Viện Phim Việt Nam là đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được thành lập ngày 22/9/1979 với chức năng lưu chiểu, lưu trữ phim và bảo quản các tư liệu điện ảnh, nghiên cứu lý luận, công nghệ lưu trữ điện ảnh, khai thác phổ biến các tư liệu điện ảnh theo quy định của pháp luật. Trải qua hơn 40 năm hoạt động, kho phim của Viện Phim Việt Nam hiện đang lưu giữ gần 80.000 cuốn phim nhựa 35mm, 16mm, hơn 20 ngàn tên phim và hàng chục ngàn băng video các loại. Danh mục phim đang lưu trữ tại kho phim Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh của Viện phim Việt Nam hiện khá phong phú. Đó là các tác phẩm điện ảnh Việt Nam và nước ngoài, đặc biệt là khối lượng lớn tư liệu phản ánh thời kỳ chiến tranh, bảo vệ và xây dựng tổ quốc của điện ảnh Cách mạng Việt Nam, những hình ảnh vô giá về Hồ Chủ Tịch cùng các bộ sưu tập phim điện ảnh Cách mạng, phim tư liệu do nhiều tổ chức nước ngoài trao tặng...

     SEAPAVAA là Hiệp hội các Viện Lưu trữ Nghe nhìn Đông Nam Á – Thái Bình Dương được thành lập năm 1996 tại Manila – Philippines. Sự ra đời của Hiệp hội đã thể hiện ý thức trách nhiệm và nhận thức của các nhà chuyên môn cũng như Chính phủ các nước đối với sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa nghe nhìn của khu vực. Cuộc họp mặt hằng năm của Đại hội đồng do các nước thành viên luân phiên đăng cai tổ chức, luôn là cơ hội giúp những người làm công tác lưu trữ hình ảnh động có điều kiện học hỏi, chia sẻ, tiếp cận với công nghệ mới, nhằm bảo quản tốt nhất di sản nghe nhìn của mỗi quốc gia.

     Là trung tâm lưu trữ hình ảnh động quốc gia, đồng thời là một trong những thành viên sáng lập ra Hiệp hội SEAPAVAA; thành viên của Liên đoàn các cơ quan Lưu trữ Phim Quốc tế (FIAF), Viện Phim Việt Nam đã có những đóng góp hết mình vào sự trưởng thành và phát triển của Hiệp hội. Kể từ khi ra đời năm 1996 của SEAPAVAA, Viện luôn đồng hành và tích cực tham gia vào các hoạt động chuyên ngành, chia sẻ những công trình nghiên cứu, đặc biệt là kinh nghiệm trong việc xử lý hội chứng dấm đối với phim nhựa (Hội chứng phim chua trong quá trình lưu trữ, bảo quản) qua công trình nghiên cứu của TS Ngô Hiếu Chi. Năm 2000,Viện đã hợp tác với Hiệp hội và nhà nghiên cứu Điện ảnh David Hanan xuất bản công trình nghiên cứu Điện ảnh Đông Nam Á – Cái nhìn từ khu vực, giúp công tác lưu trữ nghe nhìn có cái nhìn toàn cảnh về điện ảnh các nước Đông Nam Á. Cuốn sách đã được các bạn đồng nghiệp đón nhận và là ấn phẩm thể hiện sự chuyển mình toàn diện của Viện Phim Việt Nam trong việc hợp tác, trao đổi công tác chuyên môn.

     Từ năm 1998 đến năm 2012, Viện Phim Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công 3 kỳ Hội nghị, để lại ấn tượng mạnh mẽ và được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Bà Benila Capul – nguyên Chủ tịch SEAPAVAA đã phát biểu tại liên Hội nghị FIAF và SEAPAVAA năm 2004: “Việc Viện Phim Việt Nam đăng cai tổ chức liên Hội nghị FIAF và SEAPAVAA thể hiện một bước tiến trong cam kết của Viện Phim Việt Nam đối với sự nghiệp lưu trữ nghe nhìn… Trong những năm qua, SEAPAVAA đã chứng kiến sự tăng trưởng và phát triển của Viện Phim Việt Nam, từ một Viện lưu trữ tự đi lên trong điều kiện cơ sở vật chất giới hạn của mình, Viện Phim Việt Nam đã trở thành thành viên tích cực. Sau thành công của Hội nghị FIAF và SEAPAVAA năm 2004, sẽ mở ra cơ hội cho sự hợp tác, phát triển ở tầm cao mới. Các thành viên như Việt Nam sẽ giúp SEAPAVAA trở nên đúng nghĩa của nó”.

