Tiêu đề của bài viết này là tên của một cuộc hội thảo nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XX tại Đà Nẵng vừa qua. Hội thảo “Con đường đưa điện ảnh ASEAN ra thế giới” là một trong những hoạt động thu hút sự chú ý của đông đảo các nhà làm phim cũng như những người hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh. Có thể nói, Hội thảo này là điểm mới của Liên hoan phim năm nay khi bàn thảo đến vấn đề - giúp kết nối cộng đồng cũng như nền điện ảnh các nước ASEAN, từ đó cùng tìm con đường để đưa điện ảnh ASEAN ra thế giới.
Là một khu vực có số dân đứng thứ 3 trên thế giới, cùng với sự đa dạng về văn hóa, ASEAN đang thực sự là một thị trường điện ảnh đầy tiềm năng và là một điểm đến hết sức hấp dẫn đối với các nhà làm phim trên thế giới. Nhưng hiện tại, điện ảnh các nước Đông Nam Á còn khá mới mẻ với các quốc gia trên thế giới và ngay cả giữa các quốc gia trong khu vực cũng chưa thực sự có nhiều sự giao lưu, kết nối với nhau. Mặt khác, hầu hết thị trường điện ảnh của các nước khu vực Đông Nam Á cũng bị các nước có nền điện ảnh lớn như: Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc chiếm lĩnh thị phần trong việc phát hành. Bởi vậy, Hội thảo lần này cũng như giải thưởng phim ASEAN thực sự là một trong những đóng góp thiết thực để bước đầu cùng nhau tìm ra những giúp kết nối nền điện ảnh của các quốc gia trong khu vực.
Trong phần đầu của Hội thảo, các chuyên gia, các nhà làm công tác quản lý trong lĩnh vực điện ảnh đã có những bài phát biểu về vai trò của điện ảnh trong việc kết nối cộng đồng các nước ASEAN, cùng với những số liệu xác thực để có một cái nhìn tổng quát về điện ảnh khu vực Đông Nam Á. Theo ông Vongthep Arthakaiwalvatee - Phó Tổng thư ký ASEAN thì điện ảnh có một vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN. Bởi điện ảnh có sức lan tỏa và đưa con người đến gần nhau hơn. Con đường hội nhập của ASEAN không thể thành công nếu không đề cập đến bản sắc văn hóa. Các quốc gia ASEAN muốn biết về nhau có thể thông qua các loại hình nghệ thuật trong đó điện ảnh là lĩnh vực nghệ thuật giúp mọi người hiểu nhau một cách dễ dàng và nhanh nhất.
Còn với những kinh nghiệm của mình, ông Miguel Dela Rosa - Giám đốc Quỹ điều hành phim ASEAN, Chủ tịch Hiệp hội Điện ảnh Ba Lan lại chia sẻ một số việc cần thực hiện để xây dựng cộng đồng điện ảnh Asean trên cả ba lĩnh vực: sản xuất, phát hành và quảng bá tác phẩm điện ảnh nhằm tạo sức mạnh vươn ra thế giới. Mỗi quốc gia với thế mạnh khác nhau hoặc về công nghệ hay bối cảnh... nếu cùng hợp tác thực hiện thì sẽ chia sẻ được những khó khăn trong quá trình làm phim, đồng thời có thể giúp tác phẩm điện ảnh có sức lan tỏa lớn hơn. Bên cạnh đó, ông cũng đánh giá cao sáng kiến giải thưởng phim ASEAN của Việt Nam bởi điều này giúp có thêm sự giao lưu học hỏi của các nền điện ảnh trong khu vực. Ông cũng nhấn mạnh đến việc cần phải có thêm những lớp đào tạo điện ảnh cho các nhà làm phim trẻ trong khu vực, những tuần phim ASEAN tại các quốc gia…; cần duy trì sự giao lưu kết nối thường xuyên về lĩnh vực điện ảnh giữa các quốc gia, và cùng nhau quảng bá những tác phẩm điện ảnh của mỗi quốc gia ra thị trường thế giới… Trong bối cảnh khó khăn về nguồn kinh phí thì sự hợp tác giữa các quốc gia sẽ giúp không chỉ chia sẻ về kinh tế mà còn giúp cho điện ảnh các nước ASEAN phát triển và đưa điện ảnh đến gần hơn với đông đảo khán giả trong khu vực và nhiều quốc gia khác.
Những ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực quản lý điện ảnh đến từ nhiều nước đã mang đến hội thảo không chỉ mang đến một bức tranh toàn cảnh về điện ảnh khu vực Đông Nam Á mà còn đưa ra một số hướng phát triển cho điện ảnh các nước ASEAN để cùng nhau hướng tới mục tiêu chung đưa điện ảnh các nước ASEAN ra thế giới.
