Sáng ngày 22 tháng 1 năm 2021, đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã tới thăm và làm việc với Viện Phim Việt Nam để lấy ý kiến về việc sửa đổi và thi hành Luật Điện ảnh tại thành phố Hà Nội. Đoàn khảo sát do đồng chí Hoàng Thị Hoa – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội làm trưởng đoàn cùng các đồng chí: Tạ Văn Hạ - Ủy viên thường trực Ủy ban; đồng chí Nguyễn Quốc Hưng - Ủy viên thường trực Ủy ban; đồng chí Đỗ Quốc Việt – Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh; đồng chí Đặng Xuân Hải – Nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam; đồng chí Nguyễn Thị Sáu – Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng….cùng các chuyên viên từ Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Văn phòng Quốc hội và cán bộ lãnh đạo, trưởng các phòng ban của Viện Phim Việt Nam.
Toàn cảnh cuộc thăm và làm việc của Đoàn khảo sát tại Viện Phim Việt Nam
Được Quốc hội khóa XI thông qua từ năm 2006 và bổ sung sửa đổi năm 2009, Luật Điện ảnh trong 15 năm qua đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước tới sự phát triển của điện ảnh dân tộc, tạo cơ sở pháp lý phát triển điện ảnh Việt Nam theo hướng tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập của điện ảnh nước nhà. Tuy nhiên, trước sự vận động của đời sống xã hội cùng sự bùng nổ của khoa học, kỹ thuật, công nghệ thông tin, kỹ thuật số, Luật Điện ảnh đã có nhiều điểm không còn phù hợp với thực tế và xu hướng thời đại. Đặc biệt, thời điểm hiện nay, công nghệ điện ảnh không còn đơn thuần được thực hiện trên chất liệu phim nhựa như những năm trước mà chuyển đổi nhanh chóng bằng công nghệ số, kéo theo toàn bộ quy trình từ sản xuất, phổ biến, phát hành và lưu trữ phim đòi hỏi phải thay thế bằng các định dạng phù hợp.
Nằm trong số các đơn vị được khảo sát trong lĩnh vực lưu trữ hình ảnh động, Viện phim Việt Nam là cơ quan lưu trữ hàng đầu quốc gia, nơi đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội lựa chọn lấy ý kiến khảo sát, sửa đổi Luật Điện ảnh lĩnh vực lưu trữ phim.
Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên
và Nhi đồng của Quốc hội
Trong buổi làm việc với Viện Phim Việt Nam, bà Hoàng Thị Hoa đã nhấn mạnh những thay đổi trong Luật Điện ảnh lần này (được Quốc hội thông qua vào tháng 5 năm 2022) sẽ đáp ứng mục tiêu thúc đẩy điện ảnh Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đặc biệt phải cập nhật kịp thời với công nghệ hiện đại khi các hoạt động điện ảnh gắn bó chặt chẽ với công nghệ từ việc sản xuất, hệ thống rạp chiếu, kho lưu trữ hình ảnh động… Bà cũng cho biết đoàn khảo sát đã thực hiện khảo sát ở một số địa phương như Sài Gòn, một số tỉnh phía Nam và đến nay là Hà Nội.
Ngoài ý kiến của bà Hoàng Thị Hoa, các đại biểu tham dự cũng đã nhiệt tình trao đổi với cán bộ chuyên môn của Viện phim Việt Nam các vấn đề xoay quanh lĩnh vực lưu trữ hình ảnh động tại Kho lưu trữ của Viện, việc số hóa phim cũng như thay đổi định dạng phù hợp, vấn đề hồi hương, mua sưu tầm phim và cơ chế hoạt động đối với phim sưu tầm, việc nghiên cứu điện ảnh và mở rộng chức năng của Viện, vấn đề nộp lưu chiểu phim của các hãng phim tư nhân…
Ông Nguyễn Huy Hoàng – Phó Viện trưởng Viện Phim Việt Nam
trình bày Báo cáo công tác chuyên môn
Bà Hoàng Thị Hoa – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên,
Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội
Kết thúc buổi làm việc, bà Hoàng Thị Hoa cũng đã tổng kết các vấn đề Viện Phim Việt Nam đề xuất và nhất trí, trong đó nhấn mạnh sẽ đề đạt lên Quốc hội việc số hóa tư liệu hình ảnh động đang lưu trữ là mục tiêu cần được quan tâm thỏa đáng, thúc đẩy sớm nhất với nhiệm vụ bảo toàn kho lưu trữ quốc gia một cách dài lâu và hiệu quả. Nộp bản phim lưu chiểu của các Hãng phim tư nhân những năm qua cho Viện phim Việt Nam cũng là vấn đề còn gây vướng mắc, khó khăn cho đơn vị khi các bản số phim nộp bị mã hóa do các hãng phim e ngại vấn đề bản quyền. Bà Hoàng Thị Hoa cũng nhận định: Việc nộp lưu chiểu các phim để lưu trữ giống như nộp lưu chiểu sách sau xuất bản, khi cả hai loại hình này đều là các tác phẩm hoàn chỉnh, Nhà nước cần phải quản lý nội dung cũng như cơ chế phổ biến. Chính vì thế, cần phải có chính sách, chế tài phù hợp, để yêu cầu các đơn vị sản xuất phim trong nước thực hiện nghĩa vụ nộp phim cho Viện Phim Việt Nam lưu trữ lâu dài phục vụ nhiệm vụ chính trị.
Bà Hoàng Thị Hoa cùng đoàn Khảo sát thăm Kho lưu trữ tại Viện Phim Việt Nam
Số 523 Kim Mã – Ba Đình – Hà Nội
Cùng trong buổi khảo sát, bà Hoàng Thị Hoa và các đại biểu trong đoàn đã đi thăm Kho lưu trữ hình ảnh động của Viện Phim Việt Nam. Bà ghi nhận những cố gắng, đóng góp trong công tác bảo quản và lưu trữ tư liệu hình ảnh động của Viện Phim Việt Nam nhiều năm qua, sẽ lưu ý các vấn đề vướng mắc trong công tác số hóa tư liệu hiện nay của Viện.
Bà Hoàng Thị Hoa trao đổi nghiệp vụ với các cán bộ Viện Phim Việt Nam
Bài: Hoàng Anh
Ảnh: Vũ Hưng