Thuật ngữ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã được nhắc tới rất nhiều lần nhằm để chỉ sự phát triển của các công nghệ hiện đại. Đến năm 2016, cụm từ này được lấy làm chủ đề cho Diễn đàn kinh tế thế giới lần thứ 46 tại Davos, Thụy Sĩ và nhanh chóng khái niệm Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được biết đến một cách rộng rãi trên phạm vi toàn thế giới. Đây là cuộc cách mạng được đánh giá sẽ có những tác động sâu rộng, toàn diện lên đời sống của con người trên tất cả các lĩnh vực. Và ngành công nghiệp Điện ảnh nói chung, cũng như công tác sản xuất, bảo quản phim nói riêng cũng không nằm ngoài những tác động đó.

Sự phát triển của điện ảnh luôn gắn liền với sự phát triển của khoa học công nghệ. Trong lịch sử, đã có ba cuộc cách mạng công nghiệp và tương ứng với chúng là những giai đoạn phát triển khác nhau của ngành công nghiệp điện ảnh. Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất bắt đầu vào cuối thế kỷ thứ 18 ở Anh và được đánh dấu sự ra đời của động cơ hơi nước, thép, và các loại máy móc sử dụng động cơ hơi nước. Biểu tượng của cuộc cách mạng này chính là động cơ hơi nước. Nội dung của cuộc cách mạng công nghiệp 1.0 là nó giúp con người tăng năng suất lao động, là nền tảng để các loại máy móc hiện đại mới ra đời. Tương tự với sự ra đời của máy móc trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất là sự xuất hiện của các thiết bị nhiếp ảnh, điện ảnh đầu tiên dựa trên cơ chế điều khiển thủ công - cơ chế quang học cơ khí đơn giản nhất và hệ thống chiếu sáng. Đó là những chiếc máy tích hợp cả quay phim lẫn chiếu phim và kéo theo sau đó là những rạp chiếu bóng quang học đầu tiên, những buổi công chiếu phim đầu tiên.

Cách mạng công nghiệp 2.0 (lần thứ hai) bắt đầu vào cuối thế kỷ 19, khi nền công nghiệp bắt đầu không cung cấp đủ hàng hóa cho thị trường rộng lớn. Và dây chuyền sản xuất hàng loạt đã ra đời, đẩy mạnh quá trình sản xuất. Giai đoạn này, cùng với sự ra đời của điện, ngành công nghiệp điện ảnh cũng có những biến đổi lớn. Đó là sự xuất hiện các thiết bị điện ảnh điện tử, các thiết bị tích hợp đã phân tách thành các nhánh máy quay và máy chiếu độc lập nhau. Quy trình sản xuất phim cũng trở nên phức tạp hơn và theo dạng dây chuyền sản xuất công nghiệp. Giai đoạn này còn chứng kiến sự phân tách bên trong các hãng sản xuất phim lớn thành những bộ phận chuyên biệt về mặt chức năng như: sản xuất, gia công, nghiên cứu.

 Nền công nghiệp đang trên đà phát triển mạnh nhờ vào việc đã sản xuất hàng loạt. Tuy nhiên vẫn còn cần sử dụng rất nhiều con người để vận hàng máy móc, chi phí vận hành vẫn rất cao và sự sai sót có thể xảy ra do lỗi con người. Vào những năm 1970, một cuộc cách mạng nữa đã xảy ra, đó là cuộc cách mạng của sản xuất tự động với sự gắn kết của thiết kế điện tử, chất bán dẫn, máy tính và Internet. Và điều đó dẫn đến cuộc cách mạng lần thứ ba trong ngành công nghiệp điện ảnh, được đánh dấu bằng sự xuất hiện những chiếc máy tính đầu tiên trong sản xuất phim. Quy trình làm phim bắt đầu sử dụng hiệu ứng đặc biệt, dựng phim điện tử và xa hơn nữa là sự số hóa tất cả các công đoạn sản xuất điện ảnh. Các hãng phim lớn bắt đầu bị phân chia thành các công ty dịch vụ nhỏ chuyên môn hóa cao như hãng chuyên âm thanh, hãng chuyên hiệu quả đặc biệt.

