Trong khuôn khổ Đề án Sưu tầm, Nghiên cứu và Phổ biến tư liệu phim về Việt Nam của nhà làm phim Joris Iven, ngày 22, 23 tháng 11 năm 2018 tại Hà Nội, Viện phim Việt Nam kết hợp với Viện Joris Ivens đã tổ chức Hội thảo quốc tế Joris Ivens và cuộc chiến tranh Việt Nam – Nhìn lại lịch sử cho một tương lai tốt đẹp hơn.
Toàn cảnh cuộc Hội thảo Joris Ivens và cuộc chiến tranh Việt Nam– Nhìn lại lịch sử cho một tương lai tốt đẹp hơn
Ông Vũ Nguyên Hùng – Viện trưởng Viện phim Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo
Joris Ivens (1898 – 1989) là người nghệ sĩ điện ảnh tài liệu nổi tiếng của Hà Lan có tầm ảnh hưởng trên thế giới bởi tư tưởng tiến bộ, tầm nhìn vượt thời đại và giàu tính nhân văn, thông qua các bộ phim phóng sự, tài liệu gây ấn tượng sâu sắc được thực hiện tại nhiều quốc gia, nhiều vùng lãnh thổ và châu lục.
Thế kỷ 20 – thế kỷ của những biến động với nhiều cuộc chiến tranh quy mô lớn, lôi kéo sự tham gia của hầu hết các cường quốc như trong Thế chiến thế giới lần thứ I,II, các cuộc chiến tranh lạnh, nội chiến, các cuộc chiến giành độc lập của các quốc gia thuộc địa… Và trong bối cảnh ấy, Joris Ivens luôn xuất hiện ở những vùng chiến sự nóng bỏng và mang tính thời sự nhất, với phong cách làm phim kiểu “Cinema direct” (Điện ảnh trực diện,) kịp thời thể hiện quan điểm và tư tưởng yêu hòa bình, đứng về phía nhân dân lao động, chống chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc, cống hiến trọn vẹn cuộc đời nghệ thuật của người chiến sĩ điện ảnh Cách mạng chân chính cho nhân loại.
Bà Elsbeth Akkerman – Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Trong giai đoạn từ 1965 đến năm 1969, Joris Ivens đã có mặt tại miền Bắc Việt Nam. Chứng kiến cuộc chiến đấu quyết liệt và gian khổ của nhân dân Việt Nam chống lại sự oanh tạc, tàn khốc của quân đội Mỹ, Joris Ivens lần lượt thực hiện bốn bộ phim về Việt Nam. Đó là phim Bầu trời, Mặt đất (Le Ciel, La Terre - 1965), Vĩ tuyến 17 – chiến tranh nhân dân (17e Parallèle - quay tại tuyến lửa Vĩnh Linh trong năm 1967), Việt Nam xa xôi sản xuất năm 1967, do Chris Marker khởi xướng và biên tập, là sự kết hợp tuyệt vời giữa các nhà làm phim Jean - Luc Godard, Joris Ivens, William Klein, Claude Lelouch, Agnes Varda và Alain Resnais, nhằm phản đối sự tham gia quân sự của Mỹ tại Việt Nam. Bộ phim đáng chú ý và có giá trị tư liệu đặc biệt của Joris Ivens thực hiện tại Việt Nam năm 1969 là Đàm thoại với Chủ tịch Hồ Chí Minh (nguyên bản tiếng Pháp Recontre avec Ie Président Hồ Chí Minh). Đây được coi như bộ phim cuối cùng của điện ảnh nước ngoài đã thu hình và ghi âm cuộc đối thoại, trao đổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các chiến sĩ quân đội miền Bắc Việt Nam, miền Nam Việt Nam và Mặt trận giải phóng dân tộc tại Hà Nội.
Tháng 5 năm 1968, vì sự đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam cùng thành công của bộ phim Vĩ tuyến 17- chiến tranh nhân dân ở nhiều nước Âu - Mỹ…đạo diễn Joris Ivens đã được trao giải thưởng Hòa bình Quốc tế Lênin. Và người nghệ sĩ tài hoa này đã sử dụng số tiền thưởng để sản xuất một số phim về kháng chiến ở Châu Mỹ - Latin.
