Với tinh thần hợp tác quốc tế, trân trọng lịch sử và thực hiện chức năng chính của Viện là nghiên cứu và phổ biến tư liệu lưu trữ, Viện đã xây dựng Đề án Việt nam trong phim của Joris Ivens – Lương tri điện ảnh tài liệu và thông điệp hòa bình và lên kế hoạch tổ chức Hội thảo về Joris Ivens vào năm 2018. Được biết bà Nguyễn Thị Xuân Phượng là người cộng sự của Joris Ivens trong những năm ông làm phim tại Việt Nam, Viện Phim Việt Nam đã có buổi gặp gỡ để chia sẻ những kỷ niệm của bà dành cho nhà quay phim, và mời bà là nhân vật chính cho Đề án nghiên cứu và Hội thảo trong năm 2018.

Description: F:Mai HCTHIMG_0765.jpg

Bà Xuân Phượng ( người ngồi giữa) tại phòng tranh Lotus Gallery

– nơi bà vẫn đang điều hành công việc kinh doanh ở tuổi 89

Chúng tôi đến thăm Bà vào một buổi chiều Sài Gòn mưa tầm tã. Người phụ nữ 89 tuổi khiến người ta phải ngỡ ngàng bởi ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng vẫn minh mẫn, phong độ với giọng nói vang, trong trẻo, điều hành một phòng tranh nổi tiếng giữa trung tâm Sài Gòn.                        

 

Từ một cô gái hoàng tộc

Bà Nguyễn Thị Xuân Phượng sinh năm 1929 trong một gia đình hoàng tộc Huế. Suốt gần 10 năm học phổ thông bà theo học ở trường Tây trên Đà Lạt với các giáo viên người Pháp. Bà từ bỏ cuộc sống hoàng cung lúc 16 tuổi để đi theo cách mạng, theo tiếng gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch. Ngày ra đi, tài sản của bà chỉ có 1 đôi dép sandal, 1 bộ quần áo… Bà nói “ra đi kháng chiến đúng là vô sản, còn cuộc sống hoàng tộc là tư sản”.

 

… Đến “Người đẹp thuốc nổ”

 

Năm 1947 bà là người nữ duy nhất được Bộ Quốc phòng tuyển vào Nha Nghiên cứu Kỹ thuật Bộ Quốc phòng vì bà biết tiếng Pháp. Vào lúc cách mạng đang thiếu vũ khí, cần phải chế tạo thuốc nổ, nhóm kỹ thuật viên đã dựa vào công thức chế tạo thuốc nổ của Pháp mà bà là nhóm trưởng để mỗi ngày làm ra mấy kilo thuốc nổ. “Tôi đọc sách Pháp, hình dung trong đầu tưởng rằng dễ dàng, nhưng khi bắt tay vào làm mới thấy được sự nguy hiểm, xác suất nổ rất cao, chỉ sơ sẩy một chút là người chế tạo sẽ đi theo đống thuốc nổ…” Năm 1948 bà được nhận Huân chương Sao vàng cho khả năng sáng chế ra loại súng không giật, một loại súng mang lại hiệu quả cao trong chiến tranh chống Mỹ.

 

…Bác sĩ, Phiên dịch viên trên hành trình Nam tiến

Năm 1954 sau chiến thắng Điện Biên Phủ, bà được cử đi học y sĩ cao cấp và về vừa làm bác sĩ của Bộ Y tế, vừa làm phiên dịch cho Ủy ban Liên lạc Văn hoá với nước ngoài (Bộ Ngoại giao). Nhờ đó mà bà được tiếp xúc nhiều với các nguyên thủ quốc gia và các nhà báo nước ngoài, một tiền đề cho sự nghiệp của bà về sau.

