Chiều ngày 23 tháng 12 năm 2019, tại Viện phim Việt Nam đã diễn ra buổi nghiệm thu đề tài cấp cơ sởKhảo sát, xác định giá trị lưu trữ và đánh giá tình trạng kỹ thuật phim tài liệu Việt Nam sản xuất từ năm 1945 đến 1975 trong kho lưu trữ Viện phim Việt Nam, do nhóm thực hiện gồm các cán bộ chuyên môn trong lĩnh vực nghiên cứu, lưu trữ, bảo quản, công nghệ lưu trữ tư liệu hình ảnh động Viện phim Việt Nam thực hiện. Điều hành buổi nghiệm thu là ông Vũ Nguyên Hùng – Q.Viện trưởng, Chủ tịch Hội đồng khoa học, tham gia phản biện có GS.TS Trần Thanh Hiệp – Nguyên Hiệu trưởng trường Đại học sân khấu và điện ảnh Hà Nội, PGS.TS Vũ Thị Phụng – Nguyên Trưởng khoa lưu trữ - Đại học khoa học xã hội và nhân văn, các ủy viên hội đồng và các cán bộ chuyên môn của Viện.
Ông Vũ Nguyên Hùng - Q.Viện trưởng, Chủ tịch Hội đồng khoa học -
Viện phim Việt Namđiều hành buổi nghiệm thu
Viện Phim Việt Nam là một cơ quan lưu trữ hình ảnh động quốc gia được Chính phủ thành lập vào năm 1979. Hiện nay, kho lưu trữ của Viện Phim Việt Nam ở Hà Nội hiện đang lưu trữ 44.570 cuốn phim nhựa các loại với nhiều thể loại trên chất liệu đế Acetate Cellulose và Polyester với các kích cỡ 35mm,16mm, 8mm. Ngoài phim nhựa, Viện còn lưu trữ nhiều băng, đĩa, ổ cứng các loại, đồng thời hàng năm kho phim lưu trữ được bổ sung từ các nguồn phim nộp lưu trữ lưu chiểu; phim sưu tầm từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; phim tư liệu về các sự kiện chính trị, văn hóa xã hội của đất nước do Viện quay... Trong số những bộ phim đang được lưu trữ tại Viện, những thước phim về hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc chiếm số lượng khá lớn và là những thước phim thường xuyên được khai thác phục vụ cho công tác khai thác phổ biến để tuyên truyền giáo dục và dùng làm tư liệu cho việc làm phim của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước.
Trong quá trình thực hiện các công tác chuyên môn nghiệp vụ, nhóm cán bộ nghiên cứu nhận thấy những bộ phim tài liệu được sản xuất trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của điện ảnh Việt Nam là những bộ phim được thường xuyên sử dụng với tần suất nhiều hơn so với các tác phẩm tài liệu các thời kỳ khác. Bởi vậy, sau nhiều lần khai thác và sự tác động của môi trường xung quanh theo thời gian, những bộ phim này có nguy cơ bị suy giảm về chất lượng kỹ thuật và hình ảnh. Với mục tiêu khảo sát, phân loại, xác định giá trị lưu trữ, nội dung và đánh giá tình trạng kỹ thuật của những bộ phim tài liệu Việt Nam được sản xuất từ 1945 đến 1975 hiện đang được lưu trữ tại Viện Phim Việt Nam, nhóm đã tiến hành khảo sát toàn bộ những bộ phim tài liệu Việt Nam được sản xuất trong giai đoạn 1945 – 1975. Trong đó, phân loại các bộ phim theo thời gian và chủ đề, xác định giá trị nội dung và giá trị lưu trữ của các bộ phim, đánh giá tình trạng kỹ thuật từng bộ phim.
Qua việc thống kê, phân loại và xác định giá trị lưu trữ những bộ phim tài liệu Việt Nam đang được lưu trữ tại Viện một cách khoa học và có hệ thống, nhóm thực hiện đề xuất lập những kế hoạch bảo quản, phổ biến các tác phẩm điện ảnh tài liệu hiện đang được lưu trữ tại Kho phim của Viện một cách hiệu quả trong thời kỳ mới. Đề tài cũng hỗ trợ việc tra cứu cho công tác chuyên môn nghiệp vụ của Viện, cũng như những người quan tâm đến điện ảnh Việt Nam.
