Nhật Bản là một trong những đất nước có nền công nghiệp điện ảnh lâu đời nhất trên thế giới. Các mốc: trước 1945, thập niên 1950 và 1960, thập niên 1970 và 1980, từ thập niên 1990 đến nay; điện ảnh Nhật Bản trải qua nhiều thăng trầm và gặt hái được những thành quả lớn lao, đóng góp vào thành tựu điện ảnh thế giới.  

Nghiên cứu về điện ảnh Nhật Bản trở thành vấn đề đặc biệt được quan tâm. Đó chính là lí do cuốn Điện ảnh Nhật Bản (tác giả Tadao Sato) được công phu dịch sang tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Việt… vẫn giữ được cốt lõi nội dung của văn bản gốc. Năm 2012, Viện Phim Việt Nam xuất bản tài liệu lưu hành nội bộ: Điện ảnh Nhật Bản (dịch giả: Đặng Minh Liên).

 

 

Cuốn sách cung cấp từng mốc rất chi tiết và đáng chú ý của điện ảnh Nhật Bản từ năm 1896 (khi đất nước này có máy chiếu phim) đến năm 1981. Với hơn 300 trang, ấn phẩm mang đến cho bạn đọc nhiều nội dung quý giá về nền điện ảnh của đất nước này – từ vấn đề bao quát “Truyền thống và biến đổi trong nền điện ảnh Nhật Bản” đến các nội dung chi tiết như: Hai loại nhân vật nam chủ đạo của điện ảnh Nhật Bản, vấn đề Ảnh hưởng của phim nước ngoài, Biến đổi trong các phim “chính kịch lịch sử”, Nhân vật nữ, Phim chiến tranh, Đề tài gia đình, Nhân vật tội ác… Lồng vào trong các nội dung, người viết nghiên cứu sâu sắc một số tác giả quan trọng của điện ảnh Nhật Bản như: Ozu, Mizoguchi… đồng thời tổng kết thủ pháp điện ảnh cơ bản mà các tác giả này sử dụng. Ấn phẩm là tài liệu nghiên cứu quý giá cung cấp cho ta cái nhìn trên cả bề rộng và chiều sâu về điện ảnh Nhật Bản, mang lại tri thức nền tảng cơ bản quan trọng để nghiên cứu điện ảnh Nhật Bản hiện tại và trong tương lai.

Bài và ảnh: Phương Thảo