Chúng ta đã và đang bước vào thời kỳ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng 4.0). Cuộc cách mạng này được coi là sẽ thay đổi hoàn toàn diện mạo của đời sống con người. Và hiện nay, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội đặt ra nhu cầu tương ứng đối với công tác tiêu chuẩn hóa. Trong hơn 20 năm trở lại đây, công nghệ điện ảnh đã thay đổi hoàn toàn so với toàn bộ khoảng thời gian đã phát triển trước đó và điều này đang đặt ra nhu cầu rất lớn trong việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn của ngành. Không chỉ là bổ sung về mặt số lượng hay chất lượng, mà còn cần phải thay thế những tiêu chuẩn liên quan đến công nghệ phim nhựa truyền thống mà từ lâu đã ít được sử dụng.
Căn cứ đề xuất kế hoạch 05 năm xây dựng TCVN của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc xây dựng tiêu chuẩn quốc gia cho nhóm đối tượng về điện ảnh trong thời gian tới là rất cần thiết. Bởi vì việc làm này là hoàn toàn phù hợp với định hướng chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và của chuyên ngành văn hoá, thể thao và du lịch; phù hợp nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa dịch vụ thuộc quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; bám sát vào các định hướng phát triển cho các nhóm đối tượng và các đối tượng cụ thể của lĩnh vực tiêu chuẩn hoá được xác định; phù hợp với hạ tầng kỹ thuật và công nghệ. Tính đến thời điểm hiện tại, nếu tra cứu trên website của Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (https://tieuchuan.vsqi.gov.vn) thì có thể thấy nhóm tiêu chuẩn quốc gia có đối tượng về điện ảnh là rất hạn chế. Trong đó, một phần ba số tiêu chuẩn là thuộc về khu vực lưu trữ. Nhóm tiêu chuẩn này thường bền vững và ít khi cần phải sửa đổi, bổ sung. Trong hai phần ba còn lại, hầu hết là các tiêu chuẩn liên quan đến các đối tượng thuộc công nghệ truyền thống như phim nhựa 35mm, băng từ, đĩa quang… Những đối tượng này từ lâu chỉ còn được sử dụng trong lưu trữ bảo quản phim. Cuộc cách mạng 4.0 đã thúc đẩy khoa học kỹ thuật phát triên liên tục và ngày càng nhanh hơn làm cho vòng đời của công nghệ ngày càng ngắn lại và sớm trở nên lỗi thời. Điều đó làm cho công tác xây dựng hệ thống tiêu chuẩn ngày càng phải sớm cập nhật để theo kịp với thực tiễn. Trong bối cảnh như vậy thì thực tế những tiêu chuẩn quốc gia gần đây nhất mà chúng ta xây dựng về công nghệ điện ảnh đã ra đời từ khoảng 10 năm trước. Có thể kể ra ở đây một số tiêu chuẩn như: TCVN 9828:2013 Rạp chiếu phim - Phương pháp đo các chỉ tiêu kỹ thuật về hình ảnh và âm thanh, TCVN 9829:2013 Bản phát hành phim màu 35mm - Yêu cầu kỹ thuật về hình ảnh, TCVN 9830:2013 Bản phát hành phim màu 35mm - Yêu cầu kỹ thuật về âm thanh,… Phạm vi áp dụng của toàn bộ các tiêu chuẩn kể trên đều nhắm đến đối tượng là hình ảnh phim nhựa 35mm và âm thanh 5.1. Để dễ dàng thấy được sự tương phản giữa công nghệ trong thực tế và hệ thống tiêu chuẩn hiện hành, ta có thể nhìn vào công nghệ chiếu bóng để so sánh. Với sự đầu tư rất lớn từ những doanh nghiệp nước ngoài và tư nhân, những cụm tổ hợp rạp chiếu liên hoàn (Cineplex) đã ra đời và đều được trang bị những thiết bị hiện đại. Những công nghệ hình ảnh và âm thanh hàng đầu trong trình chiếu phim kỹ thuật số đều đã có mặt tại Việt Nam như IMAX, 4DX, Dolby Atmos,… và vẫn tiếp tục xuất hiện những công nghệ mới hơn nữa. Tất cả những điều đó cho thấy ngành điện ảnh cần phải sớm xây dựng cho mình một loạt các tiêu chuẩn quốc gia để bổ sung cho sự thiếu hụt về mặt số lượng, để