Nhóm thực hiện báo cáo kết quả của Đề tài Khảo sát, xác định giá trị lưu trữ và đánh giá
tình trạng kỹ thuật phim tài liệu Việt Nam sản xuất từ năm 1945 đến 1975
trong kho lưu trữ Viện phim Việt Nam
Đề tài đã nhận được sự quan tâm, đồng thuận trong việc đánh giá chất lượng từ các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu. GS.TS Trần Thanh Hiệp đã nhận xét: Đây là một Đề tài rất tốt, có tính thực tiễn và ứng dụng cao. Nhóm thực hiện đã thể hiện sự công phu, hiểu sâu sắc, nắm chắc vấn đề cần nghiên cứu, đó là tư liệu hình ảnh động, - một di sản văn hóa quý hiếm của dân tộc cần được bảo quản trong tình trạng tốt nhất cùng các phương án xử lý trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, theo tôi các bạn nên bổ sung nguồn gốc các tư liệu Viện đang lưu trữ, do nguồn tư liệu được rất nhiều cơ sở thực hiện như Hãng tài liệu khoa học trung ương, Bộ đội Biên phòng, Điện ảnh quân đội, Bộ Giao thông vận tải…thì sẽ đầy đủ hơn. Thêm vào đó, nên đưa các yếu tố khó khăn trong tình trạng lưu trữ hình ảnh động thời hiện đại, khi mà việc cần phải số hóa đồng bộ với nguồn đầu tư lớn của nhà nước trong việc chạy đua với thời gian để lưu trữ tư liệu hình ảnh động trong điều kiện tốt nhất đang ngày một gấp rút. Các bạn cũng nên xem xét tìm nguồn phim bổ sung từ các phim nước ngoài làm về Việt Nam, đây là một kênh sưu tầm phong phú và hấp dẫn, cho ta cái nhìn đa chiều trong sưu tầm tư liệu điện ảnh.
GS.TS Trần Thanh Hiệp phát biểu phản biện tại buổi nghiệm thu
PGS.TS Vũ Thị Phụng đánh giá: Tôi đồng ý quan điểm đây là một đề tài có tính thực tiễn cao, các tác giả đã lựa chọn phương pháp nghiên cứu hiệu quả đó là khảo sát thực tế, thống kê, so sánh.Tôi đặc biệt thích phần đề xuất trong đó việc đề xuấtquay bổ sung tư liệu mới các Đề án có tính vấn đề, hoặc mang tính bảo tồn nét văn hóa, sinh hoạt của xã hội đang dần đổi thay hoặc biến mất (ví dụ sự tồn tại của các chợ truyền thống bên cạnh các trung tâm thương mại, siêu thị; hệ thống chùa chiền cổ, quy mô nhỏ đối lập với chùa chiền được tôn tạo ngày càng bề thế, đầu tư; tình hình xây dựng các tòa nhà cao tầng, các cầu vượt, sự biến đổi của bộ mặt đô thị thành phố, sự phát triển của nông thôn…là rất hấp dẫn. Nếu các bạn phát triển phần Đề xuất thành một chương thì tầm vóc của Đề tài sẽ lớn hơn rất nhiều, thêm vào đó nên bổ sung thêm các mục tiêu thực hiện và chỉnh sửa tên đề tài cho sát thực hơn.
Kết thúc buổi nghiệm thu, Chủ tịch Hội đồng Vũ Nguyên Hùng đã tổng hợp các ý kiến nhận xét: Qua theo dõi các phần việc chuyên môn mà nhóm thực hiện đã công bố, tôi đánh giá đây là một đề tài rất tốt đã bám sát các công việc chuyên môn của nhiều phòng ban chức năng quan trọng của Viện như: Bảo quản, lưu trữ, nghiên cứu, công nghệ số hóa tư liệu hình ảnh động. Viện cũng sẽ xem xét các đề xuất có tính khả thi mà đề tài đã đưa ra để lựa chọn những ý tưởng hay, sát thực tế cho việc mở rộng nghiên cứu các vấn đề mới trong điều kiệu lưu trữ của thời kỳ mới.
Các thành viên Hội đồng nghiệm thu Viện phim Việt Nam 100% đã nhất trí bổ phiếu: Đề tài có chất lượng tốt.
Bài: Hoàng Anh
Ảnh: Minh Tuấn