Vậy thì cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư này, với nội dung chính xoay quanh Internet vạn vật, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, nhà máy thông minh, sẽ thay đổi diện mạo ngành điện ảnh như thế nào? Theo Oleg Berezin (Nevafilm - Nga, Chủ tịch của Hiệp hội Kỹ sư Điện ảnh và Truyền hình tại Nga), đơn vị sản xuất - thành phần cốt lõi của ngành sản xuất phim giai đoạn này sẽ là “các nhà máy hình ảnh động kỹ thuật số” (digital motion picture factory). Bên trong nhà máy đó, “các bộ phim sẽ là sự kết hợp và lắp ráp các mô hình tĩnh và động vào trong một kịch bản kỹ thuật số”. Mô hình kỹ thuật số của của phim là sự phát triển hợp lý của các công nghệ hiện tại như các trò chơi điện tử, nhân vật hoạt hình, công nghệ hiệu quả hình ảnh và hậu kỳ kỹ thuật số. Công nghệ ngày nay cho phép tạo ra những diễn viên kỹ thuật số hoặc tạo ra bản số “sinh đôi” của các diễn viên điện ảnh. “Công nghệ chụp chuyển động cho phép tạo ra các mặt nạ kỹ thuật số truyền tải tất cả các sắc thái của biểu cảm khuôn mặt và chuyển động cơ thể của không chỉ con người mà cả động vật, cả thực và ảo”. Ngoài ra, diện mạo, trang phục diễn viên, cảnh quay, khói lửa trong chiến đấu…, tất cả đều có thể là ảo và được tập hợp lại thành các thư viện mô hình kỹ thuật số. Và khi xem một bộ phim, người ta có thể không thể phân biệt được đâu là thật và đâu là do kỹ thuật số tạo ra. Các công nghệ này có thể chỉ đóng vai trò hỗ trợ và bổ sung chứ không hoàn toàn thay thế cách làm phim như hiện nay, mặc dù, khả năng hoàn thành một bộ phim chỉ bằng công nghệ và lập trình là hoàn toàn khả thi.

Công tác bảo quản phim ngay từ thời điểm hiện tại đã bao gồm cả phim nhựa truyền thống lẫn phim kỹ thuật số mới sản xuất. Quy trình bảo quản tại các cơ quan lưu trữ hình ảnh động thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư vẫn sẽ như sau:

 

Hình 1: Quy trình bảo quản tư liệu hình ảnh động

                                                                                   

Công tác bảo quản phim nhựa truyền thống hoàn toàn không có gì thay đổi, vẫn tu sửa thủ công định kỳ, kiểm tra độ chua, diệt mốc... Tuy nhiên, về mặt số lượng, phim nhựa sẽ không tăng thêm nữa. Kể cả các bản phim nhựa thiếu bộ bản hay suy giảm chất lượng vì số lượng phim sống được sản xuất ra trên thị trường ngày càng hạn chế và giá thành ngày càng cao. Để kéo dài tối đa tuổi thọ cho phim nhựa thì cần đảm bảo làm tốt hai yếu tố: tối ưu hóa môi trường bảo quản và thường xuyên kiểm tra, đánh giá chất lượng phim lưu trữ để kịp thời có biện pháp xử lý phù hợp. Về môi trưởng bảo quản tối ưu dành cho phim nhựa, chúng ta có thể áp dụng những quy định trong tiêu chuẩn quốc tế ISO 18911:2010 Imaging materials - Processed safety photographic films - Storage practices (tạm dịch “Vật liệu hình ảnh - Phim nhựa đế an toàn đã gia công - Thực hành bảo quản”) hoặc ISO 11799:2003 Information and documentation - Document storage requirements for archive and library materials (tạm dịch là “Thông tin và tài liệu - Yêu cầu về bảo quản tài liệu cho các vật liệu lưu trữ và thư viện”)Tiêu chuẩn quốc tế ISO 18911 quy định đầy đủ các yếu tố về điều kiện môi trường bảo quản (nhiệt độ, độ ẩm, độ sạch không khí), phương tiện bảo quản (hộp đựng, giá bảo quản, lõi cuốn phim), xử lý và kiểm tra dành cho tất cả các phim nhựa đế an toàn đã gia công ở mọi định dạng khác nhau, cho cả mục đích bảo quản trung hạn (tối thiểu 10 năm) và dài hạn. Ngoài ra, chúng ta có thể tham khảo thêm các tài liệu hướng dẫn bảo quản phim của các Viện lưu trữ lớn trên thế giới như IPI (Viện Phim Vĩnh Cửu, Hoa Kỳ), Viện phim Quốc gia Úc, hãng Kodak… Để đánh giá chất lượng bản phim nhựa lưu trữ, hệ thống ISO có khá nhiều tiêu chuẩn để áp dụng như ISO 18901: Vật liệu hình ảnh - Phim đen trắng bạc-gelatine đã gia công - Yêu cầu kỹ thuật cho sự ổn định, ISO 18909: Nhiếp ảnh - Phim nhựa và giấy ảnh màu đã gia công - Các phương pháp xác định độ ổn định hình ảnh… Nếu ở Việt Nam, ta còn có thể áp dụng TCVN 11773:2016 Bản phim nhựa lưu trữ - Yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử để đánh giá chất lượng và phân loại phim nhựa. Mặc dù hệ thống ISO có rất nhiều tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng phim nhựa nhưng mỗi tiêu chuẩn thường chỉ đưa ra phương pháp xác định một loại lỗi kỹ thuật. Trong khi TCVN nói trên có phương pháp thử cho mọi loại lỗi từ xước, mốc, chua, co ngót… Theo tính toán, nếu phim nhựa mới sản xuất được bảo quản trong điều kiện thỏa mãn các tiêu chuẩn trên thì có thể đạt đến tuổi thọ là 500 năm. Đó là trong điều kiện lý tưởng, còn thực tế việc xác định tuổi thọ của phim thì có thể áp dụng hai phương pháp cụ thể. Thứ nhất là theo tài liệu New tools for Preservation: Accessing long-term Environmental Effects on Library and Archives Collections (tạm dịch là “Công cụ bảo quản mới: Xác định những tác động của môi trường dài hạn lên bộ sưu tập của các Thư viện và Viện lưu trữ”) của tác giả James M. Reilly (Viện Phim Vĩnh Cửu - IPI). Theo tài liệu này, cách đơn giản để xác định tuổi thọ của một loại vật liệu hữu cơ ngắn hạn như là giấy, ảnh màu, băng từ,… trong một môi trường bảo quản không đổi nên dựa vào giá trị PI (Preservation Index - tạm dịch là “Chỉ số Bảo quản”). Thứ hai, là sử dụng công cụ của Viện Phim Vĩnh Cửu (IPI, Hoa Kỳ) để xác định khoảng thời gian để phim đế acetate mới gia công bắt đầu chua (đạt độ a-xít 0,5) trong các điều kiện môi trường bảo quản nhất định. Các kết quả theo cả hai cách đều xấp xỉ nhau và chỉ mang tính chất tương đối, vì còn có những yếu tố khác ảnh hưởng đến tuổi thọ dự tính của phim nhựa như việc đưa phim ra khỏi kho để khai thác và sử dụng hay lịch sử bảo quản của bản phim đó.

