, giáo dục, quân sự, về các lãnh tụ, danh nhân của nước nhà.

Các chủng loại vật liệu nghe nhìn nói trên được sử dụng để lưu trữ hình ảnh động trong nhiều năm qua. Vì là loại vật liệu mỏng manh, dễ bị tác động bởi môi trường xung quanh nên công tác bảo quản chúng rất cần được chú trọng. Ngay từ khi mới được sản xuất ra thì tất cả các loại vật liệu nghe nhìn đều đã bắt đầu quá trình phân hủy của chúng. Tuy nhiên, quá trình này kéo dài bao lâu, phân hủy nhanh hay chậm thì ngoài yếu tố nội tại là bản chất vật liệu đó, còn có liên quan đến các yếu tố từ bên ngoài như nhiệt độ và độ ẩm bảo quản, kho lạnh, vỏ hộp,…

 

Một số chủng loại vật liệu nghe nhìn

 

Tính đến thời điểm hiện tại, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam chưa có một tiêu chuẩn quốc gia nào về thực hành bảo quản các chủng loại vật liệu nghe nhìn. Do đó, việc xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia về nhóm đối tượng này là việc cần thiết để các đơn vị lưu trữ có cơ sở kỹ thuật nhằm đảm bảo duy trì tuổi thọ cho các chủng loại vật liệu nghe nhìn, lưu giữ di sản văn hóa hình ảnh động cho thế hệ mai sau. Các tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về bảo quản vật liệu nghe nhìn phải nhắm đến xây dựng những yêu cầu cơ bản như nhiệt độ, độ ẩm, độ sạch không khí, kho bảo quản, các phòng lạnh, vỏ hộp đựng, tem nhãn,... để bảo quản vật liệu nghe nhìn sao cho phù hợp nhất với từng chủng loại khác nhau, phù hợp với mục tiêu bảo quản (trung hạn, dài hạn) để vừa đảm bảo hiệu quả tối đa trong bảo tồn tư liệu, vừa tiết kiệm các nguồn lực, tránh lãng phí.

Cho đến nay Ban kỹ thuật tiêu chuẩn này đã xây dựng được trên 190 tiêu chuẩn quốc tế, trong đó có bộ các tiêu chuẩn quốc tế về thực hành bảo quản vật liệu hình ảnh (phim nhựa, băng từ, giấy ảnh, đĩa quang…) gồm 6 tiêu chuẩn sau: Trên phương diện quốc tế, Tổ chức tiêu chuẩn hoá quốc tế ISO đã thành lập Ban kỹ thuật tiêu chuẩn ISO/TC 42 “Photography – Nhiếp ảnh” để thực hiện việc nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn quốc tế về định nghĩa ảnh tĩnh, các phương pháp thử, đo, xếp loại, đánh giá, dán nhãn, xác định và phân loại về kích thước, đặc tính vật lý, đặc điểm biểu hiện của phương tiện truyền thông, các loại vật liệu và thiết bị được sử dụng trong hình ảnh tĩnh hóa học và điện tử; yêu cầu kỹ thuật và khuyến cáo về các đặc tính vật lý và logic, giao diện và định dạng cho hệ thống ghi, gia công và xuất hình ảnh tĩnh; các phương pháp, cách đo, yêu cầu kỹ thuật và hướng dẫn thực hành để bảo quản, bảo tồn toàn vẹn và an toàn cho vật liệu và truyền thông hình ảnh, sự phân hủy của các loại vật liệu.

ISO 18911: 2010 Imaging materials - Processed safety photographic films - Storage practices (Vật liệu hình ảnh - Phim ảnh an toàn đã gia công - Thực hành bảo quản)

ISO 18918:2000 Imaging materials - Processed photographic plates - Storage practices (Vật liệu hình ảnh - Phim ảnh tấm đã gia công - Thực hành bảo quản)

ISO 18920:2011 Imaging materials - Reflection prints - Storage practices (Vật liệu hình ảnh - Giấy ảnh - Thực hành bảo quản)

ISO 18923:2000 Imaging materials - Polyester-base magnetic tape - Storage practices (Vật liệu hình ảnh - Băng từ đế Polyester - Thực hành bảo quản)

ISO 18925:2013 Imaging materials - Optical disc media - Storage practices (Vật liệu hình ảnh - Đĩa quang - Thực hành bảo quản)

ISO 18928:2013 Imaging materials - Unprocessed photographic films and papers - Storage practices. (Vật liệu hình ảnh - Phim và giấy ảnh chưa gia công - Thực hành bảo quản)

 

Phim nhựa 35mm

 

Một nhu cầu thực tế là các cơ quan đang lưu trữ vật liệu nghe nhìn ở Việt Nam, trong đó có Viện phim Việt Nam, đều cần phải có một nhóm các tiêu chuẩn thống nhất quy định các yếu tố cần thiết để lưu trữ từng chủng loại vật liệu nghe nhìn trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, nếu tự nghiên cứu mới tiêu chuẩn quốc gia về bảo quản loại vật liệu kể trên thì ngoài việc phải đầu tư tốn kém về chi phí, thì thời gian để thực hiện các loại thử nghiệm, nghiên cứu là rất dài, đến hàng chục năm. Đấy là chưa kể những khó khăn về nhân lực và thiết bị phục vụ nghiên cứu. Trong khi đó, như đã đề cập ở trên, tổ chức tiêu chuẩn quốc tế cũng đã công bố các ISO về bảo quản vật liệu nghe nhìn. Những ISO này đều đã được soát xét, sửa đổi, bổ sung nhiều lần và đi kèm với chúng là các công trình nghiên cứu khoa học, thử nghiệm, khảo nghiệm công phu, tỉ mỉ. Mặc dù một số các nội dung quy định trong tiêu chuẩn quốc tế có thể vượt quá khả năng đáp ứng và nhu cầu hiện tại của các cơ quan lưu trữ tại Việt Nam. Tuy nhiên, về cơ bản, các tiêu chuẩn quốc tế cũng có nhiều tiêu chí thiết thực cho việc bảo quản vật liệu nghe nhìn trong nước. Chính vì vậy, việc xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về bảo quản vật liệu nghe nhìn trên cơ sở chấp nhận hoàn toàn tiêu chuẩn quốc tế vẫn là rất cần thiết và phù hợp với tình hình nước ta hiện nay.

Bảo quản vật liệu nghe nhìn là bảo quản cả phần phi vật thể - nội dung tư liệu phim và phần vật thể - vật liệu mang nội dung phim. Nếu chúng ta số hóa toàn bộ tư liệu và chuyển sang lưu trữ số hoàn toàn thì chúng ta sẽ không giữ được phần vật thể của bộ sưu tập này. Vì vậy, dù đã bước vào kỷ nguyên kỹ thuật số nhưng việc xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia về bảo quản vật liệu nghe nhìn vẫn rất cần thiết. Viện Phim Việt Nam đặt mục tiêu hiện thực hóa các tiêu chuẩn này trên cơ sở chấp nhận tiêu chuẩn quốc tế trong giai đoạn từ nay đến năm 2021.

 

ThS. Lê Tuấn Anh