Các đại biểu đại diện đến từ nhiều quốc gia trình bày tham luận tại Hội thảo
(Từ phải qua: Ông Đỗ Duy Anh – Phó Cục trưởng Cục điện ảnh; Nhà phê bình điện ảnh Philip Cheah - Phó chủ tịch NETPAC,
ông Jacek Bromsky - Chủ tịch Hiệp hội Điện ảnh Ba Lan; ông Miguel Dela Rosa - Giám đốc Quỹ điều hành phim Asean; Đại diện Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC) – ông Yun Ha).
Ở phần tiếp theo của Hội thảo là những chia sẻ một cách thẳng thắn và chân tình những kinh nghiệm thực tế từ việc làm phim và đưa phim ra thế giới các vị khách mời là những đạo diễn trẻ đến từ một số quốc gia đã có những tác phẩm thành công (và có phim tham dự tại LHP Việt Nam lần thứ XX ). Đạo diễn Hồng Ánh đã chia sẻ về kinh nghiệm khi thực hiện phim Đảo của dân ngụ cư (tham gia hạng mục Phim dự thi) – bộ phim này của chị cũng đã nhận được một số giải thưởng tại các liên hoan phim khu vực; Đạo diễn người Indonesia Wicaksono Wisnu Legowo chia sẻ kinh nghiệm khi làm phim Turah (phim đại diện cho Indonesia tham dự Oscar và tham gia hạng mục Giải thưởng Điện ảnh ASEAN); đạo diễn Zuhir Bin Assri của Malaysia chia sẻ kinh nghiệm khi làm bộ phim Trôi dạt (tham gia hạng mục Giải thưởng Điện ảnh ASEAN). Có thể nói, các đạo diễn đều có cùng một quan điểm trong việc sản xuất cũng như đưa được phim ra với thế giới cần phải quan tâm tới những vấn đề:
- Những bộ phim đó cần phải đáp ứng được những yêu cầu kỹ thuật: Để đáp ứng được điều này, hầu như các nhà làm phim đều nhờ cậy đến các chuyên gia có kinh nghiệm từ các nền điện ảnh lớn hơn.
- Đó phải là một tác phẩm có được giá trị nghệ thuật, có tính toàn cầu nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng của từng quốc gia.
- Để những bộ phim mới có thể đến được với các liên hoan phim lớn thì nên bắt đầu tham dự từ các liên hoan phim nhỏ, vì đó sẽ là bước đệm cho những bộ phim mới tại liên hoan phim danh tiếng khác…
Là một am hiểu điện ảnh Đông Nam Á, ông Philip Cheah - Phó Chủ tịch NETPAC - Mạng lưới quảng bá phim châu Á đã bày tỏ sự đồng ý với các ý kiến từ các đạo diễn, ông cũng đã đưa ra những lời khuyên quý báu cho các nhà làm phim và đặc biệt nhấn mạnh đến việc cần chú trọng đến nội dung câu chuyện phim phải có sự đặc sắc, mang dấu ấn văn hóa riêng của mỗi quốc gia và có tầm bao quát lớn; ngoài ra nhất thiết phải đảm bảo kỹ thuật làm phim đáp ứng được tiêu chuẩn mặt bằng chung thế giới. Ông hiểu rằng các nhà làm phim trẻ sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện các sự án nghệ thuật của mình, vì vậy sự hợp tác giữa các nước với nhau sẽ giúp cho quá trình thực hiện bộ phim cũng như việc phát hành phim được thuận lợi hơn.
Một số đạo diễn chia sẻ kinh nghiệm làm phim tại Hội thảo
(Từ phải qua: Nhà phê bình điện ảnh Philip Cheah - Phó Chủ tịch NETPAC, đạo diễn Zuhir Bin Assri (phim Trôi dạt),
đạo diễn Wicaksono Wisnu Legowo (phim Turah) và đạo diễn Hồng Ánh (phim Đảo của dân ngụ cư)
Là một khu vực với sự đa dạng về văn hóa, ngôn ngữ nên việc phát triển điện ảnh của mỗi quốc gia trong khối ASEAN đều có những khó khăn, thách thức riêng. Và con đường để đưa điện ảnh ASEAN ra thế giới sẽ còn là một chặng đường dài phía trước nhưng Hội thảo này và giải thưởng phim ASEAN chính là những động thái tích cực giúp thúc đẩy sự giao lưu, hợp tác giữa các nền điện ảnh trong khu vực. Điều này không chỉ khởi động cho việc hợp tác để cùng nhau đi đến một mục tiêu đưa điện ảnh ASEAN ra thế giới mà còn vì sự phát triển của chính mỗi nền điện ảnh của các quốc gia trong khu vực.
Minh Phương