Ở công đoạn số hóa, phim nhựa sẽ được quét (scan) sang các tệp (file) ảnh tĩnh ở độ phân giải cao. Mặc dù còn có những tranh cãi về độ phân giải đủ để số hóa phim nhựa, nhưng nhiều ý kiến cho rằng quét 4K phù hợp với phim nhựa cỡ 35mm. Một số khác thì cho rằng 4K chỉ đủ cho ảnh tĩnh, còn với hình ảnh động thì cần độ phân giải cao hơn mới tương đương phim 35mm. Một số tính toán thì cho thấy để các phòng chiếu phim số lớn (có màn ảnh rộng trên 10m) đạt chất lượng trình chiếu tối ưu cho tất cả các hàng ghế thì độ phân giải cần là khoảng 5400 điểm ảnh theo chiều ngang (tương đương khoảng 5K). Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ thì độ phân giải của máy quét sẽ ngày càng tăng lên và biến những tranh cãi ở trên trở thành vô nghĩa. Hiện nay trên thị trường, một số hãng thiết bị công nghệ đã chào hàng máy quét 10K và ở đâu đó trong các phòng thì nghiệm đã có máy quét 16K. Bên cạnh độ phân giải, các máy quét đời mới còn áp dụng thêm nhiều công nghệ mới như “chớp nhiều lần” (để quét phim có dải động lớn), định vị khuôn hình bằng quang học (tăng ổn định khuôn hình), thay cảm biến CCD bằng CMOS, sử dụng nguồn sáng LED… Như vậy, có thể thấy rằng công nghệ hiện nay đã gần như đạt đến ngưỡng về cả tính năng, lẫn nhu cầu về độ phân giải cần thiết cho máy quét. Bởi vì máy quét phim chỉ sử dụng trong thời kỳ chuyển giao từ phim nhựa truyền thống sang phim kỹ thuật số. Do đó, khi người ta đã số hóa toàn bộ lượng phim nhựa hiện đang bảo quản sang tệp số ở độ phân giải cao hơn cả bản phim gốc thì dòng thiết bị này sẽ không còn tác dụng nữa và vòng đời của nó sẽ chấm dứt.