 

3 KỲ HỘI NGHỊ SEAPAVAA TỔ CHỨC TẠI VIỆT NAM

 

     Hội nghị SEAPAVAA lần thứ 3 năm 1998 được tổ chức tại Hà Nội

 

   

Hội nghị SEAPAVAA lần thứ 8 và Hội nghị FIAF lần thứ 60 được tổ chức tại Hà Nội

 

 

 Hội nghị SEAPAVAA lần thứ 16 năm 2012 được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh

 

Đoàn Viện Phim Việt Nam giao lưu với bạn bè quốc tế

tại Hội nghị SEAPVAA lần thứ 21 năm 2017 tại Manila - Philippines

 

     Thực hiện Quyết định số 1565/QĐ - BVHTTDL ngày 14/05/2021 của Bộ VHTTDL, Viện Phim Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị SEAPAVAA lần thứ 25 từ ngày 18 đến 27/6/2021 theo hình thức hỗn hợp (Hội nghị trực tuyến quốc tế và các hoạt động trực tiếp tại Hà Nội), với chủ đề: “Lưu trữ Nghe nhìn trong thời đại đang thay đổi: Thành công, thách thức và những bài học thực tiễn”.

 

NamCuộc họp về kế hoạch tổ chức Hội nghị SEAPAVAA lần thứ 25 tại Đà Nẵng

năm 2019 giữa Ban điều hành SEAPAVAA và Viện Phim Việt 

 

     Từ năm 2019, đại dịch Covid 19 hoành hành trên khắp toàn cầu làm ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi mặt hoạt động đời sống, sinh hoạt và xã hội của hầu khắp các quốc gia trên thế giới. Theo kế hoạch ban đầu được thống nhất giữa Ban điều hành của Hiệp hội và Viện Phim Việt Nam, Hội nghị SEAPAVAA lần thứ 25 sẽ được tổ chức vào giữa năm 2020 tại Đà Nẵng. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh vượt kiểm soát của một số quốc gia, nên việc tổ chức Hội nghị tại Việt Nam được quyết định chuyển sang năm 2021. Trong đó, chương trình trực tuyến bao gồm Khai mạc Hội nghị (23/6/2021) và Chương trình nghị sự (Từ 23 - 25/6/2021); Chương trình trực tiếp bao gồm các hoạt động tại Việt Nam trong khuôn khổ của Hội nghị sẽ là Hội thảo “Công tác lưu trữ, bảo quản, số hóa, phục chế phim nhựa trong thời kỳ cách mạng khoa học công nghệ 4.0” (22/6/2021); Chương trình phim Việt Nam chào mừng Hội nghị (26 - 27/6/2021); Triển lãm “Di sản tư liệu hình ảnh động trong quáng bá du lịch Việt Nam (18 - 25/6/2021). Tất cả các hoạt động trên được thực hiện tại cơ sở của Viện Phim Việt Nam – 523 Kim Mã – Ba Đình – Hà Nội.

 

     Việc tổ chức Hội nghị SEAPAVAA lần thứ 25 của Viện Phim Việt Nam năm nay, ngoài cố gắng của Ban Điều hành Hiệp hội và Viện, còn đánh dấu một bối cảnh đặc biệt khi lần đầu tiên trong lịch sử SEAPAVAA có một Hội nghị trực tuyến được tổ chức giữa tình hình đại dịch Covid tại các nước Đông Nam Á đang rất nóng bỏng. Viện phim đăng cai Hội nghị lần thứ 25 là thực hiện nghĩa vụ quốc tế đối với các tổ chức được Chính phủ cho phép Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham gia, tuân thủ các Điều lệ của Hiệp hội; khẳng định nỗ lực của Việt Nam đối với những cam kết, đóng góp cho các hoạt động của Hiệp hội SEAPAVAA trong tình hình khó khăn giữa đại dịch.Tùy diễn biến của dịch bệnh Covid 19, trong thời gian diễn ra Hội nghị, các chương trình trực tiếp sẽ được thực hiện hoặc hủy bỏ. Trong trường hợp được tổ chức, các hoạt động này của Hội nghị sẽ được đảm bảo yêu cầu phòng dịch, an toàn, hiệu quả.

                                                                        Bài: Tạ Hoàng Anh

                                                                 Ảnh: Tư liệu Viện Phim Việt Nam