Bà Nguyễn Thị Xuân Phượng – bác sĩ, người phiên dịch cho Joris Ivens trong chuyến làm phim tại Vĩnh Linh
Tới dự cuộc Hội thảo có sự hiện diện của bà Trịnh Thị Thủy - Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du Lịch, bà Elsbeth Akkerman – Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam, ông Vũ Nguyên Hùng - Viện trưởng Viện phim Việt Nam, ông Andre Stufkens- Viện trưởng Viện Joris Iven, ông Adrian Spijkers – Điều phối viên các tổ chức hữu nghị Hà Lan – Việt Nam, Đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh, Đạo diễn - NSND Bùi Đình Hạc – Bà Nguyễn Thị Xuân Phượng –một nhân chứng sống, bác sĩ, người phiên dịch của Joris Iven trong chuyến làm phim Vĩ tuyến 17 chiến tranh nhân dân tại Vĩnh Linh, cậu bé Phạm Công Đức – nhân vật trong phim Vĩ tuyến 17 chiến tranh nhân dân, cùng nhiều nhà làm phim tài liệu trong nước, các học giả đến từ các nước Canada, Australia, Mỹ, Hà Lan, Việt Nam… các nhà nghiên cứu, nhà báo, các sinh viên trường nghệ thuật tại Hà Nội.
Ông Andre Stufkens- Viện trưởng Viện Joris Iven, thuyết trình tại Hội thảo
Các thuyết trình và tham luận nghiên cứu về phong cách làm phim và tầm ảnh hưởng của Joris Ivens tại các quốc gia ông đặt chân đến, từ các học giả Canada, Australia, Mỹ, Hà Lan, Việt Nam,… cũng như những chia sẻ, cảm xúc của những nhân chứng sống trong Hội thảo đã thực sự thu hút sự quan tâm, chú ý của người yêu điện ảnh và truyền thông Việt Nam. Đây là những cố gắng rất lớn của Viện Phim Việt Nam và Viện Joris Ivens khi thực hiện chương trình ý nghĩa này. Một lần nữa, những ký ức chiến tranh gian khổ, hào hùng của nhân dân Việt Nam lại được ghi dấu qua những hình ảnh chân thực, sống động trong phim của Ivens.
Ấn tượng và nhiều cảm xúc, bà Elsbeth Akkerman – Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam đã nói: “Joris Ivens là một nhà làm phim có vai trò rất đặc biệt khi là người đầu tiên giúp chúng tôi biết về Việt Nam của những năm 1960 – 1970. Ông đã mang đến thông điệp về tình bạn, tình người, tình đoàn kết và những tác phẩm điện ảnh của ông đã góp phần đặt nền móng cho mối quan hệ Việt Nam – Hà Lan ngày càng bền vững, tốt đẹp”.
Kết thúc cuộc Hội thảo, ông Vũ Nguyên Hùng - Viện trưởng Viện phim Việt Nam đã nhấn mạnh: “Qua Hội thảo Joris Ivens và Cuộc chiến tranh Việt Nam – Nhìn lại lịch sử cho một tương lai tốt đẹp hơn, các diễn giả, các nhà điện ảnh quốc tế và Việt Nam đã chia sẻ những nghiên cứu, phân tích về con người, tác phẩm và quan điểm nghệ thuật của nhà làm phim Joris Ivens. Những đánh giá này có thể khác nhau, nhưng đều đi đến một quan điểm chung: Đó là tính chiến đấu, tính chân thực, tính nhân văn trong các tác phẩm của Joris Ivens. Các thế hệ người Việt Nam đều có chung một cảm xúc: Được chìm vào những ký ức của quá khứ cách đây 50 năm. Đặc biệt bộ phim Marceline, một phụ nữ, một thế kỷ của đạo diễn người Đức Cordelia Drovak (vừa được công chiếu tại Amsterdam) đã mang lại không khí mới mẻ, thể hiện sự quan tâm của đồng nghiệp quốc tế dành cho cuộc Hội thảo.Viện Phim Việt Nam cùng Viện Joris Ivens sẽ cố gắng hơn nữa để lưu giữ, lan tỏa sức sống từ những tác phẩm của Joris Ivens và Marceline, góp phần xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn”.
Bài: Hoàng Anh
Ảnh: Vũ Hưng