thay thế cho các tiêu chuẩn về công nghệ đã không còn phù hợp và tạo cơ sở thuận lợi cho công tác quản lý theo ngành. Việc xây dựng tiêu chuẩn quốc gia cho nhóm đối tượng về điện ảnh kỹ thuật số trong thời gian trước mắt sẽ có những thuận lợi nhất định. Đó là các công nghệ này đã được khai thác, sử dụng rộng rãi trên thế giới và tại Việt Nam. Do vậy, tính khả thi các tiêu chuẩn này là điều không cần phải bàn cãi. Việc triển khai khảo sát, khảo nghiệm hay đánh giá tình hình đối tượng ở nước ngoài, cũng như trong nước đều sẽ rất thuận lợi bởi có sự hỗ trợ rất rõ ràng từ cơ sở thực tiễn. Nhóm đối tượng tiêu chuẩn này cũng sẽ đáp ứng được các yêu cầu về phát triển kinh tế xã hội, đồng thời đảm bảo hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực. Mặc dù vậy, bên cạnh những thuận lợi thì việc xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực điện ảnh sẽ gặp phải một số khó khăn. Khó khăn đầu tiên phải kể đến là đội ngũ chuyên gia chất lượng cao về công nghệ điện ảnh là không nhiều. Các chuyên gia được tào đạo chính quy ở nước ngoài đều đã từ rất lâu trước đây và chuyên môn chính là về công nghệ điện ảnh truyền thống, chưa có thời gian tiếp xúc lâu dài với công nghệ điện ảnh kỹ thuật số. Công nghệ được các hãng áp dụng trong chiếu phim hay âm thanh kỹ thuật số là rất đa dạng và mang tính độc quyền. Việc xác định các phương pháp đo cho các chỉ tiêu kỹ thuật sẽ tương đối phức tạp và hệ thống thiết bị, nhà xưởng phục vụ cho việc đo đạc kể trên có thể còn chưa đầy đủ. Tốc độ phát triển khoa học kỹ thuật ngày càng nhanh hơn làm cho vòng đời của các công nghệ ngày càng ngắn hơn, điều đó có thể khiến cho các tiêu chuẩn sớm trở nên lỗi thời và cần được soát xét, bổ sung, thay thế với tần suất cao hơn so với các công nghệ truyền thống vốn rất ổn định theo thời gian.
Ảnh 1: So sánh màn ảnh IMAX với màn ảnh tiêu chuẩn
Nhằm thực hiện “Kế hoạch phát triển Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ngành văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2030”, chúng ta cần tiếp tục xây dựng và từng bước hoàn thiện nhóm đối tượng tiêu chuẩn về điện ảnh theo hướng phù hợp quy định của pháp luật, cam kết quốc tế có liên quan, yêu cầu hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiến bộ khoa học và công nghệ, điều kiện và nhu cầu phát triển kinh tế xã hội trong nước. Để thực hiện kế hoạch trên một cách thuận lợi, đảm bảo tính khả thi thì chúng ta nên cân nhắc xây dựng nhóm đối tượng tiêu chuẩn về điện ảnh trên cơ sở chấp nhận hoàn toàn tương đương (hoặc tham khảo, viện dẫn tối đa) các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực. Bởi vì nếu tự nghiên cứu xây dựng mới tiêu chuẩn quốc gia thì ngoài việc phải đầu tư tốn kém về chi phí, thì thời gian để thực hiện các loại thử nghiệm, nghiên cứu là rất dài, có thể lên đến nhiều năm. Đấy là chưa kể những khó khăn về nhân lực và thiết bị phục vụ nghiên cứu. Trong khi đó, những tiêu chuẩn quốc tế và khu vực đã đều đã được soát xét, sửa đổi, bổ sung nhiều lần và đi kèm với chúng là các công trình nghiên cứu khoa học, thử nghiệm, khảo nghiệm công phu, tỉ mỉ. Hơn thế nữa, các công nghệ điện ảnh mà chúng ta đang sử dụng đều là khai thác thiết bị nhập khẩu nguyên bản từ nước ngoài, mà các thiết bị này khi sản xuất ra đều phải tuân theo, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực, chính vì lẽ đó, việc xây dựng tiêu chuẩn quốc gia nhóm đối tượng về điện ảnh trên cơ sở chấp nhận tương đương, viện dẫn tiêu chuẩn quốc tế và khu vực là hoàn toàn phù hợp.