Năm 1967, hai vợ chồng nhà làm phim người Hà Lan là ông Joris Ivens và bà Marceline Loridan  được chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mời sang để đưa tin về cuộc chiến tranh Việt Nam tại nơi chiến trường ác liệt nhất, đó là Vĩnh Linh, Quảng Trị. Bà và một số người phụ trách Xưởng Phim Thời sự Hà Nội đã được  Bác Hồ mời lên để giúp đỡ “Những chiến sĩ điện ảnh cách mạng” (cách gọi Joris Ivens và Marceline Loridan của Bác). Ngày 25/4, ba chiếc xe chỉ huy rời Hà Nội với một đoàn gồm 11 người - Ivens, Loridan, bác sĩ – phiên dịch viên Xuân Phượng, hai nhà quay phim Đào Lê Bình và Nguyễn Quang Tuấn, Phi Hương - trưởng đoàn, Tố Hữu - người chịu trách nhiệm an ninh cho đoàn, Dương - người lo công việc tổ chức,  và ba lái xe,  tiến về  huyện Vĩnh Linh, cách  Hà Nội 500 km về phía Nam mở đầu cuộc hành trình sản xuất bộ phim Vĩ tuyến 17 – Chiến tranh nhân dân.

 

Bà Xuân Phượng cùng đoàn làm phim Vĩ tuyến 17

 

Nhà quay phim chiến trường với những thước phim đầu tiên đổi bằng máu và nước mắt

 

Trong cuộc hành trình làm bộ phim Vĩ tuyến 17, đạo diễn Joris Ivens chính là người đã truyền cảm hứng cho bà để trở thành nhà quay phim chiến trường. “Là bác sĩ thì nhiều nhưng để là một nữ phóng viên tài liệu chiến trường thì rất hiếm. Quá trình làm việc cùng nhau tôi thấy em rất có khả năng, vậy theo tôi em nên làm phóng viên chiến trường” Ivens đã nói với bà. Bà đã suy nghĩ rất nhiều rằng có nên nghe theo lời Ivens khi mà bà đang có công việc ổn định, lương cao. Nếu chuyển sang làm phóng viên chiến trường là trở về lương khởi điểm. Nhưng nhìn thấy dân mình ngày nào cũng bị Mỹ đánh bom, cần phải có người xông pha vào trận tuyến để phản ánh, cho quốc tế biết tội ác của đế quốc Mỹ… Bà đã quyết định chuyển việc.  “Tôi cần phải nói là chuyến đi đến vĩ tuyến 17 đã in đậm dấu ấn trong tôi. Tôi đã đi đến rất nhiều nơi ở miền Bắc Việt Nam với nhiều đoàn đại biểu khác nhau. Tôi đã chứng kiến rất nhiều thứ, và học được rất nhiều điều. Nhưng chuyến đi Vĩnh Linh không giống như vậy. Cùng với Ông bà Ivens, tôi đã học được nhiều điều và cũng trưởng thành hơn. Và tôi đã nhận ra rằng làm nghệ thuật trong điện ảnh không hề dễ dàng . Nhưng nó lại rất thú vị, cần thiết và sáng tạo. Ông bà đã giúp tôi hiểu sâu hơn cuộc sống của chính nhân dân mình. Đó là chủ nghĩa anh hùng dân tộc được thể hiện qua những sự viêc hàng ngày của mỗi người dân Việt.” 

