Vào tối ngày 28/4/2025, hàng ngàn khán giả địa phương cùng du khách nước ngoài đã có buổi giao lưu thú vị với đoàn làm phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” và xem một số phim tài liệu lịch sử được chiếu giới thiệu tại không gian Phố đi bộ Nguyễn Huệ, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Đây cũng là nội dung chương trình nằm trong chuỗi hoạt động Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), do Viện Phim Việt Nam phố hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.

Thú vị cùng những câu chuyện giao lưu của đoàn làm phim...

Không khí buổi giao lưu đã sôi nổi ngay từ đầu với sự tham gia của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, Nghệ sĩ Ưu tú Cao Minh, nhà sản xuất Nguyễn Trí Viễn, cùng “lực lượng” diễn viên khá hùng hậu: Hồ Thu Anh, Hoàng Minh Triết, Anh Tú Wilson, Nhật Ý, Khánh Ly, A Tới...Hàng loạt câu hỏi từ khán giả mong muốn được biết thêm về những câu chuyện phía sau hậu trường, những khó khăn về điều kiện không gian, khí hậu, khí tài quân sự... khi thực hiện các bối cảnh quay phim chiến tranh... đã được các nghệ sĩ đoàn làm phim hào hứng, nhiệt tình chia sẻ.

Sau gần 4 tuần công chiếu “Địa đạo: Mặt trời ​trong bóng tối” đã tạo được tiếng vang lớn với công chúng, đặc biệt là khán giả trẻ, bởi tính hiện thực chiến tranh và nhân văn sâu sắc. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, người giữ vai trò sáng tạo nghệ thuật quan trọng nhất của phim cho biết: Ông phải mất hơn 10 năm ròng rã mới có thể đưa được những câu chuyện chiến tranh khốc liệt, bi hùng, đậm tính sử thi của đất và người Củ Chi từ ý tưởng lên màn ảnh. Đây là dự án điện ảnh kỷ niệm 50 năm đất nước hòa bình, thống nhất, cũng là “những trang sách sống động” để công chúng trong và ngoài nước hiểu hơn về lịch sử chiến tranh cách mạng, chiến tranh du kích của người dân Củ Chi  “đất thép thành đồng”.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên (ngoài cùng bên phải) trong buổi giao lưu

Bên cạnh lời tâm tình về vai diễn ấn tượng trong phim của các diễn viên, một điều hết sức thú vị tại buổi giao lưu là Nghệ sĩ Ưu tú Cao Minh đã ngẫu hứng cất giọng hát tặng những tình khúc một thời hoa lửa bi tráng và ngọt ngào giữa những tràng pháo tay kéo dài không ngưng của khán giả.

Nghệ sĩ Ưu tú Cao Minh ngẫu hứng hát tặng khán giả trong buổi giao lưu

…Hào hứng với những thước phim tài liệu lịch sử vô giá

Ngay sau phần giao lưu với đoàn làm phim, 2 phim tài liệu của Việt Nam và Thụy Điển về đề tài chiến thắng 30/4/1975 đã lần lượt trình chiếu phục vụ khán giả.

Phim tài liệu “Chiến thắng của Việt Nam” (Vietnam Victory), do đạo diễn người Thụy Điển Bo Öhlén thực hiện và vừa được Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam trân trọng trao trao tặng lại cho Viện Phim Việt Nam lưu trữ và phổ biến rộng rãi. Phim là một tài liệu lịch sử quý, ghi lại những sự kiện quan trọng ngày 30/4/1975 tại Thụy Điển, khi hàng chục nghìn người dân quốc gia Bắc Âu xuống đường phố Thủ đô Stockholm tuần hành, thể hiện niềm vui mừng, tinh thần đoàn kết quốc tế cao đẹp ngay đúng vào thời khắc Việt Nam giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Khán giả Ngọc Thiên (60 tuổi, Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ sau khi xem phim: “Tôi rất xúc động với hình ảnh những người dân yêu chuộng hòa bình ở Thụy Điển cùng hát vang bài hát Tiến quân ca, Giải phóng miền Nam bằng tiếng Thụy Điển, điều đó thể hiện tinh thần kề vai sát cánh của lực lượng yêu chuộng hòa bình thế giới với nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của đất nước. Tôi cũng rất mong những tư liệu quý như thế này sẽ tiếp tục được phổ biến rộng rãi trên các kênh truyền thông, như một cách truyền cảm hứng cho các thế hệ mai sau”.

Khán giả xem phim tài liệu “Chiến thắng của Việt Nam” (Vietnam Victory)

Phim tài liệu “Thành phố lúc rạng đông” đạo diễn Hải Ninh - Nguyễn Khánh Dư do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất năm 1975. Không mô tả chiến dịch, những trận đánh cụ thể,  “Thành phố lúc rạng đông” như một câu chuyện kể, hồi tưởng dung dị của những chiến sỹ giải phóng quân về miền Nam cách đây 50 năm. Đó là niềm vui vô bờ bến của nhân dân Sài Gòn - Gia Định trong những giây phút lịch sử của chiến thắng 30/4/1975. Đó là sự tàn khốc của cuộc chiến mà Mỹ và chế độ ngụy quyền Sài Gòn gây ra với bao hậu quả còn đó. Những hình ảnh về Sài Gòn sau ngày giải phóng tươi trẻ bừng lên với những con người mới làm chủ vận mệnh. “Thành phố lúc rạng đông” được ví như chân dung của nền “điện ảnh sự thật”. Rạng đông như sự mở đầu của một ngày mới, một thời đại mới, một trang lịch sử mới với đầy hàm ý về thời cuộc. Phim đã đạt 2 giải thưởng Bông Sen Vàng tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ IV – 1977 và giải thưởng Bồ câu Vàng tại Liên hoan Phim Quốc tế Leipzig (Cộng hòa Dân chủ Đức cũ) năm 1975.

Áp-phích phim tài liệu “Thành phố lúc rạng đông”

Nghệ sĩ Ưu tú Cao Minh sau khi giao lưu, đã nán lại đến hết buổi để cùng xem phim với khán giả. Ông bộc bạch: “Rất khó tả cảm xúc của tôi lúc này khi được xem những thước phim tài liệu vô cùng quý giá được ghi lại cách đây đúng 50 năm, ngay tại thành phố này, ngay trong những ngày tháng lịch sử này. Cảm ơn những nhà làm phim Việt Nam và quốc tế đã kịp ghi lại những khoảnh khắc rất thiêng liêng dân tộc của chúng ta qua những thước phim vàng. Tôi mong, những thước phim này sẽ tiếp tục được lan tỏa đến nhiều người, ở nhiều không gian công cộng hơn nữa”.

Khán giả xem phim tài liệu “Thành phố lúc rạng đông”

Diễn ra liên tục trong nhiều ngày qua cùng với các hoạt động sôi nổi khác, những tác phẩm điện ảnh cách mạng Việt Nam tiêu biểu và bộ phim tài liệu lịch sử của Thụy Điển được giới thiệu trong Chương trình chiếu phim công cộng đã góp thêm sắc màu ý nghĩa, để các sự kiện văn hóa, điện ảnh do Viện Phim Việt Nam phối hợp cùng Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, thật sự là điểm nhấn quan trọng, nổi bật trong chuỗi các hoạt động văn hóa, thể thao hưởng ứng chào mừng Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)./.

 

Bài và ảnh: Khôi Nguyên