Ảnh 2: Hệ thống âm thanh Auro-3D tồn tại dưới nhiều sơ đồ kênh, phổ biến nhất là 11.1 và 13.1
Theo kế hoạch xây dựng TCVN trong 05 năm tới của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các nhóm đối tượng cụ thể về điện ảnh cần được tiêu chuẩn hóa là Rạp chiếu phim (Yêu cầu kỹ thuật về hình ảnh, âm thanh; phương pháp đo các chỉ tiêu kỹ thuật về hình ảnh và âm thanh...); Bản phát hành phim kỹ thuật số (Yêu cầu kỹ thuật về hình ảnh và âm thanh); Băng hình, đĩa hình phim video - Bản gốc. Đối với nhóm đối tượng này thì nguồn tham khảo đầu tiên cần nghiên cứu kỹ lưỡng là các hệ thống tiêu chuẩn quốc tế ISO và SMPTE. Đối với hệ thống tiêu chuẩn quốc tế ISO, các số hiệu từ ISO 26428 đến ISO 26433 là dành cho điện ảnh kỹ thuật số. Một hệ thống tiêu chuẩn khác nữa mà chúng ta có thể tham khảo đó là SMPTE. SMPTE (The Society of Motion Picture and Television Engineers) là hiệp hội kỹ sư hình ảnh động và truyền hình, được thành lập vào năm 1916 với tên gọi Hiệp hội kỹ sư điện ảnh hoặc SMPE, là hiệp hội chuyên nghiệp toàn cầu gồm các kỹ sư, nhà công nghệ và giám đốc điều hành làm việc trong lĩnh vực truyền thông và giải trí. Đây là tổ chức tiêu chuẩn được quốc tế công nhận. Hội đã dành riêng các tiêu chuẩn có số hiệu từ ST 428 đến ST 433 để chuẩn hóa các đối tượng điện ảnh kỹ thuật số.
Ảnh 3: Yêu cầu kỹ thuật của DCI phiên bản mới nhất (1.4.3)
Một nguồn tham khảo khác để xây dựng tiêu chuẩn quốc gia có đối tượng về rạp chiếu phim kỹ thuật số và bản phát hành phim kỹ thuật số là “Yêu cầu kỹ thuật Hệ thống Điện ảnh kỹ thuật số” của DCI. DCI là viết tắt cho Digital Cinema Initiatives, LLC (DCI) là tổ chức được thành lập bởi bảy hãng phim của Hollywood, với mục đích chính là để phát triển một bộ những yêu cầu kỹ thuật cơ bản, thống nhất cho việc trình chiếu phim điện ảnh kỹ thuật số. Việc áp dụng yêu cầu kỹ thuật của DCI là hoàn toàn tự nguyện và trên lý thuyết, tất cả các nhà phân phối không thuộc tổ chức DCI đều có thể chọn một định dạng phát lại phim điện ảnh kỹ thuật số hoàn toàn khác. Tuy nhiên, ngành công nghiệp điện ảnh Hollywood đóng vai trò quan trọng trên phạm vi quốc tế đã làm cho yêu cầu kỹ thuật của DCI ngầm trở thành tiêu chuẩn quốc tế, ít nhất là đối với những rạp chiếu bóng muốn chiếu phim của Hollywood. Mặc dù DCI không phải là một cơ quan có chức năng xây dựng tiêu chuẩn, còn Hiệp hội kỹ sư hình ảnh động và truyền hình (SMPTE) là cơ quan chuẩn hóa nhưng Hiệp hội đã phải dựa rất nhiều vào DCI trong quá trình phát triển những tiêu chuẩn SMPTE cho công nghệ điện ảnh kỹ thuật số như SMPTE ST 428 đến 433.
Sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ điện ảnh sang kỹ thuật số hiện đang đặt ra nhu cầu rất lớn trong việc tiêu chuẩn hóa các nhóm đối tượng về điện ảnh. Việc này vừa phải đảm bảo tăng cường về số lượng, vừa phải bổ sung cho các tiêu chuẩn hiện hành đã đi sau thực tiễn một quãng tương đối xa. Một kế hoạch cụ thể cho công tác xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về nhóm đối tượng lĩnh vực điện ảnh đã được vạch ra nhằm đáp ứng nhu cầu tất yếu của thực tiễn. Thời điểm hiện tại có nhiều điều kiện thuận lợi để hoàn thành nhiệm vụ này, mặc dù, bên cạnh đó cũng còn không ít khó khăn và thử thách. Tuy vậy, kế hoạch tiêu chuẩn hóa lĩnh vực điện ảnh vẫn có tính khả thi khi mà những công nghệ trình chiếu nổi bật đã hoàn toàn đi vào thực tiễn và các hệ thống tiêu chuẩn quốc tế thì vẫn luôn sẵn sàng để chúng ta có thể tận dụng và khai thác.
ThS. Lê Tuấn Anh
Tài liệu tham khảo
- Torkell Sætervadet, FIAF Digital Projection Guide, Brussels: FIAF, 2012
- Digital Cinema Initiatives, LLC (DCI), Digital Cinema System Specification
- Các hệ thống tiêu chuẩn ISO, SMPTE