Bà nhớ gần như hết những kỷ niệm trong suốt hai tháng quay bộ phim Vĩ tuyến 17, mà những ký ức đó được Marceline Loridan và Joris Ivens viết trong cuốn tự truyện Hai tháng dưới lòng đất. Theo phong cách làm phim của Ivens, bao giờ mở đầu một bộ phim cũng là cảnh quay cây cầu, dòng sông, bến nước như là một cách để ông nhớ về quê mẹ, bởi vì nơi Ivens sinh ra là thành phố Nijmegen (Hà Lan), ở đó có hình ảnh cây cầu bắc qua dòng sông.  “Mở đầu cho bộ phim Vĩ tuyến 17, Ivens cần một góc quay đặc biệt để thấy lá cờ đỏ sao vàng phủ bóng bờ Nam Hiền Lương. Trong khi chúng tôi đang hướng theo Ivens phải leo lên cột cờ ở bờ Bắc thì một tiếng nổ lớn vang lên. Tôi thấy trời đất tối sầm, và bất tỉnh. Khi tỉnh dậy, thấy đạo diễn Ivens mặt mũi đem sạm, tóc bị cháy rụi nhưng ông vẫn còn tỉnh táo để hỏi “Chiếc máy quay phim của tôi đâu?”, tôi thấy nhẹ lòng mặc dù trên mặt mình bê bết máu.”

 

Bà Xuân Phượng bên chiếc máy quay của Joris Ivens trong hành trình làm phim Vĩ tuyến 17

 

Cuộc hạnh ngộ đầy xúc động sau 40 năm…

Năm 2007, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện bộ phim Trở lại Vĩnh Linh sau 40 năm. Phim do chính con trai bà là đạo diễn Nguyễn Phước làm đạo diễn. Bà đã cùng đoàn làm phim quay về Vĩnh Linh, và có được cuộc hạnh ngộ ngoài sức tưởng tượng. Sau 4 ngày họ đã tìm lại được “Cậu bé Đức” ngày nào trong phim Vĩ tuyến 17. Đó là một sự may mắn khiến cuộc sống thêm ý nghĩa…

Bà Xuân Phượng (thứ 2 từ phải sang) cùng Joris Ivens và các nữ du kích Vĩnh Linh

 

Những kỷ niệm chưa bao giờ nguôi…

Mang đến cuộc gặp gỡ với bà là những tài liệu do Viện Lưu trữ Joris Ivens Hà Lan trao tặng Viện Phim Việt Nam để làm tài liệu nghiên cứu về những đóng góp của Joris Ivens cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Một lần nữa, ký ức lại ùa về… bởi những tư liệu này bà chưa hề được biết đến trong quá trình làm việc cùng Joris Ivens, trong đó bà là nhân vật chính.  Đó là bức thư của Ivens gửi bà Isabelle Blume – Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới về dự án làm một bộ phim tài liệu về Việt Nam (1966), trong đó có nêu rõ bà Xuân Phượng sẽ là trợ lý cho đoàn làm phim, đó là bức thư của nhà làm phim gửi Thủ tướng Phạm Văn Đồng  (năm 1967) đề nghị triệu tập khẩn cấp bà Nguyễn Thị Xuân Phượng vì đã vắng mặt trong cuộc họp quan trọng của đoàn làm phim, là hơn 100 bức ảnh mà chỉ có bà, những đồng nghiệp và nhân dân cùng chung sức làm nên 4 bộ phim tài liệu của Joris Ivens về Việt Nam mới biết được, là cuốn sách Hai tháng dưới lòng đất bằng tiếng Pháp nói về những ký ức khi làm phim Vĩ tuyến 17 của Joris Ivens và Marceline Loridan.

Khi gấp những tập tài liệu này với lời hứa sẽ cố gắng làm điều gì đó có ý nghĩa để đóng góp cho sự nghiệp lưu trữ của hai cơ quan, bà nói “Đây là trách nhiệm cao cả của tôi khi tôi vẫn còn đủ minh mẫn để làm việc. Sứ mệnh kết nối văn hóa  đã chọn bà từ những năm tháng vật lộn với bom đạn cùng các bạn đồng nghiệp quốc tế và theo suốt đến thời bình. Chính điều này đã mang đến cho bà vinh dự được Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh.

 

Description: F:Mai HCTHIMG_0760.jpg

Bức ảnh đen trắng bà Phượng chụp cùng Joris Ivens và Marceline Loridan

 trong thời gian quay bộ phim Vĩ tuyến 17

 

Bài và ảnh: Hoàng Mai