 Công tác tu sửa phim kỹ thuật số thì có ít nhiều khác biệt so với hiện nay. Ngoài việc, độ phân giải hình ảnh ngày càng được nâng cao theo chất lượng máy quét thì các phần mềm phục chế sẽ trở nên mạnh mẽ hơn nhờ công nghệ hình ảnh. Việc tu sửa này cũng khó đạt đến tới hạn khi mà người ta có thể phục chế nhiều lần cùng một bộ phim, miễn là, chất lượng phiên bản sau cao hơn phiên bản đã sửa trước đó. Ngay từ thời điểm hiện tại, việc tu sửa phim đã có sự hỗ trợ rất mạnh từ công nghệ xử lý hình ảnh. Trong đó có thể kể tới việc sử dụng “lớp màu thứ tư” trong các máy quét tiên tiến nhất. Máy quét loại này bên cạnh nguồn sáng gồm ba màu cơ bản Đỏ, Lục Lam như hiện tại, còn sử dụng tia hồng ngoại để quét hình ảnh phim. Điều này cho phép phát hiện ra các hạt bụi, dấu vân tay và vết xước trên bề mặt phim. Nhờ vậy các lỗi cơ học trên sẽ được xử lý ngay trong quá trình quét phim mà không cần phải làm mờ hoặc biến đổi hình ảnh gốc. Tuy nhiên, việc tu sửa phim này ngoài việc loại bỏ các lỗi kỹ thuật để chất lượng gần với bản gốc nhất thì rất có thể sẽ rẽ sang một hướng khác, phụ thuộc vào phương thức hưởng thụ các tác phẩm điện ảnh về sau này như là phim đa chiều hay thực tế ảo (VR). Khi đó, người ta có thể giả lập phim 2D thành phim nhiều chiều hơn hoặc cấu trúc lại dữ liệu thành phim dạng thực tế ảo. Việc lưu trữ dữ liệu số sẽ đặc biệt thay đổi về mặt công nghệ và quy mô. Sẽ có hai sự lựa chọn, lưu trữ tại chỗ và lưu trữ trực tuyến. Lưu trữ tại chỗ an toàn hơn cho việc kiểm soát dữ liệu và phù hợp với khối lượng bộ sưu tập phim lớn. Đó sẽ là các trung tâm dữ liệu (Data Centre) hoặc Thư viện băng dữ liệu (Tape Library) rất lớn. Nếu số lượng phim không nhiều thì có thể thuê không gian lưu trữ thông qua điện toán đám mây.

Với sự phát triển mạnh mẽ của Internet vạn vật, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, việc kết nối giữa hệ thống sản xuất phim mới, phim lưu trữ và người sử dụng sẽ hoàn toàn thông qua các kênh phân phối trực tuyến băng thông rộng. Các sản phẩm hình ảnh động sẽ nhắm tới ba đối tượng khách hàng khác nhau: Nhóm khách hàng lớn, nhóm khách hàng nhỏ và khách hàng cá nhân. Định dạng của các bản phim kỹ thuật số sẽ phải rất linh hoạt và được thay đổi cho phù hợp với đối tượng khách hàng và theo phương thức mà khách hàng lựa chọn. Đối với nhóm khách hàng lớn, khán giả xem phim trên các màn ảnh rộng tại hệ thống rạp chiếu bóng, sân vận động... Đối với nhóm khách hàng nhỏ, phim sẽ phát lại trên các màn ảnh nhỏ như các hệ thống chiếu bóng gia đình (Home Theatre), truyền hình độ nét cao… Ngoài ra, khách hàng còn có thể xem phim bằng các phương tiện cá nhân như máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh…nhờ các hệ thống viễn thông thế hệ thứ 5 (5G).

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra sẽ thay đổi cơ bản cuộc sống của con người trên tất cả mọi lĩnh vực. Ngành công nghiệp điện ảnh cũng sẽ có một diện mạo mới nhờ sự phát triển công nghệ và thật khó để lường hết những thay đổi sẽ xảy ra. Có một điều chắc chắn là tất cả các khâu từ sản xuất, phát hành, bảo quản các tác phẩm điện ảnh đều chịu những tác động mạnh mẽ. Tuy vậy, những công nghệ tương lai luôn có khả năng nằm ngoài tầm hiểu biết của con người ở thời điểm hiện tại. Vì thế, những đánh giá trên đây dù dựa trên những cơ sở tương đối chắc chắn thì thực tế vẫn có thể diễn ra theo một chiều hướng hoàn toàn khác.

 

Tài liệu tham khảo

[1] TS Hoàng Như Yến, Lưu trữ hình ảnh động trong thời kỳ công nghệ số, Hội nghị thường niên SEAPAVAA, 2012.

[2] TCVN 11773:2016 Bản phim nhựa lưu trữ - Yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử

[3] Oleg Berezin, Film Industry 4.0 and the Digital Motion Picture Factories, 2017.

[4] Torkell Satervadet, FIAF Digital projection guide, 2012.

[5] James M. Reilly, IPI, New tools for Preservation: Accessing long-term Environmental Effects on Library and Archives Collections

[6] ISO 18911:2010 Imaging materials - Processed safety photographic films - Storage practices

[7] ISO 11799:2003 Information and documentation - Document storage requirements for archive and library materials

 

ThS. Lê Tuấn Anh